Đi ngược dòng Thiền Tông Việt Nam từ khởi nguyên tới nay đã xuất hiện nhiều dòng thiền, nhưng trong đó phải kể đến dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử - được coi là dòng thiền của Việt Nam do vị anh hùng dân tộc Việt Nam - Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông khai mở.
Hồn thiêng hội tụ
Khu di tích danh thắng Yên Tử là nơi gắn liền với sự nghiệp tu hành của Phật Hoàng Trần Nhân Tông và đánh dấu sự ra đời của Thiền phái Trúc Lâm - dòng thiền hội tụ đầy đủ những triết lý, tinh thần của Phật giáo và chưa đựng cả những nét độc đáo riêng biệt của Đại Việt.
Đường lên Yên Tử - Ảnh: Chính Tâm
Trước khi ra đời Phật phái Trúc Lâm Yên Tử, ở Việt Nam đã có 3 dòng thiền là dòng Tì Ni Đa Lưu Chi, dòng Vô Ngôn Thông và dòng Thảo Đường. Phật hoàng Trần Nhân Tông sau khi xuất gia tu hành với lòng mộ đạo chân thành và trải qua quá trình thiền định tại đỉnh thiêng Yên Tử, là người đầu tiên đã sử dụng trí tuệ, năng lực của sự thiền định quy tụ tất cả những tinh triết của các dòng thiền, kế thừa và phát triển thành giáo lý của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử - một Pháp phái riêng của Đạo Phật.
Bên cạnh đó, trong thời gian tịnh tu tại đây, Ngài còn ngiên cứu sâu sắc và chắt lọc được những yếu tố tích cực của Nho giáo, Đạo giáo để bổ sung hoàn thiện giáo lý Phật giáo của Thiền phái Trúc Lâm, xây dựng một tư tưởng Phật học mang đậm bản sắc văn hoá của dân tộc Việt Nam.
Chính sự kết hợp hài và tinh tế ấy đã hun đúc lên nét độc đáo trong tông chỉ của phái Thiền Trúc Lâm Yên Tử là Phật giáo hướng nội, nhập thế, trí tuệ, gắn liền xu thế nhập thế của thiền Phật giáo với tinh thần tự cường của dân tộc, Phật giáo sát cánh đồng hành cùng dân tộc. Từ đó tạo thành một yếu tố quan trọng trong việc xây dựng và là mốc son đánh dấu sự thống nhất của Phật giáo Đại Việt.
Kỳ vĩ những công trình
Có thể nói từ khi vua Trần Nhân Tông đến Yên Tử tu hành, lập nên Thiền phái Trúc Lâm từ cách đây hơn 700 năm, danh sơn Yên Tử đã được coi là vùng đất hun đúc linh khí của trời đất, trở thành chốn Tổ linh thiêng của Phật giáo Việt Nam.
Chùa Hoa Yên - Ảnh: Chính Tâm
Trước đó, đã từ lâu Yên Tử cũng đã được coi là một danh sơn của Đại Việt với khung cảnh trầm mặc, hùng vĩ của hồn thiêng sông núi hội tụ nơi đây.
Khi Phật hoàng Trần Nhân Tông còn trụ thế, Ngài đã cho xây dựng hàng trăm công trình lớn nhỏ tại đây. Tới nay, di tích chùa Yên Tử vẫn còn lại một hệ thống quần thể kiến trúc với hơn chục ngôi chùa và hàng trăm am, tháp cổ cùng nhiều bia, tượng nằm ở nhiều chỗ khác nhau (trong đó có tháp Huệ Quang tương truyền là nơi thờ Xá lợi của Đệ nhất Tổ Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử - Phật hoàng Trần Nhân Tông) trải dài gần 20km
Một vài công trình nổi tiếng ở núi Yên Tử như chùa Giải Oan bên cạnh suối Giải Oan nơi chân núi, chùa Lân (nay là Thiền viện Trúc Lâm Yên Tử), chùa Một Mái, chùa Hoa Yên, chùa Báo Sái, vườn tháp Tổ, am Ngọa Vân, tượng đá An Kì Sinh, bàn cờ tiên,…được xây dựng với nhiều lối kiến trúc, hoa văn trang trí khác nhau mang đậm dấu ấn của các thời đại trong lịch sử dân tộc Việt Nam.
Trong đó có chùa Đồng tọa lạc trên đỉnh núi cao nhất “ cách trời ba thước” như như nhạc sĩ Phó Đức Phương đã từng viết khi đứng trước cảnh núi non Yên Tử, chùa được coi là một trong những ngôi chùa nhỏ bé và độc đáo nhất Thế giới khi được xây dựng trên diện tích 20m2.
Chùa Đồng giống như một bức tranh tuyệt đẹp và vĩ đại được treo trên lưng chừng trời, hơn thế nữa, chùa được coi là chốn linh thiêng nhất của vùng đất linh thiêng này, nơi mà con người và đất trời giao cảm hòa hợp.
Vườn tháp Tổ trong quần thể chùa Yên Tử - Ảnh: Chính Tâm
Hiện nay, số lượng du khách trong và ngoài nước hành hương về núi Yên Tử ngày càng nhiều. Tất cả mọi người đến với danh thắng nơi đây để thưởng ngoạn, chiêm ngưỡng vẻ đẹp và không khí thanh bình của đất trời thiên nhiên. Những người Việt xa quê tìm về để được suy tưởng lại những truyền thống văn hóa, tinh hoa của bản sắc dân tộc. Du khách nước ngoài lại coi nơi đây như một biểu tượng về du lịch tôn giáo, tìm hiểu văn hóa và sinh thái đặc sắc của đất nước Việt. Và chư Tăng Ni, Phật tử, tín đồ hướng về Yên Tử như tìm về cội nguồn, chốn Kinh đô của Phật giáo Việt Nam trường tồn mãi mãi cùng chiều dài lịch sử dân tộc.