Bậc minh sư qua lăng kính Viên Giác

Bậc minh sư qua lăng kính Viên Giác
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Trên bước đường tu tập, có những lúc chúng ta thật sự bị hụt hẫng và không biết nương tựa vào ai khi đối diện với hiện thực của cuộc sống. Không chỉ trong đạo mà cả ngoài đời cũng vậy, có đôi khi ta tự hỏi phải theo ai, phải tin vào đâu bây giờ?

Mỗi người tu tập một pháp môn, có một quan điểm, một lý tưởng… khác nhau đã khiến cho nhiều người, nhất là những người sơ tâm học đạo, cảm thấy băn khoăn khi lựa chọn cách hành trì và tìm thầy nương tựa.

May thay, chư vị Bồ-tát trong pháp hội Viên Giác hình như thấy rõ tâm trạng này của chúng sanh thời mạt pháp nên đã phương tiện đặt vấn đề với Đức Thế Tôn để được Ngài soi sáng, và hôm nay chúng ta thừa hưởng ân huệ đó để xác định hướng đi cho sự nghiệp tu tập của chính mình.

Đức Phật trả lời câu hỏi “Sau này chúng con phải biết nương tựa vào ai?” của chư vị Bồ-tát như sau: “Vào thời kỳ cuối cùng, khi sắp phát tâm vĩ đại và tìm thầy bạn tốt để tu hành, thì nên tìm người thấy biết chính xác”.

Người phát tâm học đạo trong bối cảnh xã hội hiện nay đúng là có tâm “vĩ đại”! Kinh tế phát triển song hành với những thành tựu của khoa học kỹ thuật đem đến môi trường sống tiện nghi, vật chất sung mãn, sẵn sàng phục vụ nhu cầu tham dục và kích thích tâm lý hưởng thụ đã khiến nhiều người phát sinh tâm lý thực dụng, coi trọng vật chất, của cải và có phần xem nhẹ những giá trị đạo đức tâm linh. Do đó, người nào còn giữ được mình trước mọi cám dỗ của cuộc đời và phát tâm học đạo để tìm hạnh phúc trong đời sống tâm linh, hướng thượng, thì người đó xứng đáng được gọi là hoa sen báu trong loài người. Tuy nhiên, không phải ai phát tâm tu học cũng có đủ duyên lành gặp được thầy lành bạn tốt, và cái khó là dựa vào tiêu chuẩn nào để biết mình đã gặp được bậc minh sư.

Thiết kế: Hoa Đạo

Thiết kế: Hoa Đạo

Đức Phật nói bậc minh sư là người thấy biết chính xác. Thế nào là người thấy biết chính xác? Đó là người có chánh tri kiến, “là người không sống theo khuôn khổ phàm phu, không vướng vào Nhị thừa, tâm thường trong sáng, tán dương phạm hạnh, không làm cho người sống không giới luật”. Nghiêm trì giới luật và dạy người khác nghiêm trì giới luật là mẫu người lý tưởng để cho chúng ta nương tựa, học đạo. Tìm được người như vậy thì được tuệ giác vô thượng. Gặp được người như vậy thì phụng sự đến mất tính mạng cũng không tiếc.

Kinh Viên Giác chỉ cho chúng ta cách tu học và nương tựa đúng Chánh pháp rất đơn giản, đó là đừng để đời sống của mình vướng vào bốn thứ bệnh, phải tách rời bốn thứ bệnh đó.

Bệnh thứ nhất là bệnh làm. Tức là, “nếu ai nói tôi chủ tâm làm mọi việc để cầu Viên Giác, nhưng Viên Giác không phải làm như thế mà được, nên nói như thế là bệnh”. Bậc minh sư thì không có cái bệnh bám víu vào công việc, cũng không bị vướng mắc vào cái việc và thành quả của việc mình làm. Bậc minh sư là làm tất cả mọi việc không vì mục đích tìm cầu danh tiếng và lợi dưỡng, làm cho tất cả chúng sanh đều nhập vào Niết bàn mà hoàn toàn không thấy ai làm và chúng sanh được làm. Ngược lại, nếu thấy có thì đó là bệnh. Đừng bao giờ gần những người có bệnh này, gần họ sẽ bị lây. Lây bệnh bám víu vào công việc tức là tham danh, cầu danh.

Bệnh thứ hai là bệnh buông. Tức là “nếu ai nói tôi không loại sinh tử không cầu Niết-bàn, đối với Niết-bàn và sinh tử tôi không có ý niệm phát động hay hủy diệt, tôi buông bỏ tất cả”. Tu là phải buông, nhưng không có nghĩa là buông thả, mặc tình phóng túng, không thấy cái nạn sinh tử như lửa cháy đầu, không nỗ lực tìm cầu giải thoát. Khế kinh nói: “Lý tuy đốn ngộ, sự nãi tiệm trì”. Trên mặt lý tánh thì không có sinh tử, Niết-bàn. Nhưng đứng trên mặt sự vật hiện tượng thì sinh tử đang thiêu đốt chúng sinh, phải mau tìm được giải thoát. Niết-bàn vô sở đắc, bản tánh chúng sanh vốn là Phật tánh, trạm nhiên vắng lặng. Lý tuy vậy nhưng sự vẫn phải trì trai, giữ giới, công phu bái sám, niệm Phật tinh chuyên, thì mới mong có ngày tỏ ngộ. Ai bỏ điều này tức là bệnh. Bệnh này là bệnh vô minh, bệnh “khẩu đầu thiền”, đắm trên chữ nghĩa kinh điển mà quên mất thực tại. Nhớ, đừng bao giờ thân gần những người có cái bệnh này!

Bệnh thứ ba là bệnh dừng. “Nếu ai nói tôi dừng mọi ý niệm, nắm lấy vắng lặng của toàn bộ các pháp để cầu Viên Giác; nhưng Viên Giác không phải dừng như thế mà hợp, nên nói như thế là bệnh”. Bệnh này là bệnh lầm tưởng về mặt cực tĩnh của thiền. Lầm như vậy nên trở thành người trầm trệ, dừng mọi ý niệm mà dừng không đúng cách, không chính xác. Nhưng như thế chưa phải là bệnh trầm trọng, mà trầm trọng hơn hết là không dừng mà nói dừng. Tâm viên ý mã mà nói mình dừng mọi ý niệm, sống trong vắng lặng của pháp giới, như vậy sẽ thêm bệnh đại vọng ngữ.

Bệnh thứ tư là bệnh dứt, tức là “nếu ai nói tôi dứt bỏ phiền não, không cả thân tâm, huống chi những thứ căn cảnh huyễn ảo, tôi dứt bặt hết thảy để cầu Viên Giác; nhưng Viên Giác không phải dứt như thế mà chứng, nên nói như thế là bệnh". Khế kinh nói: “Thật tế lí địa bất thọ nhất trần, vạn hạnh môn trung bất xả nhất pháp”. Điều này cũng có thể hiểu là cảnh giới Viên Giác vốn chẳng nhiễm một mảy trần, nhưng trong trăm ngàn cánh cửa đi đến cảnh giới ấy nào có bỏ một pháp nào đâu? Nếu nói bỏ, tức là bệnh rồi, bệnh “ngoan không”, chấm dứt một cảnh chủ quan, do “hiểu lầm mặt cực thuần của thiền quán và những gì tương tự”.

Phật dạy: “Pháp của ai tách rời bốn bệnh như vậy thì biết pháp ấy là trong sáng”. Cho nên, ngày nay, ai muốn tu hành thì “phải suốt đời phụng sự thầy bạn tốt có cái pháp tách rời cả bốn bệnh như vậy. Thầy bạn tốt muốn thân gần thì đừng khinh lờn, muốn xa rời thì đừng oán hận. Trước cảnh nghịch hay cảnh thuận lòng như không gian, với thân thể và tâm trí biết toàn không thật, coi tất cả chúng sanh đồng bản thể với mình. Làm như vậy mới mong nhập vào Viên Giác”

(Kinh Viên Giác, Trưởng lão HT.Thích Trí Quang dịch giải).

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Lễ cầu siêu chơn linh gần 400 bộ hài cốt được tìm thấy tại phố Tây Sơn

Hà Nội: Lễ cầu siêu tại nơi phát hiện gần 400 hài cốt ở phố Tây Sơn

GNO - Thực hiện sự chỉ đạo của Thường trực Ban Trị sự GHPGVN TP.Hà Nội, sự đồng thuận của chính quyền các cấp, ngày 30-11, tại chùa Bộc (P.Quang Trung), Ban Trị sự TP.Hà Nội cùng Ban Trị sự Q.Đống Đa tổ chức Lễ cầu siêu cho các hương linh tại ngõ 167 phố Tây Sơn - nơi phát hiện hàng trăm bộ hài cốt.
Ảnh minh họa

Cái lõi

GNO - Mục đích và tôn chỉ của đạo Phật là giác ngộ giải thoát, cứu độ chúng sanh. Tâm nguyện của người tu Phật cũng vậy. Đây là chỗ rốt ráo của Phật đạo, cũng là cốt lõi mà Phật Tổ muốn chỉ bày cho tất cả chúng ta. Vậy thì giác ngộ điều gì? Diệu lực nào cho chúng ta giải thoát?
Logo chính thức của Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc 2025 tổ chức tại TP.HCM, Việt Nam đã được ICDV chọn và thông qua

Đã có logo chính thức của Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc 2025 tại Việt Nam

GNO - Thông tin với Báo Giác Ngộ chiều nay, 2-12, Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự, đồng thời là Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Ủy ban Tổ chức Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc 2025 tại Việt Nam cho biết đã thống nhất chọn logo (biểu trưng) chính thức cho sự kiện quan trọng này.

Thông tin hàng ngày