>> Hai người nông dân nghèo trả lại 300 triệu nhặt được cho người đánh mất (Dân Trí)
Phước từ đâu sinh, họa từ đâu đến?
Khi nghe câu chuyện hai người nông dân nghèo xã Diễn Tân, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An là anh Đinh Văn Thanh và anh Đậu Thiên Tĩnh trả lại 300 triệu nhặt được cho người đánh mất, nhiều người không khỏi “bỡ ngỡ”. Ai cũng khâm phục cái tính thật thà, “đói cho sạch, rách cho thơm” của hai anh, vì làm nghề nông, cả đời khó nhọc cũng chắc gì đã mơ được đến món tiền khổng lồ ấy.
Nhưng cũng nhiều người tự nhủ, chẳng phải dân gian có câu “trời cho ai người ấy hưởng”, vậy thì hà cớ gì, cờ đã đến tay mà không phất?
Người nông dân nhặt được của rơi đem trả cho người bị mất (trái) - Ảnh: Dân Trí
Nhặt được tiền, mà lại là một số tiền lớn như vậy, thì có vẻ như là người này rất có phước (thậm chí là đại phước), nhưng tại sao hai lão nông nghèo lại quyết định trả lại cho người đánh mất? Giả như không tìm ra người bị mất, thì ai cũng cho rằng, đó là “của trời cho”. Mà thiệt tình thì có trời nào cho đâu, của người ta đánh mất đấy chứ!
Phần lớn Phật tử bây giờ cũng vậy. Khi gặp chuyện thuận lợi thì nghĩ mình được trời, Phật “phù hộ”; khi có chuyện chẳng lành thì cho rằng trời, Phật “giáng họa”; cầu xin chuyện gì mà không được vừa ý thì kêu trời, Phật… không thiêng. Thay vì quán xét nhân quả, tin lời Phật dạy: “nhân quả công bằng”, để gặp việc thuận lợi không kiêu căng ngạo mạn, đụng việc khó khăn không nản chí buông xuôi thì số đông Phật tử thường “đỗ lỗi” cho Phật. Như vậy khác nào, quy y Tam Bảo, đi chùa học Phật hóa ra chỉ là “núp bóng” quan lớn, cầu xin “phù hộ”?
Đạo Phật không phải là một tôn giáo thần quyền, nghĩa là đạo Phật phủ nhận việc “phù hộ”, “ban phước”, “giáng họa” như các tôn giáo thần linh khác. Vì vậy, nếu người học Phật không có lòng tin vào nhân quả, thì sẽ chẳng còn bất cứ lòng tin đúng đắn nào nơi đạo pháp, ngoài sự mê tín về việc “cầu xin phù hộ”.
Biết phước, kiệm phước và tạo phước
Quay trở lại câu chuyện của hai người nông dân nghèo, việc trả lại túi tiền cho người đánh mất là một hành động biết phước và tạo phước. Biết phước là ý thức được rằng hưởng phước báu không phải do mình gây tạo nên sẽ khiến mình tổn phước. Tạo phước là đem trả lại cho người đánh mất.
Đi chùa là phước - Ảnh: Mạnh Cường
Được đi chùa, lễ Phật, tu tập, đó là có phước. Nhưng đến chùa không lo tu học, chỉ mải “góp nhặt” phiền não bằng sự ganh ghét, đố kị, hơn thua, thì đó là sự tổn phước.
Vào chùa mà thiếu oai nghi của người Phật tử, quần áo xộc xệch, “thiếu vải”, lê dép gõ guốc tạo tiếng ồn, nói to cười lớn không thanh tịnh, đó cũng là sự tổn phước.
Dùng đồ của Tam Bảo mà không biết tiết kiệm là tổn phước.
Có ý niệm khinh dễ, “chùa này nghèo”, “chùa này ít Phật tử”… cũng là tổn phước. Hay như đi chùa không để học Phật mà luôn khởi tâm “(cầu) xin Phật” thì chính đó cũng là một sự tổn phước.
Vậy còn tạo phước? Đức Phật dạy chúng ta 6 cách để tạo phước. Đó là bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định và trí tuệ. Chỉ có 6 cách này mới có thể tạo phước, ngoài ra, không một đấng thần linh nào có thể ban phước cho chúng ta.
Đức Phật, tuy là bậc phước trí vẹn toàn, nhưng Ngài cũng chỉ nhận mình là bậc Đạo sư (Người Thầy chỉ đường), chứ không nhận mình là người ban phước lành cho chúng sinh. Đó là những điểm mà một người học Phật cần nắm rõ, để “hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi”.
Cùng bạn đọc: Giác Ngộ chờ đón tin, bài của bạn đọc. Tin, bài gửi cho Giác Ngộ và Giác Ngộ Online xin vui lòng gửi về: toasoan@giacngo.vn hoặc bandocgiacngo@gmail.com. Bài vở được chọn đăng trên Giác Ngộ và Giác Ngộ Online được trả nhuận bút theo chế độ của tòa soạn. Vì vậy, dưới tin, bài mong bạn đọc cung cấp thêm địa chỉ, điện thoại để tòa soạn liên hệ khi cần thiết! Giác Ngộ |