Nhiều người uống sữa với thuốc, đun sôi sữa tươi, uống sữa quá đặc.
Uống sữa với thuốc
Uống thuốc bằng sữa sẽ tạo một lớp màng bao phủ bên ngoài viên thuốc, ion canxi và ion magie trong sữa sẽ gây ra phản ứng hóa học tạo thành chất không tan trong nước, làm giảm hiệu quả của thuốc. Tốt nhất không nên uống sữa trước và sau khi uống thuốc một tiếng đồng hồ.
Đun sôi sữa tươi
Rất nhiều người có quan niệm khi mua sữa về cần khử trùng bằng việc đun sôi sữa lên. Tuy nhiên, hầu hết sữa trên thị trường là đã được tiệt trùng, không cần thiết phải đun sôi. Nếu đun, nên đun lửa to, đến khi sôi thì tắt ngay. Như vậy vừa giữ được thành phần của sữa, lại vừa có hiệu quả sát trùng.
Không nên đun bằng lửa nhỏ, thời gian đun kéo dài, như thế chất dinh dưỡng trong sữa càng dễ bị phá hoại. Không những thế, thời gian đun quá lâu có thể khiến lactose trong sữa chảy ra, có thể gây ung thư.
Ngoài ra, đun sôi đến 100 độ thì đường trong sữa bắt đầu chảy nên sữa sẽ có màu nâu và dần phân giải thành axit lactic, đồng thời sản sinh axit formic, khiến sữa có vị chua, ảnh hưởng đến mùi vị. Vì vậy, sữa chỉ nên đun sôi không nên đun lâu.
Uống sữa càng đặc càng tốt
Đây là quan niệm không có cơ sở khoa học. Sữa quá đặc có nhiều bột sữa, đường và ít nước nên nồng độ sữa vượt quá tiêu chuẩn bình thường, không tốt cho sức khỏe. Trẻ thường xuyên uống sữa quá đặc sẽ bị tiêu chảy, táo bón, chán ăn, thậm chí xuất huyết đường ruột cấp tính do các cơ quan nội tạng của bé còn non yếu.
Một số loại sữa công thức có thể gây táo bón do hàm lượng đạm cao. Vì vậy để phòng táo bón, nên uống sữa có bổ sung chất xơ hòa tan để cải thiện khả năng tiêu hóa, giảm táo bón, tăng cường hệ vi khuẩn có lợi cho đường ruột và tăng khả năng hấp thụ canxi.
Chuyên gia dinh dưỡng Nguyễn Mộc Lan
(Nguồn: VNE)