Nạn xâm hại di tích Phật giáo - Kỳ 2: Các giải pháp về quản lý, bảo tồn di tích văn hóa Phật giáo

1. Như chúng tôi đã đề cập loạt bài kỳ 1, di sản văn hóa Phật giáo Việt Nam là tài sản quý giá của dân tộc Việt Nam và Phật giáo Việt Nam, là bộ phận của di sản văn hóa nhân loại, có vai trò to lớn trong sự hình thành và phát triển của Phật giáo Việt Nam (PGVN).

Để bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa Phật giáo nói riêng, đáp ứng nhu cầu về văn hóa ngày càng cao của nhân dân, góp phần xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc thì việc tăng cường hiệu lực quản lý giữa các cơ quan quản lý Nhà nước và GHPGVN, nâng cao trách nhiệm của nhân dân và Tăng Ni, Phật tử trong việc tham gia bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa là điều hết sức cấp thiết.

Thời gian qua, dư luận báo chí lên tiếng quá nhiều về việc trùng tu làm mới di tích, trong đó phần lớn các di tích văn hóa Phật giáo (VHPG) là đối tượng đang bị “xẻ thịt”. Thế nhưng cách quản lý, bảo tồn và trùng tu di tích ở nước ta vẫn chưa rõ ràng, các quy định pháp luật về quản lý di tích lịch sử - văn hóa còn nhiều kẽ hở. Mặt khác, sự buông lỏng và thiếu hiểu biết của chính quyền địa phương trong công tác quản lý di tích, cũng như sự thiếu quan tâm của các cấp lãnh đạo Giáo hội đã khiến cho di tích Phật giáo bị xâm hại nặng nề. Ông Hoàng Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, cũng đã thừa nhận: “Nhiều di tích bị tu sửa sai quy cách do buông lỏng quản lý và do sự thiếu hiểu biết của chính quyền địa phương, nhân dân, các vị trụ trì đền chùa trong công tác bảo tồn, trùng tu, sửa chữa di tích…”. Luật Di sản Văn hóa ra đời năm 2001 đã mở ra những cánh cửa mới cho việc bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa. Suốt 5 năm qua, những cuộc đấu tranh cho sự sống còn của di sản ngày càng quyết liệt và thu hút đông đảo dư luận. Bên cạnh những mặt tích cực đó, người ta thấy các bất cập trong lĩnh vực này vẫn đầy dẫy. Ông Nguyễn Quốc Hùng, nguyên Phó Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa, cho biết một trong những vấn đề đáng báo động nhất là tình trạng tu bổ di tích hiện nay. Người làm công tác tu bổ nắm rất hời hợt về quy chế bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích. Mặt khác, do thiếu hiểu biết về kiến trúc nghệ thuật truyền thống nên một số công trình bị rơi vào tình trạng “râu ông nọ cắm cằm bà kia”. Hay có những sai sót kệch cỡm do không nắm được đặc trưng của di tích mỗi thời kỳ. Lại có khi kiến trúc của miền Bắc bị “bệ” vào miền Nam . Nhiều di tích khi chưa tu bổ còn nghiên cứu được, sau khi tu bổ xong thì không còn gì để nghiên cứu nữa!

Khi thực hiện loạt bài viết này, chúng tôi đã gặp gỡ và trao đổi các chuyên gia mỹ thuật, nhiều họa sĩ và nhà nghiên cứu văn hóa ở Việt Nam, họ đều phản đối kịch liệt cách tu sửa, làm mới di tích khiến nhiều công trình sau trùng tu trở nên phản cảm, mất đi giá trị thẩm mỹ, văn hóa, lịch sử vốn có. Họa sĩ Uyên Huy (Huỳnh Văn Mười) - Chủ tịch Hội Mỹ thuật TP.HCM, cho biết: “Những ngôi chùa cổ khắp mọi miền từ Bắc, Trung, Nam là tài sản quý của dân tộc, của PGVN, nhân dân, Phật tử phải có nghĩa vụ gìn giữ, chăm sóc, tu bổ trên tinh thần hiểu biết thực sự về tính lịch sử - văn hóa và thẩm mỹ. Không thể nhân danh sửa chữa, hiện đại hóa những nơi tôn nghiêm này mà “lòe loẹt hóa”, lai căng về phong cách làm mất đi bản chất cổ kính của di tích. Điều đó dễ dẫn đến “trẻ hóa” lịch sử ngôi chùa. Chúng ta còn nhớ về tháp Luổng ở Lào, màu gốc của tháp là màu xi-măng rất cũ, rêu phong. Nhưng gần đây người ta cho sơn lại toàn bộ bằng sơn nhũ vàng. Chính vì sơn lại, làm mất đi gốc tích của ngôi tháp mà Ủy ban UNESCO không công nhận tháp này là di sản văn hóa thế giới (chỉ công nhận là di tích ở Bắc Lào). Đây là bài học của sự trùng tu di tích văn hóa!”.

2. Làm thế nào để bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa (BT & PH GTDSVH) Phật giáo một cách có hiệu quả? Đó là vấn đề cấp thiết mà Nhà nước và GHPGVN cần phải phối hợp để tăng cường hiệu lực quản lý và nâng cao ý thức trong quần chúng nhân dân và Tăng Ni, Phật tử tham gia BT&PH GTDSVH Phật giáo. Theo TS.Đặng Văn Bài - nguyên Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa (Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) cho biết, để nâng cao hiệu quả BT&PH GTDSVH, mục tiêu đặt ra là phải bảo tồn tối đa các yếu tố gốc cấu thành di tích, trong đó ưu tiên việc giữ gìn, bảo quản các di tích kiến trúc với các mảng chạm khắc nghệ thuật. Thứ nữa cũng cần chú ý đến sự bền vững lâu dài cho di tích sau khi được tu bổ.

disan-2.gif

Khu di tích chùa Thầy (HN) là một danh lam thắng tích nổi tiếng, tuy trải qua nhiều lần tu sửa nhưng vẫn giữ nguyên gốc tích hàng trăm năm

Chương I, điều 4, điểm 11 Luật Di sản Văn hóa quy định: “Bảo quản di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia là hoạt động nhằm phòng ngừa và hạn chế những nguy cơ làm hư hỏng mà không làm thay đổi những yếu tố nguyên gốc vốn có của di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia”. Và điều 13 quy định: “Nghiêm cấm các hành vi sau đây: 1. Chiếm đoạt, làm sai lệch di sản văn hóa; 2. Hủy hoại hoặc gây nguy cơ hủy hoại di sản văn hóa”. Điều 15, điểm 2, quy định: “Thực hiện các biện pháp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; thông báo kịp thời cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền trong trường hợp di sản văn hóa có nguy cơ bị làm sai lệch giá trị, bị hủy hoại, bị mất”. Như vậy, theo tinh thần Luật Di sản Văn hóa đã khẳng định vai trò và trách nhiệm của các cơ quan quản lý di tích và các tổ chức, cá nhân trong việc BT&PH GTDSVH. Thế nhưng, tại sao người ta lại có thể nhân tiện trùng tu chùa Lý Quốc Sư (Hà Nội) để xây thêm một khối nhà ba tầng kệch cỡm đến thế ngay ở mặt tiền? hoặc xây thêm một bệ thờ to tướng án ngự trước mặt tiền di tích chùa Giác Viên (TP.HCM). Cũng tại chùa Giác Viên, khu vườn tháp bị nước tù đọng có khả năng gây hủy hoại cao nhưng tại sao các cơ quan quản lý di tích lại thờ ơ đến vậy(!?). Cơ quan quản lý nào cho phép người ta phá đi bức tường đất nghìn năm của chùa Bổ, hoặc xây một bệ tượng bê-tông cốt thép làm che toàn bộ những bức phù điêu đất nung tuyệt đẹp, tiêu biểu cho mỹ thuật gốm không men Việt Nam cuối thế kỷ XVI ở chùa Trăm Gian (Hà Nội)? Đã đến lúc phải ngăn chặn cái thói quen hễ chùa nào, ở đâu cứ có tiền là có thể sửa chùa, tô tượng vô tội vạ, bất chấp các quy tắc tối thiểu về trùng tu di tích. Nên chăng, Nhà nước cần phải xem việc bảo tồn di sản như một hoạch định chiến lược quốc gia. Điều này đòi hỏi phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý di tích với các tổ chức tín ngưỡng, cụ thể là các cấp lãnh đạo GHPGVN trong việc BT&PH GTDSVH Phật giáo. Hàng năm, Giáo hội tổ chức nhiều cuộc hội thảo về các ngành: Hoằng pháp, Giáo dục, Nghi lễ, TTXH… nhưng chưa bao giờ có cuộc Hội thảo về BT & PH GTDSVH Phật giáo. Các khóa bồi dưỡng trụ trì tại các tỉnh, thành phố trên cả nước chưa thấy đề cập đến vấn đề BT&PH GTDSVH cho các vị trụ trì - người trực tiếp bảo tồn di tích văn hóa Phật giáo. Nên chăng, Nhà nước và Giáo hội phối hợp cùng thành lập tổ thanh tra quản lý di tích văn hóa Phật giáo nhằm thường xuyên kiểm tra việc tu sửa di tích hay đôn đốc, động viên các chủ sở hữu di tích tích cực BT&PH GTDSVH Phật giáo tại nơi mình quản lý. Phối hợp cùng các cơ quan văn hóa, thông tin đại chúng tuyên truyền, phổ biến rộng rãi trong nhân dân và Tăng Ni, Phật tử về các giá trị di sản văn hóa của PGVN, góp phần nâng cao ý thức BT&PH GTDSVH trong nhân dân.

Chùa (tự, viện, tịnh xá…) cổ là nơi kết tinh di sản văn hóa, truyền thống, lịch sử của dân tộc. Người ta có thể xây dựng 1.000 tòa nhà hiện đại nhưng phá một ngôi chùa cổ thì không xây lại được, vô hình trung ta đánh mất lịch sử, mất truyền thống, mất tâm linh, mất văn hóa. Phá hoại di tích văn hóa Phật giáo là điều không thể sửa sai. PGVN chỉ có thể đến với PG thế giới bằng văn hóa của mình thông qua việc giữ gìn, bảo tồn và phát huy những di sản văn hóa truyền thống của Phật giáo.

»» Kỳ 1: Đến chùa xót dạ... thương chùa

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày