Theo ghi nhận của báo chí Phật giáo, lễ Phật đản đầu tiên được tổ chức với quy mô lớn, quy tập nhiều giới trong xã hội được tổ chức tại Huế vào năm 1935.
Ngay từ đầu năm 1935, những Tăng sĩ trẻ trong Hội Phật học ở kinh đô bấy giờ mà cụ thể là thầy Mật Khế, một vị Tăng trẻ ở tuổi mới ngoài ba mươi, đã thúc đẩy cho việc tổ chức một cuộc lễ Phật đản trang nghiêm nhưng đồng thời cũng gần gũi với xã hội để đạo Phật không mang danh yếm thế, “nên kỳ nhóm Hội đồng thường niên ngày 17 Février 1935 đã yêu cầu chư sơn hiệp tác.” (Viên Âm, “Tường thuật về lễ Khánh đản Đức Phật Thích Ca”, Viên Âm, 11&12-1934, số 12, tr.41).
Một tháng, sau ngày họp thường niên, đề án tổ chức lễ Phật đản của Hội Phật học được chư tôn đức lãnh đạo Hội thời bấy giờ thông qua, và “ngày 24 Mars 1935, Hội mời các chư sơn nhóm tại chùa Diệu Đế để bày tỏ ý kiến, chư sơn cũng đều ủng hộ hoan nghinh và xin thiết lễ nầy tại chùa Diệu Đế. Hội đặt ra 10 tiểu ban để lo việc.” (Viên Âm, “Tường thuật về lễ Khánh đản Đức Phật Thích Ca”, Viên Âm, 11&12-1934, số 12, tr.41).
Khi Hội Phật học công bố chương trình lễ, dư luận xã hội bấy giờ cũng đã có nhiều ý kiến xoay quanh vấn đề lần đầu tiên Hội Phật học tổ chức lễ Khánh đản Đức Thích Ca một cách công khai vượt ra khỏi phạm vi bốn bức tường già-lam như bấy lâu nay. Trong tâm thức quần chúng bấy giờ, họ cho rằng: “theo phong tục các nhà chùa khi nào có lễ lạp gì thì đã thấy chè, xôi, cháo, tương đầy bàn ghế, huống chi ngày Khánh đản Đức Thích Ca là giáo chủ đạo Phật, mặc sức cho các ông sư bà vãi mài gươm trí tuệ gọt bầu gọt bí, chớ đời nào họ chịu đem gươm trí tuệ diệt trừ những tục lệ xấu xa.” (Hoành Nam, “Cảm tưởng về lễ sinh nhật Đức Thích Ca”, Tràng An, 21-05-1935, số 24).
Từ chiều mùng 7 tháng 4 âm lịch, đoàn rước Phật được tổ chức để cung nghinh kim thân Đức Thích Ca sơ sinh từ chùa Báo Quốc về chùa Diệu Đế như hoạch định của Hội Phật học. “Chùa Báo Quốc, nơi Hội Phật học lên rước Phật, là một ngôi chùa cổ cất trên đồi cao, đốt đèn rực rỡ, trần thiết trang hoàng”. Trong quang cảnh trang nghiêm và thâm huyền của một ngôi cổ tự bậc nhất đất Thần kinh bấy giờ, lễ Phật đản lịch sử được cử hành trọng thể.
Trước chánh điện chùa Báo Quốc, Hội Phật học tôn trí kim thân Đức Thích Ca sơ sanh, bức tượng sẽ được cung thỉnh về chùa Diệu Đế để cử hành lễ Khánh đản “cao cỡ năm tấc, để trên một cái bàn vuông, sau tượng có thiết một cây Bồ-đề, trước tượng có cái bảo trì (hồ) có rắc vàng bạc vụn, chung quanh bảo trì có hoa sen, ẩn trong hoa có bóng đèn điện nhỏ” (Viên Âm, “Tường thuật về lễ Khánh đản Đức Phật Thích Ca”, Viên Âm, 11&12-1934, số 12, tr.42).
Đúng 7 giờ tối, nghi thức cung thỉnh kim thân Đức Thích Ca sơ sinh từ chùa Báo Quốc về Diệu Đế bắt đầu khi “Ngài trú trì chùa Túy Ba đứng trước Phật bạch xin cử hành lễ cung nghinh. Rồi tới các Hội viên và chư Thiện tín đều đến lễ Phật” (Viên Âm, “Tường thuật về lễ Khánh đản Đức Phật Thích Ca”, Viên Âm, 11&12-1934, số 12, tr.42). Sau khi chư Tăng và hội viên Hội Phật học cử hành các nghi lễ truyền thống, đoàn rước Phật khởi hành rời khỏi chùa Báo Quốc, đi đầu có một cái đèn to, trên đề năm chữ: THÍCH CA PHẬT KHÁNH ĐẢN. Rồi đến mấy thầy cầm pháp hiệu, bê, tích, trượng, có hai người gánh trống và chuông, có hai vị Tăng-già đi theo đánh.
Tiếp đó có ban múa bài bông rước Phật đều cầm đèn vuông nhỏ. Một vị Tăng-già cầm một cái phan lớn đi giữa, trên đề: NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT. Hai bên có hai người cầm hai cái đèn làm theo kiểu phan, có bốn thầy mặc áo bá nạp, đánh trống và đánh bạt. Kế đó hai toán cầm đèn búp sen đi hai hàng. Ban Đồng ấu của chùa Phước Điền mặc áo mã tiên, đầu đội mũ, hai bên vai có cặm lồng đèn, vừa đi vừa hát. Rồi đến hai dãy chư sơn, mỗi vị sau lưng đều có một điệu cầm đèn trên có đề hiệu của mỗi chùa. Tiếp đến hai người gánh khánh và chuông, đều có hai vị Tăng-già đi theo.
Đoàn rước Phật từ cổng chùa Báo Quốc ra đường Nam Giao (nay là Điện Biên Phủ), rẽ vào đường Jules Ferry (nay là đường Lê Lợi), đoàn rước đi qua cầu Trường Tiền tiến vào đường Paul Bert (nay là đường Trần Hưng Đạo) rồi di chuyển qua cầu Gia Hội đi vào đường Đồng Khánh (nay là đường Bạch Đằng) để về chùa Diệu Đế. Đến 9 giờ 30 phút tối, đoàn rước về đến Diệu Đế Quốc tự. “Sau ba hồi trống Bát-nhã trong chùa Diệu Đế chào đám rước, chư Sơn và Hội Phật Học nghinh trượng vào chánh điện; ba ngài Tăng Cang, chư Sơn, các Cụ, Hội viên và tín đồ làm lễ rất long trọng trang nghiêm. Lễ Phật xong, ngài Thích Giác Nhiên đăng đàn thuyết Bát-nhã tâm kinh” (Viên Âm, “Tường thuật về lễ Khánh đản Đức Phật Thích Ca”, Viên Âm, 11&12-1934, số 12, tr.43).
Sáu giờ sáng ngày mùng 8 tháng 4 âm lịch, ngài Tăng Cang Linh Mụ cùng chư sơn niêm hương lễ Phật. Sau đó, là các thời thuyết pháp của ông Chánh hội trưởng Hội Phật học và Quốc sư Phước Huệ. Đúng 12 giờ trưa làm lễ cúng ngọ. Các chùa ở Huế cũng đều nổi chuông trống Bát-nhã. Buổi chiều tiếp tục là thời thuyết pháp của Ni chúng và các thời luân phiên tụng kinh của Thanh niên Phật tử.
Đến 7 giờ tối Ban Tổ chức “phóng sanh, phóng đăng. Trên hai chiếc bằng đèn đốt rực rỡ, bào bố rất trang nghiêm, cùng bao nhiêu đèn đương linh đinh trên mặt nước sông Đông Ba”. Theo điệu đờn, 50 đồng ấu tán, tụng, niệm, hát những lời có đạo vị cao thâm, khi lên bổng, lúc xuống trầm, thính giả rất khen ngợi và tỏ vẻ cảm khái. Sau ba tiếng chuông các em đồng xướng “hòa nam thánh chúng” rồi vừa ca vừa trở vào chùa. “Các quan Tây, Nam lần lượt đến. Một chặp sau Lưỡng Tôn cung và Hoàng thượng ngự giá đến nơi. Cùng đi với quan Khâm sứ Đại thần có hoàng tử Lào và 4 quan tùy tùng nhơn khi ghé Huế đến dự lễ. Sau ngày lễ vía Phật lại có phát chẩn tại chùa Quan Công (kế chùa Diệu Đế)”. (Viên Âm, “Tường thuật về lễ Khánh đản Đức Phật Thích Ca”, Viên Âm, 11&12-1934, số 12, tr.46).
Trong lịch sử Phật giáo ở chốn Thần kinh nói riêng, của Phật giáo Việt Nam nói chung “có thể cái lễ Khánh đản Phật nầy là lần đầu tiên vậy” (Nguyễn Khoa Tân, “Chúc từ trong ngày lễ Phật Khánh đản 10 Mai 1935”, Viên Âm, 11&12-1934, số 12, tr.8). Từ cuộc lễ Phật đản năm 1935 tại Huế, một ấn tượng mới cho sinh hoạt Phật giáo tại Việt Nam được định hình. Trong lòng quần chúng đã có sự thay đổi về mặt nhận thức, khi cho rằng: “cũng tưởng công việc hoạt động không ngoài các lối lễ nghi chè xôi cũ rích. Thế mà Hội Phật học trong một lần đầu đã biết cách sắp đặt lễ nghi long trọng, có vẻ trang nghiêm mà không xa xỉ, thiệt cũng đáng khen” (Hoành Nam, “Cảm tưởng về lễ sinh nhật Đức Thích Ca”, Tràng An, 21-05-1935, số 24).
Từ những chuyển biến trong nhận thức của quần chúng mà đại diện là giới trí thức, sức sống của Phật giáo Việt Nam chuyển biến theo sự vận động của công cuộc chấn hưng. Điều đó, một phần đã phản ánh rõ nét, “xét ra một bực nữa, cuộc lễ hôm nay cũng chỉ là sự kết quả chung cho cái chí hướng của công chúng” (Nguyễn Khoa Tân, “Chúc từ trong ngày lễ Phật Khánh đản 10 Mai 1935”, Viên Âm, 11&12-1934, số 12, tr.9). Thực tiễn xã hội thời bấy giờ của Việt Nam vẫn không tách rời khỏi sinh hoạt Phật giáo. Chỉ là, họ cần một luồng gió mới thổi vào sinh hoạt Phật giáo, vốn dĩ bấy lâu nay do nhiều điều kiện khách quan lẫn chủ quan mà Phật giáo tự chôn chặt mình sau cánh cổng chùa, để rồi bàng quan trước nhu cầu của xã hội đương thời mà chậm bước trước thời đại.
Từ một cuộc lễ tưởng chừng là thuần túy yếu tố tôn giáo nhưng đã thức tỉnh tư duy của Phật giáo đồ cũng như nhận thức của giới trí thức mến mộ đạo Phật. Và chính xã hội thời bấy giờ đã cất lên tiếng lòng của mình để bày tỏ niềm ước mong bấy lâu nay “sau ngày lễ vía Phật này, Hội Phật học ở Huế lập trường học đi, giảng kinh đi” (Phan Khôi, “Sự hành động của của Hội Phật giáo ở ba kỳ và cái hiệu quả tương lai của các hội ấy”, Tràng An, 10-05-1935, số 21).