Về với Tết

Bài trên Giai phẩm Giác Ngộ Xuân Nhâm Dần 2022 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
Bài trên Giai phẩm Giác Ngộ Xuân Nhâm Dần 2022 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
0:00 / 0:00
0:00
GN - “Tết này con có về không?”, má hỏi từ bên kia đầu dây điện thoại. Tôi ngập ngừng thưa thiệt, lúc này con không tính trước được điều gì hết má ơi...

Má biết rồi, từ lúc nào giọng má đã trở nên điềm tĩnh nhẹ nhàng như không. À, ba đã thuê người bắc thang lặt lá cho cây mai lão trước nhà…Năm nay chắc nó sẽ trổ nhiều bông. Năm ngoái cả nhà trông từng bông, đếm từng bông. Lão sống được đã là kỳ tích nói gì đến chuyện trổ bông.

Nhắc cây mai lão, không khí dường như ấm lên. Năm đó khi ghé thăm nhà một người bạn ở Tuy Hòa, anh ấy muốn sửa nhà, nên có có ý muốn gả cây mai trước cửa để có chỗ cơi nới sân trước. Vốn là người lớn lên trong làng hoa, nhà cũng nhiều lần lưu lạc, cũng từng có những cây mai trước cửa, hai mươi chín Tết ba chỉ chọn một cành cưa xuống, đốt gốc cắm trong ché rượu là đủ chơi mấy ngày Tết.

Tôi vẫn luôn nhớ cũng như rất thiện cảm với những căn nhà có cây mai vàng trước sân. Vì vậy tôi không ngần ngại đưa lão mai về. Năm đó ba tôi phải thuê xe cẩu và một đội chuyên đào mai từ Bình Định vô “cung nghinh” lão. Cả đội xoay xở hết mức để giữ cho được bầu rễ, khổ nỗi, đất vùng nhà bạn là đất cát, giữ được bầu rễ rất khó khăn, cộng thêm những rễ bị phạm rồi những chấn động vì phải xa lìa quê hương có lẽ, đem cây mai về mà ba lo lắng.

Về đến nhà, ba cưa cắt hết cành nhánh, xức thuốc và bó lại rồi dùng lưới lan che nắng mưa để dưỡng lại bộ rễ. Ba gần như không dám đi đâu, suốt ngày quanh quẩn phun sương, tưới ẩm, che nắng che gió cho lão. Ba tháng, rồi sáu tháng, không có một dấu hiệu nào của sự sống. Ba săn lùng các loại thuốc, thậm chí cách ngày đều mua dừa tươi về phun cho lão. Mọi người đã bắt đầu nói đùa, Tết nay có củi nấu bánh tét rồi. Ba có lẽ cũng đã hết cách, gọi cho tôi nói, con chuẩn bị tinh thần, đừng buồn. Tôi trấn an ba, không sao mình cứ làm hết sức, còn mọi sự để lão ấy quyết định vậy…

Bảy tháng rồi tám tháng ba vẫn kiên trì cách ngày tưới nước dừa và bơm thêm thuốc. Ngày phát hiện ra một chồi non nhú từ thân cây, cha con mừng muốn khóc. Ba dỡ hạn được một gánh nặng. Một chồi, rồi hai chồi, rồi ba, ngày nào ba cũng ra nhìn thân cây nâu sẫm tìm chồi xanh. Tết năm đó lão mai nở cả thảy được hai mươi bông, lai rai đến tận rằm. Mà cành cao, bông cao, cả nhà cứ xúm xít tìm mãi từng bông, mừng từng bông. Thậm chí phải bắc thang trèo lên để quan sát rõ dáng bông. Năm ấy cứ hy vọng Tết này về nhà sẽ nhìn thấy một lão mai vàng rực đón mình từ đầu ngõ.

Nhưng rồi không ai tính trước được điều gì. Năm đưa lão mai về cũng là năm bắt đầu xôn xao Covid, chuyến đi về Tết đó cũng là chuyến gần như cuối cùng, bắt đầu một chuỗi liên miên những cách ly và tự cách ly. Còn không biết được ai còn ai mất nói chi đến việc về hay ở, có những ngày u uẩn trước những mất mát, tổn thương và mệt mỏi tôi đã nghĩ đến điều ấy. Mà không nhớ ra rằng, dẫu thế nào thì lão mai vẫn nở, đã nở. Lão chẳng đã im lìm đứng giữa sinh tử suốt cả ba mùa, từ nắng bỏng đến mưa dầm đó sao, đứng giữa những thắc thỏm trông chờ hy vọng và cả tuyệt vọng của những người xung quanh.

Cũng đâu đó tháng 7 năm ngoái, một đám mây hình chim phượng hoàng được mặt trời chiếu sáng rực rỡ đã trở thành một niềm hy vọng của bao nhiêu người. Bởi phượng hoàng được tin là loài chim có thể hồi sinh, tái sinh từ đống tro tàn. Lão mai của tôi đưa ra dấu chỉ bằng những chồi xanh mỏng manh và những bông hoa vàng cũng mỏng manh không kém.

Mỗi một người có thể nhìn thấy một dấu chỉ khác nhau tuỳ vào lựa chọn của mình. Có nhiều người hẳn đã nhìn lên bầu trời hôm ấy nhưng không thấy phượng hoàng mà chỉ thấy một đám mây hình con phượng. Có người còn không thấy mây. Có người còn không nhìn trời! Có những người còn không nhìn thấy. Dẫu vậy tôi vẫn tin vào những dấu hiệu. Đêm ngước đầu nhìn trăng tròn vành vạnh tôi không chỉ thấy mỗi trăng, tôi còn thấy được sự hồi sinh từ những ngày trăng khuyết. Sáng mở mắt nhìn mặt trời, tôi thấy sự hồi sinh từ đêm tối. Mỗi ngày thức dậy là một sự hồi sinh. Sự sống không chỉ hiện diện trong từng ngày, từng tháng từng năm.

Sáng nay yếu ớt ngồi tập thở, tôi nghĩ về lão mai. Tưởng mỗi năm chỉ một lần đâm chồi nảy lộc nở hoa vào xuân, thực ra để có một mầm nhỏ bé nảy vào mùa xuân, lão mai hẳn đã chắt chiu từng giọt sống trong suốt ba mùa im lìm. Chúng ta cũng vậy, ta chẳng phải cũng chắt chiu từng giọt sống mỗi một hơi thở ra và hồi sinh trên từng hơi thở hít vào hay sao! Vì chỉ cần một hơi thở đi ra mà không còn hơi thở hít vào nghĩa là sự sống đã kết thúc. Vậy nghĩa là luôn có dấu hiệu của sự hồi sinh, chỉ là ta có nhìn thấy chúng?

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Pháp niệm Phật nào đúng?

Pháp niệm Phật nào đúng?

GNO - Theo Phật giáo Phát triển (Tịnh Độ tông - Đại sư Ngẫu Ích, A Di Đà yếu giải) , niệm Phật nếu đạt nhất tâm bất loạn (Chỉ) thì thành tựu giải thoát, đoạn trừ các phiền não tham sân si..., mà không cần tu Tuệ (Quán). Theo Phật giáo Nguyên thủy, niệm Phật chỉ là một trong các tùy niệm...
Khóa lễ tụng kinh tại chánh điện chùa Tích Sơn

Vĩnh Phúc: Lễ hiệp kỵ chư tổ sư chùa Tích Sơn

GNO - Sáng 20-4, tại chùa Tích Sơn (P.Tích Sơn, TP.Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc), Thượng tọa Thích Giác Minh, Ủy viên Thường trực Ban Pháp chế T.Ư, trụ trì chùa Tích Sơn cùng Phật tử đã trang nghiêm tổ chức Lễ hiệp kỵ chư vị lịch đại tổ sư.
Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Nhơn chủ trì hội nghị sáng 20-4 tại thiền viện Quảng Đức

Hòa thượng Chủ tịch Hội đồng Trị sự: Sẽ mời các bên liên quan để giải quyết tồn đọng của Giáo hội

GNO - Đó là giải pháp giải quyết những khó khăn của Phật giáo tỉnh thành được Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh, Chủ tịch Hội đồng Trị sự chấp thuận tại hội nghị báo cáo quý I - năm 2024 của Văn phòng II T.Ư, diễn ra tại thiền viện Quảng Đức (Q.3, TP.HCM), vào sáng 20-4.

Thông tin hàng ngày