Bìa ấn phẩm Liễu Quán số 34 - Mỹ thuật: HS Mai Quế Vũ |
Kể từ khi ra số đầu tiên vào dịp xuân Giáp Ngọ - 2014 cho đến nay, ấn phẩm Liễu Quán đã trở nên quen thuộc với Tăng Ni, Phật tử và những người quan tâm đến văn hóa, di sản Phật giáo, luôn nhận được sự đón nhận nồng nhiệt. Có thể nói, trải qua gần 1 thập niên, Liễu Quán đã khẳng định được vị trí của mình với nội dung chất lượng, trình bày trang nhã, quy tụ được những tên tuổi uy tín trong giới chuyên môn.
Các chuyên đề được chuyển tải qua từng số ấn phẩm, liên quan đến di sản, tư liệu Phật giáo đã trở thành “đặc sản” của Liễu Quán, và luôn được độc giả mong đợi. Như thường kỳ, ấn phẩm Liễu Quán số 34 đăng tải chuyên đề: “Tư liệu mới về thiền phái Liễu Quán qua khảo sát điển tịch cổ”, giới thiệu những thông tin mới, có giá trị liên quan đến lịch đại Tổ sư truyền thừa của thiền phái Liễu Quán qua các văn bản và điển tịch cổ vừa được phát hiện trong thời gian gần đây với các bài viết: Sử liệu về thiền phái Liễu Quán thế kỷ XVIII qua văn bản “Chuẩn Đề hội thích”, Sơ khảo các bản in kinh Pháp Hoa do chư Tổ thiền phái Liễu Quán trợ ấn và khắc san, Sơ khảo về các khoa Du-già do chư Tổ thiền phái Liễu Quán san khắc,…
Cũng trong số này, Liễu Quán dành phần nội dung tưởng niệm và tri ân đến quý vị Cư sĩ, trí thức như: thầy Phan Đăng, thầy Nguyễn Phố, thầy Nguyễn Phúc Vĩnh Ba. Các thầy đã đồng hành cùng ấn phẩm Liễu Quán suốt một chặng đường dài từ năm 2014 đến nay, cũng là những tên tuổi đã có nhiều cống hiến đắc lực cho sự nghiệp văn hóa, giáo dục của Phật giáo nước nhà.
Liễu Quán số 34 được phát hành vào những ngày cuối năm Giáp Thìn, sắp sửa bước sang năm mới Ất Tỵ còn có những bài viết mang nội dung gợi nhắc phong vị xuân thiền môn, đan xen cùng những hoài niệm và tự tình xứ sở, đến từ các tác giả, dịch giả: Nguyễn Tường Bách, Trần Kiêm Đoàn, Trần Tuấn Mẫn, Nguyễn Khoa Diệu Hà, Thái Kim Lan, Nghi Thủy,…