Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Lưu Duy Dần, Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề VN cho biết, cả nước hiện có hơn 5.400 làng nghề và làng có nghề, thu hút hơn 13 triệu lao động, mang lại giá trị xuất khẩu hơn 1,7 tỷ USD/năm, góp phần không nhỏ vào an sinh xã hội và nâng cao đời sống cho nhân dân.
Đề cập về các hoa văn, biểu tượng Phật giáo trên các sản phẩm làng nghề, lãnh đạo Hiệp hội Làng nghề cho hay, ngày nay, trên nhiều sản phẩm của làng nghề, các biểu tượng cổ điển và phổ biến nhất của văn hóa Phật giáo được chạm khắc là “Tám tướng cát tường”, gồm: Lọng Bảo cái, Song ngư, Bình báu, Liên hoa, Bạch hải loa, Cát tường kết, Tràng phan chiến thắng, Bánh xe chuyển pháp luân.
Sản phẩm gốm mỹ nghệ có khắc hình hoa sen |
Phát biểu tham luận tại hội thảo, Hòa thượng Thích Thọ Lạc, Trưởng ban Văn hóa T.Ư nhận định, trong suốt chiều dài lịch sử, tuy có lúc thăng lúc trầm, nhưng không khi nào biểu tượng Phật giáo mất đi vai trò của mình. Để những tư tưởng Phật giáo, tinh thần Phật giáo thông qua các biểu tượng Phật giáo đến được với người dân là cả một quá trình truyền tải phong phú về dạng thức, chất liệu, loại hình và không chỉ chứa đựng thuần túy là tinh thần Phật giáo mà còn là trí tuệ, sự thiện tâm, giác ngộ, mến mộ của những tư tưởng, bàn tay, khối óc của tất cả những người sáng tạo, xây dựng lên những biểu tượng ấy.
“Tuy nhiên trong những thập kỷ gần đây, nhất là trong thực tiễn hiện nay, những biểu tượng Phật giáo dần vắng bóng hoặc rất ít xuất hiện trên các sản phẩm làng nghề, đặc biệt là các làng nghề sản xuất vật liệu, trang trí kiến trúc. Trong khi đó, việc sử dụng các biểu tượng có nguồn gốc Phật giáo xuất xứ nước ngoài, đặc biệt là từ Đài Loan, Trung Quốc rất phổ biến trên các sản phẩm làng nghề tại Việt Nam. Như vậy, vô hình chung, chúng ta không chỉ là nhân tố truyền bá văn hóa nước ngoài mà còn làm mất cơ hội cho sự nỗ lực kế thừa, phát huy văn hóa truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc”, Hòa thượng Thích Thọ Lạc nêu thực trạng.
Có nhiều nguyên nhân dẫn tới hệ quả đó, song một nguyên nhân cơ bản đã được Hòa thượng Trưởng ban Văn hóa T.Ư nêu ra là chúng ta còn thiếu và yếu trong nghiên cứu sáng tạo, xây dựng những biểu tượng Phật giáo chuẩn mực, đảm bảo ý nghĩa tinh thần Phật giáo để cung cấp cho người sản xuất tại các làng nghề. Từ đó dẫn tới thiếu mẫu sản phẩm mang biểu tượng Phật giáo đáp ứng nhu cầu của người dân. Bên cạnh đó, người nghệ nhân thiết kế mẫu mã vẫn sáng tạo những sản phẩm theo cách tiếp cận riêng của họ hoặc theo yêu cầu cụ thể của người đặt hàng, mà chưa có được sự nghiên cứu bài bản, chính thống, khoa học từ hệ thống giáo lý, tư tưởng cốt lõi Phật giáo.