Đó cũng có thể là lời kể của những người trong cuộc chia sẻ về những kỷ niệm tu tập của mình với những niềm vui, những kỷ niệm, kinh nghiệm thực tập để vượt qua chướng ngại, giữ vững sơ tâm. Bài viết không quá 1.200 chữ, gửi về Giác Ngộ (85 Nguyễn Đình Chiểu, P.6, Q.3, TP.HCM) bằng thư tay hoặc qua địa chỉ e-mail: phatgiaovatuoitre@gmail.com. Bài được chọn đăng sẽ có nhuận bút, và cứ sau 3 tháng BBT sẽ chọn ra một bài hay, ấn tượng nhất để trao tặng phẩm từ Giác Ngộ (bao gồm 500.000 đồng và quà tặng sách, báo trị giá 500.000 đồng). Mong nhận được sự hưởng ứng tham gia của quý độc giả Báo Giác Ngộ. Tôi đi tu kể cũng là một sự diệu kỳ. Hôm đó, mùng một Tết năm Tân Mùi, sau một ngày đi chơi trở về, tôi thấy chiếc xe gắn máy của người anh họ dựng ở góc sân, hỏi ra mới biết là ba mượn. "Ngày mai ba sẽ chở con đi thăm thầy!", ba nói. Khuya hôm đó, lúc 3g30 sáng, mẹ dậy sớm hâm nóng thức ăn cho hai cha con xong rồi trở vào giường ngủ tiếp. Hai cha con lên đường vào lúc trời còn chưa hừng sáng. Đoạn đường từ Buôn Ma Thuột đến Nha Trang không quá xa, nhưng đối với đứa trẻ 14 tuổi chưa bao giờ xa nhà như tôi quả là một hành trình thăm thẳm! Đến chùa vào lúc gần trưa. Hai cha con cùng vào chào thầy. Thầy hỏi han tôi đủ điều. Sau đó thầy quay sang ba tôi, cười bảo: "Hôm nay ngày tốt đó, hay là chú để nó ở lại tu với thầy đi!". Ba liếc nhìn tôi, thấy tôi không tỏ thái độ gì liền quay về phía thầy: "Dạ, thầy dạy vậy thì con nghe!". Rồi ba ở lại trò chuyện với thầy, tôi chạy ra ngoài chơi với mấy chú tiểu - chú Lộc, chú Thọ, chú Trí. Quả đường trưa xong, chú Lộc dắt tôi vào phòng khách nghỉ. Vì mệt nên tôi đã đánh một giấc ngon lành - có thể nói đó là giấc ngủ trưa… đầu tiên của tôi, vì ở nhà, tôi không bao giờ ngủ trưa! Thức dậy thì đã 2 giờ chiều, tôi chạy vội ra ngoài tìm ba, nhưng không thấy ba đâu, chiếc xe máy cũng chẳng còn ở đó. Gặp chú Thọ đang ngồi học kinh ở gốc cây duối, tôi chưa kịp hỏi, chú đã nói: "Ông tìm ba ông phải không? Ba ông về rồi!". Không dưng, tôi hốt hoảng. Vậy là ba về thật rồi. Tôi chỉ còn một mình. Có bao giờ tôi ở nơi xa một mình đâu! Nước mắt rơm rớm chực trào, nhưng tôi không dám khóc! Khuya hôm đó, nghe tiếng kiểng báo thức, tôi ngồi bật dậy, ngơ ngác nhìn xung quanh, thấy cái gì cũng lạ. Chú Lộc gọi tôi ra gác chuông thỉnh đại hồng chung. "Hồng chung sơ khấu, bảo kệ cao âm, thượng thông thiên đường, hạ triệt địa phủ. Nam mô U minh giáo chủ, Cứu khổ Bổn tôn, Cứu bạt minh đồ, Đại nguyện Địa Tạng Vương Bồ tát…", chú Lộc thỉnh. Tiếng đại hồng chung vang rền, sâu lắng và buồn da diết, ngân không dứt giữa bầu khuya tịch mịch. Tự dưng nước mắt tôi chảy dài. Mãi nhiều năm sau, tôi vẫn nhớ như in cái giọng ngâm tha thiết, não nuột và tiếng chuông sâu buồn thăm thẳm ấy… Qua rằm tháng Giêng, ba mẹ và đứa bạn thân xuống thăm. Thấy tôi trong bộ đồ nâu sồng cũ kỹ, mẹ không cầm được nước mắt. Còn đứa bạn thì thích lắm, về cứ nằng nặc xin ba mẹ đi tu nhưng ba mẹ bạn ấy bảo để học xong lớp 12 rồi hẵng hay. (Thời gian lần lữa, đến khi cậu học xong lớp 12 thì cũng vừa có… bạn gái. Tết rồi về nhà, tôi đã phải chuẩn bị 3 cái bao lì xì cho 3 đứa con của cậu! Quả thật, đi tu cũng phải có duyên!). Đến ngày vía Đức Bổn Sư xuất gia, tôi được thầy làm lễ thế phát. Chỉ có ba tôi về dự. Ba về trước một ngày. Sau khi chào thầy xong, ba gọi tôi ra hồ nước trước tháp chuông nói: "Con à, ba thấy đi tu cực quá, phải thức khuya dậy sớm, phải làm lụng cực nhọc mà ăn uống thì chỉ có miếng tương, miếng rau. Làm Phật tử tại gia mình cũng có thể tu được mà con!". Tôi im lặng một đỗi rồi mới trả lời: "Con lỡ đi tu rồi ba à. Con không về đâu!". Buổi khuya, sau lễ vía, thầy làm lễ thế phát cho tôi. "Thế trừ tu phát; đương nguyện chúng sanh; viễn ly phiền não; cứu cánh tịch diệt…", thầy và các chú cùng đọc. Ba nhát dao, ba lọn tóc rớt xuống nền. Lúc đó, lòng tôi không vui, không buồn. Tôi chỉ nghĩ rằng, thế là từ nay mình dâng hết cuộc đời cho Phật rồi, ba mẹ và người thân giờ chỉ là những "thí chủ"! Sáng ra, tôi được mấy chú cạo sạch tóc, chỉ chừa lại một cái chỏm - tôi chính thức làm "khu ô sa di", tức một chú tiểu đuổi quạ, nếu nói văn hoa hơn là một "thiên thần quét lá" - chùa tôi sân rộng, buổi sáng huy động hết cả bốn "thiên thần" ra quét cũng mất cả giờ. Nhưng đâu chỉ quét lá, chúng tôi còn phải lau chánh điện, quét dọn bàn thờ, tưới cây kiểng, thậm chí gánh đất, vác đá, phụ nấu ăn. Bữa nào làm việc cực nhọc thì thầy "khuyến mãi" thêm cho gói mì… "Ba năm liền, hầu như đêm nào mẹ cũng khóc vì nhớ con; đầu hôm mất ngủ, tỉnh giấc lúc gần sáng thì nghĩ giờ này chắc con đã dậy công phu. Gặp miếng ngon, mẹ nuốt không trôi, vì biết con toàn tương chao rau cải, được miếng tàu hủ cũng đã là cao sang!", mẹ kể lại nhiều năm sau ngày tôi xuất gia, bởi vì: "Con đi tu mẹ cũng bất ngờ, không chuẩn bị được gì cả!" Tôi đã trải qua ba năm hành điệu với biết bao vui buồn, gian khổ. Nhiều lúc ham chơi hay học kinh không thuộc bị thầy bắt quỳ tàn cả cây hương. Có hôm vừa công phu khuya vừa ngủ gật, bị thầy lấy dùi chuông gõ vào đầu đau điếng! Đau nhưng… nhớ, nhớ mãi! Đi đứng nằm ngồi đều phải oai nghi tế hạnh; nói năng phải chuẩn mực từ hòa. Nhiều hôm trốn chùa đi đá banh về bị thầy đánh gãy ba cây roi! Ra học trường đời thì không được thua chúng bạn, vì như vậy sẽ mất thể diện của chùa!... Hôm nay, ngồi viết lại những kỷ niệm về "cái thuở ban đầu lưu luyến ấy, ngàn năm hồ dễ mấy ai quên", tôi không khỏi giật mình vì thời gian trôi nhanh quá. Nhớ hôm nào ba bảo tôi thôi đừng tu nữa, về làm Phật tử tại gia cũng được - sau này tôi mới biết nguyên do là vì mẹ tôi đã khóc và "bắt đền" ba, rằng "ông cho con tui đi tu mà ông không thèm hỏi tui một tiếng", tôi đã trả lời với ba là tôi "lỡ tu" rồi. Lỡ như vậy mà đến nay đã tròn 20 năm. Hai mươi năm ấy biết bao nhiêu tình, tôi không hề hối tiếc !