Tukdam: Giữa hai thế giới

0:00 / 0:00
0:00
GNO - Tukdam: Between Worlds (Tukdam: Giữa hai thế giới) là bộ phim đặc biệt khảo sát về trạng thái tukdam, hiện tượng thiền định sau khi chết của Phật giáo Tây Tạng và không gian vi tế giữa sự sống và cõi chết.

Điều gì sẽ xảy ra với tâm thức của chúng ta khi chết luôn là chủ đề thu hút sự quan tâm của mọi người. Tukdam: Between Worlds, một bộ phim mới của nhà làm phim người Mỹ gốc Phần Lan - Ireland Donagh Coleman, cho chúng ta cái nhìn tổng quan với cuộc khám phá mang tính đương đại về cái chết và cận tử thông qua nhà thần kinh học nổi tiếng Richard Davidson và cuộc nghiên cứu của nhóm cộng sự về hiện tượng tukdam của Phật giáo Tây Tạng. Với mục đích xóa nhòa ranh giới giữa sự sống và cái chết, bộ phim tài liệu này đưa ra một cuộc thảo luận ý nghĩa trong quá trình tìm hiểu một trong những bí ẩn lớn nhất của đời sống.

Tukdam: Between Worlds (Tukdam: Giữa hai thế giới), một bộ phim mới của nhà làm phim người Mỹ gốc Phần Lan - Ireland Donagh Coleman

Tukdam: Between Worlds (Tukdam: Giữa hai thế giới), một bộ phim mới của nhà làm phim người Mỹ gốc Phần Lan - Ireland Donagh Coleman

Tukdam có nghĩa là nắm giữ hoặc buộc (dam) tâm thức (tug). Khi đang an trú trong trạng thái thiền siêu việt này, ý thức của hành giả vẫn duy trì được sự nhận thức hay quán tưởng sâu sắc tập trung nơi trái tim của họ. Theo truyền thống Phật giáo vùng Himalaya, những người thực hành tukdam có thể làm chậm quá trình phân hủy cơ thể và duy trì trạng thái thiền định này vào lúc lâm chung.

Cái chết được chủ động một cách và có ý thức như thế có một số đặc điểm kỳ lạ: cơ thể vẫn còn nguyên vẹn trong nhiều ngày và thậm chí nhiều tuần sau khi chết; không có mùi thối rữa do sự phân hủy; da vẫn mềm mại; vẫn còn hơi ấm xung quanh vùng tim mặc dù không có nhịp tim; và cơ thể thường ngay ngắn trong tư thế thiền định. Những người theo truyền thống Phật giáo Tây Tạng coi đây là một trạng thái thiền định siêu việt của “tâm thức vượt trên cả vật lý”, và sự kiểm soát ý thức như vậy trong khi lâm chung có thể khiến cho hành giả giác ngộ hoàn toàn, hoặc tối thiểu là được tái sinh vào cảnh giới an lành.

Từ lâu, các bậc thầy của Phật giáo Tây Tạng đã nghiên cứu quá trình ý thức rời khỏi cơ thể và truyền bá những giáo lý đó trong suốt nhiều thế kỷ qua. Đây không phải là một sự kiện mầu nhiệm hay thần thông lạ lùng, mà việc thực hành tukdam yêu cầu một tinh thần kỷ luật, rèn luyện, nỗ lực và một động cơ tốt đẹp. Khi các bậc thầy về thiền định đã thực sự am hiểu tường tận về phương pháp thực hành này, họ có thể giúp hướng dẫn và dìu dắt những người khác thoát khỏi đau khổ và vô minh. Những nghi lễ và thực tập như vậy là một phần không thể thiếu trong văn hóa và tín ngưỡng của người Tây Tạng.

Tukdam: Between Worlds cung cấp cho chúng ta cái nhìn tổng quan về vấn đề thực hành liên quan đến cái chết như đã mô tả ở trên, bộ phim tập trung vào các trường hợp thực tế và các khảo sát thực nghiệm đang được thực hiện bởi các nhà khoa học; trong đó bao gồm các cuộc phỏng vấn với Đức Dalai Lama thứ XIV, các nhà khoa học Mỹ, những người ướp xác và các bác sĩ Tây Tạng có kiến thức về cả Phật giáo và y học Tây Tạng.

