GN - Tết cổ truyền là sự kiện văn hóa tâm linh vô cùng đặc sắc trong đời sống người Việt: thời khắc thiêng liêng chuyển giao giữa năm cũ - năm mới, là dịp đoàn viên, là ngày mà những thành viên trong gia đình dù lớn hay nhỏ, xa hay gần, dù sinh sống bất cứ đâu đều đoàn tụ về trong một mái ấm - TT.Thích Trí Chơn (ảnh), Trưởng BTS GHPGVN Q.12 chia sẻ như vậy khi nói về những giá trị văn hóa truyền thống ngày Tết của người Việt.
Trao đổi với Giác Ngộ về những giá trị văn hóa Tết mà người trẻ cần phải biết và gìn giữ, Thượng tọa nhấn mạnh:
- Tết không chỉ là ngày họp mặt các thành viên hiện hữu mà còn “đoàn viên” ngay cả với những người đã khuất. Đó là lý do người Việt có truyền thống “đưa - đón gia tiên”.
Theo đó, chiều 30 Tết thì nhà nào cũng phải làm lễ “đón gia tiên”. Suốt thời gian ba ngày Tết, cơm nước phải dâng đủ, hương đèn phải liên tục không để gián đoạn. Sau 3 ngày Tết ông bà sum vầy về với con cháu, rồi sáng mùng 4 có lễ “tiễn ông bà”. Truyền thống này rất đẹp mà không phải nền văn hóa nào cũng có. Các bậc cha mẹ phải duy trì văn hóa thờ cúng này để con cháu học và làm theo nhằm duy trì gia phong lễ giáo.
Có nhiều bạn trẻ chọn đón mừng năm mới bằng cách ra phố đi bộ Nguyễn Huệ (TP.HCM) trong thời khắc giao thừa múa hát cùng bạn bè, hoặc có người chọn Tết là dịp đi chơi, đi du lịch, tặng quà từ thiện… những việc này cũng có những giá trị nhất định, nhưng như vậy có đúng truyền thống Tết?
- TT.Thích Trí Chơn: Ta có thể dạo chơi nơi phố đi bộ, múa hát, tổ chức tiệc tùng, đi du lịch, làm việc thiện… bất cứ lúc nào nhưng giao thừa là khoảnh khắc đặc biệt thiêng liêng: chỉ có trong đầu năm mới. Đã là khoảnh khắc thiêng liêng thì con người nên làm những việc thiêng liêng. Bạn có thể cùng với các thành viên trong gia đình hướng về bàn thờ dâng nén hương, lễ bái Phật, tiên tổ hoặc nắm lấy bàn tay cha, bàn tay mẹ hay những người thân nói những lời chúc tụng như sự ước nguyện chân thành nhất của con tim mình. Nén hương đó, lễ lạy đó, câu chúc tụng đó chính là bày tỏ lòng biết ơn vô hạn, đối với Phật, tiên tổ, ông bà cha mẹ, là sự kết nối ân tình với những người thân.
Cố nhiên, vui chơi là một phần trong dịp Tết nhưng nếu lấy việc vui chơi làm trọng tâm, đặt nó vào khoảnh khắc thiêng liêng ngày Tết thì ta không hiểu được Tết, không có cơ hội để cảm thụ sự thiêng liêng.
Vậy Thượng tọa có nghĩ rằng người trẻ phải có trách nhiệm tự tìm hiểu về truyền thống của mình để làm đẹp cho thế hệ tương lai, từ chính sự hiểu biết đúng đó?
- Mỗi con người có hai gốc rễ là “gốc rễ huyết thống” tiên tổ, họ hàng và “gốc rễ tâm linh” là Tam bảo. Một người sống không biết gốc rễ người đó sẽ rất khổ đau. Cũng như cây mà gốc rễ bị lung lay thì cây đó khó sống. Mỗi con người phải biết vun bồi gốc rễ, tưới tẩm những chất liệu tươi mát để mạch sống được xanh tốt, trường lưu.
Tuổi trẻ hôm nay có thể ngồi nhiều giờ chơi game, ngồi hàng đêm trong quán bar, quán nước mà không dành được 30 phút mỗi ngày để lật lại những trang sử chói lọi, mở ra những giá trị văn hóa truyền thống đẹp đẽ nghìn đời thì chúng ta thật sự là những kẻ đang sống lây lất trong gia bảo của tổ tiên.
Việc dọn dẹp nhà cửa, mua sắm chuẩn bị cho Tết, sắp dọn bàn thờ trong gia đình… là điều cần phải làm, nhưng nhiều khi mua sắm quá mức gây lãng phí. Thượng tọa có lưu ý, hay chia sẻ gì về vấn đề này với các bạn trẻ?
- Việc dọn dẹp nhà cửa, mua sắm lễ Tết, sắp dọn bàn thờ trong gia đình, là việc làm ý nghĩa mang tính giáo dục cao. Suốt một năm, với bụi thời gian khiến căn nhà bị cũ, hư. Do vậy mình phải làm mới. Làm mới không có nghĩa là vứt bỏ cái cũ, mang cái mới về mà là làm mới ngay nơi cái cũ, ngay nơi căn nhà của mình.
Quán chiếu việc làm mới căn nhà để mỗi người biết làm mới thân tâm mình. Con người mỗi ngày đều dọn thân sạch đẹp để đi tiếp khách, đi làm, dự tiệc, hội nghị thì cũng phải biết dọn những “bụi đời” đeo bám nội tâm cho thơm sạch để sống, để ứng xử, làm việc thiện lành.
Nhiều chục năm trước, khi Tết về gia đình nào cũng nấu bánh chưng để nhớ về Lang Liêu, dâng dưa hấu để nhớ về An Tiêm, cắm một nhánh mai để nhớ về Mãn Giác, Nguyễn Trãi... Theo đó, việc sắm sanh ngày Tết vô cùng ý nghĩa, những bài học lịch sử từ bao đời như dần hiện về với cháu con.
Ngày nay, con người phần nhiều bị hút vào lối sống hưởng thụ, mua sắm kiểu tân thời, vui chơi theo hình thức hướng ngoại nên đã đánh mất nhiều giá trị văn hóa ngày Tết. Ngày xưa ông bà ít mua sắm - nếu không muốn nói là không mua sắm, đối đãi nhau bằng lễ nên tình người sâu nặng. Người ngày nay dường như mua sắm nhiều, hưởng thụ nhiều, thết đãi nhau bằng những tiệc tùng, có khi thâu đêm nhưng tình người thì ít sâu nặng.
Một số bạn trẻ lên chùa đầu năm, thắp hương, hái lộc, đã sơ ý không tuân thủ các quy định của chùa và giẫm đạp lên các tiểu cảnh, xả rác không đúng nơi quy định, cũng như chen lấn nhau, gây nên một hình ảnh không đẹp nơi cửa thiền…
- Có hai sự hướng về gồm hướng nội và hướng thượng. Hướng nội là hướng vào tâm thức chính mình để làm mới thân tâm. Hướng thượng là hướng về Tam bảo, tiên tổ, ông bà, cha mẹ để được tiếp xúc với những năng lượng thánh thiện, an lành. Tâm ta có thánh thiện thì ta mới tiếp xúc được năng lượng thánh thiện. Đến với môi trường thánh thiện mà tâm đầy rác rưởi, thậm chí còn biến môi trường thánh thiện thành nơi bẩn xấu như xả rác, ngắt lá, bẻ cành, làm trơ trụi cảnh quan để hái lộc - việc làm này chắc chắn không có lộc mà chỉ có… độc.
Thiết nghĩ, mỗi người cần phải nâng cao ý thức, sống có chánh niệm, quán chiếu ta là môi trường, môi trường là ta; ta là cảnh quan, cảnh quan là ta, gìn giữ cảnh quan như gìn giữ từng sợi tóc, móng tay, làn da của mình thì phước báo hiện tiền, lộc thọ sung mãn.
Còn với việc lì xì ngày Tết, Thượng tọa có thể chia sẻ đôi điều về vấn đề này?
