Tu Tịnh độ niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng giống như kinh Nguyên thủy

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
0:00 / 0:00
0:00
GN - Bài sám Pháp hoa nói về pháp môn Tịnh độ, vì tôi thấy các bậc tôn đức trước hầu hết tuyên dương pháp môn Tịnh độ và dân Việt Nam cũng có duyên với pháp môn này.

Phương tiện theo kinh Pháp hoa là phải tùy duyên, vì nhiều người có duyên tu Tịnh độ mà chúng ta đưa pháp môn tu khác, họ khó chấp nhận. Vì đa số tu pháp môn Tịnh độ, nên tôi triển khai pháp môn này trước tiên, đây là pháp môn căn bản mà chúng ta tu và từ pháp môn tu này, chúng ta vẫn phải liên hệ được với Phật giáo Nguyên thủy, Phật giáo Đại thừa và các pháp môn khác mà không thấy chống trái thì đó là tinh thần của kinh Pháp hoa.

Thực tế chúng ta thấy người chuyên tu pháp môn nào thường không chấp nhận pháp môn khác, người tu khác, nên chống đối, Phật gọi đó là hàng Bà-la-môn chỉ cãi nhau ở trong sanh tử luân hồi.

Mục tiêu của người tu học Phật pháp là tìm pháp môn thích hợp với mình để thực tập giúp mình ra khỏi sanh tử luân hồi. Và pháp môn Tịnh độ cũng rút từ Phật giáo Nguyên thủy mà ra. Thật vậy, các bậc cao đức đã căn cứ vào lời Phật dạy trong kinh Nguyên thủy để phát triển thành pháp môn Tịnh độ.

Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quảng

Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quảng

Thực tế khi Phật tại thế, số đệ tử của Ngài thuộc nhiều thành phần, có người thích tu khổ hạnh và tu pháp này có kết quả thì họ theo Ca Diếp tu và sau trở thành thiền phái. Nhưng có người không chịu khó khổ được, bắt họ tu khổ hạnh làm sao có kết quả. Vì vậy, có nhiều thầy sáng ra thành phố khất thực, trở về mệt mỏi, không còn sức lực, không tu được. Phật mới tạo điều kiện cho họ tu bằng cách Ngài cho người đem thức ăn đến, khỏi đi khất thực xa. Ngược lại, có người theo Phật tu, được trưởng giả, vua chúa cúng dường đầy đủ, họ lại nhắm vô hưởng thụ, không tu được, thì Phật hạn chế, không để họ vướng mắc với đời sống vật chất.

Có thể thấy rõ các pháp môn tu của Phật đều là phương tiện, người đáng dùng pháp nào để độ cho đạt kết quả. Với người lười biếng, Phật khuyến khích làm việc, người tu cật lực sanh bệnh thì Phật bảo nghỉ ngơi. Phật chiết trung, tùy hoàn cảnh khác nhau mà có pháp tu khác nhau, tùy thời gian khác nhau có sự áp dụng khác nhau.

Từ lý này, tôi phát hiện pháp môn Tịnh độ chính là phương tiện mà Phật dạy. Với người khổ quá vì hoàn cảnh hay vì quốc độ đó không tu được, Phật giới thiệu cho họ thế giới Cực lạc của Phật Di Đà. Thật vậy, vì sống trong hoàn cảnh khó khăn quá, bị đàn áp bóc lột, đau khổ vô cùng làm sao tu được. Người có nghị lực thì vượt khó được, nhưng người không có nghị lực không thể vượt qua khổ nạn. Thực tế năm 1963, ở Việt Nam, Phật giáo bị đàn áp, nhiều người bỏ tu vì rất sợ những nguy hiểm bủa vây.

