Về chùa học làm người có ích

Các em tham dự khóa tu "Về với Phật" tại chùa Phước Long (H.Củ Chi, TP.HCM)
Các em tham dự khóa tu "Về với Phật" tại chùa Phước Long (H.Củ Chi, TP.HCM)
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Mỗi tháng một lần, vào ngày chủ nhật được ấn định, các em học sinh ở ấp Ràng, xã Trung Lập Thượng, H.Củ Chi, TP.HCM lại trở về chùa Phước Long (số 27, đường 723) tham gia khóa tu “Về với Phật”. Về chùa, các em không chỉ được vui chơi, học kỹ năng sống, mà còn học và thực hành làm người có ích.

Khóa tu mỗi tháng dành cho học sinh

Sư cô Thích nữ Nhuận Bình, trụ trì chùa Phước Long bắt đầu tổ chức khóa tu “Về với Phật” cho các em học sinh chỉ sau 5 ngày về đây trụ trì - mùa Vu lan năm 2022. Khóa tu diễn ra một tháng một lần, vào ngày Chủ nhật giữa tháng và chưa từng gián đoạn kỳ nào. 120 học sinh từ lớp 3 đến lớp 12 đăng ký tham gia khóa tu “Về với Phật”. Số lượng tham gia chỉ giảm đi vào thời điểm “mùa thi”, nhưng ít đến mấy cũng tối thiểu 50 em tham dự.

Khóa tu bắt đầu lúc 7g30. Sau khi các em dùng điểm tâm sáng, sẽ tu tập cùng nhau với thời khóa thiền hành, tụng kinh, học giáo lý, chơi các trò chơi dân gian, thi giải mật thư. Đặc biệt, trong mỗi khóa tu, các em đều được Sư cô Nhuận Bình dạy giáo lý, được các cô giáo là giảng viên Trường Đại học RMIT dạy kỹ năng sống và được các anh chị tình nguyện viên tổ chức các trò chơi rèn luyện sức khỏe.

Em tập vẽ tranh

Em tập vẽ tranh

Để khóa tu diễn ra chu đáo thì trước đó một ngày, Sư cô Nhuận Bình và Phật tử của chùa đã chuẩn bị quà, lên thực đơn buffet đãi các em, chuẩn bị đạo cụ để tổ chức trò vui chơi cho các em. Nhờ chuẩn bị kỹ lưỡng, khóa tu nào diễn ra cũng đem lại nhiều niềm vui, nhiều kỷ niệm cho các em, dù lứa tuổi có khác nhau.

Nhiều phụ huynh cho biết, từ ngày con họ tham gia khóa tu, đã có nhiều thay đổi tích cực. Đó là lý do họ cho con đi tu xuyên suốt, trọn năm không nghỉ kỳ nào. Thậm chí, chị Phương, phụ huynh của hai bạn Phúc (lớp 7) và Phát (lớp 9) bày tỏ: “Khi trường tổ chức đi chơi điền dã ở tỉnh Bến Tre trùng vào ngày chùa tổ chức khóa tu, trước 2 sự lựa chọn thì tôi chọn cho con đi tu”. Chia sẻ về lý do, chị Phương cho biết thêm: “Lên chùa, con được tụng kinh, được dạy về đạo đức làm người, được học và thực hành, biết hướng thiện, biết làm lành tránh dữ. Đó chính là hành trang để các con bước vào đời, là lợi ích lâu dài, khi sau này không có ba mẹ bên cạnh, chính những điều con học ở chùa sẽ giúp con sống tốt”.

“Ngày diễn ra khóa tu là phải đánh dấu, để nhớ đưa con đi” - đó là chia sẻ của nhiều phụ huynh ở gần chùa. Theo chia sẻ của các anh chị, đi chùa con học được nhiều kiến thức và về nhà các con áp dụng, rất hữu ích. Có em được dạy cách bày trí, chưng cúng trái cây, khi về nhà đã nói với ba mẹ biết cách cúng sao cho đúng “bông đặt bên phải”. Có em biết phụ giúp mẹ giữ em, chơi với em và biết dạy em niệm Phật trước khi ngủ. Có em khi làm sai đã thành thật nói lỗi, xin lỗi ba mẹ và tự giác với việc học của mình, vì em được dạy ở chùa rằng, học cho mình, học để tương lai tươi sáng.

Thực hành tình yêu thương

Tại chùa Phước Long, khi tham gia khóa tu “Về với Phật” là các em được thực hành luôn về tình yêu thương - một trong những giáo lý căn bản nhất các em được dạy. Ngày diễn ra khóa tu “Về với Phật” luôn trùng thời điểm chùa tổ chức chương trình “Bếp chay 0 đồng”, trao những suất ăn chay dinh dưỡng đến bệnh nhân. Các em tham gia khóa tu sẽ có cơ hội nhìn thấy các cô, bác Phật tử chuẩn bị suất cơm, thấy mọi người làm bếp, chuẩn bị nước chấm. Tùy theo sự yêu thích, các em có thể chung tay bằng những việc nhỏ, theo sự hướng dẫn của người lớn.

Đặc biệt, vào thời điểm chùa tổ chức “Phiên chợ 0 đồng”, chính các em sinh hoạt trong khóa tu “Về với Phật” sẽ hỗ trợ chùa, đứng bán ở các gian hàng và lễ phép trao tay từng món hàng phục vụ các cô, bác có hoàn cảnh khó khăn. “Có các em tham gia khóa tu có hoàn cảnh khó khăn, khi chùa phát phiếu tặng, các em đem về cho gia đình. Ngày diễn ra gian hàng 0 đồng, em và người nhà đến, các bạn sinh hoạt chung thấy là niềm nở chào mời. Các bạn thương yêu nhau, ai cũng vui vẻ, không có khoảng cách hay phân biệt, tất cả đều hạnh phúc dưới mái chùa chung”, Sư cô Nhuận Bình xúc động bày tỏ.

Sư cô Nhuận Bình luôn sát cánh cùng các em trong khóa tu "Về với Phật"
Sư cô Nhuận Bình luôn sát cánh cùng các em trong khóa tu "Về với Phật"

Được biết, năm 2022, Sư cô Nhuận Bình chủ trương mở khóa tu cho Phật tử lớn tuổi nhưng ngày diễn ra khóa tu thì các em học sinh đến đông hơn người lớn. Khi lắng nghe và biết tâm tư, nguyện vọng của phụ huynh, các em học sinh, Sư cô đã cho ra đời khóa tu “Về với Phật” trong điều kiện cơ sở vật chất của bổn tự còn nhiều thiếu thốn. “Mở khóa tu cho các em, tôi thấy trách nhiệm của mình rất nặng, những ngày đầu cũng nhiều áp lực. Tôi phải lên kế hoạch thiết kế chương trình bài bản, làm sao để các em vừa học vừa vui chơi; cũng là để gieo trồng, nuôi dưỡng lòng từ trong các em, để các em lớn lên với cơ thể và tâm hồn khỏe mạnh”, Sư cô cho biết.

Với tâm huyết của Sư cô, các bạn trẻ về chùa tu học tinh tấn và tham gia với số lượng đông. Ngoài tu học, Sư cô còn trao học bổng đến các bạn nỗ lực trong học tập và tặng quà thường xuyên, khuyến khích các bạn nhỏ thực hiện các việc tốt.

Tình yêu thương của nhà chùa và sự ngoan ngoãn của các bạn tham gia khóa tu như tiếng lành đồn xa. Nhiều phụ huynh ở nội thành TP.HCM muốn gửi con lên chùa tham gia “khóa tu mùa hè”. Dù rất muốn nhưng Sư cô Nhuận Bình phải từ chối. Vì cho đến thời điểm hiện tại, cơ sở vật chất của chùa cũng chưa khá hơn, chùa chỉ có 3 nhà vệ sinh, nên chỉ ưu tiên các em ở địa phương. Các em đến chùa tu học, ở ban ngày và đến chiều thì về nhà, hôm sau lại đến tu tiếp. Điều đó phần nào cho thấy, nhiều phụ huynh rất có nhu cầu, cần địa chỉ uy tín cho con tu học ở chùa, để rèn luyện đạo đức, học làm người có ích.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh: Phùng Anh Quốc

Đức Phật dạy lìa xan tham

NSGN - Chữ “xan tham” là cách dịch của Thầy Minh Châu, với chữ xan là keo kiệt, và tham là tham muốn. Cả hai chữ xan và tham đều có nghĩa gần nhau, đều là chấp có cái gì là “ta” và “của ta” và “muốn gì cho ta”.

Thông tin hàng ngày