Tìm lại chính mình

Bài trên Báo Giác Ngộ số 1142 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1142 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
0:00 / 0:00
0:00
GN - Hậu Covid-19, tôi điều trị khắp các bệnh viện, nghe tư vấn nhiều nơi vẫn không đưa mình bước qua những chuỗi ngày khủng hoảng tâm lý trầm trọng.

Thế nhưng, có ngày đến chùa, khoảnh khắc nhìn các em đoàn sinh Gia đình Phật tử sinh hoạt đã giúp tôi chữa lành, tìm lại được chính mình.

Bước qua khủng hoảng

Tháng 7-2021, TP.HCM bùng dịch Covid-19 mạnh. Thời điểm giãn cách xã hội diễn ra, tôi trở thành một trong những người nhiễm vi-rút. Những ngày nhiễm Covid-19, bị hành sốt, ho với tôi không phải là đáng sợ nhất. Các triệu chứng khó chịu của Covid nhanh chóng đi qua sau hơn một tuần điều trị. Tuy nhiên, hậu Covid-19 là điều khủng khiếp với tôi.

Rụng tóc, không ăn được, không ngủ được, chỉ số ô-xy và huyết áp cơ thể cứ lên xuống thất thường, có nhiều đêm tôi đang ngủ bỗng hụt hơi, bật dậy như phản xạ bình thường của người muốn được sống rồi khóc như đứa trẻ. Tôi bàng hoàng, sợ mình chết trong lúc ngủ. Chiếc máy SP02 đo nồng độ ô-xy và nhịp tim tôi cứ giữ suốt trên tay, không dám rời. Mỗi cữ ăn hàng ngày của tôi đều trải qua trong nặng nề, ám ảnh, thậm chí tôi không biết đó có phải là bữa cuối hay không.

Tôi ở cạnh mẹ, ba, và các chú, dì. Ai cũng thương và lo cho tôi. Nhưng ở cạnh người thân vẫn không giúp tôi tìm thấy sự bình an. Tôi biết tâm lý mình có vấn đề nghiêm trọng, đó là khoảng thời gian tôi tìm đến bệnh viện và tư vấn rất nhiều.

Bản thân làm việc ở lĩnh vực truyền thông, tôi dễ dàng kết nối đồng nghiệp, người quen tìm sự giúp đỡ. Bệnh viện nào ở thành phố này chữa hậu Covid-19 tôi cũng đến, ai giới thiệu chuyên gia - bác sĩ tâm lý hay tôi cũng theo. Những buổi tư vấn cộng đồng không đủ giúp tôi có thời gian trò chuyện cùng chuyên gia, tôi đặt luôn cả lịch tư vấn trả phí. Tuổi 30, tất cả khoản tiền tôi tích cóp được đều xài hết, với tôi lúc đó tiền không còn là vấn đề. Nhưng hơn 6 tháng, tôi vẫn loay hoay và không có lối ra, cơ thể ngày càng suy nhược và tinh thần ngày càng bất ổn.

Cách đây ba tuần, tôi đến chùa Xá Lợi (quận 3) lễ Phật, để tìm cho mình một chút bình an, vô tình rơi đúng vào lúc các em đoàn sinh Gia đình Phật tử sinh hoạt. Tiếng nói, cười của các em nhỏ, cùng sự chăm sóc đầy yêu thương của các chị dành cho các em, các trò chơi trong lúc sinh hoạt đã bất chợt đánh thức tôi.

Giờ sinh hoạt của Gia đình Phật tử Xá Lợi - Ảnh: U Sơn Phương

Giờ sinh hoạt của Gia đình Phật tử Xá Lợi - Ảnh: U Sơn Phương

Một bé gái đang chơi, chạy nhảy bị té, chị huynh trưởng hỏi “em có sao không”. Dù rất đau nhưng em nói “em có đau nhưng không sao ạ, em cảm ơn chị ạ”. Em đau, em biết đau nhưng em vượt qua chỗ đau đó và tiếp tục chạy nhảy vui chơi. Câu nói ấy, hình ảnh xúc động ấy của em khiến tôi hỏi ngược lại bản thân mình: mình có đang bị đau không, đau vì điều gì, đau như thế nào - những điều mà tôi chưa hỏi mình bao giờ.

