Tôi tin các vị Bồ-tát luôn hiện hữu

Thánh tượng 33 ứng thân Bồ-tát Quan Âm tại chùa Huê Nghiêm (Q.2, TP.HCM) - Ảnh: Bảo Toàn
Thánh tượng 33 ứng thân Bồ-tát Quan Âm tại chùa Huê Nghiêm (Q.2, TP.HCM) - Ảnh: Bảo Toàn
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Trong Phật giáo thì chỉ có Đức Phật Thích Ca Mâu Ni và các vị Thanh văn đệ tử của Phật là những con người có thật, còn các vị Bồ-tát chỉ được đề cập trong các kinh điển chứ không phải là những nhân vật lịch sử cụ thể ở cõi đời này.

Điều này làm cho một số người nghi ngờ rằng không biết các vị Bồ-tát có hay không, hay đó chỉ là những biểu tượng tượng trưng cho một đặc tính nào đó của tâm, như Bồ-tát Quán Thế Âm tượng trưng cho tâm từ bi? Tùy từng người mà có nhiều cách hiểu khác nhau về sự không có lai lịch cụ thể của Bồ-tát, ở đây người viết chỉ xin nêu lên cảm nhận của mình trong mối liên hệ giữa việc không có lai lịch của các vị Bồ-tát với công hạnh của các Ngài.

Mặc dù các vị Bồ-tát không phải là những con người thật như các vị Tôn giả Thanh văn nhưng tôi vẫn tin các vị Bồ-tát là có thật, chứ không chỉ là biểu tượng của tâm. Bởi vì Phật pháp là để tu, mà có tu thì có chứng.

Tu theo Thanh văn thừa thì chứng quả vị Thanh văn, tu theo Duyên giác thừa thì chứng quả vị Duyên giác, còn tu theo Bồ-tát thừa thì chứng quả vị Bồ-tát. Người ta có thể chứng được các quả vị Thanh văn như Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm và A-la-hán thì người ta cũng có thể chứng được các quả vị của Bồ-tát. Đây là điều bình thường. Tuy nhiên, bài viết này không có ý chứng minh là có Bồ-tát hay không mà chỉ nói lên cảm nhận của người viết, rằng sự không có lai lịch của các vị Bồ-tát phải chăng muốn nói lên một công hạnh vĩ đại của các Ngài: công hạnh vô ngã vị tha.

Theo như mô tả của các kinh điển Đại thừa thì đa số các vị Bồ-tát đều ở các cõi nước khác trong mười phương, chỉ thỉnh thoảng ghé thăm cõi Ta-bà này rồi đi, hoặc như Bồ-tát Quán Thế Âm dạo đi trong cõi Ta-bà này để cứu độ những ai gặp nạn mà niệm danh hiệu của Ngài. Nói chung là các Ngài chỉ xuất hiện trong một hoàn cảnh nhất định nào đó mà thôi.

Chúng ta thường nghe các vị Tổ sư, Hòa thượng hay dân chúng hữu duyên được gặp các Bồ-tát, như ngài Huyền Trang gặp Bồ-tát Quán Thế Âm trong sa mạc trên đường đến Ấn Độ thỉnh kinh, hay Hòa thượng Hư Vân gặp Bồ-tát Văn Thù dưới hình thức là lão già ăn mày Vân Cát, người đã cứu giúp ngài nhiều lần trên đường đến núi Ngũ Đài Sơn. Nói chung các vị Bồ-tát chỉ đến cứu giúp chúng sinh khi chúng sinh đau khổ và cần đến các Ngài. Xong rồi thì các Ngài biến mất không để lại dấu vết.

Chúng ta không biết các Ngài ở đâu, từ đâu đến và đi về đâu hay khi nào gặp lại. Công hạnh của các vị Bồ-tát cũng bí ẩn như lai lịch của các Ngài. Cái vĩ đại của các Bồ-tát không nằm ở chỗ cứu giúp người khác mà ở chỗ cứu giúp mà không hề kể công, không cần được trả ơn và không cần “để lại danh thiếp” cho người ta biết mình là ai. Đó là hạnh Ba-la-mật của Bồ-tát: Không thấy mình là người giúp và chúng sinh là người được giúp vậy.

Trong cuộc sống, nhiều khi ta cũng gặp các vị Bồ-tát dưới những hình thức khác nhau. Ví dụ như ta mắc chứng bệnh đã nhiều năm không khỏi, một hôm tình cờ gặp ai đó chỉ cho ta bài thuốc trị hết căn bệnh trầm kha của ta. Thì người chỉ cho ta bài thuốc đó là một vị Bồ-tát đến giúp ta rồi đi. Hay như hiện nay, các bệnh nhân bị nhiễm Covid-19 đang điều trị tại các bệnh viện, họ được các y, bác sĩ tận tình điều trị. Sau khi hết bệnh họ ra về nhưng vẫn không thể thấy hay biết những người điều trị mình là ai vì các y, bác sĩ đều mặc đồ bảo hộ. Đối với các bệnh nhân đó thì các y, bác sĩ đó chính là những vị Bồ-tát, người mà đã đến với mình khi cần thiết và lặng lẽ ra đi khi đã cứu giúp xong.

Bồ-tát có mặt khắp mười phương thế giới, trong đó có cõi Ta-bà này. Ai cũng có thể trở thành một vị Bồ-tát khi ta giúp người khác một cách vô ngã vị tha. Cho nên ta đừng thắc mắc tại sao các vị Bồ-tát không có lai lịch cụ thể,vì đó là công hạnh của các Ngài.

Các Ngài đi qua cõi đời này như cánh nhạn bay qua dòng sông: Nhạn bay cao vút trên không/ Bóng chìm dưới nước lạnh căm vô tình/ Nhạn không có ý để hình/ Nước không lòng giữ bóng hình nhạn đâu!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Họa sĩ Kim Đức

Quy y

GNO - Cái tin chị đi tu làm ai cũng ngỡ ngàng. Bọn thanh niên trong khu phố tiếc hùi hụi vì từ nay không còn ai để theo đuổi, trêu ghẹo. Người già, nhất là những người chuộng trang phục áo dài, áo bà ba lấy làm buồn lắm, bởi chị là một cô thợ may may đồ kiểu xưa rất đẹp.
Chuông chùa Nhật Bản, giống như chuông chùa của các nước khác, được đánh từ bên ngoài bằng chày hoặc thanh xà treo chứ không phải bằng một quả lắc bên trong.

Phạm chung trong đời sống văn hóa, tôn giáo của người Nhật

NSGN - Phạm chung ( bonshō, 梵鐘), cũng được gọi là điếu chung ( tsurigane, 釣鐘) hay đại chung ( ōgane, 大鐘), là những chiếc chuông lớn được nhìn thấy trong các ngôi chùa Phật giáo trên khắp Nhật Bản, dùng để thỉnh mời các Tăng sĩ tập họp hành lễ và để phân định các mốc thời gian trong ngày.

Thông tin hàng ngày