Tiễn Nguyễn Bắc Sơn, nhớ một câu kinh…

GN - Đầu tháng 1 năm nay, tôi và thầy Thích Tấn Tuệ cùng nhà văn Trần Duy Lý ghé thăm anh Nguyễn Bắc Sơn. Hôm đó anh chuyện trò sảng khoái, dù trước đó, nghe nói anh thở khó khăn. Ấy là vì gặp bằng hữu. Anh còn nói ghẹo tôi: Khi mình được in tập thơ Chiến tranh Việt Nam và Tôi thì ông và Trần Phá Nhạc còn hăng hái “lên đường” lắm! Tôi chỉ biết cười… trừ. Cuộc thăm viếng không “dám” kéo dài, vì chúng tôi biết gia đình chăm anh rất kỹ, không muốn anh bị mệt…
nguyen-bac-son.jpg
Nguyễn Bắc Sơn - Ký họa của Đinh Cường

Nhớ trước đó bốn năm, anh từ Phan Thiết vào La Gi chơi với tôi ba ngày, khi tôi về nằm nghỉ ở chùa Thơ của thầy Tấn Tuệ. Lang thang dưới trời mưa không áo không mũ, anh vẫn còn khỏe. Lại nhớ năm 2008, khi tôi định viết bài về anh, thì tác giả của những câu thơ ngông nghênh Mai ta đụng trận ta còn sống / Về ghé Sông Mao phá phách chơi (*) nổi tiếng từ trước năm 1975 chậm rãi nói: Thơ mình giờ kém rồi; mà thơ trước kia cũng… vậy vậy thôi; viết làm chi.

Thử nhớ lại những câu thơ trước năm 1975, xem thử thế nào. Đi lính, Nguyễn Bắc Sơn là binh nhì thôi. Không lâm trận, nhưng vẫn có những Đêm nằm ngủ võng trên đồi cát / Nghe súng rừng xa nổ cắc cù. Đi lính, nhưng Ta vốn hiền khô ta là lính cậu / Đi hành quân rượu đế vẫn mang theo. Yêu nước, nên mặc áo lính, mà lại cầm súng lên đạn rượt cố vấn Mỹ chạy trối chết. Bởi vì, đi lính mà luôn hỏi Chiến chinh chinh chiến bao giờ dứt/ Sắt đá ồ sao lại nhớ nhà.

Thế đấy, nhìn dưới góc độ nghề nghiệp, thì thơ Nguyễn Bắc Sơn trước năm 1975 không phải “vậy vậy” như lời khiêm tốn thật lòng của một người đã nhìn thấy bản chất của đời sống. Thơ anh đã được nhiều nhà văn, nhà phê bình “định giá”. Như nhà văn Võ Phiến, từ năm 1994: “Thành thử giữa ông Nguyễn Bắc Sơn trong chiến tranh và ông Nguyễn Bắc Sơn sau chiến tranh vẫn có một chỗ nhất trí… Thực ra thơ ông phát biểu về một thái độ sống, không phải chỉ là một thái độ đánh nhau hay một thái độ làm lụng”.

Nhà phê bình Đặng Tiến thì nhận xét: “Nói vậy để thấy rằng tâm tình Nguyễn Bắc Sơn gửi gắm qua thơ là phổ biến, là niềm phân vân tự nhiên của nhiều người, của con người trước cuộc sống. Cơn bão lịch sử đã thổi tạt cái bình thường đến chỗ lạ thường, biến thành biệt lệ văn học: Sắt đá ồ sao lại nhớ nhà... Tâm tình ấy được Nguyễn Bắc Sơn diễn đạt bằng một phong cách nghệ thuật tài hoa, vừa hồn nhiên vừa bi tráng. Kinh nghiệm sống chết hàng ngày được thăng hoa qua một thi pháp tươi trẻ mà già dặn. Tác phẩm Nguyễn Bắc Sơn, bên dưới những chứng từ lịch sử, là những bài thơ hay, trong lối văn “thốn tâm thiên cổ ”.

