Văn hóa Phật giáo: đôi điều suy ngẫm

Trong thời đại ngày nay với  sự phát triển của xã hội càng ngày càng đòi hỏi  con người cần có những ứng xử thể hiện được nhân cách văn hóa của mình đối với mọi sự vật. Văn  hóa có hai tiêu chí: văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể, mà xã hội Việt Nam   hiện nay đang phục hồi cả hai tiêu chí này nhằm xây dựng một đời sống cộng đồng có văn hóa, văn minh và hiện đại.

sen.jpg

Tinh thần Phật giáo chủ trương xây dựng con người có nhân cách từ khi bước chân đến với đạo Phật qua “tứ oai nghi” (đi, đứng, nằm, ngồi) trong tinh thần oai nghi tế hạnh. Các vị Tổ sư của chúng ta đã soạn ra 24 thiên “oai nghi” nhằm hướng dẫn,  đào tạo người xuất gia hoàn chỉnh nhân cách của mình trong bất cứ hoàn cảnh lịch sử và thời đại, xã hội nào. Hai mươi bốn oai nghi là một bộ luật quy định những ứng xử trong thiền môn nhưng đồng thời cũng là một bộ sách dạy về văn hóa làm người trong Phật giáo. Chúng tôi nghĩ, bộ sách này không chỉ dành riêng cho Sa di mới bước chân vào đạo mà dành chung cho tất cả mọi người con Phật trên bước đường phục vụ Giáo hội và dân tộc.

Trong một giai thoại về cách giáo dục của người xưa có một câu chuyện: Ở vùng nông thôn có một ông thầy giáo già dạy một nhóm học trò trong làng. Một hôm vị thầy giáo sai một cậu học trò ra chợ mua vài vật dụng dạy học, gặp lúc nhóm chợ, thấy có người ăn cắp bị người phát giác, kẻ trộm chạy trốn và lính trong làng truy đuổi. Khi nhìn thấy cậu học trò đứng có vẻ ngơ ngác nên họ nghi ngờ, bắt đem về làng tra hỏi nhưng không tìm được manh mối, bèn thả cậu về. Vị thầy giáo hỏi sao hôm nay đi chợ về trễ vậy?, cậu học trò trình bày lý do bị nghi ngờ nên về trễ! Thầy giáo nghe xong, lấy roi ra bắt người học trò nằm xuống đánh 10 roi, các học trò trong lớp rất ngạc nhiên và xin thầy đừng đánh cậu học trò, vì đã bị oan ở làng rồi mà về thầy còn đánh nữa thì thật là tội nghiệp! Vị thầy giáo nói với những người học trò trong lớp, thầy đánh trò này không phải vì nó ăn cắp mà đánh nó vì mặt nó giống thằng ăn cắp”. Tại sao cả chợ lính không nghi ai mà lại nghi ngờ nó?

 Qua giai thoại trên, người thầy giáo già ngày xưa muốn giáo dục người học trò phải thể hiện nhân cách trong mọi hoàn cảnh, không phải chỉ học văn hóa kiến thức mà còn giáo dục phẩm hạnh, đạo đức, lối sống của từng cá nhân thể hiện từ nội tâm cho đến hình thức bên ngoài và để rồi chính môi trường dạy dỗ đó người học có thể áp dụng trong văn hóa ứng xử hàng ngày khi đối diện với cộng đồng xã hội.

Có học vị cao mà ứng xử không có văn hóa cũng là một người thiếu văn hóa, giáo dục. Cho nên đào tạo người xuất gia ở các trường Phật học không phải chỉ dạy về kiến thức Phật học mà dạy cho Tăng Ni vốn sống để họ trở nên một con người có phẩm hạnh, một ông thầy tu xứng đáng. Điều này các vị tiền bối Tổ sư đã nói: “Tạo tự thì dễ, tạo Tăng mới khó”!

 Ngày nay, khi nền văn minh nhân loại phát triển thì văn hóa ứng xử càng được thể hiện qua các cách hành xử như: văn hóa giao tiếp, văn hóa công sở, văn hóa quản lý và ngay cả văn hóa từ chức… Có thể nói, trong nhiều lãnh vực của đời sống, văn hóa đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành phát triển xã hội mà con người là chủ nhân ông quyết định của đời sống .

Như vậy, ngoài văn hóa được biểu hiện qua vật thể, kiến trúc, hội họa, điêu khắc… và ở nhiều lãnh vực, con người còn có một vai trò quan trọng thể hiện nhân cách “rất người” là hình thành văn hóa của từng cá nhân mà Nho giáo dùng những cụm từ rất cô đọng và bao quát một cách tuyệt vời: quân quân, thần thần, sư sư, phụ phụ, tử tử…(vua phải cho ra vua, tôi phải ra tôi, làm thầy phải ra ông thầy, cha phải ra cha, con phải ra con…).

Phật giáo có một truyền thống gắn bó với nền văn hóa dân tộc, hòa quyện trong từng hơi thở của đời sống người Việt. Từng lúc, từng hoàn cảnh của mỗi cá nhân, Phật giáo giáo dục con người phải thể hiện vai trò nhiệm vụ của mình, làm cho nhân cách của từng cá nhân càng được hoàn chỉnh “tri kỷ, tri bỉ” (phải biết mình, biết người).

Điều này càng chứng minh văn hóa Phật giáo đang cần được chúng ta phát huy trên tinh thần văn hóa truyền thống, thiền môn quy củ. Sự tác động văn hóa xã hội vào Phật giáo qua các hoạt động Phật sự giúp cho người con Phật chúng ta suy nghiệm về chính tổ chức và từng cá nhân mình. Giáo lý của Đức Phật cũng không ngoài mục đích hướng dẫn giáo dục con người từ phàm phu đến thánh nhân, lại càng phù hợp với tinh thần mà các vị Tổ sư chúng ta mượn lời của Nho gia  thường dạy “Nhân đạo bất tu, tiên đạo viễn hỷ!” (Làm người không tự sửa đổi, thì đừng mong làm Phật, Thánh tiên...).

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Chùa Long Hoa trao quà hỗ trợ đồng bào dân tộc

Chùa Long Hoa trao quà hỗ trợ đồng bào dân tộc

GNO - Chùa Long Hoa (Q.8) phối hợp UBND, Uỷ ban MTTQVN Q.8, các mạnh thường quân tổ chức trao 300 phần quà đến các hộ đồng bào dân tộc, hộ dân có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn Q.8 vào ngày 16-4.

Thông tin hàng ngày