Bhutan: Vũ điệu 500 năm tuổi Pema Lingpa

Vũ điệu "cham" luôn được biểu diễn trong các lễ hội truyền thống ở Bhutan
Vũ điệu "cham" luôn được biểu diễn trong các lễ hội truyền thống ở Bhutan
0:00 / 0:00
0:00
GN - Vào dịp kỷ niệm 500 năm ngày viên tịch của vị Đại khai Mật tạng Pema Lingpa, Vương quốc Bhutan đã tổ chức lễ tưởng niệm kéo dài một năm với nhiều hoạt động ý nghĩa, trong đó có việc biểu diễn những điệu múa linh thiêng mà ngài đã truyền dạy.

Hàng năm, tu viện Tamzhing ở Bhutan đều tổ chức trưng bày, biểu diễn các điệu múa Phật giáo và các đặc trưng văn hóa được khám phá, truyền dạy, ghi chép và thực hành bởi ngài Pema Lingpa (1450-1521), một vị Lạt-ma vĩ đại người Bhutan.

Thông qua kho tàng giáo lý và những tác phẩm của mình, ngài đã định hình đời sống văn hóa và tinh thần của người dân Bhutan, trong đó có nhiều lời cầu nguyện và phương pháp thực hành ảnh hưởng sâu sắc đến hệ thống tôn giáo của đất nước này. Một trong những di sản của ngài còn lưu truyền đến ngày nay là “cham”, điệu múa thiêng liêng được biểu diễn tại các lễ hội tôn giáo trên khắp Bhutan, đặc biệt là các dịp quan trọng của tu viện Tamzhing. Qua các vũ điệu này, mọi người dân Bhutan đều cảm nhận được sự ảnh hưởng của ngài Pema Lingpa.

Năm nay, nhân kỷ niệm 500 năm ngày Đại khai Mật tạng Pema Lingpa viên tịch, Vương quốc Bhutan đã tổ chức lễ tưởng niệm kéo dài trong cả một năm để tôn vinh ngài. Mặc dù đại dịch Covid-19 khiến các hoạt động bị hạn chế, nhưng buổi lễ và nghi thức của các năm trước được phát sóng lại một cách rộng rãi trên toàn vương quốc Bhutan.

Sơ lược về ngài Đại khai Mật tạng Pema Lingpa

Sinh ra ở thung lũng Bumthang, trung tâm tâm linh của Vương quốc Bhutan, từ nhỏ, ngài đã được nuôi dưỡng bởi người ông của mình, đồng thời tự tìm tòi và học hỏi những kiến thức thế tục và khám phá những vấn đề tâm linh từ rất sớm. Người ta cho rằng ngài nhận được sự giáo dục trực tiếp từ ngài Liên Hoa Sinh.

Pema Lingpa bắt đầu “khám phá kho báu” ở độ tuổi 27 và theo trường phái Nyingma, một trường phái lâu đời nhất của Phật giáo vùng Himalaya. “Kho báu”ở đây được cho là nơi tích trữ kinh văn, đồ vật, linh ảnh và các điệu múa linh thiêng đã được ngài Liên Hoa Sinh và các đệ tử thân cận của ngài cất giấu vào thế kỷ thứ VIII, và khi cần thiết, sẽ được khám phá lại nhằm mang đến một hình thức phục hưng về tâm linh.

Tầm ảnh hưởng của ngài Pema Lingpa không chỉ giới hạn trong địa phương của ngài mà còn tác động đến cả truyền thống Kim Cương thừa của Tây Tạng, đồng thời, những lời dạy của ngài là nguồn cảm hứng tâm linh vô tận cho nhiều vị Lạt-ma và các nhà lãnh đạo tinh thần nổi tiếng như ngài Dalai Lama thứ 5, 6 và ngài Kamapa thứ 7.

Một vài điểm nổi bật trong vũ điệu thiêng liêng Pema Lingpa

Trong truyền thống, không những các vị cư sĩ mà những nhà sư cũng tham gia biểu diễn vũ điệu Pema Lingpa (hay còn gọi là Peling) tại các lễ hội.

Pema Lingpa Tercham được biểu diễn phổ biến nhất ở Bhutan gồm bộ ba vũ điệu được gọi là Peling Ging Sum.

Vũ điệu đầu tiên được gọi là Juging (múa gậy), trong đó, 16 vũ công đeo mặt nạ hình các con thú và quấn quanh cổ với khăn vải màu vàng có in hình các biểu tượng Phật giáo. Họ múa cùng với một chiếc gậy ngắn, đây được xem là vật có sức mạnh thấu thị, tìm kiếm và bắt giữ những linh hồn xấu ác.

Trong điệu múa thứ hai, Driging (múa kiếm), các vũ công lúc này đeo mặt nạ màu đỏ với vẻ mặt phẫn nộ, đồng thời tay phải cầm kiếm theo hướng thẳng đứng trong khi thực hiện các động tác khác bằng tay trái. Họ nhảy múa theo hình tròn và dần dần tất cả sẽ tụ về phía trung tâm với ý nghĩa khuất phục những linh hồn đã bị tha hóa.

Trong phần cuối cùng, Nga Ging (múa trống), các nhà sư sẽ sử dụng mặt nạ màu xanh lam, khuôn mặt phẫn nộ cùng với một biểu ngữ nhô cao trên đầu, trong khi những người dân thường đeo mặt nạ động vật. Họ vừa nhảy vừa đánh những chiếc trống tay lớn để ăn mừng chiến thắng những điều xấu ác.

Lễ hội tại Tamzhing kết thúc theo một truyền thống đặc biệt được gọi là Uday Wang. Truyền thống này hướng đến tôn vinh sự thị hiện của vị thần Tseo Marpo và cầu nguyện sự gia hộ của ngài đối với tất cả người dân ở địa phương này.

5 nhà sư sẽ mở đầu bằng một điệu múa trầm mặc và chậm rãi để thỉnh vị thần Tseo Marpo. Tiếp theo sau là các vũ công đeo mặt nạ để rước ngài đến ngai vàng đã được sắp đặt sẵn để dâng cúng các phẩm vật. Dân làng sau khi thực hiện nghi thức lễ lạy sẽ xếp hàng để nhận được sự ban phước từ vị thần linh thiêng này. Tất cả các nghi thức thể hiện bản sắc văn hóa đặc sắc và phong tục tập quán lâu đời của người dân nơi đây.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Cử hành nghi thức niệm Phật cầu gia bị

Bình Định: Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh họp thường kỳ triển khai Phật sự cuối năm 2024

GNO - Sáng 11-12, tại Văn phòng Ban Trị sự Phật giáo tỉnh (114 Tăng Bạt Hổ, TP.Quy Nhơn), Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bình Định đã tổ chức cuộc họp thường kỳ nhằm triển khai các công tác cuối năm 2024, góp ý dự thảo tổng kết Phật sự năm 2024 và phương hướng hoạt động năm 2025.

Thông tin hàng ngày