Tưởng niệm cư sĩ Chánh Trí Mai Thọ Truyền, nguyên Hội trưởng Hội Phật học Nam Việt

Di ảnh và tượng cư sĩ Chánh Trí - Mai Thọ Truyền tại chùa Phật Học Xá Lợi - TP.HCM
Di ảnh và tượng cư sĩ Chánh Trí - Mai Thọ Truyền tại chùa Phật Học Xá Lợi - TP.HCM
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Sáng 15-3-Giáp Thìn (23-4), tại chùa Phật Học Xá Lợi (TP.HCM) đã diễn ra Lễ tưởng niệm 51 năm ngày mất của cư sĩ Chánh Trí Mai Thọ Truyền, nguyên Hội trưởng Hội Phật học Nam Việt.
Khóa lễ tụng kinh cầu nguyện tại chánh điện
Khóa lễ tụng kinh cầu nguyện tại chánh điện

Nhân lễ tưởng niệm, Ban Phật học chùa Phật Học Xá Lợi đã tổ chức buổi thuyết trình với đề tài “Vai trò của người cư sĩ trong Phật giáo” do cư sĩ Nhật Cao Trần Đình Sơn làm diễn giả.

Cư sĩ Nhật Cao Trần Đình Sơn chia sẻ về vai trò người cư sĩ được xác định từ thời Đức Phật tại thế trong bối cảnh Ấn Độ, đến Phật giáo Trung Quốc và Việt Nam. Qua đó, ông nhấn mạnh vai trò của người cư sĩ trong Phật giáo, đặc biệt tấm gương cư sĩ Chánh Trí Mai Thọ Truyền, một trong số những vị cư sĩ lỗi lạc, có đóng góp lớn lao cho công cuộc chấn hưng Phật giáo nước nhà ở miền Nam. Với tấm gương này, mỗi người nên tìm hiểu kỹ càng, để mỗi người trong vị trí của mình sẽ có những đóng góp cho cái chung.

“Nói về vai trò của cư sĩ và thông qua tưởng niệm của cư sĩ Chánh Trí, đã đem trí tuệ của cuộc đời học hỏi Phật pháp, ứng dụng Phật pháp và thực hành Phật pháp của mình cho đến ngày xả báo thân, hết sức tốt đẹp, đó thành quả của một cư sĩ chân chánh”, cư sĩ Nhật Cao Trần Đình Sơn nhấn mạnh.

Ban Phật học chùa Phật Học Xá Lợi thành kính tưởng niệm cư sĩ Chánh Trí Mai Thọ Truyền

Ban Phật học chùa Phật Học Xá Lợi thành kính tưởng niệm cư sĩ Chánh Trí Mai Thọ Truyền

Cư sĩ Chánh Trí sinh ngày 1-4-1905 tại tỉnh Bến Tre trong một gia đình trung lưu. Ông là một nhân sĩ trí thức và kinh qua nhiều chức vụ trong chính quyền bấy giờ.

Khi biết đến đạo trong những năm làm việc khắp lục tỉnh miền Tây, ông để tâm nghiên cứu tìm hiểu về Phật giáo, Nho giáo và các tư tưởng tôn giáo, triết lý khác. Đến đâu ông cũng tham vấn các vị danh Nho nổi tiếng để thử tài học vấn và biện bác nhưng chưa vị nào giúp ông thỏa nguyện. Đến khi làm việc ở Sa Đéc, ông đến tham vấn Hòa thượng Thích Hành Trụ - vị giảng sư tại chùa Long An, chính nơi đây, thực sự quy ngưỡng cảm phục trước đức độ và trí tuệ của vị danh Tăng nên cầu làm đệ tử của ngài. Hòa thượng Thích Hành Trụ đặt pháp danh cho ông là Chánh Trí.

Các vị cư sĩ tưởng niệm cư sĩ Chánh Trí trước tượng bán thân được tôn trí trong khuôn viên sân chùa Phật Học Xá Lợi
Các vị cư sĩ tưởng niệm cư sĩ Chánh Trí trước tượng bán thân được tôn trí trong khuôn viên sân chùa Phật Học Xá Lợi

Là một Phật tử thuần thành, cư sĩ Chánh Trí ăn giữ nếp trường trai từ ngày thọ Tam quy ngũ giới, làm Phật sự không biết mệt mỏi. Năm 1950, tại Sài Gòn, ông vận động thành lập Hội Phật học Nam Việt. Ban đầu hội đặt trụ sở tại chùa Khánh Hưng, sau dời qua chùa Phước Hòa. Ông vận động và đứng ra xây dựng ngôi chùa lịch sử Phật Học Xá Lợi, ngôi già-lam tiêu biểu cho nét văn hóa mới của Đông Tây hòa quyện, làm trụ sở của Hội Phật học Nam Việt.

Năm 1958, Hội chuyển về chùa Phật Học Xá Lợi. Ông làm Tổng Thư ký của hội khi mới thành lập và Hội trưởng từ 1955 cho đến ngày mất. Hội đã mở các lớp Phật học phổ thông, lúc bấy giờ do chư vị tôn túc như các ngài Thiện Hòa, Trí Hữu, Thiện Hoa, Quảng Minh diễn giảng. Hàng tuần, tại chùa Phật Học Xá Lợi, ông còn tổ chức các thời thuyết pháp cho đại chúng do ông mời các vị cao Tăng, Đại đức trong nước hay nước ngoài đăng đàn. Có khi chính cư sĩ đảm nhiệm vai trò giảng sư.

Bên cạnh đó, Hội Phật học Nam Việt còn xuất bản tạp chí Từ Quang do cư sĩ làm chủ nhiệm kiêm chủ bút. Tạp chí này xuất bản và hoạt động gần 24 năm liên tục (1951-1975) đã đóng góp không nhỏ cho công việc phổ biến Phật học ở Sài Gòn và các tỉnh thành khác.

Cư sĩ Nhật Cao Trần Đình Sơn thuyết trình về "Vai trò của người cư sĩ đối với Phật giáo"

Cư sĩ Nhật Cao Trần Đình Sơn thuyết trình về "Vai trò của người cư sĩ đối với Phật giáo"

Để làm đòn bẩy thúc đẩy cho phong trào chấn hưng Phật giáo tại miền Nam, năm 1952, ông và Hội Phật học Nam Việt đã tạo nên Phật sự vô cùng quan trọng, gây được tiếng vang khắp toàn quốc - đó là lễ rước xá-lợi tại Sài Gòn vào ngày 13-9-1952, nhân dịp phái đoàn Phật giáo Sri Lanka đi dự Đại hội Phật giáo thế giới kỳ II tại Tokyo, có mang theo một viên ngọc xá-lợi để tặng Nhật Bản.

Trong giai đoạn đấu tranh năm 1963, cư sĩ giữ nhiệm vụ Tổng Thư ký Ủy ban Liên phái Bảo vệ Phật giáo đòi hỏi chính quyền Ngô Đình Diệm thực thi bình đẳng tôn giáo. Cư sĩ Chánh Trí và Hội Phật học Nam Việt đồng ý để Ủy ban đặt trụ sở T.Ư tại chùa Phật Học Xá Lợi. Năm 1964, ông tham gia Ủy ban soạn thảo Hiến chương GHPGVN Thống nhất và được suy cử làm Phó Viện trưởng Viện Hóa đạo.

Quang cảnh buổi tọa đàm

Quang cảnh buổi tọa đàm

Khi Viện Đại học Vạn Hạnh được thành lập, tạm đặt tại chùa Phật Học Xá Lợi trong khi chờ xây xong cơ sở, cư sĩ được mời làm giáo thọ, sau đó còn được cử làm Phụ tá Viện trưởng đặc trách hành chánh và tài chánh kiêm Tổng Thư ký niên khóa 1967-1968.

Ngoài ra, cư sĩ còn để tâm nghiên cứu kinh điển Phật đà, với nhiều tác phẩm dịch thuật có giá trị như: Tâm và Tánh, Ý nghĩa niết-bàn, Một đời sống vị tha, Tâm kinh Việt giải

Ngày 15-4-1973, cư sĩ cùng các đại biểu các tỉnh của Hội Phật học Nam Việt họp đại hội tại chùa Xá Lợi, chia tay vào lúc 23 giờ khuya. Sáng 17-4-1973, tức rằm tháng 3 năm Quý Sửu, vào lúc 8 giờ 15', cư sĩ từ giã cõi trần rất nhẹ nhàng, thanh thản, hưởng thọ 69 tuổi.

“Muốn tu theo đạo Phật phải theo quy tắc nhà Phật, phải am tường nghệ thuật của người tu và phải tu cho đúng điệu. Chưa hề thấy một người tu chân chánh mà lại không quy y, ăn chay, niệm Phật và giữ giới, tức là những bổn phận căn bản của Phật tử, dầu xuất gia hay tại gia; không giữ đúng bốn điều ấy là những người giả danh dối thế, không vì mục đích bất chánh thì cũng vì tà tâm tư lợi khác", trích Tu là gì? - bài đăng của cư sĩ Chánh Trí trong tạp chí Từ Quang số 3 năm 1951.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Trưởng lão Ni Sanghamittà và thứ phi Anula - Tranh của Mala Wijekoon

Trưởng lão Ni Sanghamitta là ai?

GNO - Xin cho biết khái lược về Trưởng lão ni Sanghamitta, vị Ni đầu tiên hoằng pháp tại xứ đảo Tích Lan (Sri Lanka). Có phải cây bồ-đề linh thiêng hiện còn ở Sri Lanka chính là cây bồ đề do Trưởng lão ni Sanghamitta mang từ Ấn Độ sang trong chuyến hoằng pháp đầu tiên này?

Thông tin hàng ngày