Tu học cần có khó khăn

Gặp được minh sư, gặp được giáo pháp là việc khó nhưng giữ vững tâm tu hành, tinh tấn dũng mãnh lại càng khó hơn - Ảnh minh họa
Gặp được minh sư, gặp được giáo pháp là việc khó nhưng giữ vững tâm tu hành, tinh tấn dũng mãnh lại càng khó hơn - Ảnh minh họa
0:00 / 0:00
0:00
GN - Người học đạo ngày nay có người thường than vãn rằng mình vô phước nên sinh ra vào thời mạt pháp, không gặp được Phật, không gặp Chánh pháp (giáo pháp thời kỳ đầu gần với Đức Phật), khó gặp minh sư.

Tuy nhiên ít ai xét lại, ngay cả thời Đức Phật còn tại thế, có rất nhiều vị xuất gia vẫn không chứng đạo, có nhiều cư sĩ vẫn không làm tốt trách vụ của mình; và có rất nhiều người vẫn không tin Phật, không tu học, không sống theo lời Phật dạy.

Từ đó cho thấy nhân duyên với Phật pháp là điều quan trọng (nhân duyên đó do mình tạo ra trong đời này hoặc trong đời quá khứ), mà quan trọng hơn nữa là tinh thần cầu học, cầu chân lý, cầu giác ngộ giải thoát và nỗ lực tu tập của mỗi người. Có người, dù không có nhiều nhân duyên với Phật pháp, ra đời không gặp Phật nhưng có tinh thần cầu đạo, có chí hướng, lý tưởng, nhiệt tâm tinh cần thì chúng ta có thể tạo ra nhân duyên mới, có thể thành tựu sự tu học. Ngược lại, có người dù cho ra đời gặp Phật, sinh ra trong thời Chánh pháp mà không có chí hướng tu hành, không có tâm cầu giác ngộ giải thoát, tinh thần tu học yếu kém, thiếu nhiệt tâm tinh cần thì cũng chẳng đi đến đâu.

Thuận duyên không hẳn tốt cho sự tu học. Trong môi trường quá thuận lợi, mọi thứ đều quá dễ dàng, không một chút khó khăn thường khiến cho người tu học biếng nhác, yếu đuối, tiềm năng không được kích thích để hiển lộ, tâm không có cơ hội được rèn luyện, trau giồi.

Người cầu đạo rất cần nhiệt tâm và tinh cần, kiên trì và dũng mãnh; những khó khăn trở ngại chính là điều kiện để phát huy tinh thần đó. Có nhiệt tâm tinh cần mới tiến xa trên con đường đạo, mới thành tựu sự tu tập. Có kiên trì và dũng mãnh, nghị lực dồi dào mới vững bước trên đường tu, vượt qua được những trở ngại chướng duyên, không thối lui, không bỏ cuộc giữa chừng. Còn sự ỷ lại hoặc lơ là, chểnh mảng, biếng nhác, giải đãi chỉ khiến cho người tu học chẳng làm nên việc gì và không thể tiến xa trên đường đạo.

Dù siêng năng chăm chỉ, hết sức năng động nhưng không phải là tinh tấn, tinh cần thì cũng không có thành tựu trong tu học. Bởi tinh cần đây là siêng năng chăm chỉ, cần mẫn tu học, thực hành giáo pháp, chứ không phải siêng năng chăm chỉ làm những việc thế gian, thực hành thế gian pháp.

Người thực hành Phật pháp dù làm những việc không khác người thế gian, sống và hành đạo trong thế gian, nhưng mọi suy nghĩ, lời nói và hành động đều xuất phát từ đạo tâm, có từ bi, có trí tuệ, chứ không phải làm với tâm chấp thủ, tham danh vọng, địa vị, quyền lực, tiền tài, sắc dục, ăn uống, hưởng thụ. Cần có tâm khát ngưỡng giáo pháp, biết tôn sư trọng đạo, có tinh thần tu học kiên định đầy nhiệt tình và quyết tâm. Đây là những yếu tố quan trọng giúp chúng ta thành công trên bước đường tìm thầy học đạo, tu tập giáo pháp.

Người xưa cầu đạo rất chí thành, tha thiết. Để học được giáo pháp không ngại băng rừng, lội suối, trèo non, không ngại hiểm nguy gian khổ tìm thầy học đạo; không ngại dày công lao nhọc, sớm hôm chấp tác việc thiền môn và hầu hạ các bậc minh sư, thiện hữu tri thức, sẵn sàng chịu vất vả nhọc nhằn mà không than trách.

Trong thời gian trải qua gian nan thử thách đó, dù chưa học được đạo, chưa tu đạo, chưa chứng đạo, nhưng ý chí đã được huân tập, hun đúc, tâm tánh đã được giồi mài, thiện căn đã được trưởng dưỡng ngày càng thêm lớn. Đến khi được truyền dạy giáo pháp, được khai thị chỉ điểm, được hướng dẫn thực hành các pháp tu thì tâm đã an định, vững chãi, ý chí tu tập đã kiên cố, đạo tâm hùng tráng, nhân duyên đủ đầy, cho nên sự thành tựu trong tu học rất mau chóng.

Muốn gặp được minh sư, muốn gặp được giáo pháp cần phải có tâm khát ngưỡng, cần có chí hướng tìm cầu, cần tạo nhiều nhân duyên lành để có một ngày tương hội. Và gặp được minh sư, gặp được giáo pháp là việc khó nhưng giữ vững tâm tu hành, tinh tấn dũng mãnh lại càng khó hơn.

Người xưa sau khi tìm được minh sư, thọ lãnh được giáo pháp rồi thì y theo đó mà tinh tấn hành trì, vâng giữ (y giáo phụng hành), không xem thường, xao lãng. Người xưa xem kinh điển, lời dạy của Phật, Tổ và giáo huấn của các bậc minh sư, thiện hữu tri thức quý như sinh mạng của mình, hết lòng tôn kính, quý trọng, hết lòng tin tưởng, vâng theo và thực hành đến nơi đến chốn. Bởi vì thân người khó có được, Phật pháp khó được nghe (Nhân thân nan đắc, Phật pháp nan văn).

Ngày xưa điều kiện tu học khó khăn, thiếu thốn hơn bây giờ, tự viện, cơ sở hoằng pháp không nhiều, kinh điển, sách vở không lưu hành rộng rãi nhưng người thành nhân đạt đạo lại nhiều, đó là nhờ tinh thần tu học. Ngày nay người tu học Phật có nhiều điều kiện, có nhiều cơ hội để tiếp xúc với Phật pháp, bởi kinh điển, sách báo viết về Phật pháp lưu hành khắp nơi, Tăng Ni, tự viện cũng nhiều. Người muốn tìm hiểu, nghiên cứu và áp dụng Phật pháp vào đời sống còn có thể tiếp xúc với Phật pháp một cách dễ dàng bằng cách truy cập các website Phật học, các diễn đàn nghiên cứu, trao đổi kinh nghiệm tu học thông qua mạng toàn cầu.

Tuy nhiên cũng chính những điều kiện phát triển quá thuận lợi đã khiến cho người tu học Phật không biết trân trọng những giá trị đang có, những cơ hội gặp minh sư và giáo pháp. Bên cạnh đó cũng xuất hiện nhiều điều tiêu cực gây ảnh hưởng đến niềm tin và chất lượng tu học. Mặt khác, kinh sách, tài liệu, nguồn truyền bá Phật pháp quá nhiều, nhưng người học Phật khó xác định đâu là minh sư, đâu là Chánh pháp, khó tìm thấy con đường cho mình.

Có thể nói, một trong những nguyên nhân thời nay không có nhiều người thành bậc chân nhân, thành người cao sĩ, không có nhiều người chứng đạo là vì người ta xem thường cơ hội gặp được Phật pháp. Vì dễ có được kinh sách, lời dạy của Đức Phật và các bậc Tổ sư nên không biết quý trọng, không quyết tâm tu, mặt khác quá chú trọng đến hình thức, dễ dãi với bản thân. Người tu học Phật ngày nay không có nhiệt tâm tinh cần, không có ý chí, xúc cảm mạnh mẽ trên con đường cầu đạo, tu học Phật pháp. Có nghĩa là không có khát khao, mong muốn mãnh liệt sự học hỏi, sự thực hành Phật pháp, không siêng năng, cần mẫn thực hành Phật pháp trong đời sống cũng như trong tu tập.

Vì thế, người tu học Phật đừng bao giờ ỷ lại những điều kiện tốt đẹp mình đang có mà sinh ra biếng nhác, giải đãi, phóng túng, mất hết ý chí, nghị lực kiên cường. Những điều kiện tốt ấy là gì? Đời sống vật chất sung mãn; hoặc có danh vọng, địa vị, được tu học ở đạo tràng, tự viện to lớn, nổi tiếng; hoặc đi có người đưa, về có người đón dù mình có khả năng tự đi được; kinh sách, băng đĩa được tặng miễn phí; lợi dưỡng dư thừa; “gần chùa gọi Phật bằng anh”, xem Tăng Ni như bạn bè v.v… Đây chính là những điều mà người thế gian ưa thích, cho là tốt, nhưng đối với việc tu học, hành đạo thì là chướng ngại, gây trở ngại cho bước tiến của người tu, thậm chí khiến người đệ tử Phật (xuất gia lẫn tại gia) bị thoái đọa.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày