Vượt qua bờ bên kia…

Vượt qua bờ bên kia…
0:00 / 0:00
0:00
GN - "Quán Tự Tại Bồ-tát hành thâm Bát-nhã Ba-la-mật-đa thời, chiếu kiến ngũ uẩn giai không, độ nhứt thiết khổ ách…”. Chắc hẳn người Phật tử nào cũng biết, nhớ và quen thuộc với đoạn mở đầu này của Bát-nhã Tâm kinh.

Quán Tự Tại là một trong số những danh hiệu của Bồ-tát Quán Thế Âm, vị Bồ-tát của hạnh lắng nghe và nhìn thấu. Đã quán xét thấy năm uẩn đều không, đã nhìn ra “sắc bất dị không, không bất dị sắc, sắc tức thị không, không tức thị sắc, thọ tưởng hành thức diệc phục như thị”, do thấu hiểu chân tướng này, mà vượt qua biển cả mênh mông của đau khổ, ách nạn. Nhưng liệu rằng có phải lúc nào, vượt qua khổ đau, với người đời, cũng là điều khả dĩ?

Chúng ta, những con người trong thế kỷ này, đang chật vật để vượt qua dịch bệnh, một đại nạn quá lớn lao, khó lường. Chỉ trong thời gian ngắn ngủi, chúng ta đã thấy đủ những cảnh thương hải tang điền, con mất cha, vợ mất chồng, gia đình ly tán, cơ ngơi sụp đổ,... Cũng chỉ trong khoảng thời gian ngắn ngủi, chúng ta đã tận mắt nhìn thấy vô thường là gì, “hoa đốm hư không” của sống chết là gì. Trong khổ đau đó, sinh ly tử biệt đó, có lẽ ngày ngày, không ít người đã thầm nguyện cầu để vượt qua khổ ải.

Thế nào là khổ? Cách nào diệt khổ? Những nan đề ấy đã được luận giải gần như xuyên suốt lịch sử Phật giáo từ ngàn xưa và cho đến ngàn sau, hễ còn con người ưu tư trong cõi Ta-bà, thì hẳn điều đó vẫn còn được bàn tới. Vốn dĩ xung quanh, gần như ta thấy khổ hiện diện mỗi ngày, nhất là khi dịch bệnh hoành hành, ta càng thấu hiểu cái khổ đó hơn.

Từ những cái khổ nhỏ như bất tiện trong sinh hoạt, đến nỗi khổ lớn như sinh kế ảnh hưởng, lo âu vì dịch bệnh, đau khổ vì mất mát… Nó xô đẩy, làm ta chới với, khiến ta buộc phải tìm một điểm tựa. Với người Phật tử, điểm tựa ấy là Phật, là pháp, và chắc hẳn, rất nhiều người “tựa” vào Bồ-tát Quán Thế Âm, vị Bồ-tát mà người đời luôn tin rằng có đủ khả năng nghe thấu và nhìn thấu nỗi khổ đau của muôn loài.

Còn Quán Tự Tại? Sống trên đời này, ai chẳng muốn mình được tự do, tự tại, không ràng buộc bám víu vào điều gì, không mong cầu, không sở hữu, đạt đến trạng thái tâm hồn tự do, an lạc. Nhưng trên đời này, đã ai dám chắc mình là người tự tại?

Khi nghe đến tôn hiệu Quán Tự Tại Bồ-tát, dù không phải người học Phật, ta vẫn có thể hình dung đơn sơ về một vị Bồ-tát hiện thân cho sự vượt thoát, đi đến giác ngộ và tự do. Tự do ở đây, không phải chỉ là tự do về thể xác và cao hơn nữa, là tự do của tâm hồn. Đã từng có lần, tôi nghe được tâm sự của một người bạn, anh thành đạt, có đủ đầy mọi thứ, có một gia đình, nhưng sâu bên trong tâm tư, anh vẫn luôn có những khúc mắc khó gọi thành tên. Dễ cáu bẳn, khó chịu, cảm thấy quá nhiều bất như ý xung quanh mình, quá nhiều mong cầu về những điều hoàn hảo, dần dần, chính anh tự mình đánh mất tự do.

Nhân loại đang xảy ra một biến cố lớn, mà mỗi cá nhân thuộc nhân loại đều thấy mình có trách nhiệm và không ngoài cuộc. Dẫu cho bản thân không mất mát vì dịch, nhiều người trong chúng ta vẫn cảm nhận nỗi đau sâu sắc đến từ một không khí buồn thương, cảm thấy sợ hãi, bất lực. Vốn như bao đời nay, những khi tuyệt vọng không biết bấu víu vào đâu, con người thường chọn lựa đức tin như một sự cứu rỗi, vượt thoát.

Bát-nhã Ba-la-mật-đa Tâm kinh là một kinh điển của Phật giáo Đại thừa. Bản chữ Hán phổ biến mà Phật tử Việt Nam vẫn hay dùng để trì tụng do ngài Huyền Trang đời Đường, đã dịch lại sau khi thỉnh kinh từ Ấn Độ trở về (Trung Quốc), tính đến nay, đã ngót nghét mười lăm thế kỷ.

Yết đế yết đế, ba la yết đế… Vượt qua, vượt qua, vượt qua bờ bên kia… Mấy chữ đơn sơ nhưng chứa đựng trong đó tâm ý và sức mạnh sâu xa, nhất là khi nhìn vào hoàn cảnh hiện tại. Mỗi người chúng ta cần sẵn sàng trong tâm thế vượt qua đó, bởi nói cho cùng, đại dịch rồi cũng kết thúc, dẫu cố chống lại hay buộc phải sống chung đi nữa, thì điều quan trọng nhất là cũng phải vượt qua trạng thái hiện tại. Không chỉ là trạng thái xã hội ngưng trệ, con người xa cách với nhau, mà còn là trạng thái của tâm bị mắc kẹt lại trong phiền lụy, khổ não, trong buồn thương.

Mấy chữ giản dị, tuy có thể lấy làm động lực, nhưng kỳ thực đạt được là một kỳ công. Cái bờ bên kia, đôi khi tưởng trong gang tấc, nhưng biết bao người chỉ dám đứng trông ngóng mà chẳng dám vượt qua. Cũng có biết bao người đã dám vượt qua nửa đoạn đường nhưng lại hồi đầu trở lại, cũng có người không đủ kiên tâm mà hụt hơi đuối sức.

Chúng ta sống qua những tháng ngày trong tâm thế chờ đợi sự “mở cửa” thực sự, để lại được hòa mình vào trong đám đông sau những ngày cách biệt dưới những mái nhà. Nhưng tôi biết, quanh đây, có rất nhiều người đã “mở cửa” từ lâu, dẫu sau những cánh cổng nhà khép chặt.

Họ “mở cửa” tâm hồn, vượt qua bằng niềm tin, bằng tình yêu thương, bằng rất nhiều phương cách, để bản thân không phải đuối dần trong biển cả của buồn bã, thất vọng, cô đơn,… Dù chẳng dễ dàng chút nào, nhưng với tôi, một người Phật tử, tôi vẫn tin mình có thể làm được điều đó bằng cách “dựa” vào lời kinh, nương theo hạnh nguyện Bồ-tát Quán Tự Tại. Dẫu chưa thể tự tại, chưa thể “đến bờ bên kia”, ít nhất, trong những ngày khốn cùng nhất, tôi vẫn còn nhen nhóm đủ hy vọng, an lạc để không chìm trôi trong sóng thẳm.

Yết đế yết đế, ba la yết đế… Cất lên lời linh chú ấy, tôi như tự nhắc mình đi tìm tự tại. Tìm dẫu khó đạt, nhưng không phải là bất khả.

Yết đế, yết đế, ba la yết đế… Cất lên lời linh chú ấy, để cùng nhau vượt qua sự bất hạnh, để an ủi những hồn người đã nhuốm buồn thương, an ủi bao mất mát của cơn bĩ cực này.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Có 27 thanh niên từ 16 quốc gia tham gia chương trình Bồ-tát Trẻ tuổi Toàn cầu đã tạo nên một cộng đồng quốc tế đa dạng

Chương trình Bồ-tát trẻ tuổi

GNO - Mạng lưới Phật tử Nhập thế Quốc tế (INEB) vừa qua đã tổ chức Chương trình Bồ-tát Trẻ tuổi Toàn cầu hàng năm, một khóa học trải nghiệm kéo dài hai tuần dành cho các nhà lãnh đạo trẻ và các nhà hoạt động xã hội.

Thông tin hàng ngày