Với con cái, cha mẹ chọn thành công hay hạnh phúc?

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
0:00 / 0:00
0:00
GN - “Thành công của con là hạnh phúc của cha mẹ, và hạnh phúc của con là thành công của cha mẹ - bạn chọn điều gì?”.

Câu hỏi đó của chị Phan Hồ Điệp (khoa Giáo dục đặc biệt, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội) tại một buổi tọa đàm về chủ đề cùng cha mẹ chăm sóc sức khỏe tinh thần cho trẻ khiến nhiều cha mẹ phải suy ngẫm.

"Với mình, mình chọn hạnh phúc của con là thành công của cha mẹ. Và điều duy nhất mình làm được với con trai mình là giúp cho con thấy học lúc nào cũng vui, lúc nào cũng được là chính mình”, chị Điệp nói.

Những chia sẻ của chị Điệp là từ trải nghiệm thực tế của một người mẹ trong quá trình nuôi dạy Đỗ Nhật Nam - cậu bé một thời từng được mệnh danh là “thần đồng”, tác giả nhiều cuốn sách, có tài hùng biện và là đại diện châu Á tham dự hội nghị chủ đề “Khoa học về nụ cười” với tư cách diễn giả năm em mới 13 tuổi.

Dành thời gian chất lượng làm bạn để hiểu con

Khi sinh con ra, bất kỳ người cha người mẹ nào cũng sẽ có vô vàn ước mơ, và điều đó hoàn toàn đáng trân quý để nuôi dưỡng hạnh phúc trong lòng cha mẹ. Tuy nhiên, cha mẹ có thể ước mơ, kỳ vọng - nhưng đừng cố gắng đặt ước mơ của mình lên con khi chưa thực sự dành thời gian để làm bạn cùng con, hiểu con, và làm cho con hạnh phúc.

“Cha mẹ không nên nghĩ khi con học một thứ gì đó là để giành thành tích này thành tích kia, học để sau này đi du học… Mà hãy giúp con coi việc học đó là một việc tận hưởng trước đã”, chị Điệp nói.

Dấu ấn hạnh phúc, sự quan tâm của cha mẹ sẽ được biểu hiện trực tiếp và rõ ràng trên gương mặt và tinh thần của con trẻ mỗi ngày. Đó là những bạn nhỏ luôn tràn đầy niềm tin vào bản thân. “Em đó có thể không giỏi, không xuất sắc nhưng em tràn đầy niềm tin yêu vào bản thân. Dù em ấy có đen, có còi, có mập quá, hay có một vết sẹo gì đấy em vẫn tràn đầy niềm tin vào bản thân. Và những em đó sau này khi mình gặp lại trong cuộc đời, hầu hết, hoặc là thành công, hoặc là hạnh phúc”, mẹ của bạn Đỗ Nhật Nam trải lòng.

Hạnh phúc là tiêu chí đầu tiên với một con người, đặc biệt với trẻ nhỏ thì đó lại càng cần là một tiêu chí quan trọng. Chỉ khi một đứa trẻ được nuôi dưỡng niềm hạnh phúc ngay từ những năm tháng tuổi thơ, đứa trẻ đó mới có cơ hội để trở thành người hạnh phúc trong tương lai.

“Dù sau này con cái chúng ta làm công việc chân tay hay trí tuệ, đi du học nước ngoài hay học ở Việt Nam, trở thành lãnh đạo, người nổi tiếng hay chỉ làm một người rất bình thường kiếm sống nhờ những công việc tỉ mẩn hàng ngày… miễn con hạnh phúc là được. Giữa việc nuôi dạy con để thành công và nuôi dạy sao cho con trở thành người hạnh phúc, cha mẹ hãy chọn hạnh phúc”, chị Điệp nhắn nhủ.

Coi trọng cảm xúc của con trẻ

Chị Điệp nhớ, trong khoảng thời gian ở Nhật, ngày nhỏ có một ông bác sĩ khi tiêm cho Đỗ Nhật Nam, bao giờ ông cũng giơ kim tiêm lên và nói: Đây là cái kim tiêm, nó có một đầu nhọn. Khi bác cắm vào tay cháu thì sẽ đau đấy, nhưng mà sẽ nhanh thôi. Bất cứ lần nào tiêm, ông cũng đều giải thích cẩn thận như vậy.

Chị Phan Hồ Điệp, mẹ của “thần đồng” Đỗ Nhật Nam

Chị Phan Hồ Điệp, mẹ của “thần đồng” Đỗ Nhật Nam

“Cuộc đời chúng ta có người 50 tuổi vẫn còn chưa biết mình là như thế nào. Cho nên, hãy chậm lại, chờ đợi và điều quan trọng nhất là bạn tận hưởng quá trình cùng với con, để đến khi con 18 tuổi, khi con xách vali ra khỏi nhà, nhìn vào phòng ngủ của con, bạn không thấy trong lòng trào lên niềm ân hận gì cả, không cảm thấy tiếc nuối vì mình chưa kịp yêu thương nó đủ nhiều. Thế có nghĩa là một bậc cha mẹ thành công rồi”.

Có lần Nam đang ngủ, ông đánh thức em dậy giải thích, rồi tiêm xong thì Nam khóc. Chị rất ngạc nhiên, nghĩ rằng con đang ngủ thì tiêm đi để cho con khỏi khóc. Nhưng bác sĩ đã nói với chị một câu là không muốn để Nam hiểu rằng em đang bị đánh lừa, ngủ trên tay mẹ mà còn không an toàn.

Và bài học chị Điệp rút ra được cho bản thân mình là: Với trẻ con, hãy coi trọng tất cả những cảm xúc của trẻ, để biết rằng trẻ cần gì.

Để con được là chính con

Để minh chứng cho việc con trẻ chỉ hạnh phúc khi được là chính mình, chị Điệp đã chia sẻ câu chuyện về chính cậu con trai Đỗ Nhật Nam của mình.

Chị Điệp kể khi vào học đại học, nghe con trai nói muốn học ngành âm nhạc, chị suýt lộn ngửa trên ghế xuống. Gia đình bên nội, bên ngoại nhà chị không có ai theo âm nhạc, và từ bé chị cũng không nghe thấy Nam hát bao giờ.

Hỏi ra mới biết lý do con chọn âm nhạc vì trong suốt những năm học cấp 3, một thầy dạy nhạc đã cho Nam niềm tin rằng: Nếu em thực sự cố gắng, một chú vịt cũng có thể trở thành thiên nga. Miễn là em có niềm tin vào bản thân của mình.

“Nam bảo con học âm nhạc chỉ để sau này ra trường đi dạy và thay đổi những số phận các bạn như Nam, rằng bạn có thể làm được nếu bạn cố gắng và quyết tâm. Lúc đó, mình nói với con là được, mẹ thấy là ước mơ tuyệt vời. Mặc dù về nhà mình rơi nước mắt, nghĩ rằng hồi xưa mong con trở thành nhà ngoại giao cơ mà, sao bây giờ con lại muốn đi hát trong dàn hợp xướng, và không biết cơ hội nghề nghiệp sẽ như thế nào?”, chị Điệp hồi tưởng.

Những cảm xúc lo lắng đó chị giấu kín trong lòng, và chờ đợi. Và chị cho biết cách đây một tuần, Nam có gửi tin nhắn cho mẹ nói rằng con đã sửa lại hồ sơ của mình, trong đó chọn nghề nghiệp là Ngôn ngữ, âm nhạc chỉ là song hành.

Lý do Nam thay đổi lại định hướng nghề nghiệp chính của mình vì đến thời điểm em nhận ra mình có thế mạnh ở đúng nghề nghiệp đó. “Phải đến khi ngoài 20 tuổi, Nhật Nam mới biết điểm mạnh của mình. Còn từ trước đến nay vẫn là mẹ định hướng và gợi ý”, chị Điệp chân thành chia sẻ.

Về lý thuyết, có lẽ ai cũng biết và thuộc nằm lòng “nguyên tắc” con cái chỉ có thể hạnh phúc, nếu như cha mẹ, thầy cô giúp con được là chính con. Có một thực tế là nhiều người thường áp tất cả những sai lầm của cha mẹ mình lên con của mình, vì họ chưa được chữa lành. Chính bản thân họ thấy đó là sai, thấy việc luôn luôn bị đem ra so sánh, bị áp lực vì cha mẹ là sai, nhưng một cách rất vô thức bạn lại áp dụng lại đúng cho con của mình.

“Mình rất mong muốn các bậc cha mẹ hãy bước ra khỏi cái bóng của chính mình, để nhìn nhận con đường của con. Và như thế, dù con học ở bất kỳ môi trường nào, không có thành tích này kia… nhưng miễn là con được yêu thương tràn đầy vì con là chính con”, chị Điệp nhấn mạnh.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Trao quà Trung thu đến các em học sinh

Chùa Dư Khánh và Đoàn Thanh niên Bệnh viện Bình Dân khám bệnh, trao quà đến người khiếm thị

GNO - Sáng 9-8, tại Nhà văn hóa thiếu nhi TP.Gò Công, chùa Dư Khánh (P.2, TP.Gò Công, tỉnh Tiền Giang) kết hợp với Đoàn Thanh niên Bệnh viện Bình Dân (TP.HCM) tổ chức khám bệnh, tặng thuốc miễn phí và quà đến người khiếm thị, bà con có hoàn cảnh khó khăn; đồng thời tặng quà Trung thu đến các em học sinh.
Nhiếp phục sợ hãi

Nhiếp phục sợ hãi

GNO - Thông thường sống trên cuộc đời, có bốn việc mà ai cũng sợ gặp phải. Trước nhất con người hiện hữu trên cuộc đời, có cuộc sống thì thường sợ nghèo đói và kế tiếp sợ bạn bè xem thường, rồi sợ già, sợ bệnh và sợ chết, mà Đức Phật gọi bốn thứ này hoành hành con người là sanh lão bệnh tử. Tại sao chúng ta sợ?

Thông tin hàng ngày