- Lì xì ngày Tết là nét đẹp của văn hóa Á Đông nói chung, người Việt nói riêng. Người Trung Hoa đọc lì xì là “lishi” tức là “lợi sự” (利事) - nghĩa là hãy làm những điều có lợi, đem lại may mắn. Với bao thơ màu đỏ, trong bao có tiền gửi tặng cho nhau được hiểu là đem lại cái hên, điều lành, điều tốt trong dịp đầu xuân. Trong bao thơ chỉ có một ít tiền nhỏ người ta gọi là “lộc”. Lộc là cái mầm nhú ra trong một cành cây. Cành cây có được xum xuê chính là nhờ lộc (mầm). Người trẻ nhận cái lộc từ người lớn là nhận cái mầm của Phước, của Đức, của Thọ, của Khương, của An từ bậc trưởng thượng. Nên khi mừng tuổi, chúc Tết nhau, mỗi người hãy thắp sáng trái tim mình bằng hai chữ “thanh cao” và trang điểm nó bằng chất liệu tình thương, đừng để vật chất lôi kéo, làm mất đi những giá trị văn hóa truyền thống nghìn đời của tiên tổ để lại.
Tết là thời gian để gặp gỡ, chúc mừng nhau năm mới, nhưng nhiều khi có mặt đó mà như không có mặt (vì bận lướt web, lan man đâu đó…), vậy làm sao để mình thật sự có mặt khi đang ở cùng nhau, thưa Thượng tọa?
- Trong tất cả mọi món quà, sự có mặt cho nhau là món quà quý nhất, giá trị nhất. Ngày nay con người ta đến với nhau tuy thân có mặt cho nhau đó nhưng tâm thì đặt ở một nơi khác. Thậm chí thăm viếng nhau lấy lệ như một sự trả nợ nghĩa tình. Đến chúc Tết mà không gặp được chủ nhân thì rất mừng, vì có thêm thời gian để đi “trả nợ ân tình” nơi khác. Hai chữ “chân tình” dường như dần nhạt nhòa trong thế giới sống vội hôm nay.
Ngồi gần bên thầy tổ, mẹ cha hay những người thân quý mà không dám xa chiếc điện thoại di động dù chỉ một phút. Thân tuy ngồi đó nhưng tâm thì hết nhắn người này lại gọi người kia. Không có được một phút thật sự sâu lắng cho nhau thì đừng nói thăm Tết hay sum họp gia đình. Tết đến, hãy ngồi lại bên nhau và hãy để con tim nói lời ân tình. Đừng đến với nhau bằng những lời hoa mỹ trong khi nội hàm thì không chuyển tải được chất liệu nghĩa nhân.
Vậy, với người đệ tử Phật, phải đón Tết với một tâm niệm như thế nào, thưa Thượng tọa?
- Trong một năm, ngày Tết là ngày mua sắm nhiều nhất, làm đẹp nhiều nhất, tiêu pha nhiều nhất, hưởng thụ nhiều nhất. Suy cho cùng, tất cả chỉ đáp ứng cho cái thân, chỉ nhằm trang trí cho cái bên ngoài. Mỗi người con Phật nên tự đặt cho mình câu hỏi, ngày Tết ta đã chuẩn bị những “món” gì để nuôi tâm, để trang điểm tâm. Hãy đem giáo pháp, hãy góp gom tinh túy - những giá trị văn hóa truyền thống nghìn đời của tổ tiên để dưỡng nuôi tâm thức. Ta ăn cái gì ta là cái đó, uống rượu sẽ say rượu, hút thuốc sẽ say thuốc, hãy nuôi tâm bằng những món thánh thiện ta sẽ trở thành người thánh thiện.
Trong năm mới, mỗi con người phải biết làm mới chính mình. Năm tháng trôi qua, bụi đời đeo bám thân tâm khiến con người trở nên cũ rích với những tập khí tham lam, giận hờn, trách móc, ganh ghét, tỵ hiềm khiến cuộc sống chán chường, tẻ nhạt. Hãy làm mới chính mình bằng những chất liệu hiểu biết, khoan thứ, bao dung, nhân hậu; hãy trang điểm cho mình bằng những ánh mắt thương yêu, nụ cười hoan hỷ, biết lắng nghe nhau trong những vui buồn ta sẽ thấy đời luôn mới và trở nên yêu đời hơn.
Tết về, vẫn căn nhà ấy ta sửa sang lại, vẫn bàn thờ ấy ta lau chùi dọn dẹp, vẫn cặp đèn đồng ấy ta đánh cho bóng loáng. Cũng vậy không có tâm nào khác, chỉ một tâm thôi, hãy làm mới chính mình, thì mọi vật đều mới, người người đều mới trong mắt ta.
Cảm ơn Thượng tọa đã chia sẻ!
Như Danh thực hiện