Bộ phim tài liệu này còn là phương tiện để các nhà khoa học Tây phương tìm hiểu về hiện tượng tukdam cũng như những khái niệm của Phật giáo về sự tương tục của tâm thức và luân hồi. Coleman, một tín đồ của Phật giáo Tây Tạng và hiện đang là nghiên cứu sinh tiến sĩ về nhân chủng học y tế tại UC Berkeley, đã kết hợp một cách chuyên nghiệp giữa khoa học và những câu chuyện của nhiều người để cho ra một câu chuyện kể về những quan điểm khác nhau về cái chết, cả những câu chuyện khoa học và con người thành một câu chuyện kể về những quan điểm khác nhau về cái chết, những hạn chế của các cuộc điều tra khoa học và những phẩm chất và khả năng bí ẩn phi thường của tâm trí.

Trong phim, một trong những bác sĩ người Tây Tạng đã chỉ ra rằng việc cố gắng nhận diện tâm thức thông qua một ít hiện tượng vật lý và hoạt động của não thực sự rất vô nghĩa và không thể chứng minh được gì, những bài thực nghiệm của ông đã cho chúng ta thấy sự hạn chế của các phương pháp khoa học đối với những vấn đề tâm linh như thế này.

Mặc dù họ đã rất nỗ lực để khảo sát, đo lường và kiểm tra bằng những phương pháp khoa học hiện đại nhất để tìm hiểu nguyên nhân tại sao những xác chết bằng xương bằng thịt này vẫn không bị phân hủy như những người bình thường, nhưng kết quả vẫn chưa rõ ràng và đủ sức thuyết phục. Các nhà khoa học cũng thừa nhận rằng hiện tượng này rất hiếm gặp và bí ẩn nên họ vẫn còn đang tiếp tục nghiên cứu.

Sau buổi công chiếu tại Liên hoan Phim quốc tế Dharamshala vào ngày 6-11-2022, Coleman đã chia sẻ về nguồn động lực để có thể thực hiện bộ phim tài liệu của mình. Theo ông, sau khi làm các bộ phim khác về văn hóa Tây Tạng, vào năm 2012, khi đến thăm một tu viện Tây Tạng ở Ấn Độ, ông ấy đã nghe kể về một Lạt-ma Tây Tạng nổi tiếng ở Nepal trong tình trạng tukdam. Câu chuyện này đã khiến ông suy nghĩ rất nhiều. Vì vậy, ông bắt đầu phỏng vấn một số nhà sư tại tu viện về hiện tượng này và cuối cùng, bộ phim tài liệu với nội dung tukdam đã ra đời như thế.

Giống như tìm kiếm viên ngọc quý lẫn trong đống bùn tanh, hành trình khám phá chân tâm của chúng ta đôi khi đòi hỏi một bước nhảy vọt về niềm tin - một niềm tin mãnh liệt rằng viên ngọc thực sự đang chờ được hiển bày. Tương tự như vậy, nhận thức của chúng ta về sự sống và cái chết phụ thuộc vào cách chúng ta chọn để tìm hiểu về chúng.

Mặc dù các nhà khoa học trong Tukdam: Between Worlds không đưa ra bất kỳ kết luận nào về lý do tại sao các thi thể lại ở trạng thái tốt như vậy, nhưng bằng cách xem xét kỹ các thực hành và niềm tin xung quanh phương pháp tu tập tukdam, họ chứng minh một quan điểm được cho là của Helen Keller, rằng những điều tốt đẹp nhất trên thế giới không thể dùng mắt để nhìn hay dùng tay để chạm được, mà phải cảm nhận bằng cả trái tim.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Sư bà Diệu Không

Giáo sư Cao Huy Thuần viết về Sư bà Diệu Không

GNO - Mỗi lần nghĩ đến Sư bà Diệu Không, tôi lại liên tưởng đến bà Gotami, di mẫu của Đức Phật, vừa là mẹ nuôi vừa là Ni thánh. Tôi biết, nếu Sư bà đang ở đâu đó mà nghe tôi nói thế này, Sư bà sẽ quở tôi là phạm thượng. Nhưng tôi đành chịu tội bất kính vì nhiều lý do.
Có 27 thanh niên từ 16 quốc gia tham gia chương trình Bồ-tát Trẻ tuổi Toàn cầu đã tạo nên một cộng đồng quốc tế đa dạng

Chương trình Bồ-tát trẻ tuổi

GNO - Mạng lưới Phật tử Nhập thế Quốc tế (INEB) vừa qua đã tổ chức Chương trình Bồ-tát Trẻ tuổi Toàn cầu hàng năm, một khóa học trải nghiệm kéo dài hai tuần dành cho các nhà lãnh đạo trẻ và các nhà hoạt động xã hội.

Thông tin hàng ngày