Thương lắm, thành phố của tôi!

Một góc Sài Gòn yên ắng, tĩnh mịch trong những ngày giãn cách - Ảnh: Lý Võ Phú Hưng
Một góc Sài Gòn yên ắng, tĩnh mịch trong những ngày giãn cách - Ảnh: Lý Võ Phú Hưng
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Mình rời Sài Gòn đã một phần tư thế kỷ, ngỡ mình không có gì để lưu luyến nhiều nơi đó ngoài cổng trường, giảng đường E của Đại học Sư phạm. Nhưng mấy hôm nay, Sài Gòn - TP.HCM "không khỏe", mới biết mình là một phần của nơi ấy...

Nơi mà những đứa sinh viên Văn K.18, khi thầy giáo lên lớp trễ, đã kéo hết ra công viên Tao Đàn hát hò, cười đùa vang một góc sân.

Nơi có gia đình chú thím cưu mang mình năm nhất đại học.

Nơi mình xách giỏ bàng đến giảng đường, quanh năm ăn cơm mắm ruốc mà không biết mắc cỡ.

Nơi mà mỗi ngày mình và cô bạn Mây Trắng cùng quê đạp xe song song dưới con đường hoa vàng Trương Định...

Nơi có tổ đình Từ Nghiêm thanh tịnh, bình yên.

Nơi có những ngày đến vui chơi với các bạn khiếm thị tại Trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu...

Còn nhiều lắm!

Thương lắm!

Mấy hôm nay, mình bỗng quay quắt nhớ về nơi ấy. Nơi có những con đường mà mình đã từng đi qua hiện đang có những người dân túng quẫn trong mùa giãn cách...

Hẹn nhé, Sài Gòn ơi! Sẽ có chuyến xe không phải ở vùng xa nhưng rất sâu về thành phố. Rau củ đang được gom góp. Xin được chuyển đến những con hẻm nhỏ đang phong tỏa, cách ly y tế chút quà nhỏ miền quê như một lời cảm ơn mảnh đất đã cưu mang chúng mình một thời thanh xuân nơi giảng đường đại học.

Đêm nay, điện thoại "rộn ràng" tin nhắn: "Chị có rau nè em", "Em đã xin được 100 kg bí", "Em phụ chị trăm trứng"...

Các bạn ơi, ai đã từng ở Sài Gòn, có nhớ như mình không?!

Thụy Thắm

Bài viết về Sài Gòn mùa giãn cách của bạn xin gửi về email onlinegiacngo@gmail.com, toasoan@giacngo.vn, sẽ được chọn đăng trên Giác Ngộ Online và báo in Giác Ngộ (Chủ đề xin ghi: Sài Gòn mùa giãn cách).

Tòa soạn

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Vài nét về lịch sử Tăng đoàn Tỷ-kheo-ni

Vài nét về lịch sử Tăng đoàn Tỷ-kheo-ni

NSGN - Tăng đoàn Tỷ-kheo-ni được thành lập vào thời Đức Phật và tồn tại cho đến ngày nay. Trong nhiều thế kỷ, những phụ nữ xuất gia đã thực hành, chứng ngộ và giữ gìn lời dạy của Đức Phật, không chỉ mang lại lợi ích cho bản thân mà còn cho xã hội nơi họ sinh sống.
Ảnh minh họa

Làm sao đưa Phật pháp đến với tuổi trẻ?

GNO - Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng các chương trình chánh niệm tại trường học có thể giúp ích, đặc biệt là ở các cộng đồng nghèo, nơi học sinh phải đối mặt với mức độ căng thẳng cao hơn.

Thông tin hàng ngày