Từ sách giáo khoa lớp 1 đến tinh thần đại học

Ngân Quỳnh thân mến,

Thầy rất tiếc vì tình hình mưa bão nên không thể ra Tuy Hòa để thầy trò ta hội ngộ và nói chuyện nhiều hơn. Thầy đành phải trả lời bằng thư về những băn khoăn em đặt ra, cũng là dịp để thầy tự nhìn lại những bức xúc của dư luận những ngày qua xoay quanh ba vấn đề: sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1, tình hình tuyển sinh đại học và nhất là tinh thần học đại học mà em đang trăn trở với vai trò của một giảng viên.

sgk.jpg


Phụ huynh rối bời trong chuyện sách giáo khoa của con - Ảnh minh họa

Về câu chuyện sách giáo khoa, chắc em cũng theo dõi trên Facebook và các trang mạng, nhiều bậc phụ huynh dùng lời lẽ khá nặng nề để phê phán sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 của nhóm Cánh Diều. Tựu trung, một số vấn đề nổi cộm được họ nêu ra như sau:

- Sắp xếp trình tự bài không hợp lý: Theo nguyên tắc sư phạm phải dạy từ dễ đến khó, lấy cái biết dẫn dắt đến cái chưa biết, khối lượng kiến thức truyền thụ từ từ tăng dần theo cấp lớp, độ tuổi, nhưng sách này lại có nhiều bài không theo nguyên tắc này. Có thể dẫn chứng ngay bằng bài mở đầu. Khi học sinh chưa học chữ cái nào mà người biên soạn đã đưa ra nhiều từ, cụm từ khó như: “làm việc nhóm” và “trải nghiệm” thì làm sao các em có thể hiểu được?

- Số lượng truyện ngụ ngôn nhiều, nội dung chưa phù hợp lứa tuổi, ngắt truyện tùy tiện, thông điệp giáo dục không rõ ràng. Ví dụ như bài “Hai con ngựa” ở trang 157 gặp vấn đề khi nêu chuyện con ngựa chăm chỉ lại học theo con ngựa lười biếng, đây là một cái kết rất không nên có.

- Câu từ không chuẩn: Lượng từ trong sách không nhiều nhưng lại toàn các từ, cụm từ ít gặp, xa lạ với thế giới trẻ thơ: pa nô, gà gô, gỡ cá, thở hi hóp, nhá cỏ, gà nhép, xe téc, khổ mỡ... Khó chịu nhất là nhiều bài ngắn với câu cú cụt ngủn, từ dùng không chuẩn, nội dung lẩn thẩn đến… bực mình.

Hậu quả là cuốn sách làm giáo viên và học sinh mệt nhoài khi học vì rất nhiều hình ảnh như mê hồn trận. Cần hiểu rằng, với các cấp lớp đầu đời, chuyển tải những chữ, từ mới vào tư duy trẻ bằng những câu văn, đoạn văn ấm áp, nhân văn, hấp dẫn là điều cần thiết chứ không thể dạy trẻ bằng kiểu câu văn, đoạn văn tối nghĩa, vô lý như cách mà nhóm biên soạn bộ sách giáo khoa Cánh Diều thực hiện.

Cuối cùng, cần một quyết định dứt khoát là nếu chưa có sách giáo khoa mới đủ “chuẩn”, thì nên tiếp tục dùng sách cũ mà học, không thể khiên cưỡng để rồi “xôi hỏng bỏng không”.

