Ăn chay giảm cân, chữa bệnh?

Để lấy lại vóc dáng, các chị em chấp nhận “hành xác”, tốn kém vào các spa làm đẹp… thậm chí nhịn ăn uống. Ăn kiêng bằng món ăn gạo lứt, muối mè (người miền Bắc gọi là vừng) cũng là một cách vừa chữa bệnh, vừa giảm được cân.
Ăn chay giảm cân, chữa bệnh? ảnh 1
Ảnh minh họa

Thử ăn thành nghiện lại hiệu quả

“Bài thuốc” gạo lứt, muối mè chữa bệnh vẫn đang có nhiều tranh cãi về hiệu quả thực của nó. Nhiều người đã thử áp dụng và thấy hiệu quả cho bản thân, đặc biệt là giảm cân. Chị Thu Phương ở ngõ Văn Chương, phố Tôn Đức Thắng, Hà Nội chia sẻ, chưa sinh nở lần nào nhưng trọng lượng cơ thể cứ tăng vù vù.

Trong người chị cũng đang chữa bệnh nên dùng thử gạo lứt, muối mè. “Nhiều ý kiến cho rằng ăn những chất này không đủ dinh dưỡng nhưng mình vẫn áp dụng. Trong vòng ba tháng mình chỉ ăn gạo lứt nấu thành cơm với mè vừng đen rang giã nhỏ. Mỗi bữa ăn 2 – 3 lưng cơm nhỏ, nhai thật kỹ. Ngoài ra, mình còn dùng thêm trà gạo lứt, phở gạo lứt, nước tương gạo lứt, miến gạo lứt…

Nói chung, các sản phẩm từ gạo lứt được dùng để thay đổi cho đỡ ngán. Kết quả là bệnh thì mình vẫn phải điều trị bằng thuốc tây khác nhưng giảm cân thì hiệu quả. Mình đã giảm được 6kg”, chị Phương cho hay.Cũng theo chị Phương sở dĩ chỉ ăn gạo lứt mà chị không đói vì tinh bột trong gạo lứt giàu B1 và các vitamin.

Hơn nữa, lúc ăn nhai rất kỹ nên tốt cho dạ dày và no lâu. Đúng là ăn mãi một món cũng chán nên cần xen kẽ các vị khác làm từ gạo lứt. Ăn nhiều thành quen, đến khi ăn các món bình thường lại thấy không ngon bằng.Chị Thảo ở đường Lương Thế Vinh, quận Thanh Xuân, Hà Nội, cũng áp dụng phương pháp này nhưng đã ăn kèm thêm rau, trái cây, hạn chế tuyệt đối cơm trắng và thực phẩm khác. Với cách này mỗi tháng chị Thảo đã giảm được 1 – 1,2kg. Sau ba tháng áp dụng cơ thể chị Thảo đã ngót đi gần 4kg.

Ăn chậm, nhai nhuyễn

Theo tài liệu của viện Dinh dưỡng quốc gia, gạo lứt là loại gạo chỉ xát vỏ trấu ngoài, còn nguyên lớp vỏ cám bên trong. Nhờ vậy, hạt gạo rất giàu chất xơ và có nhiều dưỡng chất quan trọng: các loại vitamin (B1, B2, B3, B6…), canxi, sắt, kẽm. Lượng đạm được giữ lại cũng khá cao (7,6% đạm/100g gạo).

Phương pháp ăn gạo lứt, muối mè trị bệnh được coi là công trình nghiên cứu của một giáo sư người Nhật. Sau khi được tổ chức Y tế thế giới công nhận, phong trào ăn loại thực phẩm này nhanh chóng lan ra nhiều nước.

TS Nguyễn Thị Lâm, phó viện trưởng viện Dinh dưỡng quốc gia cho biết, gạo lứt nói chung có tác dụng tốt cho sức khoẻ. Do đó không riêng gì người bệnh mà người khoẻ mạnh cũng nên ăn để phòng ngừa bệnh tật. “Tuy nhiên nếu là thanh niên đang tuổi lớn thì hạn chế ăn với muối mè vì sẽ không cung cấp đủ các chất dinh dưỡng cần thiết như khi ăn với cá thịt, rau củ. Riêng với những người mắc các bệnh tiểu đường, rối loạn mỡ máu, béo phì… thì gạo lứt, muối mè thật sự là thực phẩm lý tưởng để cải thiện sức khoẻ”, bà Lâm nhấn mạnh.

Nguyên tắc ăn là một chén cơm gạo lứt trộn đều với hai muỗng càphê muối mè. Có thể ăn bất kỳ lúc nào, trừ trước lúc đi ngủ hai tiếng. Trong quá trình ăn, nên nói “không” với các loại thực phẩm khác. “Khi ăn phải nhai chậm và kỹ để nước miếng tiết ra thật nhiều quyện với cơm giúp cho việc tiêu hoá được tốt. Nhai nhuyễn cũng sẽ giúp người ăn có cảm giác cơm thơm, ngọt hơn”, bà Lâm cho biết.

Cũng theo chỉ dẫn của bà Lâm, trước khi nấu nếu ngâm gạo trong nước ấm một lúc, sẽ đánh thức được thêm một số chất dinh dưỡng khác. Tuy nhiên cần lưu ý, vì gạo lứt có quá nhiều chất dinh dưỡng nên ăn sẽ lâu tiêu hơn cơm bình thường.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày