Vấn đề xuất giới trong mùa an cư

Bài trên Báo Giác Ngộ số 1214 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1214 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Một trong những phận sự của Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni sau khi thọ đại giới là an cư khi bắt đầu vào mùa mưa. Đó là điều được Đức Phật quy định trong luật với nhiều điều luật chi tiết về cách sống, cách hành xử.

Việc ở trong cương giới được quy định chi tiết thời gian 3 tháng (1) , trong đó vấn đề ra khỏi cương giới an cư (xuất giới) cũng được quy định chặt chẽ.

Để có một không gian sống ổn định, Đức Phật đã chế định cộng đồng Tăng-già phải chọn một trú xứ (tự viện, khu rừng, vườn…) và phải yết-ma tuyên bố cương giới của nơi làm địa điểm an cư, tức là Đại giới - phạm vi không gian sống. Theo như lời Phật dạy thì nơi an cư có thể là khu đất trống, chỗ đất có mái che, trên cây, dưới gốc cây, trong hang đá, trên thuyền(2)… Với một cộng đồng Tăng-già có số lượng lớn thì phải kết một khu vực (cương giới) rõ ràng.

Cương giới ngày nay có thể là khuôn viên tự viện có sẵn, hoặc là cương giới tự nhiên có phạm vi rộng lớn nhưng bán kính không được lớn hơn 10 câu-lô-xá (3) (tương đương với 18 cây số hoặc 36 cây số tùy theo cách tính). Riêng với Ni, cương giới chỉ có thể kết tối đa là 1 câu-lô-xá(4). Đây là quy định để một người có thể đi ra khỏi cương giới và trở về lại trong vòng 1 ngày.

Theo luật quy định, sau khi yết-ma hoặc tuyên bố cương giới một vòng của Đại giới an cư thì chư Tăng, Ni phải ở trong vòng khu vực đó, trừ trường hợp đi khất thực. Dù có đi đâu thì cũng phải trở về lại trong phạm vi của Đại giới đó, không được đi cách đêm(5), tức là phải về lại trong cương giới trước khi mặt trời mọc.

Xuất giới thế nào mới đúng pháp?

Tất cả mọi sinh hoạt trong suốt 3 tháng an cư đều diễn ra trong cương giới. Bất cứ một vị nào tự động ra khỏi Đại giới (xuất giới) mà không thực hiện các thủ tục như luật quy định thì coi như xuất giới phi pháp.

Trong trường hợp đi ra khỏi cương giới không kịp trở về trước khi “minh tướng xuất hiện” (ánh sáng của ngày mới lên đủ thấy rõ chỉ lòng bàn tay) thì Phật dạy phải tác pháp “thọ nhật” mới được xuất giới. Pháp thọ nhật được quy định từ việc trưởng giả ở Kosala đến thỉnh chư Tăng tới tư gia để thọ trai và thuyết pháp trong thời gian an cư(6). Vì nhà ông ở xa nên các Tỳ-kheo không thể trở về trong ngày. Việc này bạch Phật, Ngài đã dạy pháp thọ nhật để được xuất giới đi qua đêm.

Thời gian xuất giới này được Đức Phật quy định ban đầu tối đa là 7 ngày. Sau đó là 15 ngày, 1 tháng hoặc hơn(7). Tùy theo đối tượng và thời gian mà có những quy định chặt chẽ về hình thức thọ nhật để được xuất giới. Pháp thọ nhật để xuất giới có ba loại: pháp tâm niệm, pháp đối thú và pháp của Tăng(8).

Đối với tâm niệm thọ nhật chỉ áp dụng cho Tỳ-kheo, vì Tỳ-kheo có hình thức “Tâm niệm an cư”(9), tức chỉ an cư một mình mà không an cư chung với 1 hay 2-3 Tỳ-kheo khác. Vì an cư một mình nên Đức Phật cho phép người này được phép tâm niệm thọ nhật để xuất giới. Tất nhiên vị này cũng phải thực hiện các bước “tâm niệm an cư” đúng như pháp, như luật quy định. Tỳ-kheo-ni không được “tâm niệm an cư” nên dĩ nhiên không được thực hiện pháp này để được xuất giới.

Theo luật Tứ phần, khi có duyên sự thì được thọ nhật để xuất giới. Nếu xuất giới 7 ngày thì Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni phải thực hiện pháp “đối thú”(10) để tác bạch xin xuất giới “thất nhật”. Pháp này chỉ cần vị ấy đối trước 1 vị khác nói lên việc xin đi ra ngoài trong vòng 7 ngày. Nếu 7 ngày gần hết nhưng việc chưa xong, vị ấy phải trở về lại trong cương giới tác pháp “tàn dạ”(11); tức là xin thêm 7 ngày nữa để tiếp tục thực hiện công việc, không được ở ngoài cương giới làm cho xong việc đến quá hạn 7 ngày. Nếu không thực hiện việc này thì bị xem là phá hạ.

Thời gian đi trên 7 ngày, phải thực hiện “pháp của Tăng” tức là vị ấy phải tác bạch trước Tăng(12) để Tăng yết-ma bạch nhị cho phép xuất giới.

Riêng đối với Tỳ-kheo-ni, luật Tứ phần và các bộ luật khác không thấy có quy định về việc cho Ni đi trên 7 ngày. Có ý kiến cho rằng Tăng pháp của Tỳ-kheo ra sao thì luật cũng cho phép Tỳ-kheo-ni như vậy. Với quan điểm này, những vị luật sư Trung Hoa không đồng tình trong các sớ giải.

Như ngài Đạo Tuyên cho rằng Ni “không tiện ra bên ngoài đi nhiều; nếu vào nhà thế tục, hoặc ra ngoài giáo hóa thì khả năng sinh thiện ít phát…”(13) và trong Tứ phần Tỳ-kheo-ni sao, chương Thọ nhật, ngài cũng nói rõ việc Ni không có pháp thọ nhật trên 7 ngày(14). Ngài Độc Thể nói: “Luật Tăng-kỳ ghi: “Tỳ-kheo-ni không có yết-ma thọ nhật, nhưng có duyên sự thì khai, nhưng chỉ cho phép ra khỏi cương giới an cư 7 ngày”(15); ngài Linh Chi viết: “Theo Tăng-kỳ, trong thời gian an cư, Tỳ-kheo-ni không có yết-ma thọ nhật, nếu có việc đến (thì) cho phép thọ 7 ngày.

Luật Tứ phần cũng như vậy, như giới Ba mùa đi vào nhân gian, chỉ có pháp khẩu thọ (pháp đối thú), không nói cho đi nhiều ngày. Vì thế có thể căn cứ vào đây mà áp dụng”(16). Trong Yết-ma sớ, ngài Chí Hồng(17)Tứ phần luật sao Giản chính ký của ngài Cảnh Tiêu(18) cũng có đồng quan điểm trên.

Có 2 quan điểm ở sớ giải của ngài Hoài Tố trong Ni yết-ma, chương Thọ nhật(19)Tứ phần Tỳ-kheo-ni Giới bổn chú giải của ngài Hoài Tố biên tập, Ni sư Phật Oánh chú giải(20) là có đề cập đến việc cho Ni xuất giới quá 7 ngày. Tuy nhiên, quan điểm này bị các luật sư và những nhà nghiên cứu luật đa phần phản bác, không đồng thuận.

Dù là tâm niệm, đối thú hay chúng pháp thì sau khi “tác pháp” hoàn tất, vị ấy phải đi ra khỏi cương giới ngay trong ngày, không được để qua đêm(21); nếu để qua ngày mới thì phải thực hiện lại pháp thọ nhật.

Không nên xem nhẹ việc “xuất giới” trong mùa an cư

Tinh thần giới luật xuyên suốt trong đời sống của Tăng đoàn là “tùy phạm tùy chế”. Bên cạnh tuệ giác của Đức Phật, sự cơ hiềm của thế gian là vấn đề cũng được Thế Tôn quan tâm, đồng thời có sự uyển chuyển trong hoàn cảnh sinh hoạt của cộng đồng Tăng-già mà linh hoạt khai mở hay chế định. Từ việc cấm chặt không cho chúng xuất gia ra khỏi cương giới an cư, Ngài đã cho phép thọ nhật để có thể ra ngoài làm các công việc. Tuy nhiên, luật cũng quy định không phải việc gì cũng được cho phép thọ nhật để xuất giới. Các việc có thể xuất giới: đàn-việt thỉnh cúng dường; Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Sa-di… thỉnh các việc xuất tội, thọ giới…; việc của cha mẹ thân quyến(22)

Thực tế cho thấy trong an cư, vẫn thỉnh thoảng thấy vị này vị kia “du hành trong nhân gian”, đó có thể đi thuyết giảng, đi cúng dường trường hạ, đi thăm viếng… Nhiều Phật tử tại gia vẫn thắc mắc việc người tu đi chỗ này chỗ kia trong mùa an cư không phải là ít, là lạ.

Có một vị Tăng trẻ chia sẻ, vị ấy đối thú xin xuất giới 7 ngày đi công việc của chùa, công việc xong, trên đường về vị ấy tranh thủ ghé ngang làm công việc riêng. Như vậy vị ấy có phạm luật không. Theo người viết, là có. Vì luật đã chế định, tác bạch đi công việc gì xong phải trở về ngay trong nội giới, dù thời gian chưa hết 7 ngày nhưng duyên thọ nhật đã hết(23); còn vài ngày cũng không được du hành “đi chơi” hay làm việc riêng khi chưa tác bạch.

Hay trường hợp chư Ni được cử đi tham dự một hội nghị ở nước ngoài, theo luật, sau lễ bế mạc các vị “phải về ngay” trong cương giới, nhưng lại ở lại thêm ít hôm để “du hành trong nhân gian”. Tính từ ngày ra khỏi và về lại trong cương giới là trên 10 ngày, việc này là phi pháp dẫn đến “phá hạ”. Ngoài ra, luật quy định: “xong việc sẽ trở về trong giới để an cư”, tức là khi xong công việc mà Tăng sai phải lập tức quay về lại trong cương giới để tiếp tục an cư(24); nếu đi những việc ngoài việc Tăng sai coi như phá an cư (phá hạ) đối với các cá nhân có hành vi trên.

Việc thọ nhật được Đức Phật quy định rất chi tiết và chặt chẽ. Theo luật Tứ phần việc xuất giới, được thọ nhật 7 ngày, 15 ngày, 30 ngày(25); được xuất giới nhiều lần, nhưng tổng cộng thời gian các lần xuất giới tối đa không quá 40 ngày(26). Vượt thời gian ấy xem như vị ấy phá hạ. Và mốc thời gian trở về trong cương giới cũng phải trước khi chấm dứt hạn định. Ví dụ, luật quy định “đủ 7 ngày nên trở lại”(27) tức là ngày thứ 7 phải có mặt trong cương giới, chậm nhất là khuya của ngày thứ 7; khi mặt trời mọc (minh tướng xuất hiện) mà chưa ở trong cương giới thì coi như phá hạ. Kỳ hạn đi 15 hay 30 ngày cũng tương tự như vậy.

Đối với Tỳ-kheo thì việc xuất giới có rộng rãi về thời gian, nhưng cần phải thực hiện nhiều điều “cần” và “đủ” mà Phật dạy. Pháp đối thú hoặc Tăng pháp yết-ma bạch nhị trước đây thường áp dụng trong các buổi quá đường an cư. Nhưng những cách như vậy ngày càng ít dần. Thiết nghĩ, các trường hạ hoặc trú xứ an cư cần có một vị am hiểu luật giám sát việc này, việc tuy nhỏ nhưng là pháp để đại chúng ý thức tầm quan trọng của việc an cư đối với người xuất gia.

Riêng đối với việc xuất giới của chư Ni, theo những gì người viết tham khảo được thì Tỳ-kheo-ni chỉ được xuất giới tối đa 7 ngày, không được hơn. Các duyên sự không cần thiết (ngoài những điều Phật chế định hoặc tương tự), chuyện tham dự thế sự, bán thế sự hoặc thăm viếng… thì không nên tham gia và xuất giới.

Đức Phật chế định việc an cư, xuất giới trong an cư chỉ nhằm một mục đích duy nhất để mỗi thành viên trong Tăng đoàn có thể “thúc liễm thân tâm”, hạn chế tối đa việc đi lại để có thể “phát sinh thiện pháp, diệt ác pháp”. Nếu việc này bị xem nhẹ và hành trì không nghiêm túc, dẫn đến việc phá an cư (phá hạ) mất tuổi hạ được tính sau mùa an cư đối với các Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni.

----------------------------------------

(1) Tứ phần luật - Tỳ-kheo Thích Đỗng Minh dịch, NXB Hồng Đức 2019, Tr.1254;

(2) Tứ phần luật - sđd, Tr.1260

(3), (4) Yết-ma yếu chỉ - HT.Thích Trí Thủ giảng thuật, NXB Hồng Đức 2014, Tr.55

(5) Tứ phần luật - sđd, Tr.1262

(6) Tứ phần luật - sđd, Tr.1262

(7) Tứ phần luật - sđd, Tr.1265

(8) Tứ phần luật san phồn bổ khuyết hành sự sao, Tỳ-kheo Thích Minh Thông chủ biên, NXB Hồng Đức 2017, Tr.273

(9) Tứ phần luật - sđd, Tr.1254

Yết-ma yếu chỉ - sđd, Tr.258

Yết-ma chỉ nam - HT.Thích Bình Minh dịch, NXB Hồng Đức 2015, Tr.204

(10) Yết-ma yếu chỉ - sđd, Tr.259

Tứ phần luật san phồn bổ khuyết hành sự sao, sđd, 2017, Tr.273

(11) Yết-ma yếu chỉ - sđd, Tr.260

(12) Yết-ma yếu chỉ - sđd, Tr.261

(13) Tứ phần luật san phồn bổ khuyết hành sự sao, sđd, Tr.272

(14) Tứ phần Tỳ-kheo-ni sao, Đại sư Đạo Tuyên thuật, Tục tạng 40, No 0724, 0730c04

(15) Tỳ-ni chỉ trì tục thích, Tỳ-kheo Độc Thể soạn, ĐCTT 41, T447c18

(16) Tứ phần luật san bổ tùy cơ yết-ma sớ Tế duyên ký, Đại sư Linh Chi – Nguyên Chiếu soạn, Tục tạng 41, No 0728, 0322a02

(17) Tứ phần luật sưu huyền lục, Chí Hồng soạn thuật, ĐTK Bổ biên X41, No 0732, 0893a18 (Bản điện tử)

(18) Tứ phần luật sao Giản chính ký, Đại sư Cảnh Tiêu soạn, Tục tạng 43, No 0737, 0205a05

(19) Ni yết-ma, quyển thượng, Sa-môn Hoài Tố biên tập, ĐCTT 40, 545c01

(20) Tứ phần Tỳ-kheo-ni Giới bổn chú giải, Sa-môn Hoài Tố biên tập, Thích Phật Oánh chú giải, ĐTK Bổ biên B08, No 0026, 0169b16

(21) Yết-ma yếu chỉ - sđd, Tr.262

(22) Tứ phần luật - sđd, Tr.1262

(23) Tứ phần luật san phồn bổ khuyết hành sự sao, sđd, Tr.272

(24) Tứ phần luật - sđd, Tr.1265

(25) Thập tụng Yết-ma: 39 đêm; Bách nhất yết-ma: được phép xuất giới 40 đêm - Yết-ma yếu chỉ - sđd, Tr.261

(26) Yết-ma yếu chỉ - sđd, Tr.261

(27) Tứ phần luật - sđd, Tr.1262

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày