Bác sĩ Erich Wulff, ân nhân của Phật giáo Việt Nam trong Pháp nạn 1963 đã từ trần

Bác sĩ Erich Wulff, ân nhân của Phật giáo Việt Nam trong Pháp nạn 1963 đã từ trần
Thông tin từ GS Thái Kim Lan cho biết, Bác sĩ Erich Wulff, vị ân nhân của Phật giáo Việt Nam đã qua đời tại Paris (Pháp) vào ngày 31/01/2010, hưởng thọ 84 tuổi.

Thông tin từ GS Thái Kim Lan cho biết, Bác sĩ Erich Wulff, vị ân nhân của Phật giáo Việt Nam đã qua đời tại Paris (Pháp) vào ngày 31/01/2010, hưởng thọ 84 tuổi. Năm 1963, chính Bác sĩ Erich Wulff là người đã đưa ra thế giới những thước phim ghi lại hình ảnh chính quyền Ngô Đình Diệm đã dùng xe tăng đàn áp Phật tử, làm 8 người thiệt mạng tại đài Phát thanh Huế, khởi xướng cho một phong trào phản đối của thế giới, góp phần không nhỏ vào sự thành công của Phật giáo chống lại sự kỳ thị tôn giáo của chế độ gia đình trị... BBT website Liễu Quán đăng lại bài phỏng vấn của Ngọc Thiện với sự hỗ trợ phiên dịch tiếng Đức của GS Thái Kim Lan trong dịp Bác sĩ về dự đại lễ Phật đản tại Huế năm 2008.

Gặp lại Bác sĩ Erich Wulff,

ân nhân của Phật giáo Việt Nam

Nhân Đại lễ Phật đản Liên Hiệp Quốc 2008, đáp lời mời của Giáo sư Lê Mạnh Thát, Giáo sư Tiến sĩ Erich Wulff đã đến Việt nam cùng với gia đình. GS. Erich Wulff từng hành nghề bác sĩ và giảng dạy Y khoa tại Huế trong thập niên 1960. Trở về Đức thập niên 1970, ông trở thành giáo sư thực thụ về khoa Psychiatrie (Tâm thần học) tại các đại học Cộng hòa Liên bang Đức, cuối cùng giữ ghế giáo sư tại Đại học Hannover và chuyên khoa Tâm thần học bệnh viện Hannover. Ông là một trong những lý thuyết gia quan trọng trên lĩnh vực tâm thần và thần kinh học, lý thuyết hóa tính xã hội ảnh hưởng đến tâm lý con người.

-Thưa Giáo sư Erich Wulff, chúng tôi rất vui và hân hạnh được tiếp xúc với ông. Trở lại Việt Nam sau gần 30 năm, ông có cảm nhận gì về đất nước và con người Việt Nam hiện nay?

GS. BS. Erich Wulff: Tôi rất hạnh phúc được trở lại Việt Nam, trở lại Huế theo lời mời của Ban tổ chức Đại lễ Phật đản Liên Hiệp Quốc 2008. Huế là nơi tôi đã sống trong thời gian lâu nhất, từ 1961 đến 1967. Sau khi trở về nước năm 1967, tôi đã có dịp trở lại Việt Nam vào năm 1970 và 1972. Lúc đó đang còn chiến tranh nên tôi không thể đưa phu nhân của tôi đi theo, nhưng tôi hứa sau này sẽ đưa bà và các con tôi sang thăm Việt Nam. Lời hứa này mãi cho đến nay mới thực hiện được. Gia đình tôi, cả thảy 5 người đi cùng: tôi, phu nhân của tôi, hai người con trai và một cô con gái, tất cả đang có mặt ở đây.

Sau chiến tranh tôi có trở lại Việt Nam hai lần. Lần thứ nhất vào năm 1979, đó là khoảng thời gian khó khăn nhất, tôi đã không được gặp gỡ bạn bè một cách thoải mái, mặc dù lúc đó tôi là Chủ tịch Hội hữu nghị Việt - Đức.

Năm 1983 tình hình có dễ dàng hơn. Tôi được gặp và đi chơi với những người bạn như Trịnh Công Sơn, Hoàng Phủ Ngọc Phan... Bây giờ thì hoàn toàn khác rồi. Tôi cũng nhận thấy mọi người có thể phát biểu một cách thoải mái mà không e ngại, sợ hãi.

- Được mời tham dự Đại lễ Phật đản LHQ tại Hà Nội và Huế, ông có cảm nhận gì về không khí đón mừng Phật đản tại Việt Nam trong những ngày vừa qua so với những năm mà ông đã từng sống và làm việc trước đây?

Rất khó cho tôi trong việc so sánh không khí đón mừng Phật đản những ngày vừa qua với thời gian mà tôi sống vào những năm 1960. Hàng vạn người dân Huế tham dự lễ rước Phật vào tối 14/4 âm lịch vừa qua đã cho tôi thấy không khí đón mừng Phật đản năm nay không kém những năm 1963.

Điều đó chứng tỏ Phật giáo vẫn rất mạnh mẽ. Việc Phật giáo và nhà nước phối hợp tổ chức Đại lễ Vesak lần này cho thấy Phật giáo và chính quyền đã có một sự truyền thông rất tốt.

Một niềm vui lớn mà trước đây tôi nghĩ khó có thể thực hiện là tổ chức Gia đình Phật tử được thành lập trở lại, những sinh hoạt có tính cách dân sự đang dần được tái lập. Tôi nghĩ các hội đoàn này rất cần thiết cho việc xây dựng xã hội Việt Nam, nhất là trong lĩnh vực cứu tế an sinh. Bởi vì vấn đề xóa đói giảm nghèo không thể chỉ nhà nước làm được mà các tôn giáo trong đó Phật giáo đóng góp vai trò rất lớn.

Phật giáo đã có tiếng nói hữu hiệu trong việc giúp trẻ em nghèo tiếp tục đến trường, những người bệnh tật được chữa trị. Tôi nhận thấy rằng chỉ có sức mạnh đạo đức Phật giáo mới có thể đóng góp vào công việc này một cách hữu hiệu.

Bác sĩ Erich Wulff, ân nhân của Phật giáo Việt Nam trong Pháp nạn 1963 đã từ trần ảnh 1

- Nhân duyên nào đã đưa ông đến với Việt Nam vào những năm 1960? Trong nhiều năm sống và làm việc tại Huế, hẳn ông đã có không ít những kỷ niệm?

GS. Erich Wulff: Tôi vừa tốt nghiệp bằng bác sĩ chuyên môn Y khoa về Tâm thần học (Psychiatrie), đang chuẩn bị thi Tiến sĩ quốc gia (Habilitation), lúc đó trường tôi có sự ký kết hợp tác làm việc với Đại học Việt Nam. Nhà trường tuyển những bác sĩ giỏi có thể sang Việt Nam làm giảng huấn trong khoảng hai năm. Tôi nghĩ tôi cần phải sang Việt Nam thực tập để nâng cao nghiệp vụ.

Lúc đó tôi hoàn toàn không biết gì về Việt Nam nhưng vẫn quyết định đi. Cảm nhận đầu tiên của tôi khi đặt chân lên đất nước các bạn là phong cảnh tuyệt đẹp. Một ấn tượng khác là tình bạn của những người Việt Nam, ban đầu gặp gỡ còn e dè, nhưng một khi được chấp nhận thì được thương yêu như những người anh em trong gia đình. Tình bạn ấy rất quý giá.

Ngoài những tích cực đó là sự khó khăn: tình trạng nhà thương vào những năm 1960 rất tồi tệ. Thời đó số bác sĩ làm việc suốt ngày ở bệnh viện rất hiếm, họ đến làm việc trong vài giờ rồi về nhà lo cho phòng mạch của mình. Tôi nghĩ điều này cần phải được chấn chỉnh mà chính các bác sĩ Việt Nam phải làm chứ không phải do những bác sĩ đến từ ngoại quốc khuyến khích hay ra lệnh.

Tình hình về Tâm thần học càng tệ hơn nữa, các bệnh nhân tâm thần không được điều trị và chăm sóc đúng mức, cho nên tôi đã khuyến khích và đóng góp xây dựng nhà thương để điều trị những bệnh nhân tâm thần. Sau đó, kể từ ngày 8/5/1963, tôi tham gia vào một số sinh hoạt của Phật giáo, trở thành một trong những chứng nhân của phong trào 1963.

Bác sĩ Erich Wulff, ân nhân của Phật giáo Việt Nam trong Pháp nạn 1963 đã từ trần ảnh 2

GS. Bác sĩ E. Wulff đang trả lời phỏng vấn

- Tăng Ni Phật tử Việt Nam giai đoạn trước 1975 đều biết ông là ân nhân của Phật giáo trong Pháp nạn 1963, nhưng những người sinh sau 1963 thì rất ít người biết đến biến cố lịch sử này. Bằng cái nhìn khách quan của một người đến từ nước ngoài, ông có thể nói khái quát về phong trào đó?

GS. Erich Wulff: Trước hết đó là phong trào bất bạo động do các vị lãnh đạo Phật giáo thời bấy giờ chủ trương. Bất bạo động chính là sức mạnh của Phật giáo để đưa phong trào này đi đến thắng lợi. Phật giáo đã chứng minh rằng, những người Phật tử không sợ hãi trước những đối xử bất công của chính quyền Ngô Đình Diệm.

Dĩ nhiên tôi không muốn đề cập đến những yếu tố bên lề, rất nhỏ, đã lợi dụng phong trào ấy để lật đổ chính quyền đương thời. Tôi ủng hộ những chủ trương muốn thương thuyết để đất nước của các bạn được hòa bình, mặc dù sự phát ngôn về hòa bình vào thời đó thường bị gán ghép vào việc thân với cộng sản.

Phong trào Phật giáo năm 1963 đã tạo được tư thế mà tôi nghĩ là có thể đóng góp cho vấn đề hòa bình của Việt Nam và sẽ không có một lực lượng nào có thể phá nổi.

Thế nhưng sau năm 1966, chính quyền miền Nam dưới thời ông Thiệu và Kỳ đã giải giới tất cả lực lượng của Phật giáo. Và miền Nam Việt Nam vào thời điểm đó ở vào tình trạng “chiến tranh trong chiến tranh”, nên tiếng nói hòa bình chân chính đã bị dập tắt.

Dĩ nhiên, yếu tố không thống nhất của nội bộ Phật giáo đã góp phần đi đến kết quả đó. Những người như Thầy Thích Đôn Hậu luôn luôn muốn thương thuyết để đi đến hòa bình, nhưng nhiều người khác, trái lại, cho rằng phải làm thế nào để Phật giáo lớn mạnh mới có thể thương thuyết với các lực lượng khác.

- Đến Huế ngày 18/5, chiều hôm đó ông đến thăm đài Thánh tử đạo và tôi thấy ông đã khóc. Sự thể vụ đàn áp tại đài phát thanh cũ xảy xa như thế nào vào đêm 8/5/1963 với sự chứng kiến tận mắt của ông?

GS. Erich Wulff: Được về Huế lần này nhân mùa Phật đản, phải thú nhận là tôi không thể cầm được nước mắt khi đến thăm đài Thánh tử đạo, bởi vì tất cả những kỷ niệm thời bấy giờ sống dậy trong tôi một cách mãnh liệt.

Tôi còn nhớ vào ngày 7/5/1963 đã có một cuộc biểu tình chống lại lệnh cấm không cho treo cờ Phật giáo. Hôm sau các Phật tử tập trung tại đài phát thanh. Tối hôm đó tôi đi dạo trên đường Lê Lợi thì gặp anh Tôn Thất Kỳ, một học trò của tôi.

Anh Kỳ rủ tôi tới đài phát thanh để xem có phát chương trình nói chuyện của Thầy Thích Trí Quang vào ngày lễ Phật đản như những năm trước hay không.

Khi chúng tôi tới đã thấy có gần 5.000 người đứng ở đó. Đêm hôm ấy thầy Trí Quang đã có mặt tại đài phát thanh nhưng không được nói. Sau đó có đoàn xe bọc thép tiến tới, một trong những chiếc xe đó có ghi tên Ngô Đình Khôi (anh của ông Ngô Đình Diệm).

Thấy xe tăng tới, anh Kỳ yêu cầu tôi tránh xa vì sợ nguy hiểm đến tính mạng. Vừa vượt qua hàng rào đài phát thanh khoảng 3 mét thì chúng tôi nghe tiếng súng nổ. Theo quan sát của tôi, khi đó có hai nhóm cảnh sát làm việc khác nhau: một nhóm dùng vòi xịt nước để giải tán đám đông, nhưng mới xịt được mốt lát thì nhóm cảnh sát kia, ở trong xe tăng đã nổ súng.

Đám đông vẫn hoàn toàn không có bất cứ một hành động nào để phản ứng lại chính quyền. Sau 10 phút thì xe cứu thương đến. Thoát ra khỏi đám đông, chúng tôi tạt qua nhà của Giáo sư Krainich và kể cho họ nghe những chuyện xảy ra.

Lúc đó anh Kỳ rủ tôi đến bệnh viện xem có ai bị thương không để giúp đỡ họ. Trên đường đi, tôi gặp hai người bạn đồng nghiệp, cũng là người Đức, giáo sư Raimund Kaufmann và phụ tá của ông, Hans Hoelterscheid, chúng tôi cùng nhau đi đến bệnh viện. Đến nơi, người canh giữ nhà thương cho biết chẳng có chuyện gì xảy ra, chỉ có vài người bị thương nhẹ.

Nhưng một ông Y tá, người từng làm cùng phòng với tôi, bảo chúng tôi hãy đến nhà xác mà xem. Ở nhà xác, chúng tôi thấy có 8 em thiếu nhi bị tử thương, trong đó 5 em không còn đầu. Hans Hoelterscheid về gọi Orje, một người bạn của tôi lúc đó có máy ảnh, đến nhà xác chụp ngay và chụp rất kỹ, anh ta lường trước sự việc chính quyền sẽ nói đó là do Việt cộng ném bom chứ không phải do chính quyền bắn lựu đạn hay dùng xe bọc thép thị uy. Tôi cũng đã viết bài tường thuật về cảnh tượng này.

Chính ngày 8/5/1963 đã là một ngày làm thay đổi cuộc đời của tôi. Lúc trước tôi chỉ là người sống thoải mái, không để ý đến những chuyện ngoài nghề nghiệp, nhưng sau đó thì tôi đã trở thành “người hoạt động chính trị”.

Sau năm 1963, tôi thường xuyên đi qua đài Thánh tử đạo, lúc đó chỉ có một tấm biển nhỏ. Bây giờ Giáo hội đã cho dựng đài trang nghiêm, hôm trước đến thăm tôi rất xúc động.

Bác sĩ Erich Wulff, ân nhân của Phật giáo Việt Nam trong Pháp nạn 1963 đã từ trần ảnh 3

Chụp ảnh lưu niệm tại Đài Tưởng niệm Thánh tử Đạo cùng chư Tăng và các học giả quốc tế đến Huế dự lễ Phật đản PL.2552

- Việc đưa thông tin về phong trào 1963 ra thế giới vào thời điểm đó là rất khó, thậm chí rất nguy hiểm đến tính mạng. Bằng cách nào ông đã chuyển được những tài liệu đó ra nước ngoài?

GS. Erich Wulff: Bởi vì lúc bấy giờ người ta chưa biết tôi là ai. Ngày hôm ấy, sau khi ra khỏi cổng bệnh viện, tôi đã gặp thầy Lê Mạnh Thát, lúc đó mới 19 tuổi. Thầy sợ cảnh sát bắt nên đã nhờ tôi đưa về chùa.

Hôm sau thầy Mạnh Thát đem một lá thư của ban lãnh đạo Phật giáo, đến nhờ tôi chuyển cho thầy Thích Minh Châu, đang học ở Ấn Độ và chuyển đến các cơ quan Phật giáo quốc tế ở nước ngoài.

Ngày hôm sau tôi vào Sài Gòn với một người bạn, đem theo bức thư và những cuốn phim chụp 8 em thiếu nhi bị tử nạn tại đài phát thanh vào Sài Gòn sang ra, sau đó mua vé máy bay đi Campuchia.

Ở tại đây, tôi tình cờ gặp một phóng viên người Đức. Ông này sẵn sàng nhận chuyển tất cả tài liệu của tôi đến thầy Thích Minh Châu và các tổ chức quốc tế. Sau đó ông chuyển các tài liệu này đến các tạp chí lớn của Pháp và Đức.

Trở về Sài Gòn, tôi gặp hai nhà báo khác, Neel Sheehan, người Mỹ, đại diện Reuters và Nick Turner, người Úc, đại diện UPI. Tôi cũng đã gửi tất cả tài liệu về biến cố 1963 cho hai ông này.

Sau đó tôi trở lại Huế cùng với các sinh viên Y khoa hướng dẫn cách uống nước giữ sức khỏe cho những người tuyệt thực tại chùa Từ Đàm. Nhân dịp này tôi được quen thầy Trí Quang. Sau đó không lâu tôi bị chính quyền Ngô Đình Diệm trục xuất khỏi Việt Nam cùng với Raimund Kaufmann và Hans Hoelterscheid.

- Như vậy có thể xem ông là người đầu tiên chuyển những tài liệu phong trào 1963 ra nước ngoài hay không?

GS. Erich Wulff: Có thể nói như vậy. Nhưng phải một tuần sau thì báo chí nước ngoài mới đăng tải các thông tin về biến cố 1963 tại Việt Nam. Mặc dù đăng sau một tuần nhưng cũng đủ để đảm bảo tính xác thực của phong trào.

Sau đó thầy Trí Quang có đưa ra nguyện vọng gồm 5 điều, một trong năm điều đó yêu cầu chính quyền Ngô Đình Diệm phải cho treo cờ Phật giáo trở lại, đối xử bình đẳng với Phật giáo và bồi thường cho các gia đình có người tử nạn. Tất cả những điều này phải được giải quyết nội trong 14 ngày. Chính quyền đã không đáp ứng thỏa đáng và sau đó tiếp tục có vụ tự thiêu của Hòa thượng Thích Quảng Đức tại Sài Gòn.

- Tăng Ni Phật tử Việt Nam mãi mãi ghi nhớ công ơn đó của ông. Động lực nào đã thúc đẩy ông tự nguyện làm công việc này?

GS. Erich Wulff: Một trong những lý do đầu tiên là tôi luôn dành trái tim cho những người bị áp bức. Trong đêm đó, tôi được chứng kiến các Thánh Tử đạo đã bị tử nạn một cách oan uổng nên lương tâm đã thúc đẩy tôi tự nguyện tham gia.

Tôi cũng biết chế độ độc tài Ngô Đình Diệm luôn dành mọi ưu tiên cho tín đồ Thiên chúa giáo mà ra tay đàn áp Phật giáo. Đó là một sự bất công, đi ngược lại suy nghĩ đạo đức của tôi ở trong một chính thể mà người ta thường cho là tự do.

Đây là lý do khiến tôi thấy cần phải giúp đỡ người Phật tử để họ nói lên tiếng nói trung thực. Dĩ nhiên là tôi tin tưởng chính quyền độc tài sẽ không tồn tại như cách mà họ đã thể hiện.

- Trong câu chuyện với các thành viên trong gia đình ông, chúng tôi thấy gia đình ông có một sự liên hệ mật thiết với Việt Nam. Ông và gia đình có dự định sẽ trở lại Việt Nam trong những hợp tác từ thiện, đặc biệt là lĩnh vực chuyên môn của mình để giúp đỡ đồng bào nghèo ở Việt Nam hay không?

Bác sĩ Erich Wulff, ân nhân của Phật giáo Việt Nam trong Pháp nạn 1963 đã từ trần ảnh 4

GS.BS E. Wulff (thứ 3 từ phải sang) và  gia đình tại Đài Tưởng niệm Thánh Tử Đạo tại  Huế.

GS. Erich Wulff: Hôm trước Thầy Thích Hải Ấn, Trưởng ban Điều hành Tuệ Tĩnh Đường Hải Đức có đề cập với chúng tôi về vấn đề này. Riêng cá nhân thì tôi thật sự chưa dám nghĩ đến, vì tuổi của tôi đã xế chiều và sức khỏe không cho phép tôi có thể làm thêm được điều gì.

Với các con tôi, tôi không thể quyết định, nhưng tôi hy vọng họ có thể làm được. Ngoài ra nếu có sự hợp tác tốt thì tôi sẽ cố gắng tác động một số Giáo sư và Bác sĩ ở Đức hỗ trợ các bạn trong khả năng có thể.

Trong thâm tâm, tôi bao giờ cũng muốn trở lại Việt Nam và được đóng góp một điều gì đó. Hiện nay đã có người đề nghị tôi viết lại chuyến đi này để nhấn mạnh đến vai trò của Phật giáo Việt Nam trong thời điểm hiện tại. Tất nhiên khi viết, tôi không chỉ đề cập đến tôn giáo, mà còn nhấn mạnh đến văn hóa và kinh tế, mặt tích cực nào các bạn đã đạt được và mặt nào còn hạn chế.

- Xin được hỏi Giáo sư một câu hỏi nữa: với hơn nửa thế kỷ sống và làm việc ở nhiều nước trên thế giới, điều mà ông chiêm nghiệm được là gì? Ông có nhắn gửi gì với những người Phật tử trẻ Việt Nam trong giai đoạn hiện nay?

GS. Erich Wulff: Tôi nhận ra rằng, con người sống ở đời, điều cần thiết nhất là phải có tình yêu thương. Vì tình yêu thương nên tôi dấn thân vào các phong trào Phật giáo một cách tự nguyện, cũng như đã gắn bó với nhiều bạn bè Việt Nam và tìm cách giúp đỡ.

Còn về lời khuyên, là người ở ngoài không nắm rõ được hết các vấn đề nên tôi không thể khuyên các bạn được. Tôi nghĩ không ai ở bên ngoài có thể giúp chúng ta hiệu quả bằng chính mỗi chúng ta.

Trong các phong trào Phật giáo mà tôi biết, đã có nhiều vị dấn thân và đóng góp hữu hiệu hơn những người đứng bên ngoài, chính họ sẽ cho lời khuyên thiết thực hơn tôi. Nhưng nếu có khuyên, thì tôi nghĩ chúng ta phải có bổn phận giữ gìn đời sống đạo dức để làm gương cho tất cả mọi người.

- Một lần nữa xin cám ơn Giáo sư. Chúc ông và gia đình có những ngày đẹp tại Việt Nam.
 

Bác sĩ Erich Wulff, ân nhân của Phật giáo Việt Nam trong Pháp nạn 1963 đã từ trần ảnh 5

Các người con của GS.BS. E. Wulff

Với sự trở lại Việt Nam lần này, cùng với tất cả thành viên trong gia đình Giáo sư – Bác sĩ Erich Wulff theo lời hứa của ông, chúng tôi đã có cuộc trao đổi ngắn với bà Edith Wulff và các người con của Giáo sư.

- Thưa bà Edith Wulff và các anh chị, qua lời trao đổi của Giáo sư Erich Wulff, bà và các anh chị có suy nghĩ gì với tư cách là vợ, là con của Giáo sư?

Bà Edith Wulff: Khi tôi quen Erich, thì anh ấy đã gắn bó với Việt Nam và hứa đưa tôi về thăm. Mãi cho đến bây giờ chúng tôi mới có điều kiện đến được đất nước của các bạn. Có thể nói rằng, chính các bạn là những người đã cho chúng tôi cơ hội trở lại đây. Chúng tôi rất biết ơn và hạnh phúc. Thật ra lúc trước còn học ở Pháp, tôi đã từng hoạt động để ủng hộ cho hòa bình Việt Nam. Hồi đó tôi chỉ là người ở bên ngoài đồng cảm với Việt Nam đang bị chiến tranh. Nhưng không ngờ hôm nay tôi lại có được sự thân thiện với đất nước của các bạn như thế này.

Noiem Wulff, con gái của GS. Erich Wulff: Chuyến viếng thăm Việt Nam lần này đã giúp tôi có được một khám phá khác về người cha của tôi. Tôi đã đọc và nghe nhiều về những điều cha tôi đã làm nhưng tôi chưa cụ thể hóa được sự liên hệ giữa cha tôi và lịch sử Việt Nam như thế nào. Ở bên nhà, tôi chỉ thấy cha tôi là một người rụt rè, chẳng có biểu hiện nào của một người từng hoạt động chính trị. Qua chuyến đi này, tôi đã khám phá được một Erich khác, một Erich thông minh, năng động và sắc sảo.

Anh Manuel Wulff, con trai thứ của GS. Erich Wulff: Tôi được sinh ra ở trong môt gia đình mà ba và mẹ có những nền văn hóa đa dạng. Tôi tuy được sinh ra sau những điều mà bố tôi đã làm, nhưng khi lớn lên, được nghe kể về Việt Nam cũng như bố tôi luôn nhận được sự thăm hỏi từ nhiều bạn bè của ông ở Việt Nam, tôi đã nhận ra rằng đất nước của các bạn luôn có một sự liên hệ mật thiết với đời sống của chúng tôi. Chuyến viếng thăm Việt Nam lần này đã chứng minh điều đó: đất nước của các bạn đã gắn bó với chúng tôi từ nếp sống cho đến văn hóa. Đó là điều đã làm chúng tôi rất vui.

Anh Jonathan Wulff, con trai cả của GS. Erich Wulff: Hai người em của tôi vừa nói những điều mà chính tôi cũng đã từng nghĩ tới. Ở bên Đức, tôi chưa hình dung ra được là bố tôi đã dấn thân tích cực tại Việt Nam. Điều làm tôi ngạc nhiên là biến cố 1963 đã qua 45 năm rồi, nhưng nhiều người vẫn còn nhớ đến bố tôi, khiến chúng tôi trong chuyến viếng thăm Việt Nam lần này cảm thấy mình như được trở về nhà. Ngay chính trên mảnh đất này, chúng tôi cảm nhận được một Erich khác hẳn. Ông như “cá trong nước”. Có lẽ một phần Việt Nam của bố tôi đã truyền sang chúng tôi. Điều này đã khiến tôi rất hãnh diện và có suy nghĩ rằng, chúng tôi phải làm thế nào để đời sống của mình luôn có một phần liên hệ với Việt Nam, giống như bố tôi đã từng thể hiện.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày