Quốc tự Diệu Đế (đường Bạch Đằng, TP Huế) là ngôi chùa độc đáo nhất nước với tuyệt tác bức tranh “Long vân khế hội” gồm 5 con rồng ẩn trong mây được vẽ trên trần chánh điện bởi 1 họa sĩ tài hoa thời vua Nguyễn.
Bức tranh “Long vân khế hội” đã từng được Trung tâm sách Kỷ lục Việt Nam công nhận kỷ lục là “Bức tranh vẽ trên trần chánh điện xưa và lớn nhất Việt Nam” vào tháng 3/2008. Tranh do họa sĩ cung đình thời Nguyễn - ông Phan Văn Tánh (quê ở huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế) vẽ vào thời vua Khải Định cách đây hơn 100 năm.
Tranh gồm 2 phần: trên trần gồm 5 con rồng vờn trong mây và 4 con rồng uốn trên 4 cột tại chánh điện chùa; miêu tả về 1 điển tích liên quan đến phật Thích Ca Mâu Ni. Mỗi con rồng một vẻ, tất cả đều oai phong lẫm liệt toát lên cái thần của con vật linh thiêng - uy quyền nhất trong 12 con giáp. Họa sĩ Tánh đã vẽ theo thế nằm: Dựng dàn giáo song song với trần rồi nằm ngửa ra dùng tay vẽ.
Tuy nhiên, theo các thầy ở Diệu Đế, bức tranh trên đang đứng trước nguy cơ bị hủy hoại cao khi trần chánh điện đã bị dột hơn 20%. Các con rồng màu bị hoen ố, một số mảng màu bị ẩm ướt, rêu đen bám đầy. Chùa cũng thông qua báo Dân trí, xin các cơ quan chức năng quan tâm hơn để bức tranh độc đáo trên không bị biến mất theo thời gian.
Diệu Đế là ngôi cổ tự được thành lập rất sớm, năm 1843, được vua Nguyễn phong làm quốc tự - là 1 trong 4 quốc tự xứ Huế gồm Thiên Mụ - Bảo Quốc - Thánh Duyên và Diệu Đế. Nơi đây là điểm bắt đầu của lễ rước Phật đản sinh hàng năm vào ngày rằm tháng 4 với lễ tắm phật. Vào thời của đức Từ Cung (mẹ vua Bảo Đại), lễ rước phật được tổ chức theo nghi thức cung đình.
Quốc tự Diệu Đế
Rồng bay lượn trên trần
5 con rồng trên trần chánh điện
Và 4 con rồng trên 4 cột tạo thành bức tranh hoàn chỉnh độc đáo "Long vân khế hội"
Tuy nhiên nhiều nơi trên trần đã bị rêu phong
Tuyệt tác này đang bị hư hại dần bởi độ ẩm và mưa dầm xứ Huế
Màu trên các cột cũng bị nhạt dần
Bức tranh đã thể hiện được thần khí của con rồng