Từ đổ lỗi đến thương yêu

Từ đổ lỗi đến thương yêu
0:00 / 0:00
0:00
GN - Trải qua một thời gian dài của quá trình tiến hóa đã khiến chúng ta vô tình hình thành thói quen rất tiêu cực - tìm kiếm những lỗi sai và sửa chữa chúng nhằm duy trì sự sống.

Theo đà tiến triển đó, giữa xã hội đương đại, chúng ta luôn muốn khắc phục tình trạng khiếm khuyết của mình trong các mối quan hệ, công việc, ngoại hình, tâm lý hay thậm chí hành vi của chúng ta. Điều đó khiến chúng ta khởi lên cảm giác chán ghét chính bản thân mình. Mặt khác, chúng ta cũng muốn sửa lỗi của người khác - tại sao họ lại làm chúng ta thất vọng và họ cần làm thế nào để trở nên khác đi. Cho dù đang hướng nội hay hướng ngoại để tìm kiếm lỗi lầm theo cách đó thì chúng ta vẫn đang tạo ra một kẻ thù cho mình, bó buộc bản thân trong cảm giác bị đe dọa và tách biệt.

Mặc dù xu hướng nghĩ về những điều ​​tiêu cực là một phần quan trọng trong bộ máy sinh tồn, nhưng khi nó chi phối cuộc sống hàng ngày một cách thường xuyên, chúng ta sẽ mất cơ hội tiếp cận với những bộ phận được phát triển gần đây của não bộ như kết nối, cảm thông và hạnh phúc. Như vậy, làm thế nào để chuyển hóa xu hướng tiêu cực trong mỗi người? Bằng cách nào để chuyển từ phản ứng chống đối sang “theo dõi và kết bạn”? Dưới đây là ba cách giúp chúng ta đánh thức toàn bộ tiềm năng của bản thân về sự theo dõi và quan tâm một cách tự nhiên.

Đối mặt với khuyết điểm

Đầu tiên, hãy nhìn thẳng vào các khuyết điểm, bắt đầu từ chính bản thân chúng ta. Khi cảm giác chán ghét và tự trách bản thân khởi lên, chúng ta có thể đặt câu hỏi, “Điều gì đang thực sự xảy ra ở đây? Điều gì đã khiến tôi hành xử như vậy?”. Có thể bạn sẽ thấy mình sợ thất bại và nỗi sợ hãi đó đã khiến bạn phản ứng không đúng như cách bạn mong muốn. Hoặc có thể bạn sẽ thấy bạn muốn được chấp nhận, được tán thành vì bạn cảm thấy không an toàn, không chắc chắn nên bạn đã chọn cách quay lưng lại với bản thân mình và hành xử không đúng đắn. Khi bắt đầu hiểu rằng bạn đang bị tổn thương thì tự nhiên bạn sẽ chuyển thái độ từ đổ lỗi sang tự yêu thương bản thân mình.

Khi bị người khác kích động, trước tiên hãy ôm ấp và dịu dàng đối với cảm giác tổn thương của chính bạn. Một khi bạn đã an trú trong sự yêu thương và bản thân đã vững chãi hơn, hãy cố gắng xem xét bằng con mắt trí tuệ để nhận ra những điều ẩn sau hành động của họ. Tại sao người này lại bị mắc kẹt trong cảm giác thiếu sót hoặc bối rối của chính họ? Nếu bạn nhận ra người này có thể đã phải khổ đau và dằn vặt như thế nào, bạn tự nhiên dịu dàng trở lại và cảm thấy thương yêu người kia hơn.

Tích cực bày tỏ lòng từ bi

Khi tình thương khởi lên, bước tiếp theo là tích cực thể hiện nó. Nếu bạn đang thực hành từ bi đối với chính bản thân mình thì hãy xem xét những phần bị tổn thương bên trong bạn để cảm nhận chúng đang cần gì nhất từ bạn. Có phải là sự tha thứ? Chấp nhận? Sự đồng hành? An toàn? Hay tình yêu thương? Sau đó, từ nơi trí tuệ và từ bi nhất bên trong bạn, hãy cố gắng bồi đắp những gì mà phần tổn thương đang thực sự cần nhất. Bạn có thể nhắc lại trong tâm hoặc thầm thì bằng lời tên của mình và gởi một thông điệp của tình yêu thương đến chính bản thân bạn. Có thể nhẹ nhàng đặt một bàn tay lên ngực, nơi trái tim bạn đang đập một cách nhịp nhàng, hay thậm chí tự ôm mình như một cách truyền tải tình thương từ trái tim tỉnh thức của bạn, và nói với mình rằng “tôi đang có mặt với bạn. Tôi rất quan tâm đến bạn”.

Nếu bạn đang thực hành lòng từ bi đối với người khác thì việc bạn nói cho họ biết bạn nhận ra và quan tâm đến nỗi khổ bên trong họ thực sự có sức mạnh và năng lực chữa lành rất tốt. Tất cả chúng ta đều biết rằng khi ở bên người mình yêu thương, nếu chúng ta nói to với người đó câu “tôi thương bạn” thì tình yêu thương sẽ được nâng lên một tầm cao mới. Nếu bạn muốn chuyển hóa thành kiến ​​tiêu cực của mình với ai đó hoặc để thay đổi thói quen đổ lỗi của chính bạn thì hãy xem xét những khuyết điểm của họ và sau đó, thông qua việc cầu nguyện hoặc trò chuyện trực tiếp, hãy trao cho họ sự thấu cảm và tình thương.

Yêu thương cả những gì khác biệt

Chúng ta cho rằng mối nguy hiểm tiềm tàng hay điều gì đó bất ổn có liên quan đến những người sở hữu sự khác biệt. Điều này góp phần hình thành nên định kiến ​​tiêu cực và cũng chính là nguyên nhân của nhiều vụ xung đột về chủng tộc, tôn giáo và các lĩnh vực khác. Phát triển sâu sắc mối quan hệ của chúng ta và những người khác biệt giúp nới rộng tình thương của chúng ta đối với tất cả mọi người. Khi chúng ta giao tiếp, cố gắng thấu hiểu thì sự kết nối sâu sắc sẽ được thiết lập.

Bộ não của chúng ta cũng sở hữu một mạng lưới của tình thương, bao gồm các tế bào thần kinh phản chiếu cho phép chúng ta lưu lại những cảm nhận của chúng ta, sau đó, áp dụng nơi người khác. Vì vậy, chúng ta có thể nhận ra những nhu cầu được yêu thương, được an toàn và hạnh phúc từ nơi người khác. Khi chúng ta cảm nhận được mối liên hệ đó thì chúng ta mới có thể đáp ứng được cho nhau. Nhưng trừ khi chúng ta có ý định dành thời gian để tạm dừng lại mọi thứ và lắng nghe về những điều khác biệt từ đối phương, nếu không chúng ta sẽ không tự động đánh thức phần não bộ thương yêu của mình. Để có những cuộc đối thoại vực dậy trái tim này, chúng ta cần tạo ra các chỗ lưu trữ an toàn.

Chúng ta có thể chủ động tập luyện giao tiếp với nhau và dần dần mở rộng kết nối với những người khác biệt. Có nhiều cách thực hành rất hiệu quả, chẳng hạn như đối thoại sâu sắc, giao tiếp hòa bình và kết nối hòa giải, đưa ra hình thức thức để giao tiếp. Quan trọng là chúng ta cần rèn luyện trong các mối quan hệ thân thiết của mình. Ví dụ, bạn và chồng bạn cùng nhau ngồi thiền và tự tạo ra một khoảng thời gian im lặng để suy ngẫm về những câu hỏi như “Ngay bây giờ, bạn biết ơn điều gì?”, và “Bây giờ, bạn đang gặp khó khăn gì?”, “Giữa chúng ta, có điều gì đang cản trở dòng chảy yêu thương không?”. Người kia lắng nghe một cách tử tế, chấp nhận thực tại và nói lên những gì đang trải qua.

Còn những người không sẵn sàng trò chuyện với chúng ta thì sao? May mắn thay, khả năng kết nối của chúng ta không bị ảnh hưởng từ người khác. Tất nhiên, sẽ dễ dàng hơn khi có sự tương hỗ, nhưng nếu không, chúng ta có thể tự trang trải tình thương xuất phát từ trái tim của chính mình. Chúng ta có thể thực hiện điều này trong mọi tình huống, với tất cả mọi người mà chúng ta gặp.

Khi đối mặt với tổn thương, bất công và lừa gạt, chúng ta cảm thấy sợ hãi, căm thù và tức giận là điều tất nhiên. Nhưng thành kiến ​​tiêu cực có thể khiến chúng ta rơi vào tình trạng đấu tranh với chính mình và những người khác. Điều quan trọng là chúng ta phải tạm gác lại mọi thứ, đến bên cạnh nhau và hoàn toàn cởi mở đối với những cảm xúc phát sinh. Khi chúng ta tôn trọng những cảm xúc đó, chúng ta mới có thể hiểu được chúng, xoa dịu những tổn thương của con người.

Tara Brach (Phổ Tịnh /Báo Giác Ngộ dịch)

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Bia tháp Hòa thượng Ẩn Sơn Long Thiền

Bia tháp Hòa thượng Ẩn Sơn Long Thiền

NSGN - Hòa thượng Ẩn Sơn có pháp húy là Thành Nhạc, thuộc đời 34 Thiền phái Lâm Tế, theo kệ phái Đạo Mân Mộc Trần. Hòa thượng là vị Tổ khai sơn chùa Long Thiền, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Học giới cho ngài là đệ tử của Hòa thượng Nguyên Thiều Thọ Tông (1648-1728).

Thông tin hàng ngày