Cả làng thơm hương hoa cúc

GN Xuân - Thuở còn tại thế, thầy tôi rất yêu hoa cúc, đặc biệt cúc vàng. Mỗi năm, nhân dịp xuân về, chùa tôi ngập sắc vàng tươi; cúc hoa từng luống, từng luống tựa như một tấm y vàng vĩ đại choàng kín cả khu vườn. Vẻ đẹp giản dị, dịu dàng và mùi hương nhẹ nhàng dễ chịu của loại hoa bình dị ấy luôn quyến rũ thầy trò chúng tôi. Chăm sóc hoa, vì vậy, không còn là công tác chúng, mà là một niềm vui sinh động, tao nhã.
hoa cuc.jpg
Vẻ đẹp giản dị, dịu dàng và mùi hương nhẹ nhàng dễ chịu
của loại hoa bình dị ấy luôn quyến rũ thầy trò chúng tôi - Ảnh minh họa

Dạo đó, vào cuối tháng Chín, mỗi sáng, thầy trò chúng tôi tay cuốc tay cào cùng ra làm đất. Khoảng đất rộng trước và hai bên chùa được chúng tôi xới tung lên, phơi ải, đánh luống. Đến đầu tháng Mười, hoa giống được đem về, mấy thầy trò chia nhau ra trồng. Tiếng cười, tiếng nói rộn rã. Khoảng cách thầy trò ngắn lại, thân thiết, đậm đà. Đó là những kỷ niệm rất khó quên với thầy, mà sau này, khi có dịp ngồi lại với nhau, mấy huynh đệ chúng tôi không khỏi tiếc nuối, ngậm ngùi.

Tết năm đó, sau khoảng thời gian đưa ông Táo về trời, chùa tôi bắt đầu rực vàng hoa cúc. Rất nhiều Phật tử dưới làng lên viếng chùa trầm trồ khen ngợi. Thầy tôi hoan hỷ, không tiếc tay tặng cho mỗi người chục gốc, gọi là “lộc Phật”. Một người được lộc thì kháo nhau mười người lên xin. Chẳng mấy chốc mà khoảnh đất rộng phía trước và hai bên chùa trở thành tấm y vàng lỗ chỗ. Điều đó “ám ảnh” huynh đệ chúng tôi đến nỗi mỗi khi thấy ai đó hăm hở bước qua cổng tam quan vào chùa là ai nấy đều nơm nớp lo sợ. Y như rằng thầy sẽ sai chúng tôi ra nhổ hoa tặng khách. Khách ra về với nụ cười hoan hỷ trên môi, còn chúng tôi thì nhìn theo ngơ ngẩn tiếc…

Hăm tám Tết, hoa chùa không đầy một luống, nhưng có vẻ như khách vẫn chưa ngừng viếng thăm. Sư huynh tôi, lúc đó ngoài hai mươi tuổi, sợ rằng sẽ không còn hoa cúng Phật nữa, bèn thưa với sư phụ, rằng thầy ơi thầy đừng cho nữa, đến giao thừa chắc chùa mình chẳng còn cái “lộc” nào đâu… Thầy tôi cười, kêu mấy huynh đệ tôi lên. Thầy cẩn thận tự tay pha trà rồi kể một câu chuyện mà tôi vẫn còn nhớ mãi.

Chuyện kể rằng, một vị thiền sư nọ từ ngoài đồng hái về một cây hoa cúc và trồng trong thiền viện. Ba năm sau, toàn bộ thiền viện mọc đầy hoa cúc. Hương thơm của hoa làm người yêu thích, từ dưới núi cũng có thể ngửi thấy mùi hương ngào ngạt. Họ bèn lên xin thiền sư mấy nhành cúc về trồng nơi sân vườn nhà mình. Thiền sư đồng ý, họ lập tức đào hoa. Người đến xin hoa liên tiếp không ngừng, sau một thời gian ngắn, toàn bộ hoa cúc trong thiền viện đã được đào sạch.

Thiền viện không còn hoa cúc, lộ ra cảnh tịch lặng, chẳng mấy ai đến chùa. Chúng đệ tử khi thấy cảnh thê lương như thế, than thở với thiền sư: “Thật đáng tiếc, đáng lẽ vẫn còn thơm hương khắp vườn”. Thiền sư cười nói: “Càng tốt chứ sao! Ba năm sau, cả làng dưới kia đều thơm hương hoa cúc!”.

Kể xong, thầy bảo: “Mấy con thấy không, nếu hoa cúc là pháp Phật, là điều thiện lành, các con đem trao người, thì pháp lành ấy càng có cơ hội tỏa hương khắp chốn. Mất mà được đó các con à!”.

Năm đó, thầy trò chúng tôi đón xuân với vài nhành cúc, nhưng niềm vui không vì thế mà vơi bớt. Mùng hai Tết, tôi có dịp đạp xe xuống làng, thấy nhà nhà đều chưng hoa cúc vàng. “Lộc Phật” đã được thầy tôi ban trải, cả làng ngập hương.

Thầy tôi viên tịch, sư huynh lên trụ trì. Không hiểu sao nhiều năm liền sư huynh không trồng hoa nữa. Xóm làng vì thế cũng bớt thơm hương. Tết đến, về thăm chùa, tôi nhớ thầy, nhớ mùi hương hoa cúc. Tôi tự nhủ sẽ lựa dịp thích hợp nhắc cho sư huynh nhớ lại kỷ niệm ngày xưa, bởi có lẽ do trăm công nghìn việc, sư huynh quên mất rồi - cái mùi hương hoa cúc nhẹ nhàng xưa xa ấy…

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Tín ngưỡng của người Việt thời Hùng Vương

Tín ngưỡng của người Việt thời Hùng Vương

GNO - Khi một thành viên của gia đình và cộng đồng vĩnh viễn ra đi, người ta cần đưa tiễn họ với một số vật dụng thân thiết, để họ có cơ hội dùng tới. Tục tin quỷ của người Việt như thế đã tồn tại lâu đời, trước khi Phật giáo truyền vào và Tự Thiếu Tôn ghi lại.
Ảnh minh họa

Nuôi dưỡng giá trị nhân bản trong tâm

GNO - Ajahn Lee, một vị Tỳ-kheo tu theo truyền thống Rừng thiền của Thái Lan, đã đưa ra những cách thức để tu tập những giá trị nhân bản cốt lõi trong đời sống hàng ngày, nhằm đem đến lợi lạc cho bản thân và mọi người.

Thông tin hàng ngày