Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Nhơn: “Tổ sư Thiện Hoa là nhà cải cách Phật giáo lỗi lạc”

Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHGPGVN - Ảnh: Đăng Huy
Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHGPGVN - Ảnh: Đăng Huy
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Ngày 7-1-2024, Hội thảo “Tổ sư Thiện Hoa và sự cải cách Phật giáo Việt Nam" do Học viện Phật giáo VN tại TP.HCM phối hợp với Viện Nghiên cứu Phật học VN và Thiền phái Trúc Lâm VN tổ chức. Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN đã có bài phát biểu quan trọng. 

Báo Giác Ngộ xin giới thiệu đến Tăng Ni, Phật tử, bạn đọc toàn văn nội dung phát biểu quan trọng này.

***

Quang cảnh hội thảo tại giảng đường Minh Châu, cơ sở II Học viện Phật giáo VN tại TP.HCM - Ảnh: Đăng Huy

Quang cảnh hội thảo tại giảng đường Minh Châu, cơ sở II Học viện Phật giáo VN tại TP.HCM - Ảnh: Đăng Huy

Kính thưa các Tăng Ni, các vị khách quý, các đại biểu và cộng đồng Phật tử.

Hôm nay, chúng ta cùng nhau tham dự Hội thảo khoa học "Tổ sư Thiện Hoa và sự cải cách Phật giáo Việt Nam" do Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM phối hợp với Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam và Thiền phái Trúc Lâm Việt Nam tổ chức.

Tôi dành những lời tán dương đến các Tăng Ni, học giả đã đóng góp 68 bài nghiên cứu cho Hội thảo này, góp phần làm sáng tỏ cuộc đời, sự nghiệp và những đóng góp to lớn của Tổ sư Thiện Hoa cho Phật giáo Việt Nam. Các bài nghiên cứu của quý vị chia sẻ nhiều góc nhìn mới mẻ, bổ ích.

Tôi mong rằng, quý vị tiếp tục nghiên cứu về Tổ sư Thiện Hoa, góp phần làm sáng tỏ thêm những giá trị của Phật giáo, cũng như để tiếp tục kế thừa và phát huy những đóng góp của Tổ sư Thiện Hoa cho Phật giáo Việt Nam.

Tổ sư Thiện Hoa là nhân vật lịch sử quan trọng, là cao tăng của Phật giáo Việt Nam thế kỷ XX. Ngài là nhà cải cách Phật giáo lỗi lạc, có những đóng góp to lớn cho sự phát triển của Phật giáo Việt Nam trong giai đoạn khó khăn nhất của lịch sử Việt Nam trong những thập niên 60-70 của thế kỷ trước.

Hội thảo khoa học "Tổ sư Thiện Hoa và sự cải cách Phật giáo Việt Nam" là sự kiện quan trọng, góp phần khẳng định những đóng góp của Tổ sư Thiện Hoa cho Phật giáo Việt Nam. Qua Hội thảo này, tôi đề nghị các nhà nghiên cứu, học giả và Phật tử thảo luận về 3 đóng góp quan trọng của Tổ sư Thiện Hoa cho sự phát triển của Phật giáo Việt Nam trong ba lĩnh vực chính.

Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Trưởng lão Hòa thượng Thích Nhật Quang - Trưởng ban Quản trị Thiền phái Trúc Lâm VN; Hòa thượng Thích Giác Toàn - Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phật học VN chủ tọa lễ khai mạc Hội thảo "Tổ sư Thiện Hoa và sự cải cách Phật giáo Việt Nam" - Ảnh: Đăng Huy

Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Trưởng lão Hòa thượng Thích Nhật Quang - Trưởng ban Quản trị Thiền phái Trúc Lâm VN; Hòa thượng Thích Giác Toàn - Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phật học VN chủ tọa lễ khai mạc Hội thảo "Tổ sư Thiện Hoa và sự cải cách Phật giáo Việt Nam" - Ảnh: Đăng Huy

I. Về cải cách hành chánh Giáo hội của Tổ sư Thiện Hoa

Tổ sư Thiện Hoa là nhà lãnh đạo Phật giáo tiêu biểu của Phật giáo Việt Nam thế kỷ XX, được thể hiện qua những điểm nổi bật sau:

Tinh thần yêu nước, thương dân sâu sắc: Tổ sư Thiện Hoa là nhà yêu nước, luôn quan tâm đến vận mệnh của miền Nam Việt Nam. Ngài đã cùng với các vị lãnh đạo Phật giáo lúc bấy giờ đấu tranh đòi lại quyền tự do tín ngưỡng cho cộng đồng Phật giáo.

Tinh thần đoàn kết, thống nhất: Tổ sư Thiện Hoa luôn đề cao tinh thần đoàn kết, thống nhất của Phật giáo Việt Nam. Ngài là người có công lớn góp phần tạo nên sự thống nhất Phật giáo Việt Nam lúc bấy giờ để hình thành một tổ chức, đó là Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất.

Tinh thần đoàn kết, thống nhất của Phật giáo Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Tổ sư Thiện Hoa đã góp phần quan trọng vào sự phát triển của Phật giáo Việt Nam. Cải cách hành chánh giáo hội của Tổ sư Thiện Hoa là một trong những đóng góp quan trọng của ngài đối với sự phát triển của Phật giáo Việt Nam. Mô hình hành chánh giáo hội của GHPGVNTN do ngài cùng góp phần xây dựng dựa trên nguyên tắc tập trung dân chủ, thống nhất, đoàn kết, phát huy quyền tự chủ của các cấp giáo hội địa phương. Mô hình hành chánh giáo hội này đã góp phần quan trọng trong việc củng cố và phát triển Phật giáo, đưa Phật giáo Việt Nam trở thành tổ chức có uy tín. Cụ thể, mô hình này và mô hình GHPGVN cùng có những điểm nổi bật sau:

· Thể hiện tinh thần đoàn kết, thống nhất của Phật giáo Việt Nam: có sự phân cấp rõ ràng, nhưng vẫn đảm bảo sự thống nhất trong hoạt động chung của toàn giáo hội. Điều này thể hiện được tinh thần đoàn kết, thống nhất của các hệ phái Phật giáo Việt Nam.

· Phù hợp với thực tiễn Việt Nam: Mô hình hành chánh giáo hội này phát huy được quyền tự chủ của các cấp giáo hội địa phương, phù hợp với thực tiễn Việt Nam, nơi có nhiều vùng miền, dân tộc khác nhau.

· Mô hình hành chánh giáo hội do Tổ sư Thiện Hoa lãnh đạo đã góp phần phát huy vai trò của Phật giáo trong xã hội. Phật giáo Việt Nam đã trở thành tổ chức có uy tín, được Nhà nước và nhân dân tin tưởng.

Trưởng lão Hòa thượng Thích Nhật Quang phát biểu trong lễ khai mạc - Ảnh: Đăng Huy

Trưởng lão Hòa thượng Thích Nhật Quang phát biểu trong lễ khai mạc - Ảnh: Đăng Huy

Từ những điều trên, chúng ta có thể rút ra một số bài học cụ thể về cải cách hành chánh giáo hội của Tổ sư Thiện Hoa như sau:

· Cải cách hành chánh giáo hội Phật giáo phải dựa trên tinh thần đoàn kết, thống nhất của Phật giáo.

· Cải cách hành chánh giáo hội Phật giáo phải phù hợp với thực tiễn của đất nước và của Phật giáo trong từng bối cảnh xã hội.

· Cải cách hành chánh giáo hội Phật giáo phải góp phần phát huy vai trò nhập thế và trị liệu của Phật giáo trong xã hội.

Những bài học này có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của Phật giáo Việt Nam ở hiện tại và trong tương lai.

II. Về cải cách giáo dục Phật học của Tổ sư Thiện Hoa

Cải cách giáo dục Phật học của Tổ sư Thiện Hoa là đóng góp quan trọng của ngài đối với sự phát triển của Phật giáo Việt Nam, góp phần hiện đại hóa giáo dục Phật giáo, phổ biến giáo lý Phật giáo đến với quần chúng nhân dân, đào tạo đội ngũ Tăng Ni kế thừa.

Về phương pháp giảng dạy, Tổ sư Thiện Hoa chủ trương phương pháp giảng dạy mang tính sư phạm, phù hợp với nhu cầu của thời đại. Phương pháp giảng dạy của Tổ sư chú trọng đến việc phát huy tính chủ động, sáng tạo của người học, kết hợp giữa triết lý và thực hành Phật pháp, giúp Tăng Ni sinh dễ dàng tiếp thu, hiểu sâu Phật pháp, vận dụng Phật pháp vào cuộc sống thực tế.

Về nội dung giảng dạy, Tổ sư Thiện Hoa đã đổi mới nội hàm giảng dạy Phật pháp, giới thiệu cây thang giáo lý từ thấp đến cao, biên soạn từng bài giảng mang tính sư phạm, bổ sung thêm các kiến thức hệ thống và kỹ năng cần thiết cho tăng ni, đáp ứng nhu cầu hoằng pháp lợi sinh trong xã hội. Trong phân tích ứng dụng, Tổ sư Thiện Hoa bổ sung các kiến thức về xã hội, văn hóa, khoa học, giúp người nghe hiểu sâu Phật pháp. Các kiến thức này đã giúp cho Tăng Ni sinh hiểu biết về thế giới xung quanh, có thể ứng dụng Phật giáo vào cuộc sống hiệu quả hơn.

Về tổ chức giáo dục, Tổ sư Thiện Hoa có công phát triển hệ thống trường Phật học ở miền Nam Việt Nam, xây dựng mô hình tu học nội trú, tăng cường thực hành. Những nỗ lực của Tổ sư Thiện Hoa trong việc phát triển hệ thống trường Phật học đã góp phần hiện đại hóa giáo dục Phật giáo Việt Nam, đáp ứng được nhu cầu hoằng pháp lợi sinh trong xã hội bấy giờ.

Tăng sinh Học viện tham dự lễ khai mạc - Ảnh: Đăng Huy

Tăng sinh Học viện tham dự lễ khai mạc - Ảnh: Đăng Huy

III. Về cải cách Hoằng pháp của Tổ sư Thiện Hoa

Cải cách hoằng pháp của Tổ sư Thiện Hoa góp phần quan trọng trong sự phát triển của Phật giáo miền Nam Việt Nam, đưa Phật giáo đến gần hơn với quần chúng nhân dân, nâng cao nhận thức của họ về giáo lý Phật giáo, từ đó giúp họ thay đổi nhận thức và hành vi theo hướng thiện lành, đạo đức.

Về phương pháp hoằng pháp, Tổ sư Thiện Hoa nhấn mạnh yếu tổ phù hợp với nhu cầu của thời đại, đồng thời chú trọng đến việc đưa Phật pháp đến gần hơn với quần chúng nhân dân. Tổ sư Thiện Hoa đề xướng phong trào giảng sư nhập thế, đưa Phật giáo đến các vùng sâu, vùng xa, vùng cao nguyên, giúp họ giác ngộ chân lý Phật, giải phóng các nỗi khổ, niềm đau.

Tổ sư Thiện Hoa tổ chức nhiều lớp học Phật pháp cho quần chúng nhân dân, sử dụng ngôn ngữ giản dị, dễ hiểu. Các tác phẩm Phật học của Tổ sư Thiện Hoa được viết có tính sư phạm cao, bằng ngôn ngữ giản dị, dễ hiểu, phù hợp với mọi đối tượng. Tổ sư Thiện Hoa cho rằng hoằng pháp không chỉ là việc giảng dạy giáo lý Phật, mà còn phải kết hợp giữa lý luận và thực hành, giúp người học Phật đạt kết quả mỹ mãn trong cuộc sống thực tế.

Từ những điều trên, chúng ta rút ra một số bài học về cải cách hoằng pháp của Tổ sư Thiện Hoa. Hoằng pháp phải phù hợp với nhu cầu của thời đại vì Phật giáo là tôn giáo mang tính nhân văn, hướng đến mục tiêu giải thoát khổ đau cho chúng sinh. Trong quá khứ, hoằng pháp Phật giáo thường được thực hiện theo hình thức truyền miệng, sử dụng ngôn ngữ khó hiểu, ít liên quan đến thực tế cuộc sống. Điều này đã khiến cho Phật giáo trở nên xa vời đối với quần chúng nhân dân.

Chư Ni tham dự lễ khai mạc - Ảnh: Đăng Huy

Chư Ni tham dự lễ khai mạc - Ảnh: Đăng Huy

Tổ sư Thiện Hoa luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của thực hành trong hoằng pháp. Ngài cho rằng, chỉ khi nào người học Phật có thể áp dụng giáo lý Phật vào cuộc sống thực tế, thì họ mới có thể thực sự hiểu và thực hành giáo lý Phật.

Những bài học về cải cách hoằng pháp của Tổ sư Thiện Hoa vẫn còn nguyên giá trị trong thời đại ngày nay, là kim chỉ nam cho các nhà hoằng pháp Phật giáo trong việc đưa Phật giáo đến gần hơn với quần chúng nhân dân, góp phần xây dựng xã hội tốt đẹp, văn minh.

Hội thảo khoa học "Tổ sư Thiện Hoa và sự cải cách Phật giáo Việt Nam" là một sự kiện quan trọng, góp phần khẳng định những đóng góp của Tổ sư Thiện Hoa cho Phật giáo Việt Nam. Hội thảo cũng đã tạo ra diễn đàn học thuật nghiêm túc để các nhà nghiên cứu phát hiện thêm những vấn đề liên quan đến cuộc đời, sự nghiệp và những đóng góp của Tổ sư Thiện Hoa.

Thay mặt Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, tôi đánh giá cao sự đóng góp chất xám của các nhà nghiên cứu, góp phần tạo nên sự thành công của Hội thảo.Tôi tin tưởng rằng, những phát hiện và kết quả của hội thảo sẽ góp phần khẳng định vai trò và vị trí của Tổ sư Thiện Hoa trong lịch sử Phật giáo Việt Nam.

Tôi mong rằng, những đóng góp của Tổ sư Thiện Hoa sẽ tiếp tục được kế thừa và phát huy, góp phần đưa Phật giáo Việt Nam ngày càng phát triển, đáp ứng được nhu cầu của xã hội hiện đại. Cuối cùng, tôi xin chúc quý vị đại biểu, quý vị khách quý, quý Tăng Ni, Phật tử sức khỏe, an lạc và hạnh phúc.

Tôi chúc hội thảo thành công tốt đẹp.

(Tựa bài gốc: Về "Tổ sư Thiện Hoa và sự cải cách Phật giáo Việt Nam”)

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Khái quát về Mandala

Khái quát về Mandala

GNO - Mandala là tiếng Phạn, Hán ngữ phiên âm là Mạn đồ la, Mạn đà la, Mạn tra la và Hán ngữ dịch nghĩa là Đàn, Đàn tràng, Đạo tràng, Luân viên cụ túc, Tụ tập v.v…

Thông tin hàng ngày