GNO - Giác Ngộ online giới thiệu thêm một bài viết của cộng tác viên nhân 41 năm ngày ra số đầu tiên (1-1-1976 - 1-1-2017)...
-----------------
Đọc thông báo mời viết kỷ niệm với tuần báo in nhà Phật có uy tín, Giác Ngộ - TPHCM, tôi bồi ngồi nhớ lại...
Nhân duyên với báo đến khi tôi công quả trong một ngôi chùa ở Cà Mau, có nỗ lực tìm hiểu Phật pháp. Những lần đến thăm viếng vị Ni trụ trì cao tuổi trong vùng, trong nhiều sách kinh - luật - luận được cho mượn và tặng, có những cuốn báo Giác Ngộ lần đầu được thấy - ấn tượng ở trình bày bìa trang nhã, đẹp, giấy tốt. Rồi lần hồi, đọc, thấm lời pháp trong những con chữ, hơi thở giáo hội qua ngòi bút phản ánh cùng hình ảnh, riết đọc báo thành thói quen và cố gắng tìm từ nhiều nguồn khác nhau.
Ấn phẩm Giác Ngộ (tuần báo) tại nhà in Nguyễn Minh Hoàng
- báo ra mắt bạn đọc vào thứ 6 hằng tuần - Ảnh: B.Toàn
Bước ngoặt lớn với tôi chính ở... việc đã gan dạ viết và gửi bài cho tuần báo, thường xuyên dù... bặt vô âm tín. Rồi một ngày đẹp trời, tôi có bài được đăng! Hạnh phúc vỡ òa...
Bài cộng tác được biên tập sử dụng đếm hết bàn tay rồi hai tay! Những phiếu nhuận bút in hai màu trắng - xanh gửi cùng báo biếu thực sự là sự kiện với một người học vụng, viết cạn ở vùng quê xa xôi cực Nam.
Đọc, rồi viết cộng tác ở những mục nho nhỏ, tôi được học làm báo, hơn nữa: học lời Phật, quá trình viết, đồng thời trải nghiệm sự tiếp thu sâu sắc Phật pháp. Và như thế, cho dù cộng tác với một số tờ báo “ngoài đời”: Tuổi Trẻ, Người Lao động, Giáo dục và thời đại..., song cộng tác với tuần báo Giác Ngộ hoàn toàn khác biệt ở xúc cảm viết, thái độ và động cơ của một Phật tử.
Cho dù không thuộc cộng tác viên có nhiều bài, song kỷ niệm với Giác Ngộ tôi có nhiều...
Này là tấm ảnh nóng cuộc tam bộ nhất bái qua địa phương được Giác Ngộ online sử dụng ngay; bài viết nhanh về nhà trẻ mồ côi chùa Long Phước - Bạc Liêu và mới nhất, chiếc cầu mơ ước của Thượng tọa trụ trì chùa Liên Hoa (Đông Hải, Bạc Liêu). Vui chút xíu khi “thoát” được những bài viết cảm xúc cá nhân, đã có thông tin mang tính thời sự Phật giáo, dù thô vụng.
Cộng tác mấy năm, tôi vẫn không biết... trụ sở tòa soạn! Có khi “tưởng tượng” chốn ấy đặt trong một ngôi chùa! Rồi mới đây, nhận nhuận bút, tôi liều bắt xe lên Sài Gòn một chuyến, trung chuyển thẳng đến địa chỉ tuần báo qua thông tin trên trang in đường Nguyễn Đình Chiểu (Q.3).
Trong ánh mai Sài Gòn, tôi vỡ ra: đấy là trụ sở xinh xắn tọa lạc ở vị trí đẹp, không phải một ngôi chùa! Và trong sáng ấy, tôi được gặp cựu phó thư ký tòa soạn, anh Trần Đức, được anh chỉ vài “chiêu thức” làm báo; trò chuyện với anh bảo vệ là cựu quân nhân, lại có nhuận bút mọn cho bài viết online!
Thế đấy, đọc, viết, có bài đăng, và đã đến tận tòa soạn, nhớ nơi ấy có hai chậu sứ nhỏ trước bậc tam cấp, ngoài cổng có quán cà phê nóng của một dì người Huế, vui rồi.
Có những ký ức thú vị: lần nọ, khi có bạn rủ hành hương Thường Chiếu (Đồng Nai), đang băn khoăn lộ phí, bỗng điện thoại có tin nhắn từ ngân hàng: báo Giác Ngộ chuyển nhuận bút! Chưa hết, lần kia dự hội thảo hoằng pháp ở Đại Tòng Lâm (BR-VT), đủ duyên nghe pháp từ vị Tổng biên tập khả kính của tuần báo: Hòa thượng Thích Trí Quảng.
Báo đã bước vào năm 41, viết mà cảm xúc nhiều... Mới về từ Thào Lạng trên Tỉnh lộ 38 hướng về Vĩnh Châu, tiếp xúc vị sư cô hơn tám mươi tuổi tu trong tịnh thất Diệu Tường, một mạnh thường quân có tiếng trong vùng, tôi đã được nghe: tôi đọc thường xuyên báo Giác Ngộ từ lâu và, cụ cầm lên tờ tuần báo mới tinh từ chiếc bàn con bên cạnh! Tôi đã có được bức ảnh thú vị còn nóng hổi cách đây đúng một ngày. Tuần báo hàng đầu trong làng truyền thông Phật giáo ở phương Nam đã lan tỏa xa như thế, tận những vùng sâu - có lẽ quản lý, biên tập, phóng viên tuần báo chưa từng biết đến!
Chia sẻ kỷ niệm với một tuần báo, ấm trong lòng...
Lời nhắn về “trên ấy”: dưới này có một CTV giữ rất kỹ những phiếu nhuận bút trang nhã có logo GIÁC NGỘ in xanh xanh... Đấy là sưu tập dễ thương.
Cùng bạn đọc; Nhân dịp kỷ niệm 41 năm ngày báo Giác Ngộ ra số đầu tiên (1-1-1976 – 1-1-2017), báo đã đón nhận nhiều góp ý của bạn đọc, có người mong báo đẩy mạnh phản ánh những tiêu cực từ cuộc sống lẫn cá nhân tu sĩ để gìn giữ hình ảnh đẹp của thiền môn, có bạn đọc yêu cầu Giác Ngộ tăng cường tương tác với bạn đọc bằng việc để bạn đọc viết nhiều hơn, nên có các clip thuyết giảng, phát trực tiếp, rồi còn mong báo mở trang Du lịch tâm linh... Trong tuổi mới, báo mong tiếp tục được lắng nghe ý kiến bạn đọc và sẽ cố gắng hoàn thiện để phục vụ độc giả tốt hơn. Kính chúc chư tôn thiền đức, Phật tử, quý bạn đọc, CTV của báo có những ngày cuối năm thảnh thơi, làm mới thân-tâm để đón một mùa xuân an lành trong ánh sáng của mười phương chư Phật. Tòa soạn |