Những ngày mẹ là F0

0:00 / 0:00
0:00
GN - Những tưởng những ngày khó khăn nhất khi Sài Gòn trong cao điểm dịch đã qua đi, cho đến một ngày đầu tháng 3 này, khi cầm tờ xét nghiệm PCR trong tay, biết mình bị nhiễm Covid, nỗi lo lắng ngoài dự tính cũng xảy đến với tôi.

Rối như… tơ vò

Cảm xúc trong tôi khi biết mình bị Covid-19 thực sự hỗn loạn. Lo lắng, hoang mang và căng thẳng. Trong tôi là những suy nghĩ: bản thân mình còn trẻ, lại đã tiêm vắc-xin nhiễm có thể trải qua nhẹ nhàng hơn, nhưng nghĩ cảnh sinh hoạt chung thường nhật, nếu lỡ chẳng may cả nhà vì mình mà lây nhiễm thì phải làm sao? Ba mẹ chồng tuổi đã cao, lại có bệnh nền, con gái nhỏ mới 5 tuổi chưa tiêm mũi vắc-xin nào, sự nguy hiểm có lẽ không dừng lại ở những cơn ho, cảm sốt đơn thuần…

Chị Nguyễn Thị Nga và con gái

Chị Nguyễn Thị Nga và con gái

Nhưng rồi, chiếc áo lam Gia đình Phật tử con đang mặc khi đến sinh hoạt ở chùa đã “kéo” tôi về với tỉnh thức. Sau khi hít thở đều theo tiếng niệm Phật, tôi trấn tĩnh mình và cùng ông xã đưa ra phương án tốt nhất: chuyển con gái sang phòng ngủ với ông bà nội, ông xã ở phòng khách, còn tôi tách biệt hoàn toàn với gia đình trong căn phòng nhỏ.

Những tưởng suôn sẻ nào đâu mọi việc không đơn giản dừng lại ở đó. Con gái cũng bắt đầu sốt, ho, mệt người, khóc đòi mẹ. Con cứ khóc mè nheo cả ngày không chịu ở cùng ông bà, một hai đòi đem đồ đạc dọn vào ở cùng mẹ. Bản thân mình bệnh sốt, ho, cổ họng đau rát, đến ăn còn thấy mệt, nhưng nhìn đứa con gái nhỏ càng lo hơn. Con sốt, không muốn ăn uống, lòng người mẹ 34 tuổi càng thêm rối bời.

Những “cam kết” tình thương

Ở trong phòng, tôi cố gắng kiềm cơn xúc động. Mỗi lần con khóc, con đòi mẹ, không chịu ăn uống, tôi dỗ dành con bằng lời nói yêu thương. Tôi ngọt ngào nói với con “Mẹ thương con, bản thân mẹ bị bệnh nên phải ở riêng ít ngày để cả nhà không bị lây nhiễm”. Tôi không quên hứa “Mẹ sẽ sớm khỏi bệnh để chơi và cho con ngủ cùng mẹ”.

Tôi gửi cho con coi lại những hình ảnh cũ, video của con, nhất là những hình ảnh con tới chùa Xá Lợi (quận 3, TP.HCM) sinh hoạt Gia đình Phật tử mỗi Chủ nhật hàng tuần. Thấy những hình ảnh vui tươi, được hòa mình với những trò chơi tuổi thơ, những buổi chia sẻ dạy con biết sống yêu thương và sẻ chia, con cảm thấy rất vui vẻ và nói muốn nhanh khỏi bệnh để sớm được gặp lại các bạn “Sen non” của con và những anh chị huynh trưởng đã vui chơi, đồng hành, chỉ bảo con suốt gần 2 năm con về sinh hoạt nơi đây.

Khi tôi hỏi “con thương mẹ không”, con bảo “con thương mẹ, chị huynh trưởng dạy con phải biết thương mẹ”, con tự nói “con muốn mẹ mau hết bệnh, để đưa con đi sinh hoạt với các anh, chị”. Tôi “cam kết” với con. May sao từ “cam kết” của mẹ và con, con nghe lời, chịu ăn và uống thuốc, những cơn sốt, ho giảm dần, qua ngày thứ ba là con đã khỏe, sinh hoạt tốt hơn.

Những ngày sau đó, dù chỉ nói chuyện với mẹ qua điện thoại nhưng em vẫn không quên nói “con thương mẹ, mẹ mau hết bệnh nhé”. Những lời nói của con là động lực cho tôi rất nhiều, trong những ngày “khó thở” ấy.

Cũng nhờ ở trường, và đặc biệt nhờ tham gia sinh hoạt Gia đình Phật tử ở chùa, được các anh chị chỉ bảo, chia sẻ về dịch bệnh và cần thiết phải đeo khẩu trang, rửa tay, sát khuẩn để không bị nhiễm vi-rút, không bị tiêm đau nên con cũng hiểu chuyện, ngoan ngoãn cùng mẹ trải qua những ngày “đặc biệt”.

Tình thương của mẹ, của gia đình dành cho con thôi chưa đủ, con cần được hướng dẫn, nuôi dưỡng tình yêu thương từ người xung quanh. Với tôi, Gia đình Phật tử là môi trường tốt để con nuôi dưỡng tình yêu thương đó. Tôi cảm thấy xứng đáng khi chở con từ TP.Thủ Đức sang chùa Xá Lợi, quận 3 cho con sinh hoạt mỗi Chủ nhật hàng tuần”

Cơ hội sống tỉnh thức

Mỗi ngày qua đi, tôi tự cách ly trong căn phòng nhỏ, ăn uống ngủ nghỉ và làm việc online. Con bên ngoài động viên, và còn niệm Phật chúc mẹ mau hết bệnh. Bước sang ngày thứ 5 của tuần thứ 2, tôi hoàn toàn khỏi bệnh. Ngày cửa phòng nhỏ mở ai nấy đều vui mừng, con gái nhỏ từ xa chạy sà vào lòng mẹ líu lo: “A, vui quá tối nay con được ngủ cùng mẹ rồi!”.

Những ngày bệnh đau, ngoài những nỗi lo cũng là lúc bản thân mình đối diện với chính mình nhiều hơn, mình thật sự cần gì, điều gì quan trọng.

Trong những ngày bị Covid, cá nhân tôi cũng có những nỗi sợ, sợ nhất là cái chết nhưng không phải theo nghĩa ham sống sợ chết, mà là sợ nếu mình không nỗ lực, nghị lực thì người thân ở lại sẽ rất buồn. Nghĩ như vậy, để vực dậy tinh thần và không cho phép mình bỏ cuộc, trong những lúc nhọc nhằn với hơi thở.

Nhận diện sức khỏe, tình thương, gia đình là điều quan trọng, bản thân mình cảm thấy trân trọng hơn những giây phút quý giá bên người thân của mình. Những hờn ghét, những buồn đau cũng bỏ lại phía sau, nhường chỗ cho giá trị tình thân.

Cũng trong khoảnh khắc đó, bản thân tôi càng mong muốn làm nhiều hơn cho người thương của mình. Hậu Covid, tôi lắng nghe được nhiều hơn, dễ dàng cảm nhận được những điều hạnh phúc, dù là những việc rất nhỏ nhoi.

Sau cùng, điều tôi cảm thấy tâm đắc nhất, có lẽ là thấm hơn triết lý: “Hạnh phúc trong từng hơi thở”. Mỗi một hơi thở, tôi không chỉ thở cho tôi, mà còn cho con, cho người thân, gắn theo đó là kiến tạo những năng lượng lành, bắt đầu từ ý niệm.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Có 27 thanh niên từ 16 quốc gia tham gia chương trình Bồ-tát Trẻ tuổi Toàn cầu đã tạo nên một cộng đồng quốc tế đa dạng

Chương trình Bồ-tát trẻ tuổi

GNO - Mạng lưới Phật tử Nhập thế Quốc tế (INEB) vừa qua đã tổ chức Chương trình Bồ-tát Trẻ tuổi Toàn cầu hàng năm, một khóa học trải nghiệm kéo dài hai tuần dành cho các nhà lãnh đạo trẻ và các nhà hoạt động xã hội.

Thông tin hàng ngày