Tôi đặt câu hỏi, tôi trả lời, cuối cùng tôi thông được đúng “mạch” tắc nghẽn. Tôi biết mình đau, tôi đối diện với nỗi sợ của chính mình và lóe lên suy nghĩ tận hưởng hạnh phúc, niềm vui của hôm nay. Chăm chú nhìn những đứa trẻ chơi đùa với các chị huynh trưởng, trong buổi chiều đó, tôi thấy lòng mình an thật sự. Khi nỗi sợ, nỗi lo bị “bỏ rơi”, tối về giấc ngủ tôi cũng nhẹ nhàng.

Lần đầu tiên sau khi âm tính với Covid-19, tôi có giấc ngủ sâu 6 tiếng đồng hồ, tinh thần thoải mái. Kể từ đêm đó, mọi loại thuốc hỗ trợ, an thần hay thực phẩm chức năng, tôi đều không cần dùng đến nữa. Điều cả gia đình tôi bất ngờ hơn, là tôi có đủ sức để quay lại với công việc, thoát khỏi những bí bách và có thể dùng được những bữa ăn đa dạng hơn, thay vì chỉ có cháo như trước đó.

Làm chủ hạnh phúc bản thân

Tôi bắt đầu học Phật như một đứa trẻ. Tôi tìm đến kinh, sách và tiếp cận những bài học giản đơn nhất mà nhà chùa dạy cho các em. Đơn giản vì tôi cũng muốn có niềm vui như chúng.

Những cái click chuột, tra trên Google nhanh chóng giúp tôi tìm được những bài kệ nhỏ trong quyển thơ “Đức Phật với tuổi thơ”. Tôi cảm thấy mình bình an hơn mỗi khi nghe đến đoạn: “Nếu lầm đường lạc bước, bơ vơ giữa bụi hồng, con nhớ quay về nhé, quê nhà Phật đợi trông”. Tôi biết, tôi có niềm tin mãnh liệt rằng tôi không chỉ có một mình, mà luôn có Phật bên cạnh, có “ốc đảo” bình an.

Lúc đầu tôi đọc các câu thơ, sau đó tôi nghe hàng ngày thay cho nghe nhạc, vì ý từng câu từ nhẹ nhàng nhưng thấm đầy triết lý nhân sinh. Câu chữ ngắn gọn nhưng truyền tải, hướng dẫn cách nuôi dưỡng tâm hồn trở nên hạnh phúc. Chìa khóa hạnh phúc không đâu xa khi hướng thiện, nhớ về nguồn cội, nhớ về những khoảnh khắc yêu thương bên thầy, cô giáo và người thân.

Tôi nghe và thực hành, khi vô tình đi trên đường gặp người bán cá, tôi phát tâm mua, rồi thả đi, đơn giản vì chúng cũng có mẹ. Tôi cũng năng động hơn, lăn xả hơn khi phát tâm chia sẻ từ số tiền lương của mình cho bếp ăn từ thiện. Tôi phụ nấu, bưng bê thức ăn cho vô hộp tặng người nghèo khó, sau khi xúc cảm với lời dạy “Hôm nay em xin mẹ, theo Phật vào làng quê, giúp đỡ người nghèo khó, dưỡng nuôi tâm Bồ-đề” - điều mà trước đây tôi chưa làm, chưa từng vui với niềm vui như thế.

Trước đây, mỗi tối của tôi thường kết thúc rất muộn bằng phim ảnh, thì nay tôi dưỡng nuôi tâm hồn mình bằng chính những quán chiếu. Tôi hỏi chính mình, hôm nay mình có hạnh phúc không, có làm tổn thương ai không, việc gì cần sửa. Và đã thành thói quen, tôi luôn nói lời cảm ơn, niệm Phật trước khi đi vào giấc ngủ.

Đến giờ phút này, tôi vẫn không lý giải được vì sao mình vực dậy một cách dễ dàng chỉ từ hình ảnh của một em đoàn sinh bị té. Nhân duyên là điều gì đó rất đặc biệt. Tôi tin, khi mình muốn sống, ở nơi cửa thiền, vào thời khắc đặc biệt, sẽ luôn có những điều mầu nhiệm, sẽ luôn có những con đường hạnh phúc được mở ra.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh: Phùng Anh Quốc

Đức Phật dạy lìa xan tham

NSGN - Chữ “xan tham” là cách dịch của Thầy Minh Châu, với chữ xan là keo kiệt, và tham là tham muốn. Cả hai chữ xan và tham đều có nghĩa gần nhau, đều là chấp có cái gì là “ta” và “của ta” và “muốn gì cho ta”.

Thông tin hàng ngày