Phật tạo điều kiện có chỗ ở yên để tu, Ngài giới thiệu pháp môn Tịnh độ và cảnh giới của Phật Di Đà cách chúng ta mười muôn ức Phật độ, từ đây qua đó xa lắm, nhưng đi bằng tâm thì không có khoảng cách về không gian. Phật dạy ý này rằng người ngồi cạnh Phật nhưng không thấy Phật, trong khi người ở cách xa Phật vẫn thấy Phật. Điều này được ghi trong kinh Nguyên thủy, không phải pháp môn Tịnh độ nói. Thực tế chúng ta thấy người ở xa gọi là cách mặt nhưng không cách lòng. Cũng vậy, ngày nay chúng ta sống cách Phật cả ngàn năm, nhưng vẫn ở trong lòng Phật, vẫn ở ngay trong tình thương của Phật, vì lòng chúng ta nghĩ đến Phật và hết lòng làm việc vì Phật, tự nhiên chúng ta sẽ tới với thế giới Phật và ở thế giới Phật.

Ngài Huyền Giác nói “Dục ly kham nhẫn độ, thê tâm an dưỡng hương”. Người muốn xa cảnh khổ, dù thân ở Ta-bà, ở hoàn cảnh khổ, nhưng tâm đặt ở Cực lạc thì tự nhiên tâm không khổ, người tu khác nhau ở điểm này. Người tu mà than khổ là không thực tu, vì tâm đang kẹt khổ thì tâm bị đọa. Vì vậy, người tu thân có khổ nhưng tâm không khổ. Ngài Huyền Giác dạy đem tâm chúng ta đặt chỗ an vui thì an vui, đặt tâm chỗ khổ thì khổ. Cùng một chỗ, cùng một việc làm, nhưng hai người có hai tâm trạng khác nhau sẽ thấy khác nhau. Cùng một việc cực khổ nhưng họ thích, thấy vui, đó là tâm đạo. Người bỏ thì giờ đến chùa công quả, họ thấy vui mới làm được. Phật tử làm công quả thấy cực khổ thì tôi không cho làm. Vì mình làm công quả là tu, lau giảng đường, điện Phật cho sạch, đẹp, mát và mình vui thích thành quả này.

Vui nhất là cảnh giới Cực lạc của Đức Phật Di Đà, vì Ngài thành tựu pháp tu là đạt được ba việc: vô lượng thọ, vô lượng quang và vô lượng công đức. Vô lượng thọ là Phật Di Đà sống lâu khỏe mạnh, không bệnh tật. Sống lâu bệnh tật làm khổ người khác là nghiệp. Phật Di Đà dạy muốn được trường thọ phải hạn chế tối đa sát sanh. Đời này hoặc đời trước chúng ta tạo ác nghiệp sát sanh hại mạng thì đời này thường ốm đau, bệnh hoạn.

Chư Tăng Ni lắng nghe Trưởng lão Hòa thượng thuyết giảng ở giảng đường lớn thuộc Học viện Phật giáo VN tại TP.HCM

Chư Tăng Ni lắng nghe Trưởng lão Hòa thượng thuyết giảng ở giảng đường lớn thuộc Học viện Phật giáo VN tại TP.HCM

Phật Di Đà từ khi phát tâm tu cho đến thành Phật không có tâm và việc làm sát hại bất cứ hữu tình chúng sanh nào nên Ngài có thọ mạng dài lâu vô cùng. Phật Thích Ca nói Phật Di Đà được trường thọ cũng nhằm khuyên chúng ta muốn tu Tịnh độ phải hạn chế tối đa sát sanh. Nếu chúng ta sát sanh là làm ngược lại hạnh của Phật Di Đà thì Ngài không thể cưu mang chúng ta, vì hai ý nghĩ giống nhau mới gặp nhau. Phật Di Đà phát nguyện thế giới của Ngài ở, những người có tâm ác, lời nói ác, hành động ác không thể tới được. Vì vậy, muốn tu Tịnh độ, đầu tiên chúng ta phải luyện cho thân, khẩu, ý thanh tịnh. Yếu chỉ tu Tịnh độ là ba nghiệp thanh tịnh, ý này hoàn toàn đúng với Phật giáo Nguyên thủy.

Đọc kinh Di Đà, chúng ta thấy Đức Phật Di Đà biến hóa ra nhiều loại chim như bạch hạc, khổng tước, anh võ, xá-lợi, ca-lăng-tần-già… và các loài chim này nói pháp Ngũ căn, Ngũ lực, Thất Bồ-đề, Bát Chánh đạo làm cho người dân phát tâm niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng. Câu này thể hiện rõ ràng từ Phật giáo Nguyên thủy trích thành pháp môn Tịnh độ. Đức Phật Thích Ca đã dạy các pháp căn bản này và Đức Phật Di Đà cũng dạy như vậy.

Phật Thích Ca dạy Tỳ-kheo, Phật tử bằng lời, nhưng Phật Di Đà không dùng lời thuyết pháp, vì Cực lạc là thế giới Thật báo mà Ngài dùng pháp lực của Ngài biến hóa ra tất cả các loại chim nói pháp niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng. Ai ở thế giới Ta-bà mà lòng luôn có Chánh niệm là niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng thì có thể vãng sanh Cực lạc được. Ở đây chúng ta niệm Phật, Pháp, Tăng và về Cực lạc cũng niệm Phật, Pháp, Tăng, không khác nhau là Đại thừa và Nguyên thủy là một.

Kinh Di Đà nói ở Cực lạc ngồi yên nghe nhạc trời, nếu có Chánh định thì không có âm thanh nhưng vẫn nghe được, thiền gọi là tiếng vỗ của một bàn tay. Nghe nhạc trời giúp tâm chúng ta nhẹ nhàng, an vui. Người ở thế gian phải nghe nhạc kích động, hay nhạc êm dịu là có tiếng nhạc mới nghe. Nhưng chúng ta tu Tịnh độ, ngồi yên giữ tâm yên tĩnh nghe được tiếng tụng kinh dù thực tế không có ai tụng kinh. Đó là kinh nghiệm của tôi, Hòa thượng Huê Nghiêm nói là Tổ tụng, Tổ tịch cả trăm năm mà bây giờ tôi nghe được tiếng của một trăm năm trước. Đó là người tu Tịnh độ giữ tâm trí lắng yên như vào thiền định, nghe không bằng tai. Tu phải tập nghe và thấy bằng tâm mới vào đạo được là tu Tịnh độ đã dạy từ kinh Nguyên thủy, không phải Tịnh độ dạy riêng.

Chúng ta nghe bằng tai là nghe thanh trần, nhưng nghe bằng tâm thanh tịnh là chứng nhĩ căn viên thông thì chúng ta thấy được điều mà người thường không thấy, nghe được pháp âm Phật mà người thường không nghe được. Thực chất tu là ở điều này. Và muốn được như vậy, phải giữ Chánh niệm, niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng.

Ở đây tu giữ Chánh niệm, về Cực lạc cũng vậy, nhưng Phật Di Đà tạo cho chúng ta âm thanh bằng cách nghe chim nói pháp và nhìn chim mà nghĩ đến Phật, nó nhắc nhở chúng ta tu Ngũ căn, Ngũ lực. Ở Ta-bà, chúng ta cũng nghe Phật Thích Ca thuyết pháp về Ngũ căn, Ngũ lực. Ngũ căn và Ngũ lực gồm tín, tấn, niệm, định, huệ. Dù tu theo Nguyên thủy, hay theo Đại thừa, hoặc tu Pháp hoa, điều quan trọng phải có niềm tin, vì không có niềm tin không làm được gì. Phật nói niềm tin là mẹ sanh ra tất cả các công đức lành. Chúng ta làm nhưng không tin làm được thì sẽ không làm được. Chúng ta tin và quyết tâm làm sẽ thành công. Niềm tin và ý chí dẫn đầu.

Chúng ta niệm Phật để vãng sanh, nhưng không biết Cực lạc có thật không là không tin thì không thể vãng sanh. Đối với tôi, chắc chắn có Cực lạc, có Phật Di Đà và nhờ Phật Di Đà hộ niệm thì mình hướng tâm về Phật Di Đà mà tu. Vì vậy, dù tu theo Hoa nghiêm ở đây, tâm vẫn hướng về Cực lạc tu, Phổ Hiền Bồ tát nói: “Nguyện tôi lúc mạng sắp lâm chung, trừ hết tất cả các chướng ngại, tận mặt gặp Phật A Di Đà, liền được vãng sanh cõi Cực lạc…” thể hiện niềm tin chắc chắn về sự hiện hữu của Đức Phật A Di Đà. Người tu Tịnh độ không có niềm tin mãnh liệt thì không về Cực lạc được.

Điều quan trọng khi chết, tất cả các chướng ngại bỏ hết. Thử hỏi mình có bỏ được chưa, còn kẹt tình cảm và vật chất không. Tình cảm và vật chất là hai thứ cản trở chúng ta về Phật. Vì vậy, người tu thích ở một mình và chết một mình để khỏi bị chướng ngại. Thật vậy, sắp chết nghĩ đến Phật, vụt có người thương xuất hiện, hay lòng mình nghĩ đến họ thì họ kéo mình lại.

Để không bị chướng ngại, không bị ai lôi kéo, tâm không bị chi phối phải tập trước bằng cách có gì ăn cũng được, sống ở đâu cũng được. Phần lớn người ta chết bị chướng ngại là bị vợ con, tiền của, công ăn việc làm kéo họ lại. Đạo hữu Minh Đức ở trần gian làm bao nhiêu việc nhưng không bị nó chi phối, mới dám nói mai về Phật.

Thiết nghĩ mọi người gặp nhau ở quán trọ cuộc đời, nhất định phải chia tay, nên phải xử sự cho tốt để không hối hận thì không bị chướng ngại.

Để vãng sanh Cực lạc, một là lâm chung không chướng ngại và hai là tận mặt gặp Phật A Di Đà, tâm chúng ta, tức thần thức chúng ta hướng thẳng về Đức Di Đà, về Cực lạc để gặp Ngài và được Ngài xoa đầu thọ ký cho chúng ta. Nghĩa là chúng ta về Cực lạc để học, để tu với Phật Di Đà, không phải nghe ở Cực lạc sướng về đó để hưởng thụ là hỏng. Thực tế người có ý hưởng thụ thì đến đâu cũng không được thương quý. Người có ý phục vụ sẽ được người quan tâm, giúp đỡ.

Phật Thích Ca nói trong kinh Quán Vô lượng thọ rằng sở dĩ Đức Phật Di Đà thành tựu vô lượng công đức, vô lượng quang, vô lượng thọ vì Ngài đi khắp mười phương để học với chư Phật mười phương và Ngài tổng hợp hiểu biết của mình để xây dựng Cực lạc bằng cách giáo hóa chúng sanh cho họ giỏi, tốt; nói cách khác, Ngài tạo điều kiện tốt cho người tu, rồi mới quy tụ người tốt người giỏi và người tốt người giỏi đến đâu thì ở đó được an vui, giải thoát.

Như vậy, Phật Di Đà học kinh nghiệm của các Đức Phật mười phương để xây dựng Cực lạc ở Tây phương. Nhưng chúng ta qua Cực lạc để biết Ngài xây dựng như thế nào thì trở về chúng ta bắt chước, phải xây dựng được tiểu Tịnh độ ở Ta-bà, xây dựng được chỗ ta ở an vui như Cực lạc là điều quan trọng nhất, nói chính xác, ta ở đâu cũng là Cực lạc.

Qua Cực lạc học với Phật Di Đà, trước nhất là học thế giới này không có người ác, người xấu. Thật vậy, quý vị muốn an lành, đừng sống chung với người ác, người xấu, rất nguy hiểm, chắc chắn tạo nên thế giới của ba đường ác thì sớm muộn gì chúng ta cũng rơi vào địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh.

Vì vậy, ở Cực lạc của Phật Di Đà không có ba đường ác địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, tức không có lời nói ác, ý nghĩ ác, hành động ác thì ai bắt mình được. Phải học điều này trước và về Ta-bà, thử xem mình không có nghiệp ác, chắc chắn không ai gây khó khăn với mình. Còn tạo ác mà muốn người để mình yên là vô lý.

Ta qua Cực lạc học với Phật Di Đà là làm những việc của thượng thiện nhân thì thượng thiện nhân sẽ tới với ta. Vì mình chưa làm người tốt, nên người tốt không dám tới với mình. Ráng tu, làm người tốt, người tốt sẽ tới với mình. Những người tốt tới với Phật Di Đà vì Ngài quá thánh thiện. Như vậy, ở Ta-bà, mình làm người tốt trước, tức là tâm của mình tốt, lời nói và việc làm của mình tốt, chắc chắn mình được quý trọng và người tốt sẽ tới.

Thực tế có người tốt giả, làm bộ thương người nhưng lợi dụng người. Lúc tôi đi học ở Nhật, gặp thương gia Việt Nam qua Nhật nhờ tôi dắt đi công việc. Ông ta nói rằng ông nuôi vài học sinh nghèo để mai kia họ đỗ đạt xong thì gả con gái, như vậy là ông có tính toán, lợi dụng họ trước, không phải thương thật. Nếu thấy nhân tài giúp đỡ cho họ trưởng thành, còn vấn đề khác là tùy theo duyên mà họ sống. Gần người tính toán nhiều khiến mình sợ, không dám nhận sự giúp đỡ của họ.

Tâm, lời nói và việc làm phải tốt thật. Chúng ta học điều này ở Phật Di Đà và xây dựng ngay trong cuộc sống mình. Nếu chúng ta tốt thật thì người tốt sẽ tới với chúng ta, người xấu không tới được vì không thích hợp. Phải làm cho người khác hưởng, mình không hưởng, mình đặt tiêu chuẩn như vậy thì người lười biếng thích hưởng thụ quyền lợi của người khác không thể tới, họ phải đi chỗ khác.

Ở bên Phật Di Đà nghe Ngài nói về tất cả việc làm của Ngài lúc còn hành Bồ-tát đạo, mình phải thực tập theo. Như vậy, ở Cực lạc nhưng đi mười phương để giáo hóa chúng sanh, điều này cho thấy người ở Cực lạc không lười biếng, không ở không. Buổi sáng họ nhặt hoa rơi để vô cái đãy đi cúng dường mười phương rồi về thọ thực, kinh hành. Nghe tưởng nói chơi, nhưng phần nhiều kinh Đại thừa nói ý, ví thân như cái đãy da đựng đồ ô uế, đến đâu khiến người ta sợ, tránh. Nhưng tu theo Phật, tẩy sạch ba nghiệp của thân, bốn nghiệp của miệng, ba nghiệp của ý thì thân này trở thành ngôi đền tâm linh.

Ở đây thân tâm ô uế, nhưng về Cực lạc đã dùng Ngũ căn, Ngũ lực, Thất Bồ-đề và Bát Chánh đạo tẩy sạch thân tâm thì người thấy thân mình là pháp Phật, nghe lời mình nói cũng là pháp Phật và suy nghĩ của mình, việc làm của mình cũng là pháp Phật, như vậy thân này đã chuyển hóa thành Pháp thân. Mỗi ngày ở Cực lạc đem pháp Phật vô thân tâm và học được gì thì đi qua thế giới khác có duyên với ta để giáo hóa.

Như tôi đã nói Hòa thượng Trí Hải trước khi tịch, nói rằng ngài về Cực lạc thăm Đức Phật Di Đà vài hôm. Vì ngài lớn tuổi, thân phải hoại, ngài phải đi về Cực lạc để coi còn trần lao nghiệp chướng trong lúc hành đạo ở Ta-bà thì tẩy sạch và trang bị thêm kiến thức, đạo đức để tái sanh có thân tướng hảo hơn, làm Phật sự tốt hơn. Thật vậy, ngài có thân trang nghiêm dễ mến và trong thời khó khăn nhất mà ngài xây được chùa Quán Sứ chắc chắn ngài rất dễ thương nên người ta mới hợp tác. Nhưng ngài nói bóng gió rằng đã tụng được 6.000 bộ kinh Pháp hoa, còn 4.000 bộ kinh thì tôi thưa rằng để con làm tiếp việc của Hòa thượng. Đạo lý nằm ở chỗ sâu xa đó.

Tu pháp môn Tịnh độ cũng gắn liền với Phật giáo Nguyên thủy, cũng thực hành Ngũ căn, Ngũ lực vì niềm tin là căn bản. Dù tu theo Nguyên thủy, nhưng không tin mình đắc La-hán cũng không gặt hái được quả vị này. Vì vậy, trong quá trình tu, đầu tiên phải ráng đạt quả Tu-đà-hoàn không bị tình cảm, vật chất chi phối và hạ quyết tâm tu, tin chắc như vậy thì ít nhất qua bảy lần sanh tử thôi sẽ đắc La-hán, lên Niết-bàn.

Tôi có người bạn quyết tâm tu, trời lạnh được cho thuốc hút cho ấm, nhưng nghĩ rằng hút thuốc bị ghiền, nên khắc phục lạnh bằng cách ngồi thiền, nhập định, quên lạnh. Đó là thực tập pháp tu của Phật, còn bị lạnh phải hút thuốc cho ấm là lệ thuộc vật chất rồi. Tu khởi đầu từ chỗ đó, phải tách rời vật chất, tình cảm, lần lần mới lên được, phải siêng năng, tinh tấn.

Ngũ căn là năm căn lành phải phát lên, đó là tín, tấn, niệm, định và tuệ. Phật Thích Ca đã dạy phải luôn tinh tấn vượt khó, đi lên, không sợ, không bỏ cuộc. Kinh Nguyên thủy ví tinh tấn như con tê giác một sừng đi thẳng tới, không sợ. Thấy khó nhưng phải không sợ, vượt được sẽ thành công. Thuở nhỏ, tôi nghĩ quyết tâm tu, chết thì về với Phật, không chết thì tiếp tục làm Phật sự. Dứt khoát như vậy là tinh tấn.

Thứ ba là niệm, tức luôn giữ Chánh niệm, vì mất Chánh niệm là đọa. Về Cực lạc, chúng ta cũng nghe pháp âm do các loài chim hót. Ráng giữ Chánh niệm, không dám buông. Giữ Chánh niệm vào hình tượng Phật Di Đà hay thế giới Cực lạc. Đừng quên điều này mà nghĩ khác thì rớt vô hố sâu tội lỗi của Ta-bà, giống như đeo lủng lẳng sợi dây, làm đứt dây Chánh niệm liền rớt trở lại thế giới đau khổ.

Giữ Chánh niệm khiến tâm thanh thản, nhẹ nhàng, nhưng vụt nghĩ gì thì rớt trở lại cuộc sống phũ phàng. Ở trong Chánh niệm an lành, nhưng mất Chánh niệm, ở thực tế cuộc sống này mỗi người có nghiệp khác nhau. Ở trong Chánh niệm, sang giàu, nghèo khổ, nam nữ, già trẻ đều bình đẳng. Ở Ta-bà mất Chánh niệm thì có đủ thứ chuyện rắc rối phiền muộn.

Và có niệm rồi chúng ta đi sâu vào định. Niệm thì chúng ta còn phải giữ, nhưng định rồi không gì lay chuyển được, dù là định nào. Đầu tiên là Diệt tận định, ngồi thiền nhập định, không để ý cuộc đời, quên việc và quên luôn cả thân mình là vô ngã. Mình còn không có, thì sở hữu của mình làm gì có. Lọt vô định này của La-hán thì không cần giữ Chánh niệm nữa. Đi sâu hơn, có định của Phật và Bồ-tát gọi là tam muội. Phật và Bồ-tát có vô số tam muội thì có vô số đà-la-ni tương ưng là huệ, tức các Ngài ở trong định quan sát sự vật thấy muôn hình vạn trạng.

Đức Phật Thích Ca nhắc chúng ta rằng tín, tấn, niệm, định và tuệ cần phải gắn liền với cuộc sống chúng ta. Như vậy, tu Tịnh độ không khác với tu theo Phật giáo Nguyên thủy vì cũng phải thực hiện tín, tấn, niệm, định và tuệ trong quá trình tu. Bỏ năm pháp này mà tu pháp khác là lạc vào ngoại đạo. Pháp môn nào cũng không rời năm pháp này. Vì vậy, tu Tịnh độ nắm yếu chỉ của năm pháp này để thực tập cho đạt kết quả chắc chắn thành công.

Trên bước đường tu, Ngũ căn chuyển thành Ngũ lực nghĩa là căn lành của chúng ta có rồi thì cần phát huy cho thành sức mạnh gọi là lực. Ai cũng có Phật tánh, có khả năng thành Phật, nhưng vì chúng ta không biết sử dụng và phát huy khả năng này, nên làm chúng sanh.

Sáng nay tôi ra vườn, nhận thấy con thú khôn hơn con người, vì mình bỏ quên trí khôn của mình. Con thú nhìn bông trái biết cái nào ăn được, còn mình không biết, vì con thú không có vọng thức, suy nghĩ, tính toán, không có cái khôn giống con người là cái khôn dại, nên nó có trực giác là bản tánh tự nhiên, bản năng sinh tồn. Con người bỏ mất bản tánh tự nhiên nên rớt vô tham vọng, mới dở hơn con vật. Vì vậy, mình tu, trở lại bản tánh tự nhiên là Phật tánh thì mình khôn hơn con vật gấp vạn lần là thành Phật.

Mình có căn lành rồi, chỉ cần phát huy để thành sức mạnh. Cũng như mình có khả năng làm giàu nhưng bỏ mất khả năng này, không sử dụng mới trở thành nghèo. Kinh Pháp hoa gọi là cùng tử vì anh này không biết sử dụng năng lực để làm giàu mà cam chịu làm thuê mướn sống nghèo khổ.

Kinh Pháp hoa muốn nhắc chúng ta chuyển hóa Ngũ căn thành Ngũ lực và tiến tu lên Thất Bồ-đề, nghĩa là căn phát huy thành huệ mới chọn pháp môn tu thích hợp gọi là trạch pháp và chọn việc làm để thấy việc nên làm, người nên tránh sẽ thành tựu công đức dễ dàng. Điển hình như Phật Thích Ca thấy người đáng độ, Ngài tìm đến độ, người không đáng độ thì Ngài tránh, vì Phật có huệ, biết sáng nay có Bà-la-môn đến gây sự, Ngài đi khất thực. Anh ta chờ không được, bỏ đi thì Ngài về.

Phật nói chúng ta có định, có huệ, nhưng không biết sử dụng định huệ mà chỉ làm theo vô minh sai trái để tù tội, chết chóc. Tu Tịnh độ phải thực tập pháp Phật để trí mình sáng ra. Phật tại thế, Ngài ở đâu thì ở đó là Tịnh độ. Phật vào Niết-bàn, Ngài giới thiệu Tây phương Cực lạc tuy ở xa, nhưng mình đặt tâm ở Cực lạc sẽ có Tịnh độ hiện tiền ngay trong cuộc sống của mình. Muốn được như vậy, cần thể nghiệm pháp căn bản là Ngũ căn, Ngũ lực cho đến thành tựu Thất Bồ-đề, Bát Chánh đạo. Nói thực tế, người tu đúng pháp Phật dạy thì thân khỏe mạnh, trí sáng suốt và làm được nhiều việc lợi ích cho đời, tốt đẹp cho đạo. Đó là tu Tịnh độ đúng lời Phật dạy.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Tìm người thân

Tìm người thân

Cháu Minh Đạo đã đi khỏi nhà và không có liên lạc với gia đình trong hơn 3 ngày qua. Vì những biểu hiện tâm lý có phần chuyển biến không tích cực, nên phải thường xuyên theo dõi trị liệu. Gia đình chúng tôi mong được sự giúp đỡ của chư Tôn đức Tăng Ni và quý Phật tử tại các tự viện...

Thông tin hàng ngày