Tuyên thệ với nghề

Giác Ngộ - Mỗi nghề có một đặc thù khác nhau nên việc yêu cầu về năng lực đối với mỗi nghề cũng khác nhau. Song, có một điểm chung là một nghề đúng tinh thần “chánh nghiệp” trong Bát chánh đạo của nhà Phật phải là nghề mưu sinh có giá trị giúp mình và người trong việc nuôi sống bản thân, chuyển hóa thân tâm theo hướng tốt đẹp…

Trên quan điểm đó, bất kỳ nghề nào cũng đề cập đến cái tâm của người làm nghề. Và vì vậy, có những nghề đòi hỏi người hành nghề ấy phải thực hiện những cam kết, lời hứa, thậm chí lời thề như là nghề y với lời thề Hippocrates!

wnghe bao 4.jpg

Nghề báo - Ảnh: Internet

Một khi đã tuyên thệ với nghề nghĩa là mình hứa với tổ tiên nghề nghiệp của mình, với xã hội và với chính mình là sẽ luôn luôn sống theo nguyên tắc đạo đức của nghề yêu cầu. Đó có thể là “lương y như từ mẫu” (thầy thuốc như mẹ hiền), “cô giáo như mẹ hiền”, “thầy giáo như cha lành”… Những ví von ấy được hiểu là: người làm nghề phải đối đãi với “khách hàng” như là người thân thuộc. Hai vế so sánh tương quan là người làm nghề với mẹ, cha (người thân) của đối tượng “khách hàng” (tạm gọi như thế) để ứng xử với nhau trên nguyên tắc tình thương.

Nếu thầy thuốc thật sự sống với vai mẹ hiền thì không nỡ móc ngoặc, kê đơn để lấy hoa hồng hoặc tự đặt ra cho mình cái giá (500.000 đồng/lần khám) như một ông bác sĩ nào đó đã từng hùng hồn tuyên bố: tôi giỏi tôi có quyền (quyền làm giá).

Trở lại với nghề báo, nhân ngày vinh danh những người làm báo (chân chánh). Nhiều người làm nghề nhắc lại những “tuyên ngôn” trong nghề như là “bút sắc, lòng trong”, như là “Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm/ Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà”… Tuyên ngôn ấy nhắc những người cầm bút phải dấn thân vào những vấn đề tiêu cực, đấu tranh cho lẽ công bằng, cổ vũ những giá trị cao đẹp, thiện lành...

wnghe bao 2.jpg

Mỗi trang viết đều cần cái tâm người cầm bút - Ảnh minh họa

Tuy nhiên, việc “đâm” những người gian như thế nào cũng là cái tâm của người làm báo. “Đâm” với mục đích, tâm niệm thù hằn, sân giận hay là “đâm” với thái độ “tồi tà phụ chánh” là một lằn ranh cũng khá mong manh!

Điểm lại một số vụ mà báo chí đã “đâm” để thấy rằng đôi khi chạy theo thị hiếu bình thường của bạn đọc, khán thính giả mà những người nhân danh sự thật đã bỏ qua tất cả để rồi họ không chỉ “đâm” người gian mà còn đẩy những người vô tội khác vào đường cùng! Bài học đắt giá ấy nhiều khi nó ở ngay đâu đó mà nhất là thời bùng nổ thông tin hiện nay dễ mắc phải, để lại những bi kịch lớn cho một ai đó mà mình không hay.

Nhân danh chống những hình ảnh tiêu cực, hoặc những lối sống lệch lạc, những kiểu hành nghề không chân chánh (của giới nghệ sĩ chẳng hạn, với việc “khoe thân” và cho đó là chụp ảnh nghệ thuật) mà người cầm bút nói không tới, luận cứ không đủ thuyết phục thì đôi khi sẽ đẩy dư luận vào thái cực tò mò, ảnh hưởng không tốt, tiếp tay cho “mưu đồ” tạo scandal của đối tượng!

Rất nhiều những ranh giới mong manh như thế mà người cầm bút đôi khi thiếu tỉnh táo đã mắc phải và gọi đó là “tai nạn nghề nghiệp”. Có những tai nạn gây ra những sát thương lớn mà có “nói lại cho rõ” hoặc “đính chính” cỡ nào cũng không cứu vãn được.

Thế nên, “lòng trong” trong nghề báo có khi là quyết định dừng lại đúng lúc việc “đánh” một ai đó. Ngay cả việc dạy con cũng vậy, có lúc cho roi, có lúc dỗ ngọt, nhưng dù là roi vọt hay lời ngọt thì cũng đều trên tinh thần thương yêu, hiểu về đối tượng mình thương.

wnghe bao 1.jpg

Phương tiện tác nghiệp của nhà báo

Chánh nghiệp trong đạo Bụt dạy rõ, đó là chọn nghề đúng, nghề hay, góp phần xây dựng và phát triển nhân cách cũng như xã hội. Nghề báo với vai trò phản biện xã hội đã là một nghề hay, chỉ còn chờ những người hay (có tâm, có trí) làm nữa thì nó sẽ giúp ích rất lớn cho sự chuyển hóa nội tâm con người và xã hội.

Riêng tôi, chưa phải là nhà báo, chỉ là người viết nho nhỏ, xin được phát nguyện với nghề của mình: “Con nguyện trước Bụt, xin những điều con viết và truyền đi đều là sản phẩm của tình thương và sự hiểu biết. Nguyện cho những điều con viết ra và truyền đi đều có thể giúp cho những người tiếp nhận có được sự an lạc, tìm thấy những chất liệu hạnh phúc trong mỗi bài viết của con…”.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Hòa thượng Thích Lệ Trang chủ trì, phát biểu tại buổi họp mở rộng - Ảnh: Bảo Toàn/BGN

Ban Trị sự GHPGVN TP.HCM sẽ không nhận hoa, phẩm vật chúc mừng tại các hội nghị sắp tới

GNO - Đó là thông báo của Hòa thượng Trưởng ban Trị sự GHPGVN TP.HCM trong buổi họp mở rộng của Ban Thường trực Ban Trị sự TP với các ban chuyên môn trực thuộc, Ban Trị sự TP.Thủ Đức, 21 quận huyện nhằm triển khai các hoạt động Phật sự cuối năm Giáp Thìn, vào sáng nay, 14-12, tại Việt Nam Quốc Tự.

Thông tin hàng ngày