Ươm mầm tâm linh

GN - Bảo Anh (7 tuổi) và Minh Hào (5 tuổi) là con của cậu em trai tôi. Tôi làm việc ở Hà Nội, chưa lập gia đình, nên những ngày cuối tuần về thăm nhà là dành hết thời gian cho hai cháu nhỏ: hướng dẫn học bài, chơi cùng, bê cậu nhỏ đi tắm, nghe chúng ríu rít như hai con chim non suốt cả ngày. Cảm giác gần những tâm hồn con trẻ trong sáng luôn là một cảm giác bình yên đến lạ kỳ.
4.JPG
Minh Hào thành tâm lễ Phật với lòng chí kính trên khuôn mặt - Ảnh: L.Đ.K

Chùa cách nhà chừng 100m, cách một cái ao nhỏ. Mỗi lần về thăm nhà vào dịp mùng 1 hoặc 15, tôi  hay dẫn hai cháu sang chùa lễ Phật. Hai bạn rất háo hức, tò mò muốn tìm hiểu về ông Phật là ai, bà Bồ-tát như thế nào… Tôi mở phim hoạt hình về cuộc đời Đức Phật cho Bảo Anh và Minh Hào xem. Hai nhóc rất hào hứng, theo dõi câu chuyện. Sau khi kết thúc, tôi thực hiện bài kiểm tra bằng việc nhắc, hỏi lại một số nhân vật, tình tiết trong phim ngắn. Cả hai đều nhớ những chi tiết cơ bản. Và những lần sau có bác về là lại đòi xem phim về... “ông” Phật và “bà” Bồ-tát.

***

- Bác hỏi các con nhé. Đức Phật còn được gọi là gì?

- Là Thái tử Tất Đạt Đa ạ!

- Đúng rồi. Thế hôm nay là ngày Thái tử Tất Đạt Đa ngồi dưới gốc cây và thành Phật. Coi như là ngày sinh nhật ông Phật. Vậy các con có muốn tặng quà gì mừng sinh nhật ông Phật không nhỉ?

- Con vẽ ông Phật nhé!

- Vậy hai chị em cùng vẽ, xong bác dẫn sang chùa tặng ông Phật nhé!

Tôi mở hình Phật trong báo Giác Ngộ ra cho hai bạn nhỏ cùng nhìn và vẽ theo. Nét vẽ ngồ ngộ. Có một bức vẽ tôi thấy khá ưng.

- Bác ơi, con có bông hồng đẹp lắm. Bà ngoại cho con. Con mang tặng bà Bồ-tát có được không? - Bảo Anh thủ thỉ.

- Được chứ. Vậy lát con tặng hoa cho Bồ-tát luôn thể nhé.

- Con rất yêu bông hoa. Nhưng con chỉ muốn tặng cho Bồ-tát thôi. Sao nhìn bà Bồ-tát hiền thế nhỉ?

- À, vì bà hay giúp đỡ mọi người. Bà làm nhiều việc tốt.

- Vậy ai hay giúp đỡ mọi người, và làm nhiều việc tốt thì đều giống bà Bồ-tát bác nhỉ?

- Đúng rồi con. Trong con, trong bác, trong tất cả mọi người đều có một ông Phật, một bà Bồ-tát. Chỉ cần mình đánh thức ông Phật, bà Bồ-tát dậy, và thực hành những việc làm tốt cho mọi người, ông Phật và bà Bồ-tát sẽ rất vui và luôn ở cạnh con.

***

- Con xin ông Phật cho con khỏe mạnh, không bị ốm - Minh Hào nói.

-  Còn con xin khỏi đau cái Amidan - Bảo Anh nói tiếp sau đó.

Hai bạn nhỏ cúi đầu lễ Phật, rồi xuống nô đùa ở sân chùa. Chút nắng đầu ngày bừng lên đâu đó, lấp lánh trên những lá cây bồ-đề rồi đổ xuống mặt sân. Trẻ con cũng như những ánh nắng đầu ngày tinh khôi, như mảnh vườn xinh chờ những bàn tay ươm mầm gieo hạt.

Anh 3, Luong Dinh Khoa.JPG
Bé Lương Bảo Anh (7 tuổi) và bức tranh vẽ để “tặng” ông Phật nhân ngày Phật đản - Ảnh: Đình Khoa

Các ông bố, bà mẹ trẻ hầu như ai cũng quan tâm đến ươm mầm tài năng, đặt kỳ vọng ở các con về: tài năng âm nhạc, tài năng toán học, tài năng thể thao… Hình như ít ai chú ý đến việc ươm mầm tâm linh cho mỗi đứa trẻ. Nếu những hạt mầm thiện lành của tâm linh được tưới tẩm ngay những ngày đầu tiên - khi trẻ con còn như tờ giấy trắng; nếu thay vì để con trẻ thần tượng các ca sĩ, diễn viên bằng việc lấy ông Phật, bà Bồ-tát là tấm gương để yêu kính và học tập theo, luôn có ý nghĩ về những lời nói, hành động đẹp và giúp đỡ mọi người - thì năm tháng qua đi, ta sẽ có một rừng bồ-đề trên khắp mọi miền.

Xã hội hiện đại, mỗi đứa trẻ sinh ra là trung tâm vũ trụ của mỗi gia đình. Mừng vì các con có điều kiện được chăm sóc về dinh dưỡng đầy đủ (nếu không nói là có thể dư thừa), tiếp xúc với điện thoại, tivi, máy tính bảng từ rất sớm… Nhưng giữa muôn vàn nguồn nước tưới lên mảnh vườn tâm hồn và cuộc đời con trẻ, bạn đừng quên dòng nước tâm linh mát lành và duy trì thường xuyên, để con trẻ sống như những đóa hoa, là những búp sen xanh không chỉ thơm hương cho cuộc đời mình mà còn tỏa hương trên mỗi hành trình sẽ đi qua.

Lương Đình Khoa

Nhật ký cuộc sống

Là những bài viết từ cuộc sống thường nhật của bạn đọc Giác Ngộ với những ghi chép qua “đôi mắt thương” nhìn đời. Khi đọc, bạn chắc chắn sẽ nhặt được điều gì đó cho mình, như một món quà bình an hay tìm thấy chính mình từ câu chuyện. Bạn cũng có thể viết tiếp câu chuyện như vậy trong sự lắng đọng, bình yên để tặng quà cho nhiều người khác.

Với ý niệm đó, trang Tuổi trẻ của báo Giác Ngộ sẽ mở chuyên mục Nhật ký cuộc sống để bạn đọc có đất trải lòng. Bài viết hoan hỷ gửi về: bandocgiacngo@gmail.com. Trân trọng đón chào bài vở của bạn đọc và CTV.

PGTT

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh: Phùng Anh Quốc

Đức Phật dạy lìa xan tham

NSGN - Chữ “xan tham” là cách dịch của Thầy Minh Châu, với chữ xan là keo kiệt, và tham là tham muốn. Cả hai chữ xan và tham đều có nghĩa gần nhau, đều là chấp có cái gì là “ta” và “của ta” và “muốn gì cho ta”.

Thông tin hàng ngày