Tính bình đẳng của Bát kỉnh pháp

Tính bình đẳng của Bát kỉnh pháp
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Bàn cãi về các phương diện, góc độ, kể cả mức độ tin cậy của Bát kỉnh pháp có phải do Đức Phật chế hay không, từ xưa đến nay, trong nước cũng như nước ngoài, rất nhiều người đề cập. Ở đây, chúng tôi chỉ nói về tinh thần bình đẳng của Bát kỉnh pháp.

Cơ sở lý luận của tinh thần bình đẳng

Bình đẳng là một vấn đề lớn của nhân loại, được rất nhiều người quan tâm nghiên cứu. Nhưng từ xưa đến nay, chưa có ai thiết lập được cơ sở lý luận vững chắc cho tinh thần bình đẳng, cũng như chưa có ai thật sự thực thi tinh thần bình đẳng một cách trọn vẹn. Hơn nữa, các khía cạnh của bình đẳng mà họ quan tâm là sự bình đẳng giữa các quốc gia dân tộc, giữa các chủng tộc, giữa người và người, bình đẳng về giới tính… Hầu hết các quan điểm này thường phiến diện và không rốt ráo. Đến khi Đức Phật ra đời, Ngài đã mang lại triết lý về tinh thần bình đẳng thật sự cho nhân loại.

Từ điển Phật học Huệ Quang (tr.553) định nghĩa: “Bình đẳng là ngang bằng đồng đều, không cao thấp, cạn sâu. Chỉ tất cả hiện tượng đều cùng một tính: Không tính, Duy thức tính hay Chân như tính v.v… Đối với chúng sinh cũng phải xem đồng đẳng, không cao thấp, oán thân, đáng được thương xót ngang nhau và có đủ Phật tính như nhau, đây gọi là chúng sinh bình đẳng”. Theo lời Phật dạy trong kinh Phạm võng, kinh Niết-bàn… thì “Tất cả chúng sinh đều có Phật tính và đều có khả năng thành Phật. Ta là Phật đã thành, tất cả chúng sinh là Phật sẽ thành” là lời tuyên bố chắc thật, phát xuất từ tuệ giác tối thượng, mang tính nhân văn với ý nghĩa cao nhất của Đức Thế Tôn về giá trị chân thật của tất cả chúng sinh nói chung, con người nói riêng.

Con người thật trong mỗi người, Phật tính thanh tịnh của mỗi chúng sinh là như nhau chính là cơ sở lý luận vững chắc nhất cho sự bình đẳng tuyệt đối không chỉ giữa người và người, mà còn giữa tất cả mọi loài chúng sinh với nhau. Đây cũng là một đóng góp vô giá của triết lý Phật giáo cho văn hóa nhân loại đã được Liên Hiệp Quốc công nhận. Vì vậy, mối quan hệ giữa người và người là một quan hệ tuyệt đối bình đẳng, không có người cao thượng hay hèn hạ vì phân biệt giai cấp, không có tôn ti vì phân biệt nam nữ. Cao thượng hay hèn hạ là do hành vi, suy nghĩ của con người chứ không do giai cấp. Tư tưởng bình đẳng trong đạo Phật dạy con người phá bỏ sự phân chia giai cấp. Điều này thể hiện bàng bạc trong kinh điển, và chính Đức Phật hiện thực hóa triết lý này trong việc độ người xuất gia và sinh hoạt trong Tăng đoàn.

Kinh Tiện dân (Nipata) câu 136 là một minh chứng cụ thể về tinh thần bình đẳng: “Không ai sinh ra là tiện dân, không ai sinh ra là Bà-la-môn. Do hành vi mà con người thành tiện dân, do hành vi mà con người thành Bà-la-môn”. Tinh thần giải thoát giác ngộ bình đẳng, không phân biệt nam nữ cũng được thể hiện rõ trong kinh Thắng Man. Thắng Man phu nhơn là người nữ, do đã tu nhiều đời và nương oai thần lực của Phật mà nói lên tư tưởng Đại thừa nhất phương tiện và bà còn được Phật thọ ký sẽ thành Phật trong tương lai. Điều này khiến cho ta liên tưởng đến Long Nữ trong kinh Pháp hoa, Thiện Tài đồng tử trong kinh Hoa nghiêm, thể hiện tinh thần bình đẳng tuyệt đối như lời Phật nói: “Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh, đều sẽ thành Phật”. Đức Phật khẳng định: “Ta là Phật đã thành, chúng sinh là Phật sẽ thành”. Lời chân thật này của Đức Phật đã được hiện thực hóa ngay khi Ngài còn tại thế, là những ai, bất luận ở vào hạng nào, dù đó là ngoại đạo, ác nhơn, tà kiến, bần tiện, ngu dốt v.v…, nếu biết tin tưởng theo lời Phật dạy mà nỗ lực hành trì thì đều được giác ngộ giải thoát. Những vị Tỳ-kheo thượng túc đệ tử Phật tu hành đắc quả như các Tôn giả Xá-lợi-phất, Mục-kiền-liên…; Tỳ-kheo-ni như Ma-ha Ba-xà-ba-đề, Liên Hoa Sắc…; thậm chí đến như Đề-bà-đạt-đa có ác tâm hại Phật, thái tử A-xà-thế giết cha hại mẹ, chàng Vô Não nghe lời ngoại đạo giết người lấy đủ 100 ngón tay, nàng Ma-đăng-già hại A-nan…; cuối cùng tất cả đều được Phật độ và được giải thoát.