*

Rồi Nguyễn Bắc Sơn ít làm thơ, nhưng cái Nàng ấy vẫn không rời xa hẳn anh. Duy có điều, đó không còn là chuyện dụng công chữ nghĩa như ngày xưa cho lắm, mà đã trở thành việc chơi vui: Ta may mắn tay chân lành lặn / Nhưng tâm hồn trống rỗng bơ vơ / Mỗi ngày chữa bệnh bằng ly rượu / Tối nằm đánh vật với cơn mơ.

Trong một lần “hai đứa” dung dăng dung dẻ dắt tay nhau đi qua hết thị xã Phan Thiết, anh nói: Có lần ông Bùi Giáng phán: Mày nghe theo tiếng gọi của Như Lai thì rồi sẽ chẳng ra gì đâu! Tôi hiểu: Chẳng ra gì, nghĩa là may mắn. Vì có thất bại, thì mới dễ nhận ra ý nghĩa thật của đời. Tất nhiên là Nguyễn Bắc Sơn cũng nghĩ thế. Mà không phải chỉ nghĩ: đã nhiều năm, anh là một hành giả. Theo pháp môn Mật tông và theo cái cách của anh. Tôi nói là “cái cách”, vì anh là một tín đồ Phật giáo mà lại dám “cãi” lại Phật: Phật bảo đời người như bể khổ / Ta cười sướng khổ bổ sung nhau / Còn sống còn vui còn múa hát / Khổ đau như nước chảy qua cầu (Cãi Phật).

Tín đồ Nguyễn Bắc Sơn không hành hương lễ bái, không đến chùa, nhưng hành trì khá nghiêm cẩn. Tôi biết đó là sự thật, vì anh đã trao đổi với tôi những chi tiết cụ thể trong việc thực hành. Đó là những điều gần gụi trong cuộc sống hàng ngày: Có những điều bình thường ở trong cái phi thường / Anh chẳng dám khinh thường những điều vụn vặt / Khi con gà nhường thức ăn cho bầy con / Anh chợt hiểu tình gia đình rất thật. Bởi vì, trước-sau Nguyễn Bắc Sơn vẫn chỉ là một bé thơ hồn nhiên, là khuôn mặt chân thật của bản tánh: Dường như đứa trẻ nghìn năm trước / Bây giờ đây vẫn trẻ trong ta / Khi về râu tóc còn nguyên vẹn / Một ngày loáng thoáng một ngày qua…     

*

Những ngày mùa đông nào đó, với đôi mắt người như cánh hoa sen xanh, Nguyễn Bắc Sơn nhìn ra biển. Cuối đời thi sĩ ra nhìn biển /  Thương mùa đông sóng bạc đầu rồi / Chí lớn mộng con đều ảo hóa /  Còn lại dòng sông với mình tôi. Mùa này, biển Phan Thiết còn yên tĩnh. Nơi ấy, anh đang “vịn một câu kinh”, thơ thẩn ra về. Biển yên tĩnh. Yên tĩnh như lời-nói-yên-lặng tiễn đưa anh.

Nguyễn Bắc Sơn tên thật là Nguyễn Văn Hải, sinh năm 1944 tại Phan Thiết. Ông là một trong số những người in thơ không nhiều, nhưng ấn tượng thơ ông trong lòng độc giả lại rất lớn.

Tập thơ đầu của ông in năm 1972 - Chiến tranh Việt Nam và tôi, được đánh giá là “ngông nghênh và ngang tàng”, tuy vậy lại thấm đẫm tình người. Đến năm 1995, Nguyễn Bắc Sơn in tập thơ thứ hai - Ở đời như một nhà thơ Đông phương.

“Nhà thơ Đông phương” Nguyễn Bắc Sơn giỏi tiếng Anh, nghiên cứu sâu triết học Đông - Tây, đặc biệt là Kinh dịch và triết học Phật giáo. Do đó, không lạ khi trong những vần thơ “lãng tử mà khốc liệt” của ông bàng bạc tư tưởng Phật giáo - một kiểu Phật giáo “nhập thế” rất Nguyễn Bắc Sơn!

Ông ra đi lúc 9g sáng, ngày 4-8 tại nhà riêng ở TP.Phan Thiết (Bình Thuận), hưởng thọ 72 tuổi.

Q.K

 Nguyễn Đông Nhật

(*) Những câu in nghiêng, không nằm trong ngoặc kép, là thơ Nguyễn Bắc Sơn.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày