Bài đăng số báo 1225 chuyên đề về Bồ-tát Quán Thế Âm - Mỹ thuật: Tống Viết Diễn |
Nhưng bên cạnh đó, vẫn có không ít người chỉ nhìn bức tượng bằng con mắt của mỹ thuật hiện thực, bỏ qua những xúc cảm tôn giáo và các giá trị tâm linh, tinh thần khác. Đáng buồn hơn, người ta đã cố tình gắn vào các biểu tượng tâm linh Phật giáo những quan điểm xã hội học dung tục.
Trước tiên, chúng tôi điểm qua một vài nét sơ lược về mục đích và ý nghĩa của việc phát triển nghệ thuật điêu khắc Phật giáo, để nói rõ thêm về xuất xứ của tượng Phật Bà Quan Âm nghìn mắt nghìn tay. Các kinh điển Đại thừa như Pháp hoa, Địa Tạng… đều có đề cập đến công đức của việc chiêm ngưỡng, tô vẽ, đắp nặn hình tượng của các vị Phật, Bồ-tát. Điều này cho thấy, nghệ thuật điêu khắc Phật giáo có thể đã ra đời và phát triển trước hoặc cùng thời với sự phát triển của Phật giáo Đại thừa.
Vì vậy, ngay từ rất sớm đã xuất hiện những kinh nói về công đức rộng lớn của việc tạo tượng như: “Đại thừa tạo tượng công đức kinh”, “Phật thuyết tạo hình tượng kinh”, “Phật thuyết tạo vị hình tượng phúc báo kinh”… Khi tạo tượng Phật, sự thành công của nghệ nhân tùy thuộc vào độ kết hợp nhuần nhuyễn giữa tư tưởng, nghệ thuật và tính tôn giáo. Từ đó, gián tiếp thông qua các hình tượng Phật, Bồ-tát… ứng dụng vào đời sống tu tập thực tiễn, xiển dương giáo lý, cũng như đáp ứng nhu cầu văn hóa tâm linh của những người có tín ngưỡng.
Lâu nay, nói đến hệ thống hình tượng trong nghệ thuật điêu khắc Phật giáo, các nhà nghiên cứu đã thống nhất chia ra làm các bộ: Chư Phật bộ, Bồ-tát bộ, Chư Thiên bộ, Minh vương bộ, La-hán bộ, Hộ pháp bộ, Thần bộ, Quỷ bộ… Trong Bồ-tát bộ có 4 hình tượng tiêu biểu nhất, gọi là “Tứ Bồ-tát” hay “Tứ Đại sĩ”: Văn Thù Bồ-tát (biểu tượng cho Đại trí), Phổ Hiền Bồ-tát (biểu tượng cho Đại hạnh), Quan Âm Bồ-tát (biểu tượng cho Đại bi), Địa Tạng Bồ-tát (biểu tượng cho Đại nguyện). Đặc biệt, trong Bồ-tát bộ, Quan Âm được xếp thành một bộ riêng với vô số các hình tượng khác nhau.
Sự sùng bái Bồ-tát Quan Âm có liên quan mật thiết đến sự phát triển của Tịnh Độ tông và Mật tông, cụ thể là tư tưởng “Tịnh Mật hợp nhất”. Chính tại thời điểm giao thoa của hai tông này mà sức sáng tạo các hình tượng Bồ-tát Quan Âm ngày càng trở nên phong phú, đa dạng. Biểu tượng Thiên thủ thiên nhãn Quan Thế Âm Bồ-tát thường được dân gian hiểu là: có nghìn mắt, nghìn tay để nhìn thấu nỗi khổ của chúng sinh và ra tay cứu giúp họ.
Điều đó cũng được lý giải trên cơ sở sáu căn đều diệu dụng (lục căn diệu dụng), tức là bất cứ một căn nào trong sáu căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý) cũng có thể thay thế tác dụng của các căn còn lại, thế nên không chỉ dùng mắt quán âm thanh mà còn có thể quán sắc, quán hương, quán vị, quán xúc, quán pháp.
Mật tông tập trung chủ yếu vào biểu tượng Đại Nhật Như Lai, nên các thần chú, hình tượng, pháp khí, nghi lễ đều có những quy định nghiêm ngặt và được thể hiện dưới hình thức vô cùng phức tạp, khác lạ... Vì vậy, các hình tượng Phật, Bồ-tát trong Mật tông thường được biểu trưng bằng những uy lực vô biên. Nói đến hình tượng Bồ-tát trong Mật tông là nói đến sáu vị Quan Âm tiêu biểu: Thiên thủ thiên nhãn Quan Âm, Thánh Quan Âm, Mã đầu Quan Âm, Thập nhất diện Quan Âm, Chuẩn chi Quan Âm và Như ý luân Quan Âm.
Trong kinh Thiên thủ thiên nhãn Quan Âm Bồ-tát quảng đại viên mãn vô ngại đại bi tâm Đà-la-ni của Mật tông có nói: “Trong vô lượng ức kiếp thời quá khứ, Bồ-tát Quan Thế Âm nghe Đức Thiên Quang Vương Tĩnh Chú Như Lai nói thần chú Đại bi tâm Đà-la-ni bèn phát nguyện làm lợi ích, an lạc tất cả chúng sinh. Liền khi ấy, trên người mọc ra một nghìn con mắt và một nghìn bàn tay”.
Con số 1.000 biểu trưng cho sự viên mãn, nên tượng được tạo với đủ 1.000 mắt, 1.000 tay (gồm 40 tay lớn và 960 tay nhỏ, trong mỗi tay đều có mắt), có nơi chỉ tạo tượng với 40 tay lớn, hoặc 42 tay lớn (có 2 tay chắp, 2 tay đặt trong tư thế thiền định) mà không tạo tay nhỏ. Nghệ nhân ở các nước Phật giáo theo truyền thống Đại thừa thường tạo tượng theo mẫu thức 40 tay lớn, bởi con số 40 ứng với 25 hữu (25 quốc độ của chúng sinh trong tam giới - 25x40=1.000).
Tượng Thiên thủ thiên nhãn Quan Âm ở Việt Nam cũng giống như một số tượng Thiên thủ thiên nhãn Quan Âm-Trung Quốc: có 42 tay lớn và rất nhiều tay nhỏ, mỗi tay đều có mắt. Nhìn chung, trong 42 tay lớn, có 2 tay chắp, 2 tay đặt trong tư thế thiền định, các tay còn lại được chia đều ra hai bên. Có nơi tạo tượng với 40 tay lớn, hầu hết các tay đều cầm pháp khí, trông rất uy lực.
Tuy nhiên, sự độc đáo trong điêu khắc của tượng Quan Âm nghìn mắt nghìn tay chùa Bút Tháp là sự kết hợp của hai biểu tượng Quan Âm (Thiên thủ thiên nhãn Quan Âm và Thập nhất diện Quan Âm). Riêng Thập nhất diện Quan Âm, tùy theo lối điêu khắc của mỗi nước mà có những biểu hiện khác nhau, bởi 11 khuôn mặt (kể cả ba khuôn mặt chính) và 1 tượng Phật A Di Đà ngồi trên đỉnh, được xếp theo 5 tầng.
Ba khuôn mặt chính phải thể hiện được đầy đủ nét từ bi của ngài Quan Thế Âm, còn 3 tầng trên tùy theo từng nơi mà các khuôn mặt ấy có những biểu hiện khác nhau: trang nghiêm, dũng mãnh, uy hùng, đượm buồn... Nhưng kết hợp lại, các khuôn mặt, tay, mắt, pháp khí cũng như thế ngồi (hàng ma) tạo thành một tổng thể pháp lực, với những công năng diệu dụng phá tan ba chướng (nghiệp chướng, báo chướng, phiền não chướng).
Thế nên, trong 6 vị Quan Âm của Mật tông thì Thiên thủ thiên nhãn Quan Âm biểu trưng cho pháp lực phá tan ba chướng ở địa ngục đạo; Thánh Quan Âm phá ba chướng ở ngạ quỷ đạo; Mã đầu Quan Âm phá ba chướng ở súc sinh đạo; Thập nhất diện Quan Âm phá ba chướng ở A-tu-la đạo; Chuẩn chi Quan Âm phá ba chướng ở nhân đạo; Như ý luân Quan Âm phá ba chướng ở thiên đạo.
Tương tự như vậy, trong Ma-ha Chỉ Quán của Thiên Thai tông cũng nói đến các danh xưng Quan Âm với những công năng tiêu trừ ba chướng như: Đại bi Quan Âm phá ba chướng ở địa ngục đạo; Đại từ Quan Âm phá ba chướng ở ngạ quỷ đạo; Sư tử vô úy Quan Âm phá ba chướng ở súc sinh đạo; Đại quang phổ chiếu Quan Âm phá ba chướng ở A-tu-la đạo; Thiên nhân trượng phu Quan Âm phá ba chướng ở nhân đạo; Đại phạm thâm viễn Quan Âm phá ba chướng ở thiên đạo…
Hình tượng Quan Âm nghìn mắt nghìn tay, qua phân tích dưới khía cạnh “lục căn diệu dụng”, còn có ý nghĩa là tri-hành hợp nhất (nghĩa là có bao nhiêu bàn tay là có bấy nhiêu con mắt; có biết là có làm, có làm là có biết). Nếu có 100 tay nhưng tới 1.000 mắt thì chỉ là biểu hiện cho việc biết nhiều làm ít, không lợi ích gì cho chúng sinh. Ngược lại, nếu có 1.000 tay nhưng chỉ 100 mắt thì làm nhiều, làm một cách nhiệt tình, nhưng do không biết đầy đủ nên đem lại tổn hại cho chúng sinh.
Chính vì thế, hình tượng Phật Bà Quan Âm nghìn mắt nghìn tay của người Việt không phải là ảo ảnh, ảo tượng phi lý của nhân dân (như có người đã lầm tưởng), mà đó chính là hiện thực sinh động nhất của con đường Bồ-tát đạo. Nếu đi đúng con đường ấy thì khả năng làm lợi ích an lạc cho chúng sinh là rất lớn.
Như vậy, sự hợp nhất giữa hình tượng Thiên thủ thiên nhãn Quan Âm và Thập nhất diện Quan Âm (trong công năng tiêu trừ ba chướng) đã thể hiện đầy đủ sức sáng tạo văn hóa tinh tế của dân tộc Việt. Địa ngục là cảnh khổ nhất nên rất cần đến lòng Đại từ của Bồ-tát Thiên thủ thiên nhãn Quan Âm.
Cảnh giới của A-tu-la là cảnh chiến tranh đầy thù hằn và nghi kỵ nên rất cần đến lòng Đại bi của Bồ-tát Thập nhất diện Quan Âm. Hai cảnh khổ đau được miêu tả này có nhiều tương đồng với tình trạng khủng hoảng các giá trị nhân đạo, nhân văn thời Nam-Bắc phân tranh (thế kỷ XVI-XVII), nên tượng Phật Bà Quan Âm nghìn mắt nghìn tay ra đời trong hoàn cảnh đó không chỉ đánh dấu bước ngoặt đỉnh cao của nghệ thuật điêu khắc mà còn là khát vọng hòa bình, hạnh phúc của nhân dân.
Hiện tại, chúng ta đang phải sống trong tình trạng có quá nhiều những lý thuyết hay ho nhưng những bài học cơ bản làm người (không giết người, không trộm cướp, không tà dâm, không nói dối, không sử dụng các chất gây nghiện, gây say) vẫn bị bỏ quên; có quá nhiều lời hứa lớn nhưng thực hiện nhỏ; có quá nhiều quyết tâm nhưng không có uy lực, can đảm…, nên các tệ nạn xã hội, nạn tham nhũng, lãng phí… mới khiến cho chúng ta tưởng chừng như đang bị quay cuồng trong ảo ảnh, trong khi xã hội vẫn luôn tồn tại những giải pháp thiết thực.
Một bài học đầy tình người nhưng rất trí tuệ được bàn tay của các nghệ nhân dân gian xưa gửi gắm qua hình tượng Phật Bà Quan Âm nghìn mắt nghìn tay, trải qua nhiều thế kỷ thăng trầm của dân tộc vẫn còn nguyên giá trị, và giá trị đó chỉ được mặc nhiên thừa nhận khi người ta ý thức rõ rằng: “biết và làm” (tri và hành) là thiết thực hơn “nói và làm”, và lợi ích hơn “nói mà không làm”…