Tiểu sử Hòa thượng Thích Huệ Thành (1960-2024)

Hòa thượng Thích Huệ Thành (1960-2024)

Hòa thượng Thích Huệ Thành (1960-2024)

Thân thế

Hòa thượng Thích Huệ Thành thế danh là Lê Văn Thoại, sinh năm 1960 tại ấp Khúc Tréo, xã An Trạch, H.Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu (nay là ấp Thành Thưởng A, xã An Trạch, H.Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu).

Ngài sinh ra trong gia đình nông dân ở nông thôn, có 7 anh chị em; ngài là người con thứ 6 trong gia đình. Thân phụ là cụ ông Lê Văn Hưởng, thân mẫu là cụ bà Lê Thị Xứng. Gia đình có truyền thông tín đồ theo đạo Phật, kính tin Tam Bảo.

Thuở thiếu thời, ngài bén duyên với Tam bảo, thường xuyên theo cụ bà em của ông nội là Ni trưởng Thích nữ Như Kỉnh, trụ trì chùa Liên Hoa để tập sự xuất gia, tu học.

Thời kỳ xuất gia - hành đạo

Đến năm 1977, đầy đủ duyên lành được sự cho phép của thân sinh phụ mẫu, ngài được sự hướng dẫn của Sư bà Như Kỉnh phát nguyện thế phát xuất gia với Hòa thượng Trí Đức, trụ trì chùa Vĩnh Hòa (TP.Bạc Liêu) được ban pháp danh Huệ Thành, húy là Nhật Thoại, nối pháp dòng Lâm Tế đời thứ 41.

Khóa An cư kiết hạ tại chùa Vĩnh Hòa, ngài được Bổn sư cho thọ giới Sa-di năm 1980 và thọ giới Tỳ-kheo vào năm 1984.

Sau khi Sư bà Như Kỉnh viên tịch, ngài kế vị vụ trụ trì chùa Liên Hoa.

Tại Đại hội Phật giáo tỉnh Minh Hải khóa II năm 1987, Hòa thượng được suy cử tham gia Ủy viên Ban Trị sự.

Năm 1997, tỉnh Mỉnh Hải tách thành 2 tỉnh Cà Mau và Bạc Liêu, ngài được suy cử Phó Thường trực Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Cà Mau.

Tháng 1-2008, Hòa thượng Thích Thiện Từ, Trưởng ban Trị sự Phật giáo tỉnh Cà Mau viên tịch, ngài được Ban Thường trực Hội đồng Trị sự suy cử quyền Trưởng ban Trị sự Phật giáo tỉnh Cà Mau.

Tháng 4 năm 2008, ngài chủ trương quy hoạch tổng thể và đại trùng tu xây dựng mới chánh điện chùa Liên Hoa.

Năm 2009, ngài được giới thiệu thiệu tham gia Ủy viên Ủy ban MTTQVN tỉnh Cà Mau, nhiệm kỳ 2009-2014.

Năm 2012, Đại hội đại biểu Phật giáo tỉnh Cà Mau khóa VII suy cử ngài làm Trưởng ban Trị sự.

Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc suy cử ngài tham gia Ủy viên Hội đồng Trị sự GHPGVN và được Hội đồng Chứng minh tấn phong lên hàng giáo phẩm Thượng tọa.

Năm 2014, được sự chấp thuận của UBND tỉnh Cà Mau về việc cho tái lập chùa Bửu Liên (trước đây gọi là chùa Bảy Nóc) tọa lạc tại ấp 1, xã Tắc Vân, TP.Cà Mau, ngài nhận nhiệm vụ trụ trì cơ sở.

Ngài được giới thiệu thiệu tham gia Ủy viên Ủy ban MTTQVN tỉnh Cà Mau nhiệm kỳ 2014-2019, đồng thời được suy cử chức danh Phó Chủ tịch không chuyên trách.

Đầu năm năm 2015, ngài vận động tín đồ Phật tử phát tâm công đức hỗ trợ kinh phí và khởi công xây dựng chùa Bửu Liên.

Kỳ bầu Đại biểu Quốc hội và Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2015-2020, Hòa thượng được giới thiệu ứng cử và trúng cử Đại biểu Hội đồng Nhân dân tỉnh Cà Mau.

Năm 2016, ngài chủ trương quy hoạch, xây dựng hậu tổ chùa Phật Tổ (chánh điện mới hiện hữu).

Năm 2017, Đại hội đại biểu Phật giáo tỉnh Cà Mau khóa VII tiếp tục suy cử ngài làm Trưởng ban Trị sự; tái suy cử tham gia Ủy viên Hội đồng Trị sự GHPGVN tại Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc.

Năm 2019, nhân duyên Phật sự tạm gác lại với vai trò người lãnh đạo, tuy nhiên, ngài vẫn tiếp tục công hoằng truyền Phật pháp tại địa phương.

Với tôn chỉ, hành trì và xiển dương pháp môn Tịnh độ, từ năm 2005 đến nay, ngài đã mở hơn 100 khóa tu Phật thất tại chùa Liên Hoa và hơn 30 khóa tu tại tổ đình Sắc tứ Quan Âm. Ngoài ra, ngài còn chủ trương hướng dẫn và thành lập các đạo tràng Tịnh độ như: đạo tràng Tịnh độ Liên Hoa, Hương Sen… để tạo điều kiện thuận duyên cho tín đồ Phật tử tu tập.

Đệ tử xuất gia của ngài hiện nay có hơn 50 Tăng, Ni; tu học tại chùa Bửu Liên và Liên Hoa.

Để ghi nhận những đóng góp cho Đạo pháp và xã hội, ngài được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Đại Đoàn kết; Ủy ban Trung ương MTTQVN tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Đại đoàn kết dân tộc”; Hội đồng Trị sự GHPGVN tặng Bằng tuyên dương công đức; UBND và Ủy ban MTTQVN tỉnh Cà Mau tặng nhiều Bằng khen; ngài cũng nhận nhiều Giấy khen được cơ quan chính quyền, đoàn thể H.Đông Hải và TP.Cà Mau trao tặng.

Thời kỳ viên tịch

Mặc dù từ cuối năm 2021 đến nay, thân tứ đại của ngài luôn có bệnh duyên, nhưng khi bệnh duyên càng tăng thì ngài cũng tăng sức an trú nhiếp phục, thường tịnh tam nghiệp, tay lần chuỗi bồ-đề niệm Phật, giữ chánh niệm chú tâm tỉnh giác trước sự mòn mỏi của huyễn thân tứ đại.

Hòa thượng đã thuận thế vô thường, thâu thần viên tịch vào lúc 1 giờ 50 phút ngày 7-8-2024 (mùng 4-7-Giáp Thìn); trụ thế 64 năm, 40 hạ lạp để lại trong lòng môn đồ tứ chúng niềm tiếc thương vô hạn.

Do công hạnh của ngài đã có nhiều công hiến cho Phật giáo H.Minh Hải (Bạc Liêu) và tỉnh Cà Mau, Đức Pháp chủ GHPGVN đã ấn ký Giáo chỉ truy phong ngài lên hàng giáo phẩm Hòa thượng.

Nam-mô phụng vì tân viên tịch: Sắc tứ Quan Âm - Bửu Liên - Liên Hoa đường thượng, Từ Lâm Tế chánh tông, tứ thập nhất thế, húy Nhật Thoại, thượng Huệ hạ Thành, Lê công - Tỳ-kheo Bồ-tát giới Giác linh.

(BTV Báo Giác Ngộ biên tập theo văn bản do Ban Tổ chức Lễ tang cung cấp)

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh: Phùng Anh Quốc

Đức Phật dạy lìa xan tham

NSGN - Chữ “xan tham” là cách dịch của Thầy Minh Châu, với chữ xan là keo kiệt, và tham là tham muốn. Cả hai chữ xan và tham đều có nghĩa gần nhau, đều là chấp có cái gì là “ta” và “của ta” và “muốn gì cho ta”.

Thông tin hàng ngày