Tôi ăn Tết Bính Thân ở Huế

GNO - Tôi thường về thăm Huế mỗi năm nhưng năm nay mới được dịp nhìn tận mắt những rộn ràng của người dân Huế chuẩn bị đón Tết Bính Thân.

1.jpg
Chợ hoa ở cố đô - Ảnh: Minh Tự

Mặc dù mưa lạnh, thiên hạ vẫn tấp nập đi mua sắm. Cháu tôi nói ngày thường không thấy người đông như vậy. Chắc những người đi làm ăn xa lo về quê ăn tết sớm nên trên đường phố lúc nào nhộn nhịp. Đường nào cũng giăng đèn kết hoa. Chợ nào cũng đông người chen chúc. Chợ hoa đầy dẫy khắp nơi. Chợ hoa lớn nhất là ở bên tả ngạn sông Hương dọc đường lên An Hòa, ngay ngoại thành. Tiếc là trời mưa lớn quá, tôi không xuống chụp hình được.

Ngày xưa khi tôi lớn lên, ở Huế không hề có chợ hoa.  Mà hoa thật nhiều loại tôi chưa bao giờ thấy nhiều như thế ở Huế. Cúc đại đóa, chậu to, chậu nhỏ, hoa thạch thảo, chậu nhỏ chậu to, hoa mai, hoa lan đủ màu, đủ loại, hoa hải đường, một loại day lyly hai màu, trắng và hồng tía rất đẹp, loại của Huế thì có thể tươi nhiều tháng, loại của Hà Nội chỉ hơn một tháng là hoa tàn, hoa hồng nhiều màu, glayeul đỏ thắm và những cây quất trái vàng, lá xanh rất đẹp mắt, rất Tết và còn nhiều loại khác nữa mà tôi không biết tên. Hoa mai tiêu biểu cho ngày Tết ở Huế. Từ thành thị đến thôn quê, nhà nào cũng cố sắm cho được một cành mai. Chậu mai hay cành mai ở nhà dân giả miền quê, dù là nhà tranh vách đất cũng thấy hài hòa làm tăng không khí Tết, không như cành đào ở ngoài Bắc rất kén, chỉ khoe sắc ở những ngôi nhà cao sang. Mới 20 Tết, em tôi đã “tha” về một cặp hoa cúc to nhất Huế có đường kính hơn một mét, giá hai triệu; một cặp thạch thảo một triệu rưỡi. Cậu khoái chí mỗi khi bệnh nhân trầm trồ đứng ngắm 2 chậu cúc.

333.jpg

Tác giả cùng gia đình đi chơi Tết

Ngày 22 Tết, cả nhà đi chợ Big C, một mall lớn nhất ở Huế gồm chợ bán thức ăn và nhiều gian hàng đủ loại, nhiều thứ được giảm giá đến 50%. Buồn cười là cửa hàng phần lớn có tên Mỹ! Ngay cửa vào được chưng bày một cành mai vàng to tướng với nhiều bánh chưng, bánh tét và những bao lì xì. Thiên hạ chen chúc mua sắm đủ mặt hàng rất vui mắt. Hơi buồn khi, thỉnh thoảng, nghe loa nhắc nhở cẩn thận coi chừng bị móc túi. Trước khi bước vào trong thì phải đến quầy sắp hàng đưa ví xách tay (hand bag) cho họ bọc nylon, niêm lại đến khi ra quầy trả tiền ở tầng dưới mới cần mở niêm ra! Tôi lúng túng khi cần mở ví lấy kẹo ho vì tự nhiên nổi ho, khô cổ. Cô cháu dâu nói cứ mở tự nhiên và cháu mở cho tôi chứ tôi cũng không dám mở! Xót xa khi thấy sự tương phản giữa nhiều khách sạn xa hoa, resort tầm cỡ quốc tế, gân golf và đời sống người dân còn nhiều khó khăn. Mức sống ở Huế cũng thấy khá hơn so với những năm đầu tôi về đây, nhưng cũng còn quá nhiều người nghèo. Em tôi và con trai, con dâu sửa soạn 50 phần quà Tết tặng người nghèo ở xóm dưới. Một phần quà gồm một thùng mì ăn liền, một cân mứt gừng, và 200.000 đồng. Em làm như vậy cũng được mấy năm, âm thầm thôi. Cô cháu dâu và một cô thiện nguyện đi vào xóm, đến từng nhà phát quà. Cô cháu rất xúc động thấy họ nghèo quá. Nhà xiêu vẹo, có nhà không có cửa. Có người không có nơi ăn ở, mỗi đêm ngủ nhờ một chỗ. Phần lớn là người già, 80, 90 tuổi, không con cháu, hay con cháu bỏ rơi; gần một nửa như là bị bệnh tâm thần.

Trong tháng Chạp, nhà nhà nhớ ông bà tổ tiên nên lo đi chạp mộ. Một năm thăm mộ ông bà hai lần, thanh minh và cuối năm.  Phải lo chạp mộ rồi mới yên tâm sửa soạn đón năm mới. Từ nửa tháng trước Tết, em họ tôi đã bắt đầu lo làm thức ăn để cúng Tết, để mời khách trong ba bữa Tết làm tôi nhớ ngày còn ông bà nội ở Vỹ Dạ. Bà nội cũng sửa soạn làm mứt, bánh cả tháng trước Tết. Nhưng em tôi không gói bánh chưng, bánh tét mà làm khô bò, ngâm xoài xanh với đường, ngâm trái cốc, làm mứt táo. Ngoài ra còn làm dưa hành, dưa món, dưa muối v.v. Nem, chả, và tré thì đặt người ta làm sớm để mình có thể ăn nếm trước Tết thì ngon hơn, em rể tôi tuyên bố vậy nên ngày nào mâm cơm cũng có những món ăn của ngày Tết rất thú vị. Có mấy món đặc biệt chỉ làm vào dịp Tết mà nay tôi mới thấy. Em nói ba ngày Tết, chị người làm về quê ăn Tết không ai đi chợ nên phải thủ sẵn những thứ có thể để được cả mấy tuần. Em tôi cũng lo sắm cho thằng cháu nội 5 tuổi bộ đồ cậu ấm cô chiêu ngày xưa: áo gấm xanh, khăn xanh để mặc ngày mùng một Tết mừng tuổi ông bà.

10924201_420366808155202_360863167372509432_o.jpg

Bánh mức Tết ở Huế xưa - Ảnh: Phú Xuân

Dĩ nhiên, nhà ai cũng lo sắm sửa đủ lễ để đưa ông Táo về chầu Ngọc Hoàng ngày 23 tháng Chạp. Mới ngày 22 mà tôi thấy em đã sửa soạn cúng ông Táo. Em bảo phải đưa ba ông bà Táo đi trước một ngày chứ chờ đúng ngày thì sợ kẹt đường! Em bảo nhiều nhà làm như vậy vì họ ngại cá chép không có chỗ chen sợ lên chầu Ngọc Hoàng bị trễ. Không biết tập tục mới này bắt đầu từ hồi nào và ai là người xướng ra mà thấy cũng hợp lý!

Mới 25 Tết mà đã có nhiều cơ sở tư đóng cửa. Em tôi có phòng khám bệnh tại nhà. Khi giới thiệu bệnh nhân đi siêu âm thì họ điện cho biết đến nơi đã thấy bảng yết là đóng cửa ăn Tết, phải đưa bệnh nhân đến bệnh viện. Tôi nói mấy ông bác sĩ ăn Tết sớm quá thì cháu tôi cho biết không phải mấy ông chủ muốn nghỉ sớm nhưng nhân viên đòi về quê ăn Tết nên họ phải đóng cửa! Cậu em tôi nói mấy ngày Tết là thường có bệnh nặng vì bệnh nhẹ thì người ta lờ đi để lo Tết trước! Ngoài đường ngày nào cũng tấp nập người đi xuôi ngược mua sắm. Phải chi trời nắng đẹp thì còn đông đúc hơn, buôn bán khá hơn, vui hơn. Không biết những chợ hoa có bán hết hoa không. Người có tiền mua những cặp hoa bạc triệu, người ít tiền cũng mua ít nhất một cặp cúc vài trăm ngàn. Người nghèo thì mua một bó hoa để cúng ông bà. Nhà nào bàn thờ ông bà ngày Tết cũng ấm cúng với bình hoa, nải chuối, kẹo, mứt, bánh chưng, bánh tét. Phong tục ngày Tết vẫn được người dân Huế duy trì một cách trang trọng. Nhà nào cũng lo dọn dẹp nhà cửa, chùi dọn bàn thờ tổ tiên sạch sẽ để rước ông bà về ăn Tết, sắm sửa trong nhà mứt bánh đủ thứ để tiếp khách ba ngày Tết. Họ vẫn giữ tục lệ đi thăm và cho quà nhau trước Tết. Tôi thấy hai em làm một danh sách những nhân vật cần thăm, rồi tất tả đi thăm với quà Tết, đến mấy ngày mới xong. Nghe đâu ít người cho rượu vì ngày nay rượu giả nhiều quá! Rồi từ mồng một Tết lại lo đi thăm nhau nữa để chúc Tết, nhưng ai cũng mong chủ nhân không có nhà để khỏi phải ngồi lâu, chỉ cần để lại danh thiếp.

Tết này, mất một ngày sắm Tết vì chỉ có 29 ngày trong tháng Chạp mà thiên hạ tất bật lo lắng chỉ sợ không đủ thì giờ mua sắm cho đầy đủ. Có người lo mua sắm đến 30 Tết mới thôi. Trưa 30 Tết là đường bắt đầu vắng. Ai về nhà nấy, lo sửa soạn mâm cơm để rước ông bà. Về đây tôi mới thấy lại không khí Tết, ấm cúng, cảm động mà tôi đã quên đi trong hơn 50 năm qua ở xứ người, không có Tết. Tôi cũng hăng hái mua bao đỏ, đổi tiền mới cho vào bao sẵn sàng để ly xỳ cho trẻ con ngày mồng một Tết. Chúng tôi bàn nhau không biết sau này, người Việt có muốn cải tổ như người Nhật bỏ Tết Âm lịch, chỉ mừng Tết Dương lịch. Mà nếu có cải tổ thì chắc cũng khó giữ được những phong tục Tết đặc biệt của Huế.

Tuy thời tiết thật khó thương, lạnh mà ẩm, mưa hầu như mỗi ngày, và tôi đã bị cảm lạnh một tuần nay nhưng tôi vẫn thấy mình về Huế sớm là một quyết định đúng, tôi được hưởng hương vị Tết mà tôi chắc chỉ có ở Huế.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Cử hành nghi thức niệm Phật cầu gia bị

Bình Định: Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh họp thường kỳ triển khai Phật sự cuối năm 2024

GNO - Sáng 11-12, tại Văn phòng Ban Trị sự Phật giáo tỉnh (114 Tăng Bạt Hổ, TP.Quy Nhơn), Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bình Định đã tổ chức cuộc họp thường kỳ nhằm triển khai các công tác cuối năm 2024, góp ý dự thảo tổng kết Phật sự năm 2024 và phương hướng hoạt động năm 2025.

Thông tin hàng ngày