Buồn vì đến chùa mà không đọc được hoành phi, câu đối bằng chữ Hán

Chùa Trấn Quốc, ngôi cổ tự ngàn năm tuổi, gắn liền với giá trị lịch sử, văn hóa của thủ đô Hà Nội - Ảnh: Quảng Hậu
Chùa Trấn Quốc, ngôi cổ tự ngàn năm tuổi, gắn liền với giá trị lịch sử, văn hóa của thủ đô Hà Nội - Ảnh: Quảng Hậu
0:00 / 0:00
0:00

Hỏi: Tôi thường xuyên đi chùa và nhận thấy có những chùa trang trí các bức hoành phi, câu đối hoặc bằng chữ Việt (có thể là cách điệu) rất dễ đọc và dễ hiểu. Những ngôi chùa cổ thì dùng chữ Hán là bình thường. Tuy vậy, có những chùa mới xây dựng nhưng hoành phi, câu đối lại dùng chữ Hán.

Chúng tôi thuộc thế hệ trẻ, không đọc được và không hiểu rõ ngữ nghĩa của những chữ Hán đó nên cảm thấy không thoải mái và khá buồn. Xin quý Báo cho biết:

1-Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) có quy định nào về việc sử dụng chữ Việt hoặc chữ Hán trong các cơ sở thờ tự của Giáo hội không?

2-Chùa là nơi thờ Phật, nơi tu tập của chư Tăng Ni đồng thời cũng là nơi để Phật tử và người dân đến đảnh lễ, thể hiện niềm tôn kính và tu học theo giáo lý Đức Phật. Trước thực trạng, số lượng các bạn trẻ hiện nay đến chùa rất đông nhưng họ không đọc, không hiểu được ý nghĩa các bức hoành phi, câu đối được bố trí khắp chùa thì Giáo hội có giải pháp gì không?

(ĐOÀN LÊ, doannk...@gmail.com)

Bạn Đoàn Lê thân mến!

Hoành phi, câu đối là một phần không thể thiếu của kiến trúc chùa Việt. Trong những ngôi chùa cổ hay khá xưa thì hầu hết hoành phi, câu đối đều được ghi bằng chữ Hán. Những năm gần đây, nhiều chùa có xu hướng đổi mới, tất cả hoành phi, câu đối đều được ghi bằng chữ Việt với nhiều hình thức tự dạng khác nhau. Đây là điều đáng mừng, vì mọi người có thể đọc và hiểu được phần nào những lời dạy của Đức Phật hoặc tổ thầy.

Vấn đề bạn quan tâm, GHPGVN có quy định nào về việc sử dụng chữ Việt hoặc chữ Hán trong các cơ sở thờ tự của Giáo hội không? Hiện GHPGVN chưa có quy định nào về vấn đề này. Tất cả việc xây chùa, trang trí, thờ tự trong chùa đều do vị trụ trì (hay ban quản trị) chùa quyết định. Như vậy, chọn chữ Hán hay chữ Việt trong hoành phi, câu đối của chùa là do vị trụ trì.

Thiển nghĩ, việc chọn chữ Hán hay chữ Việt cho hoành phi, câu đối của chùa là điều không dễ với vị trụ trì. Thứ nhất, chữ Hán đã chiếm vị trí độc tôn trong thể loại này hàng ngàn năm. Kế đến, xét về cấu trúc câu chữ, vần điệu, ngữ nghĩa, đối ứng… của đối liễn thì chữ Hán có lợi thế hơn. Mặt khác, bộ sưu tập về hoành phi, câu đối chữ Hán của tiền nhân khá đồ sộ, nhiều câu hay, ngữ nghĩa đúng, đối ứng chuẩn… nên sử dụng sẽ yên tâm hơn. Hoành phi, câu đối của chùa là một trong những đề tài được thảo luận nhiều, săm soi kỹ, có thể đem giảng dạy nên nếu có sơ suất nhỏ nào cũng trở nên hệ trọng.

Dĩ nhiên, hoành phi câu đối bằng chữ Việt là điều hay nhưng cũng có khó khăn riêng. Hiện chưa có nhiều câu đối chữ Việt hay, đạt chuẩn âm vận ứng đối cùng nghĩa lý Phật pháp sâu sắc để sưu tầm. Do vậy, nhiều vị trụ trì cũng muốn sử dụng hoành phi, câu đối bằng chữ Việt nhưng khó tìm được câu hay. Tuy khó nhưng nếu cố gắng sáng tác, quyết tâm sưu tầm và không quá sính dùng chữ Hán thì vẫn có thể tìm được. Đây chính là vấn đề tâm huyết, ý nguyện cũng như trình độ, nhận thức của những vị xây chùa nhằm hoằng dương Chánh pháp.

Hiện nay không cứ là người trẻ mà ngay cả người già, thậm chí là chư Tăng Ni có học căn bản Hán văn cũng khó có thể hiểu hết ý nghĩa của hoành phi, câu đối bằng chữ Hán. Mọi người đến chùa mà không đọc và hiểu được ý nghĩa những lời dạy của Phật Thánh trên hoành phi, câu đối là một thiệt thòi. Chức năng hoằng pháp của ngôi chùa bị giới hạn, giảm thiểu. Do vậy, vấn đề sử dụng hoành phi, câu đối bằng chữ Việt trong chùa viện Phật giáo dù khó khăn nhưng rất cần thiết.

Ai cũng biết, xây chùa là để hoằng pháp. Hoành phi, câu đối để ghi lại lời dạy của Phật và chư Tổ nhằm trao truyền đạo lý cho quần chúng Phật tử và nhân dân. Người dân đến chùa lễ Phật, cầu nguyện, đọc vài câu đối mà thức tỉnh, thấm nhuần đạo lý, sống lợi mình và ích người là chức năng hoằng pháp của câu đối.

Thiết nghĩ, Giáo hội cần quan tâm đến vấn đề này và sớm có những thiết chế về quy chuẩn chùa Việt. Quan trọng hơn, mỗi vị trụ trì khi xây chùa cần lưu tâm đến mục tiêu hoằng pháp sâu rộng, phục vụ quảng đại quần chúng để giúp mọi người hiểu được ý nghĩa những lời dạy của Phật tổ thánh hiền thông qua hình thức hoành phi, câu đối trong chùa mà mạnh dạn dùng chữ Việt.

Chúc bạn tinh tấn!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Có 27 thanh niên từ 16 quốc gia tham gia chương trình Bồ-tát Trẻ tuổi Toàn cầu đã tạo nên một cộng đồng quốc tế đa dạng

Chương trình Bồ-tát trẻ tuổi

GNO - Mạng lưới Phật tử Nhập thế Quốc tế (INEB) vừa qua đã tổ chức Chương trình Bồ-tát Trẻ tuổi Toàn cầu hàng năm, một khóa học trải nghiệm kéo dài hai tuần dành cho các nhà lãnh đạo trẻ và các nhà hoạt động xã hội.

Thông tin hàng ngày