Vị Tỳ-kheo kêu gọi thế giới hưởng ứng Năm của lòng từ bi

Thầy Sanghasena
Thầy Sanghasena
0:00 / 0:00
0:00

GN - Tỳ-kheo Sanghasena, nhà lãnh đạo Phật giáo nổi tiếng mang tinh thần nhập thế, mới đây đã đưa ra lời kêu gọi biến năm 2021 thành Năm của lòng từ bi, với mong muốn “vắc-xin từ bi” sẽ lan rộng trên toàn cầu như một phương tiện để cải thiện mối quan hệ giữa con người, xã hội và thế giới.

Vị thầy đáng kính này đã bắt đầu dự án bằng một lá thư gửi cho Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc António Guterres, yêu cầu Liên Hiệp Quốc chính thức công nhận năm 2021 là Năm của lòng từ bi. Thầy Sanghasena là người sáng lập Trung tâm Thiền Quốc tế Mahabodhi (MIMC) ở Ladakh, phía Bắc Ấn Độ, người sáng lập Quỹ Mahakaruna, Tổ chức Cứu trợ Himalayas, và hiện đang là cố vấn cho Mạng lưới nối kết Phật tử Quốc tế (INEB).

Thầy Sanghasena với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Damodardas Modi

Thầy Sanghasena với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Damodardas Modi

“Mặc dù các loại vắc-xin Covid-19 có thể sẽ xoa dịu và giảm thiểu đáng kể những đau khổ trước mắt mà nhân loại phải đối mặt, nhưng nếu nhìn nhận một cách sâu sắc hơn, nhân loại vẫn phải tiếp tục chịu đựng hậu quả mà đại dịch gây ra; khổ đau của con người sẽ không thuyên giảm và sự bất mãn sẽ không thể chấm dứt. Nhưng nhìn ở một khía cạnh khác, đại dịch này là cơ hội để thúc đẩy sự đoàn kết của toàn thế giới và đã đến lúc chúng ta thắt chặt các nền văn hóa, những mặt mạnh và các giá trị chung của toàn cầu; việc trăn trở về ý nghĩa sự sống của bản thân và thế giới xung quanh có lẽ đang là vấn đề cần thiết và cấp bách nhất trong thời đại chúng ta”, Tỳ-kheo Sanghasena cho biết.

Thầy nói: “Lòng từ bi rộng lớn phải vượt ra ngoài ranh giới của sự ảo tưởng về quốc gia, tôn giáo và các khái niệm khác do con người đặt ra. Dưới con mắt của tình thương thì mọi loài hữu tình hay vô tình đều giống nhau. Tình thương khiến con người gần gũi nhau hơn, gắn kết các cá thể và đem đến một cuộc sống ý nghĩa hơn. Do đó thực hành tâm từ bi (mahakaruṇā) là con đường duy nhất để hướng đến một thế giới hạnh phúc thực sự, một thế giới bình an và hòa hợp cho tất cả mọi người cùng chung sống”.

Khởi đầu cho lời kêu gọi ​​hòa bình, vào ngày 7-1, Tỳ-kheo Sanghasena đã thành lập văn phòng đại diện Quỹ Mahakaruna tại Canada. Văn phòng này có trụ sở chính tại New Delhi.

Thầy cũng cho biết thêm: “Quỹ Mahakaruna là một quỹ phi lợi nhuận được thành lập cho các cá nhân từ mọi tầng lớp xã hội có thể phục vụ nhân loại thông qua việc thực hành lòng từ bi. Hiện tại, hai tổ chức mới thành lập, Mahakaruna Ấn Độ và Mahakaruna Canada, phối hợp với Trung tâm Thiền Quốc tế Mahabodhi đã phát động một phong trào hành-động-từ-bi trên toàn thế giới và tuyên bố rằng năm 2021 là Năm của lòng từ bi thông qua việc giới thiệu ‘vắc-xin từ bi’.”

“Đây là thời điểm thích hợp để xây dựng một đại gia đình toàn cầu bằng thông điệp hành động với sự yêu thương”, thầy giải thích. “Do đó, đã đến lúc chúng ta nên sử dụng ‘vắc-xin từ bi’ trong năm nay để phòng tránh căn bệnh ‘khổ đau’ do phân biệt chủng tộc, chủ nghĩa kỳ thị, các trò chơi chính trị, chủ nghĩa ích kỷ và sự cuồng tín tôn giáo,… gây ra”.

“Bi kịch lớn nhất đối với nhân loại nằm ở việc các nhà lãnh đạo thế giới dùng chiến tranh để ngăn chặn chiến tranh!”. Thầy Sanghasena nhấn mạnh, “Họ đang sử dụng bạo lực để tìm kiếm sự bất bạo động! Thật là vô lý. Làm sao chuyện này có thể thực hiện được? Lửa lẽ nào có thể dập tắt lửa? Không! Nó sẽ chỉ làm tình hình tồi tệ hơn. Nhiều người cho rằng bí quyết để đạt được mục tiêu hòa bình thế giới nằm ở tiến bộ kỹ thuật, hệ thống pháp lý vững vàng, tài chính tinh vi và vật chất dồi dào. Ngoài ra, một số người khác lại đề cao các biện pháp bạo lực, dựa vào sức mạnh quân sự để đảm bảo trật tự thế giới. Nhưng thực tế, hòa bình không bao giờ có thể đạt được thông qua chiến tranh; bạo lực không thể mang lại sự bình an; bóng tối không thể xua tan bóng tối. Chỉ có ánh sáng mới có thể xua tan bóng tối; chỉ có tình yêu thương mới có thể xóa bỏ hận thù. Nếu chỉ có tiến bộ về kinh tế sẽ không thể nào đáp ứng được sự khao khát bình an, hòa hợp, hạnh phúc bên trong mỗi con người”.

Tỳ-kheo Sanghasena thành lập MIMC ở Leh vào năm 1986. Kể từ đó, thầy đã trở thành đại diện cho tinh thần Phật giáo nhập thế. Thầy tạo ra nhiều dự án, tham gia các sự kiện mang lại cơ hội giáo dục và nơi nương tựa cho những trẻ em kém may mắn, khuyến khích phụ nữ và các đối tượng yếu thế tham gia vào các chương trình xóa mù chữ, chăm sóc sức khỏe cho người bệnh và người nghèo và xây dựng nhiều nhà dưỡng lão. MIMC đã phát triển thành một không gian rộng rãi, trở thành trung tâm hoạt động của nhiều chương trình văn hóa cộng đồng và xã hội nhằm chia sẻ Phật pháp thông qua việc tiếp cận số đông.

“Chúng tôi chân thành mời gọi tất cả mọi người hãy hưởng ứng chương trình hành-động-từ-bi này. Từ mỗi vùng miền, mỗi quốc gia của các bạn, hãy gởi một hành động của lòng từ bi và gắn thẻ cùng chúng tôi, #vaccineofcompassion”.

Thiện Quang dịch, theo Buddhist Door/Báo Giác Ngộ

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh: Phùng Anh Quốc

Đức Phật dạy lìa xan tham

NSGN - Chữ “xan tham” là cách dịch của Thầy Minh Châu, với chữ xan là keo kiệt, và tham là tham muốn. Cả hai chữ xan và tham đều có nghĩa gần nhau, đều là chấp có cái gì là “ta” và “của ta” và “muốn gì cho ta”.

Thông tin hàng ngày