Về việc xét tuyển đại học (ĐH) gần đây cũng nổi lên những vấn đề bất cập, xoay quanh việc sử dụng phương thức xét tuyển như thế nào cho hợp lý? Một số trường có mức điểm chuẩn rất cao nên thí sinh dù điểm cao vẫn có thể bị trượt ngay đợt 1 xét tuyển. Lấy ví dụ như ngành Hàn Quốc học của Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội năm nay có điểm chuẩn là 30 điểm. GS.TS Hoàng Anh Tuấn, Phó Hiệu trưởng ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn cho biết, dù không có thí sinh nào đạt điểm tuyệt đối khối C00 nhưng số lượng thí sinh đạt 28,5 - 29 điểm rất đông khi nhiều em được cộng điểm ưu tiên, điểm khu vực... Do đó, trường chỉ cần hạ bớt 0,25 điểm, số lượng thí sinh trúng tuyển ngành Hàn Quốc học sẽ vượt chỉ tiêu rất nhiều.

Trong khi đó, điểm ưu tiên khu vực và đối tượng với một thí sinh được cộng nhiều nhất lên đến 2,75 điểm. Như vậy, với thí sinh thuộc khu vực 3 (thuộc các quận nội thành các thành phố trực thuộc Trung ương như Hà Nội, TP.HCM…) và không thuộc đối tượng ưu tiên nào, dù kết quả đạt đến 29,9 điểm thì vẫn có khả năng trượt ngành này.

Có phụ huynh băn khoăn rằng học sinh thành phố không có điểm ưu tiên khu vực nên nhiều khi không thể cạnh tranh được với học sinh ở các địa phương khác có điểm ưu tiên. Hiện nay, thực tế giáo dục giữa các vùng miền không còn quá chênh lệch, lại tổ chức thi ở địa phương nên điểm thi của học sinh các nơi đều rất cao…, nếu kỳ thi tốt nghiệp THPT năm sau vẫn giữ như năm nay thì các trường ĐH cần phải có phương thức tuyển sinh phù hợp để công bằng hơn giữa các đối tượng thí sinh.

Thầy cảm thấy hình như sau bấy nhiêu năm chúng ta vẫn lúng túng trong thi tuyển. Đây có lẽ là một điều đáng buồn. Chúng ta vẫn thiếu một triết lý giáo dục xuyên suốt, điều này vô tình biến sinh viên, học sinh thành những chú chuột bạch để thử nghiệm các kiểu thi cử và học hành.

Về tinh thần đại học, em từng không ít lần phàn nàn về thái độ thụ động của sinh viên, riêng thầy nghĩ nếu em biết cách truyền thụ tinh thần đại học cho sinh viên của mình, em sẽ không còn phàn nàn nữa. Rất nhiều lần thầy đã nói về việc giáo dục hiện nay thiếu một triết lý giáo dục đúng nghĩa. Thế nên, chúng ta vẫn đang đào tạo sinh viên giống như học sinh trung học “nối dài” lớp 13, 14… với cách truyền thụ kiến thức vẫn theo “đường xưa lối cũ”, nghĩa là giảng và chép.

Nhưng tinh thần đại học là gì?

Nói nôm na, đó là tinh thần tư duy, không phải đọc chép hay học thuộc lòng. Không phải nghe thầy giảng, viết bài mẫu lên bảng rồi lấy điện thoại ra chụp lại. Giáo dục đại học không chỉ là cung cấp kiến thức mà phải cung cấp phương pháp, dạy cách tư duy và phản biện cho người học.

Tư duy phản biện (critical thinking) còn được gọi là tư duy phân tích. Tư duy phản biện là một quá trình tư duy nhằm chất vấn các giả định hay giả thiết. Qua đó, chúng ta biết cách đặt câu hỏi, biết hoài nghi khi phải giải quyết hay khi nghe một điều gì mới và khi nhìn vào một vấn đề, chúng ta tự đánh giá được nó là sai hay đúng.

Tinh thần đại học còn là tinh thần khái quát hóa. Đây là một ý tưởng được Whitehead trình bày trong cuốn Những mục tiêu của giáo dục. Ông cho rằng ở đại học, người sinh viên không nên cắm cúi nhìn xuống bàn để thu lượm các kiến thức cụ thể như hồi học sinh nữa. Họ cần phải đứng lên để nhìn rộng ra xung quanh, để có một tầm nhìn bao quát.

Tinh thần đại học còn là tinh thần tự do. Đại học phải là môi trường tạo điều kiện cho sự hình thành và phát triển tài năng. Đó là tôn chỉ của giáo dục mà Hòa thượng Thích Minh Châu, nguyên Viện trưởng Viện Đại học Vạn Hạnh, từng nhấn mạnh: “Tinh thần đại học không phải là tinh thần của một tổ chức và cũng không phải tinh thần của kẻ truyền giáo. Chủ hướng của tinh thần đại học là phê phán và sáng tạo… Vai trò của giáo dục là giúp cá thể thấy lại con đường chấn chỉnh, tìm lại ý nghĩa và vị trí của mình trong sứ mạng sáng tạo trong đời sống vũ trụ”.

Và nhân đây, thầy cũng muốn chia sẻ thêm với em về điều mà thầy rất tâm đắc, đó là tinh thần giáo dục của Phật giáo.

Phật giáo lấy con người làm trung tâm của giáo dục, bởi vì, chỉ có con người mới có khả năng tiếp thu văn hóa, tức là có thể tiếp thu giáo dục. “Giáo dục Phật giáo nhằm khơi dậy, định hướng và khích lệ mỗi cá nhân phát triển trên ba phương diện: trí tuệ, tình thức, và thể chất. Giáo dục Phật giáo đặc biệt chú ý tới trí tuệ (wisdom) chứ không phải chỉ dừng ở kiến thức (knowledge) và tình thức (tức là cái năng lực xúc cảm, tâm linh - EQ) của mỗi cá nhân”. (Thích Thanh Tuấn, Quan điểm giáo dục của Phật giáo)

Quan điểm giáo dục Phật giáo dựa trên tinh thần “khế cơ”, nghĩa là dù ở cùng một cấp giáo dục thì mỗi đối tượng giáo dục có rất nhiều khác biệt: trình độ, phẩm hạnh, điều kiện hoàn cảnh, sở thích, chí hướng... Do vậy, giáo dục và đặc biệt là giáo dục đại học, phải hướng đến mỗi cá nhân chứ không thể là giáo dục tập thể.

Quá trình giáo dục theo tinh thần Phật giáo là sự thống nhất đồng thời của 3 thao tác: Văn - Tư - Tu. Văn là kiến thức được lĩnh hội; Tư là tự thân nhận thức; Tu là thực hành trải nghiệm, chuyển hóa kiến thức thành trí tuệ tự thân. Chỉ có trí tuệ phát sinh từ một quá trình như vậy mới đem lại cho con người năng lực sáng tạo trong thực tiễn. Quan điểm biện chứng này phê phán triệt để thái độ chấp thủ, bảo thủ máy móc trong giáo dục.

Vậy đó, thầy cũng đã “cà kê” với em cũng dài, chuyện cũng còn nhiều nhưng thầy mong em đừng quá bi quan khi thấy sao quanh mình còn ngổn ngang quá. Thầy không tin rằng nền giáo dục chúng ta cứ mãi loay hoay không chịu thay đổi, để rồi phải tụt hậu và thầy nghĩ chắc em cũng tin như thế. Hãy hy vọng rằng điều tốt đẹp sẽ đến, nhanh hay chậm còn là do nỗ lực của mỗi chúng ta góp lại mà thôi.

Thầy,
Nguyên Cẩn

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Hòa thượng, A-xà-lê và đệ tử

Hòa thượng, A-xà-lê và đệ tử

GNO - Thầy và trò hay sư phụ và đệ tử là những người có nhân duyên quyến thuộc đạo pháp nhiều đời. Mỗi người đều có trách nhiệm và bổn phận khác nhau. Chu toàn phận sự của mình thì Phật pháp mới xương minh, tứ chúng thập phương an ổn.

Thông tin hàng ngày