Thư gửi trước ngày em thi đại học

GN - Ngày mai em chính thức bước vào phòng thi, tối nay anh không mong em lại tất bật với bài vở để rồi cảm giác lo lắng...

Em thương!

Mấy ngày này, sau một ngày hối hả nước rút với bài vở, sách đèn em lại về với tịnh xá, lại đến trước Phật thành kính chắp tay nguyện cầu. Anh thấy vui vì thấy được quyết tâm rất cao của em và hạnh phúc vì lúc nào em đặt trọn niềm tin nơi Tam bảo.

Tất nhiên, cầu nguyện trong Phật giáo khác lắm so với các tôn giáo khác, ý nghĩa cầu nguyện trong Phật giáo rất thiết thực, rất tích cực mà anh không dám chắc rằng em đã hiểu hết.

anh minh hoa gmt.jpg


Niềm hoan hỷ của thí sinh làm được bài thi - Ảnh minh họa

Cầu được hiểu là ước muốn, mong cầu thành tựu một điều gì đó mà tự thân chúng ta chúng ta cảm giác không đủ khả năng hiện thực hóa ước mong ấy. Chúng ta cần một sự giúp đỡ, một sự trợ duyên từ bên ngoài để mong ước của ta thành hiện thực.

Đức Phật không chỉ nói tha lực mà thôi. Tha lực không phải là duy nhất, không phải là tất cả.

Đức Phật dạy: “Con người là chủ nhân của nghiệp…”. Nghiệp là hành động có tác ý, là động cơ tạo nên tiến trình nhân quả. Em ước mơ thi đậu đại học đó là nhân. Tuy nhiên, em không học tập, không rèn luyện… mà chỉ có cầu nguyện suông và mong rằng mình sẽ đậu đại học thì chuyện đó không bao giờ xảy ra. Kết quả chắc chắn là em sẽ không bao giờ bước vào được giảng đường đại học.

Cầu nguyện

Tiếng Pāli là “patthanā”, có nghĩa là nguyện ước, mong cầu, là một trạng thái tâm lý mong mỏi một điều gì đó sẽ được thực hiện, sẽ được thành tựu hay diễn ra theo chủ ý của người mong đợi. Nó phản ánh một thái độ mong chờ một sự kiện diễn ra theo chủ ý của người có ước mong.

Tuy nhiên, ước mong của người cầu nguyện xuất phát từ tư lợi, tư hữu, hướng đến thỏa mãn cho cái ta và cái ta sở hữu thì hình thức cầu nguyện này không đúng với tinh thần cầu nguyện trong Phật giáo. Trong tinh thần cầu nguyện của nhà Phật không có sự hiện diện của tâm “tham”.

Một văn hào phương Tây từng nói rằng: “Mọi việc bắt đầu bằng ý tưởng và thành công bởi hành động”. Em có ước mơ nhưng em không biểu hiện bằng hành động để cụ thể hóa ước mơ đó thì làm sao ước mơ đó thành hiện thực. Chính em là người gieo hạt nhân, cũng là tác nhân chính làm nhân đó phát triển và trổ quả, và cũng chính em là người gặt hái quả đó. Từ đầu đến cuối của tiến trình nhân quả, đâu đâu cũng đòi hỏi sự có mặt của em, có hành động của em.

Chính vì vậy, sẽ thiếu sót khi em cầu nguyện mà chỉ mong các yếu tố bên ngoài hỗ trợ mà quên đi nhân tố quyết định vẫn là chính mình. Điều mà thuật ngữ nhà Phật gọi là tự lực. Yếu tố tự lực này chính là cốt lõi của phần “nguyện” còn lại trong “cầu nguyện”. Nguyện được hiểu là lời hứa, lời cam kết sẽ thực hiện ít nhất một hành động để ước mơ của mình thành hiện thực.

Em mới vừa đậu kỳ thi tốt nghiệp, điều đó phản ánh trung thực quá trình học tập 12 năm trời của em. Là cánh cửa bắt buộc em phải vượt qua để khẳng định sự nỗ lực 12 năm đèn sách của mình. Còn kỳ thi đại học, một trong những cánh cửa bước vào tương lai, một cuộc thi cam go hơn, khắc nghiệt hơn. Những tính chất này của kỳ thi buộc em phải cam kết là nỗ lực hết sức, vận dụng tất cả kiến thức, phát huy triệt để các kỹ năng mà mình có được để hoàn thành tốt nhất kỳ thi.

Anh nghĩ đó là điều mà em nên nguyện cạnh bên phần em khẩn cầu. Vốn liếng kiến thức suốt 12 năm em có rồi đấy nhưng làm sao đảm bảo sẽ nỗ lực vận dụng, phát huy triệt để chúng đúng như lời nguyện. Anh nghĩ em cần có một động lực để lời nguyện cầu của em phát huy tất cả hiệu lực của nó.

Nói đến đây, anh nghĩ có lẽ em đang loay hoay tìm đâu đó cho mình một động lực?

Em thương! Em không cần tìm ở đâu cả. Em chỉ ngồi xuống, bắt đầu thở thật nhẹ và quán chiếu thật sâu về bản thân mình. Em thử đặt câu hỏi, em đến với cuộc đời này như thế nào? Em khôn lớn cả về thể xác lẫn tâm hồn như ngày hôm nay là nhờ đâu? Em tự đặt cho mình những câu hỏi ấy và tự tìm cho mình những câu trả lời. Anh tin chắc rằng, nếu em biết nhìn lại, biết quán chiếu thì tự em sẽ tìm thấy động lực để em thêm dũng mãnh phát lời khấn nguyện.

Điều anh gợi nhắc cho em đó, không khác gì hơn đó chính là tri ân, đánh thức thái độ rung cảm của em trước tình thương và sự hy sinh quá lớn mà suốt 18 năm qua em vẫn luôn từng giây, từng giờ thọ nhận.

Khối ân tình đầu tiên mà em cần nghĩ đến đó là ân của cha mẹ. Cha mẹ là người sinh em ra, là người cho em cơ hội hiện hữu nơi cõi đời này. Ông bà ta vẫn nói: “Không thầy đố mày làm nên”. Và khối ân tình thứ hai mà em nợ đó chính là tình yêu thương, sự nâng đỡ, lòng tận tụy… của thầy cô. Một trong những ân lớn ở đời mà ta thọ nhận được Đức Phật dạy đó là ân quốc gia, ân xã hội.

Và cuối cùng, anh muốn em hãy quán chiếu thật sâu để cảm nhận rằng bên cạnh em lúc nào cũng có sự hiện diện của chư Phật, chư Bồ-tát. Những vị luôn lắng nghe những điều em ước mơ, những lời em nguyện cầu. Chư Bồ-tát là người luôn dõi theo từng suy nghĩ, từng hành động của em để thùy từ gia hộ.

Ngày mai em chính thức bước vào phòng thi, tối nay anh không mong em lại tất bật với bài vở để rồi cảm giác lo lắng, hồi hộp đầy ấp trong em. Anh muốn em dành buổi tối hôm nay, ngồi yên lặng, buông bỏ hết muôn duyên, thở thật nhẹ và quán chiếu thật sâu để thấy rằng thân tâm này lớn lên bằng những ân tình và em sẽ làm gì để hồi đáp lại những ân tình ấy.

Và điều cuối cùng anh nhắn nhủ, đậu đại học là mở ra một trong những cánh cửa bước vào tương lai nhưng không phải là duy nhất, là tất cả. Dĩ nhiên, đậu đại học sẽ là một món quá đáp ơn cha mẹ, thầy cô và muôn ngàn người mà em tri ân nhưng điều họ mong mỏi lớn hơn nhiều nơi em vẫn là em có một tương lai tươi sáng, là một người trưởng thành thực thụ, một con người trọn vẹn cả đạo đức và tài năng. Chính vì vậy nên anh khuyên em đừng bao giờ để những động lực trở thành áp lực - thì vào phòng thi em vẫn mang bên mình một gánh nặng.

Thương chúc em có một mùa thi thành công mỹ mãn!

 Tường Hiếu

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày