38 năm mặn nồng, gắn bó với báo Giác Ngộ

GN - Trong chặng đường phát triển của Báo Giác Ngộ sẽ không thể nào thiếu sự ủng hộ của độc giả. Có những độc giả ủng hộ báo Giác Ngộ từ số đầu tiên, có những độc giả gắn bó được một thời gian dài, có những vị mới đến với báo gần đây, trong số đó phải kể đến bác Nguyễn Minh Hạnh, một độc giả tại tỉnh Tiền Giang gắn bó với báo suốt 38 năm qua.

bacMinhHanh.3.JPG


Bác Nguyễn Minh Hạnh, một độc giả tại tỉnh Tiền Giang

Có mặt tại Tiền Giang vào những ngày cuối năm, dẫn người viết đến nhà vị độc giả ấy, bác Mây Hồng - đại lý phát hành của báo kể thêm về người khách hàng đặc biệt này của bác.

Bác nói: “Ông Minh Hạnh nguyên là Chánh Văn phòng Ban Dân vận Tỉnh ủy Tiền Giang, là Ủy viên BTS PG tỉnh Tiền Giang từ năm 1990 đến 2002, là Hiệu phó hành chánh Trường TCPH Tiền Giang từ năm 1991 đến 1995. Ở đây nhà ông Hạnh rất dễ tìm. Hỏi nhà ông Hạnh - người thường phô-tô mấy bài báo cho bà con đọc là ông xe xe ôm nào cũng biết. Ông Hạnh có thói quen phô-tô bài báo cho bà con cùng đọc, thói quen này bắt đầu từ lần đọc báo Giác Ngộ đầu tiên”.

Tìm đến nhà bác Minh Hạnh trên đường Đống Đa, TP.Mỹ Tho, tưởng tôi đến để mượn những tờ báo Giác Ngộ cũ để đọc, bác soạn vài cuốn cho tôi xem mà theo bác, những bài viết trong đó rất hay, bác rất tâm đắc. Vừa lật đọc lại những tờ báo cũ, bác vừa nói: “Ngày xưa tờ báo Giác Ngộ in giấy đen lắm, khổ báo cũng to lắm chứ không có nhỏ gọn, trình bày đẹp như bây giờ....”.

Hỏi bác, nhân duyên gì với báo Giác Ngộ mà bác tâm đắc dữ vậy, nhoẻn miệng cười thiệt tươi, bác nói: “Báo Giác Ngộ giúp cho tui rất nhiều trong việc học tập, thực hành lời dạy của Đức Phật; là một Phật tử, tui rất quý tờ báo. Báo Giác Ngộ hay lắm à nha, giá tờ báo rẻ mà chất lượng nội dung thì rất đắt à. Lần đầu tiên mua báo Giác Ngộ đọc, đọc đến đâu tui thấm đến đó. Nội dung mục nào cũng hay, vì hay nên tui mới đọc báo Giác Ngộ suốt 38 năm đó chứ. Từ hồi biết báo Giác Ngộ, báo ra số nào tui cũng đọc. Từ lúc báo 2 tuần ra một lần, đến hôm nay - 1 tuần ra một lần, tui đều đọc xuyên suốt. Buổi sáng khi báo ra, buổi chiều ông Mây Hồng đi Sài Gòn lấy báo về là sáng hôm sau, 4g30 phút tui có mặt tại sạp báo ông Mây Hồng để lấy báo. Cứ đến ngày thứ Năm là tui nôn nao, chờ báo Giác Ngộ về để được đọc”.

38 năm đọc báo Giác Ngộ, bác có nguyên cả tủ báo Giác Ngộ lưu trữ mà bác cho biết, “giữ làm tư liệu, ai cần đến thì tui cho mượn để đọc chứ không bán. Mà mỗi lần cho mượn, tui dặn kỹ lắm, vì báo cũ thì “lão” lắm rồi, giấy mềm lắm, tui sợ rách thì uổng”.    

Trên bàn làm việc của bác, bác phô-tô ra hẳn một xấp bản sao báo Giác Ngộ số mới nhất, trong đó có đủ các chuyên mục để ai thích đọc gì bác tặng cho tờ có nội dung đó. Mặc dù giờ đây báo Giác Ngộ đã phát hành rộng rãi, đời sống người dân cũng đã cải thiện rất nhiều nhưng một số bà con nơi đây vẫn thích đọc bài báo Giác Ngộ do bác phô-tô tặng.

“Không phải vì mua không nổi tờ báo mà cái nào ông Hạnh phô-tô đưa cho cũng là cái tâm đắc của cuộc sống, mình đi chạy xe ôm, không có nhiều thời gian rảnh, chỉ cần đọc cái ông Hạnh đưa là đủ rồi”, bác Hai, một người nhận báo Giác Ngộ phô-tô nhiều năm của bác Hạnh, cho biết.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày