GN - Ngày còn sống, mẹ chưa là Phật tử, không thường xuyên đi lễ chùa; nhưng mỗi rằm, mồng một mẹ đều nhớ nấu ít chén chè, thổi dĩa xôi bày lên cúng Phật tại gia. Rằm lớn thì đương nhiên; còn rằm nhỏ - đôi khi bận việc hoặc… túng tiền - mẹ chỉ ráng mua được nải chuối, bẻ thêm bình bông vẫn cứ cúng! Thấy lễ cúng sơ sài quá, tôi hỏi giỡn: mẹ cúng ít vậy thì… ai ăn ai nhịn? Mẹ nghiêm mặt gắt khẽ: cái thằng!
Chờ hương khói xong xuôi, mẹ mới thở phào, giảng giải: lễ cúng, cái quan trọng nhất là thành ý thành tâm, không phải đồ cúng nhiều hay ít… Nghe vậy hay vậy; nhưng dù sao lũ nhỏ chúng tôi vẫn cứ mong mẹ cúng nhiều nhiều để… hưởng lộc cho đã! Con nít quê xưa đa phần nhà khổ, muốn có chén chè, dĩa xôi hay nải chuối mà ăn phần lớn chỉ có ngó chừng “lộc Phật” những bữa cúng rằm, mồng một. Mẹ cúng ít quá, “lộc” không đủ giắt răng đương nhiên là buồn…
Vậy nhưng đến Vu lan rằm tháng Bảy thì khỏi lo, năm nào mẹ cũng sửa sang lễ cúng đàng hoàng tươm tất. Cúng xong, mẹ còn áo xống lên chùa dự lễ cầu siêu. Mẹ, mẹ không là Phật tử, lên chùa làm chi? Mẹ đi cầu nguyện cho bà ngoại các con. Nhưng ngoại mất lâu rồi…. Mất càng phải cầu nguyện - cho ngoại được siêu thoát mà cũng là sám hối cho mình. Lúc ngoại còn sống mẹ lầm lỗi, thiếu sót cùng ngoại đủ điều… Nói tới đó tự dưng mẹ nghẹn giọng, chảy nước mắt. Anh em tôi đương nhiên hết hồn, nín khe...
Nghe mẹ nói, nhìn mẹ khóc thực lòng có xúc động nhưng trẻ nhỏ mau quên; lại còn mải mê với bao trò ăn chơi hấp dẫn ngoài kia, rảnh đâu nghĩ ngợi sâu xa. Vả chăng, cúng bái chùa chiền là chuyện của… người lớn, con nít biết chi mà dính!? Cái “lý sự làm biếng” ấy được chúng tôi tận dụng tối đa để co đầu rụt cổ, tìm đủ lý trấu lý do thoái thác mỗi bận Vu lan được mẹ rủ lên chùa.
Rồi mẹ đi…
Đột ngột. Hụt hẫng. Vu lan năm ấy, lần đầu tiên nhà không mâm cúng chè xôi, không có bóng mẹ áo dài lam cùng câu hỏi quen thuộc: muốn lên chùa cùng mẹ không? Mẹ ơi, giờ thì chúng con muốn, rất muốn; nhưng không được nữa rồi! Chị Hai khóc trước, kế tới anh Ba, rồi tôi. Cha khuyên giải, dỗ dành mấy anh chị em không được cũng bật khóc theo.
Chớp mắt vù trôi hai mươi năm…
Giờ cứ đến mỗi mùa Vu lan tôi lại đưa con về chùa bái Phật, dự lễ cầu siêu. Con bông hồng đỏ tôi bông hồng trắng. Tôi đã có nhiều kiến văn hơn mẹ tôi xưa để giảng giải tương đối rõ ràng cho con ý nghĩa của mùa Báo hiếu; cho con hiểu cái hạnh phúc vô bờ của người đến Vu lan còn may mắn được cài lên ngực một bông hồng đỏ. Con ngây thơ nắm lấy tay tôi: mẹ ơi, con nhất quyết giữ cho bông hồng này đỏ mãi, vĩnh viễn không phai màu…