Cách thức cúng thí thực cô hồn

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

GNO - Tôi có tâm nguyện cúng thí thực cho chư vị cô hồn, những người chết chưa được siêu thoát hiện đang vất vưởng đói khổ và cầu nguyện cho họ được sanh về Cực lạc. Tôi biết chư vị ấy đói khổ nên chỉ mong cho họ được no đủ và siêu thoát mà thôi, không cầu xin gì khác. Xin quý Báo cho biết, muốn cúng thí thực cần sắm những vật phẩm gì, đọc tụng kinh nào? Hàng đêm, tôi có thể tụng kinh và hồi hướng công đức cho các vị cô hồn được không?

(VĂN NHÂN, nhannv…@gmail.com)

Bạn Văn Nhân thân mến!

Trước hết, chúng tôi xin xác định cụm từ “chư vị cô hồn” không mông lung là “những người chết chưa được siêu thoát” mà chính là những chúng sinh trong loài ngạ quỷ, một loài trong lục đạo. Vì nghiệp nhân chính yếu là tham lam, keo kiệt nên chúng sinh sau khi chết đọa vào loài ngạ quỷ chịu nhiều đói khát.

Khi cúng thí cho loài ngạ quỷ thì chư vị được tạm thời no đủ, nhưng được vãng sinh hoặc thoát kiếp ngạ quỷ hay không tùy thuộc vào khả năng tỉnh thức của chính họ. Dù được nghe kinh pháp mà không sám hối, thức tỉnh, tu hành, mong muốn thoát khỏi cảnh khổ thì ngạ quỷ chỉ được bữa no mà thôi.

Bạn đã nhận thức đúng khi “biết chư vị ấy đói khổ nên chỉ mong cho họ được no đủ mà không cầu xin gì khác”. Theo Phật pháp, cúng thí thực là phát tâm từ bi, bố thí các vật thực cho loài ngạ quỷ đang đói khát được ấm no. Nhờ mở rộng lòng thương mong cho chúng sinh bớt đói khổ và thực hành bố thí nên thành tựu công đức, phước báo.

Ngạ quỷ là một trong nhiều đối tượng cần bố thí, như bố thí cho người nghèo, bố thí cho loài súc sinh v.v… Những ai bố thí cho ngạ quỷ mà có dụng tâm mong được hỗ trợ cho điều này, việc kia thì không phù hợp với tinh thần “bố thí với đôi bàn tay rộng mở” của Phật giáo.

Lễ phẩm để cúng thí thực chủ yếu là thực phẩm, cơm cháo đồ ăn thức uống kẹo bánh nói chung cùng với hương, đèn, hoa, trái. Thiển nghĩ, không nên cúng vàng mã và tiền lẻ (nếu không yên lòng thì chỉ cúng một ít, thật ít, có tính tượng trưng mà thôi). Vì đây là những lễ phẩm thuộc tín ngưỡng dân gian với niềm tin “trần sao âm vậy” được pha trộn vào lễ phẩm thí thực Phật giáo. Vấn đề vàng mã, xét về tâm niệm “mong cho người âm được đủ đầy” thì đáng trân trọng nhưng xét về khả năng thọ dụng của ngạ quỷ thì “không tương ưng xứ” nên họ không dùng được và không thực sự lợi ích.

Sau khi sắm sanh lễ vật cúng thí đầy đủ, hợp thời là vào buổi chiều hoặc tối, đốt hương đèn, tụng niệm theo nghi thức Mông sơn thí thực. Nghi thức này thường có trong các kinh nhật tụng. Khi tụng niệm cần nhất tâm và mong cho các ngạ quỷ đói khổ được no đủ. Nếu không có nghi thức Mông sơn thí thực, bạn có thể thành tâm khấn nguyện, lòng bạn như thế nào thì khấn nguyện như thế nấy. Tâm thành thì sự thành.

Hàng ngày bạn tụng kinh, tọa thiền, niệm Phật xong hồi hướng công đức cho các loài cô hồn ngạ quỷ là điều nên làm. Việc hồi hướng công đức càng rộng lớn bao nhiêu thì lợi ích càng tăng thêm bấy nhiêu. Nhiều bộ loại ngạ quỷ sống cộng cư với loài người nơi gốc cây, giếng cạn, gò mối, nhà hoang, đồng trống v.v… Nếu bạn làm được công đức, phước báo gì mà hồi hướng đến họ thì vô cùng hoan hỷ. Khi bạn không có gì cúng thí, chỉ cần rải tâm từ “mong cho các loài ngạ quỷ xung quanh đây được hạnh phúc, an vui” thì họ đã hạnh phúc, ấm áp, an vui hơn rất nhiều.

Chúc bạn tinh tấn!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Tượng Bồ-tát Phổ Hiền

Hạnh nguyện Phổ Hiền Bồ-tát

GNO - Hạnh nguyện Phổ Hiền là đề tài rất quan trọng mà trong trang báo có hạn, tôi chỉ có thể gợi ý, không thể triển khai đầy đủ.
Lễ chào cờ trên đảo Song Tử Tây

Trường Sa thiêng liêng...

GNO - Trường Sa - hai tiếng gọi thiêng liêng, mỗi người con đất Việt đều mong ước sẽ có một lần được trải nghiệm vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam, được đặt chân lên mảnh đất thân thương của đất nước ở các đảo giữa biển khơi sóng gió…

Thông tin hàng ngày