Thương vùng hạn mặn, thương người nông dân…

GN - Tôi lớn lên trên gốc rạ. Gia đình tôi là nông dân, lại làm nông ở vùng bán sơn địa, thuộc huyện miền núi Nông Sơn (Quảng Nam) nên càng khó khăn bội phần. Tất cả, đều phải nhờ vào trời.

hanman.jpg
Nhiều cánh đồng lúa ở tỉnh Sóc Trăng đang trong tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn trầm trọng - Ảnh: Nguyễn Hành/ Dân Trí

Ký ức tuổi thơ tôi còn lưu lại tình cảnh những năm chín mấy của thế kỷ trước, khi cánh đồng trước nhà những mùa nắng “bể đầu”, khô rang nước. Đó là những vụ mùa thất bát, lúa không đủ nước nên có năm phải bỏ cho người ta cắt đem về cho trâu bò. Ruộng lúa nứt nẻ, có khi đi muốn lọt chân xuống khe nứt. Đám con nít như tôi hồi đó vô tư, nghe nói mất mùa cũng hay vậy, vẫn chiều chiều xách diều giấy làm từ tập vở cũ ra chơi, thả trên bầu trời cao rộng.

Mà hồi đó, lúa nếu trúng mùa có khi cũng không đủ trang trải cuộc sống vì người nông dân ngoài hạt lúa, chẳng còn phương tiện kinh tế gì khác. Do vậy, nếu thua mùa thì càng cam go. Có năm nhà tôi phải ăn cơm với khoai, sắn độn suốt nhiều tháng. Tôi còn nhỏ nhưng vẫn nhớ nắm gạo ngoại nấu trong nồi lúc nào cũng ít hơn mớ sắn xắt lát, phơi khô ngoại ghé vào mỗi bữa cơm. Má và ngoại tôi luôn dành phần cơm cho tôi trong những ngày hè nắng oi, gió Lào rát bỏng.

Kéo theo vụ mùa thua là những tháng ngày tiếp theo đó cũng hẩm hiu, rồi đến cái Tết của năm đó sẽ là thiếu thốn. Nhiều năm tôi không được sắm áo mới dù chỉ một cái dù mỗi năm chỉ được một lần. Tôi biết má, ngoại tôi cũng buồn, có khi còn buồn hơn tôi trong những năm tháng thiếu thốn đó.

Sau này lớn lên, hiểu biết hơn, tôi hay nhắc về những năm tháng đói khổ của nhà mình. Má tôi cứ chậc lưỡi nói: “Thời đó khổ quá chừng, gạo không có mà ăn”. Má nói hạn hán với lũ lụt là hai thứ tai ương mà người dân miền Trung luôn phải hứng chịu suốt bao nhiêu năm. Đến nay, vẫn còn như vậy. Nhưng, câu chuyện thiếu ăn đã lùi xa do người nông dân đã tiến bộ hơn, biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng trọt. Ở trước nhà tôi đã có con kênh dẫn nước từ đập lớn ở sát chân núi nên không còn lo thiếu nước vào mỗi mùa lúa đông xuân hay hè thu, dẫu có nắng nhiều. Hơn nữa, người dân quê cũng đã có hướng làm kinh tế khác như trồng rừng, đi tha phương kiếm việc trong những khu công nghiệp… nên cũng cải thiện được đời sống.

Hồi vào Sài Gòn học đại học, trên ghế giảng đường, tôi vẫn thường được nghe cô thầy dạy về văn hóa vùng miền Việt Nam nhắc đi nhắc lại: “Người miền Trung thường tích trữ, để dành để dụm do thời tiết khắc nghiệt, phòng khi khó khăn. Còn người miền Nam, do đồng bằng sông Cửu Long trù phú, phù sa nước nổi nên tay làm hàm nhai, không cần dành dụm vẫn không sợ thiếu ăn. Do vậy người miền Nam tính cách phóng khoáng hơn”.