Kinh Tương ưng chép rằng, Đức Thiện Thệ thấy vua Pasenadi nước Kosala không được hoan hỷ, khi biết hoàng hậu Mallikà đã sinh hạ một người con gái, ngay lúc ấy nói lên bài kệ giảng giải về vấn đề nam nữ bình đẳng: “Này Nhân chủ, ở đời/ Có một số thiếu nữ/ Có thể tốt đẹp hơn/ So sánh với con trai…”. Tinh thần bình đẳng còn thể hiện trong kinh Từ bi: “Nguyện cho tất cả các loài sinh vật trên trái đất đều được sống an lành… Nguyện cho đừng loài nào sát hại loài nào, đừng ai coi nhẹ tính mạng của ai, đừng ai vì giận hờn hoặc ác tâm mà mong cho ai bị đau khổ và khốn đốn”.

Tinh thần bình đẳng của Đức Phật được kế thừa và phát huy ở Phật hoàng Trần Nhân Tông, với sự mong mỏi tất cả con dân Đại Việt đều là Thích Ca, Di Lặc: “Tích nhân nghì, tu đạo đức, ai hay này chẳng Thích Ca. Cầm giới hạnh, đoạn ghen tham, chỉn ấy thực là Di Lặc” (Thích Nhất Hạnh, Trái tim của Trúc Lâm đại sĩ, tr.11). Tuệ Trung thượng sĩ đã triệt ngộ, sống trọn vẹn với con người thật nên mới khẳng định rằng: “Cũng nét mày ngang đường mũi dọc/ Phật với chúng sinh mặt khác nào” (Đoàn Thị Thu Vân, Thơ thiền Lý Trần, tr.225).

Quan niệm Phật và chúng sinh hoàn toàn bình đẳng, đều có cùng bộ mặt thật với “nét mày ngang, đường mũi dọc” thật là hy hữu hiếm thấy trong thời cổ trung đại, thời kỳ mà ý thức hệ phong kiến với các thế lực siêu nhiên chi phối bao trùm lên toàn bộ các lĩnh vực của đời sống xã hội. Những lực lượng bất khả xâm phạm này được nhìn nhận là đấng siêu nhiên, bậc bề trên của con người. Thời kỳ này ngay cả vua của một nước lớn như Trung Quốc cũng chỉ dám xưng là thiên tử (con trời), chiếu chỉ vua ban đều phải mở đầu bằng câu Phụng thiên thừa vận (tuân theo mệnh trời), nhưng ở đây Tuệ Trung dám công nhiên khẳng định Phật và tất cả chúng sinh bình đẳng như nhau. Cái nhìn thấu triệt thực tướng của vạn pháp vượt không gian, thời gian này là cơ sở vững chắc, mang tính nhân văn với ý nghĩa cao nhất, siêu việt thời đại về sự bình đẳng tuyệt đối không chỉ giữa người và người mà còn giữa mọi chúng sinh với Phật, Trời, Thần, Thánh. Ý nghĩa lớn về triết lý bình đẳng do Đức Phật giác ngộ ra là một giá trị tinh thần vô cùng cần thiết mà con người trong thời đại văn minh của chúng ta cần suy ngẫm.

Vấn đề Bát kỉnh pháp

Trong xã hội văn minh hiện đại, với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin, xu hướng vận động kêu gọi nam nữ bình quyền xuất hiện khoảng trên dưới một thế kỷ nay. Phong trào này ảnh hưởng sâu rộng đến nhiều tầng lớp trong xã hội, kể cả Ni giới Phật giáo trên toàn thế giới. Một trong những vấn đề tốn nhiều bút mực nhất là Bát kỉnh pháp dành cho Ni giới. Bản kinh nói về sự thiết lập Ni đoàn và Bát kỉnh pháp được tìm thấy trong Kinh tạng (Tăng chi, kinh Mahāpajāpati Gotamī) và Luật tạng của Phật giáo hệ Pāli, lên văn bản vào thế kỷ thứ nhất trước Công nguyên.

Kinh Hán tạng tương đương là Cù-đàm-di (Trung A-hàm, số 116). Các truyền thống Phật giáo căn cứ vào nguồn tài liệu này để xác định rằng chính bà Ma-ha Ba-xà-ba-đề, kế mẫu của Đức Phật, là người đại diện xin Phật cho nữ giới xuất gia.

Đức Phật đã chế Bát kỉnh pháp, tóm lược như sau: 1. Tỳ-kheo-ni phải cầu thọ giới Cụ túc nơi Tỳ-kheo. 2. Tỳ-kheo-ni cứ mỗi nửa tháng phải đến thọ giáo nơi Tỳ-kheo. 3. Nếu nơi trụ xứ không có Tỳ-kheo thì Tỳ-kheo-ni không được thọ hạ an cư. 4. Tỳ-kheo-ni sau khi thọ hạ an cư phải đối trước hai bộ chúng thỉnh cầu chỉ rõ về ba sự kiện, thấy, nghe và nghi. 5. Nếu Tỳ-kheo không cho phép thưa hỏi thì Tỳ-kheo-ni không được thưa hỏi. 6. Tỳ-kheo-ni không được nói điều trái phạm của Tỳ-kheo. 7. Tỳ-kheo-ni nếu phạm Tăng-già-bà-thi-sa thì phải đối trước hai bộ chúng hành bất mạn. 8. Tỳ-kheo-ni dù đã thọ giới Cụ túc lâu đến một trăm năm, nhưng đối với trước Tỳ-kheo mới thọ giới Cụ túc vẫn phải khiêm cung cúi đầu làm lễ.

Mới đọc Tám điều Đức Phật dạy cho những người nữ thật tâm mong muốn xuất gia, đúng là dễ có cảm giác trọng nam khinh nữ, nhất là dưới lăng kính xã hội học trong xã hội hiện đại ngày nay với xu hướng nam nữ bình đẳng.

Tinh thần bình đẳng của Bát kỉnh pháp

Bàn cãi về các phương diện, góc độ, kể cả mức độ tin cậy của Bát kỉnh pháp có phải do Đức Phật chế hay không, từ xưa đến nay, trong nước cũng như nước ngoài, rất nhiều người đề cập. Ở đây, chúng tôi chỉ nói về tinh thần bình đẳng của Bát kỉnh pháp.

Vì sao Đức Phật cho nữ giới xuất gia? Bởi Ngài thấy rõ, tất cả chúng sinh đều có Phật tính và có khả tính giác ngộ. Đây chính là nền tảng vững chắc nhất về thực tính bình đẳng và tinh thần bình đẳng của Phật giáo, và là kim chỉ nam để Đức Phật cư xử với tất cả chúng sinh nói chung và nữ giới nói riêng.

Nhưng mỗi loại chúng sinh có căn cơ, tư chất, nghiệp chướng khác nhau, Đức Phật tùy theo những đối tượng khác nhau ấy mà có phương pháp giáo hóa thích hợp, cốt sao lợi ích và hiệu quả nhất trên tiến trình hướng đến giác ngộ, giải thoát. Bát kỉnh pháp và những giới luật dành cho Ni giới vẫn không ngoài mục đích này.

Tinh thần cốt yếu của Bát kỉnh pháp chính là giúp nữ giới tiêu trừ ngã chấp, đạt đến vô ngã. Trong ý nghĩa này, tâm đã vô ngã thì không có tướng hữu ngã nào có thể chướng ngại. Nếu các vị Tỳ-kheo-ni đều suy nghĩ như thật rằng, tất cả mọi khổ đau đều do tâm chấp ngã mà ra, Bát kỉnh pháp giúp ta dẹp bỏ cái ngã không thật ấy. Nếu ta chân thật tu hành, hướng tới vô ngã giác ngộ giải thoát thì Bát kỉnh pháp đâu có trở ngại gì!

Đơn cử như Sư bà Hải Triều Âm, bậc hiền đức trưởng thượng trong hàng Ni giới đương đại, có công đức không nhỏ trong việc hoằng dương Chánh pháp, được cả Tăng Ni kính quý, suốt đời cẩn trọng gìn giữ Bát kỉnh pháp không chút lơ là, huống nữa dám bác bỏ. Thiết nghĩ, đối với những người có tâm chấp ngã, có tâm phân biệt thì Bát kỉnh pháp đang trở ngại cho ngã chấp của họ, họ sẽ thấy Bát kỉnh pháp là không thật bình đẳng, không do Phật chế.

Hiện nay, nhiều người quan tâm đến vấn đề Bát kỉnh pháp. Rất mong những bậc cao tăng thạc đức quan tâm đến vấn đề này với thận trọng tối đa, dùng Tam pháp ấn, Tứ tất đàn, Tứ y chiếu soi để nhận diện rõ bản chất chân thật của Bát kỉnh pháp do Đức Phật từ bi ân cần chỉ dạy cho Ni giới, nhằm xây dựng tinh thần hòa hợp Tăng - Ni như pháp, góp phần xiển dương Chánh pháp tại thế gian.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Có 27 thanh niên từ 16 quốc gia tham gia chương trình Bồ-tát Trẻ tuổi Toàn cầu đã tạo nên một cộng đồng quốc tế đa dạng

Chương trình Bồ-tát trẻ tuổi

GNO - Mạng lưới Phật tử Nhập thế Quốc tế (INEB) vừa qua đã tổ chức Chương trình Bồ-tát Trẻ tuổi Toàn cầu hàng năm, một khóa học trải nghiệm kéo dài hai tuần dành cho các nhà lãnh đạo trẻ và các nhà hoạt động xã hội.

Thông tin hàng ngày