Từ giảng đường, tôi có dịp về thăm quê của bạn bè ở Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, có khi lại về tới tận đất mũi Cà Mau trong vài chương trình thiện nguyện. Những chuyến đi giúp tôi cảm nhận được sâu sắc hơn về tính cách phóng khoáng đó từ những cánh đồng lúa xanh ngút ngàn, những mùa nước nổi, nghe bà con quê hát điệu lý, ca cổ nhạc bên mâm cơm chiều. Sự yên ả đó của miền Tây dần lùi xa khi bắt đầu xuất hiện những đợt hạn mặn. Năm nay, hạn mặn tại vùng này đã có kỷ lục mới, năm tỉnh gồm Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Kiên Giang và Cà Mau đã công bố tình trạng khẩn cấp.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết có khoảng 40.000ha lúa đã bị chết do hạn, mặn ở 5 tỉnh nói trên. 95.000 hộ gia đình thiếu nước ngọt sinh hoạt hàng ngày và tỉnh Sóc Trăng ảnh hưởng nhất, có đến 24.000 hộ thiếu nước sinh hoạt.

Những con số đó bị che khuất giữa rừng thông tin về dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, do vậy ít được chú ý hơn, dù nó không phải là chuyện nhỏ. Tình trạng hạn mặn phần nào được giảm nhẹ sau khi Cà Mau có cơn mưa vàng hôm 10-3. Tuy nhiên, miền Tây vẫn cần tới những giải pháp quy mô hơn, chứ không thể chỉ dừng việc hỗ trợ dụng cụ trữ nước hay tặng nước ngọt - phương thức cứu nguy trước mắt mà Nhà nước và các tổ chức từ thiện đang làm.

Đồng bằng sông Cửu Long đang phải hứng chịu hạn mặn như hiện nay, theo giới khoa học, một phần vì biến đổi khí hậu, phần khác do ảnh hưởng của hàng loạt dự án thủy điện trên phía thượng nguồn Mekong. Đặc biệt, phần sông chảy qua lãnh thổ Trung Quốc đang có 19 dự án thủy điện lớn. Chúng ta không thể chỉ trông chờ vào việc Trung Quốc xả nước… nhỏ giọt từ các đập thủy điện mà phải tự tìm cách cứu mình. Chia sẻ với miền Tây, lau nước mắt cho nông dân trên vùng đất trù phú đã đóng góp lượng nông sản lớn cho cả nước lúc này cũng quan trọng không kém chuyện chống dịch Covid-19.

*

Mai mốt về quê, tôi sẽ kể cho má mình nghe, năm nay ở miền Tây cũng có những cánh đồng nứt nẻ như hai mươi mấy năm trước ở quê mình. Người nông dân chỉ biết ngậm ngùi lau nước mắt trước hạn mặn. Chắc má sẽ chậc lưỡi mà nói: “Tội cho dân mình quá, con!”. Và rồi có thể sau này, sẽ có những đứa trẻ ngồi ở ghế giảng đường sẽ nhắc về miền Tây vắng mùa nước nổi, hạn mặn tàn phá, khiến người dân lâm cảnh khó khăn chất chồng, chỉ vì con người đã ngăn dòng làm thủy điện, bất chấp! Và thương… như tôi đã từng thương mảnh đất quê mình trong những mùa đồng khô cỏ cháy, ruộng nứt muốn lọt cả bàn chân xuống vậy.

Lưu Đình Long

Sống thiểu dục

Mỗi người cần tuân thủ nguyên tắc căn bản là “thiểu dục tri túc”, có nghĩa là biết đủ, để không sử dụng phí phạm tài nguyên thiên nhiên, lãng phí năng lượng cho cộng đồng và những người khác.

Mặt khác, ăn chay để giảm thiểu sự tiêu thụ thịt cũng là một cách để bảo vệ môi trường, vì để tạo ra 1kg các loại thịt thì tiêu tốn nguyên liệu hơn rất nhiều nước so với 1kg rau củ. Do vậy mỗi người, ngoài việc bảo vệ môi trường xung quanh như giảm phát thải khí CO2 không cần thiết, nên điều tiết chế độ ăn uống và sử dụng năng lượng, nhiên liệu.

TS.Trần Ánh Dương,
(Trường ĐH Văn Lang, TP.HCM)

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày