Cần giải pháp quyết liệt về sử dụng hình ảnh, tôn tượng Phật

GN - Sau loạt bài phản ánh những vấn đề về sử dụng ảnh tượng Phật giáo trong trang trí nội thất và vật dụng phản cảm, Báo Giác Ngộ nhận được nhiều ý kiến của bạn đọc là Tăng Ni, Phật tử.

Đa số ý kiến cho rằng hiện nay, trước các sự việc liên quan đến Phật giáo, vẫn còn nhiều vấn đề đang bị bỏ ngỏ, đặc biệt là về văn hóa tôn giáo, cần hơn hết những giải pháp quyết liệt từ phía Giáo hội.

20181202_103435.jpg

Cảnh tượng một cơ sở giới thiệu sản phẩm mỹ nghệ điêu khắc đá - Ảnh: G.Hảo

Cần sự chỉ đạo chung từ Giáo hội

H2.jpg

ĐĐ.Thích Thiện Mẫn

Nói với PV báo Giác Ngộ, ĐĐ.Thích Thiện Mẫn, Phó Thường trực BTS GHPGVN quận Bình Thạnh cho biết: “Trên hết, chúng ta cần nhìn nhận rằng, đây là một việc làm gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tôn giáo mình, mà tới nay, chúng ta vẫn chưa thể có những động thái quyết liệt để khắc phục, dẫn đến việc ngày càng có nhiều trường hợp như vậy diễn ra. Nếu cứ tiếp tục tái hiện mà không có biện pháp xử lý rốt ráo từ phía cơ quan Giáo hội, đại diện cho Phật giáo, người ta dễ đi đến ngộ nhận rằng việc sử dụng tranh tượng Phật giáo như vậy là chuyện bình thường”.

Được biết hiện nay, trên địa bàn quận Bình Thạnh có trường hợp một quán cà-phê sử dụng bức phù điêu có tạc hình đầu và nửa mặt Phật, đặt để sát đất và ngay cổng ra vào, hết sức phản cảm. Theo ĐĐ.Thích Thiện Mẫn, BTS quận Bình Thạnh đã có những buổi làm việc trực tiếp với cơ quan chức năng tại địa bàn, đề xuất họ xem xét nhắc nhở đến đơn vị này cũng như đốc thúc sự hỗ trợ tích cực hơn nữa, song đến nay đơn vị này vẫn còn tiếp diễn.

“Việc góp ý chỉ là biện pháp mang tính thời điểm, vì chỉ dừng ở việc kêu gọi ý thức, sự tự giác, trong khi thực tế, những đơn vị kinh doanh này vẫn còn lạm dụng hình tượng Đức Phật ở một vị trí khác. Có thể do họ chưa hiểu biết về văn hóa tôn giáo, hoặc cố tình mượn hình ảnh tôn giáo nhằm mục đích khác. Do vậy, thiết nghĩ, trên hết cần sự cứng rắn và những động thái tích cực từ chính các cấp lãnh đạo Giáo hội trong vấn đề này, dựa trên các quyền về tôn giáo hiện hành”, ĐĐ.Thích Thiện Mẫn nhấn mạnh.

H1.JPG

TT.Thích Giác Trí

Đồng quan điểm, TT.Thích Giác Trí, Trưởng BTS quận Phú Nhuận, nơi có nhiều quán cà-phê sử dụng tranh tượng Phật trang trí, cũng chỉ rõ, đối với vấn đề sử dụng phần đầu tượng Phật để trang trí, hay đặt để tượng Phật lăn lóc, thiếu tôn nghiêm gây phản cảm, có thể nói, ngoại trừ việc cố tình của một số thành phần, thì còn lại phần lớn là do họ chưa ý thức được việc làm đó là thiếu tôn kính, tôn trọng tôn giáo, mà chỉ suy nghĩ đó là sự gần gũi, thanh tịnh… Xuất phát từ ý niệm tốt, song việc làm còn thiếu suy xét, chọn lọc tường tận nên dẫn đến việc làm phản cảm một cách vô ý, chứ không hữu ý.

“Như vậy, trước hết cần sự hướng dẫn tường tận cho họ và công tác tuyên truyền để mọi người có một nhận thức đúng đắn là việc Giáo hội cần hết sức xem xét trong bối cảnh hiện nay. BTS quận Phú Nhuận nói riêng và BTS các quận huyện trên cả nước nói chung, mong rằng có một sự chỉ đạo chung và thống nhất từ phía Giáo hội cấp cao, để có thể tiến hành giải quyết triệt để thực trạng này”, Thượng tọa chia sẻ.

Có những khách hàng khi tiếp cận với các sản phẩm có hình ảnh Đức Phật, chẳng hạn như sản phẩm ốp điện thoại dùng hình ảnh Đức Phật trang trí, họ đã bày tỏ ý kiến, cho rằng cá nhân họ không đồng ý, không chấp nhận.

Một số bạn đọc, qua email cho biết ý kiến phản đối, và cũng mong Giáo hội quan tâm, làm việc với các cơ sở, đặc biệt là đối với các cơ quan quản lý về văn hóa, để chỉnh đốn việc làm xúc phạm đến tín ngưỡng của số đông người dân, Phật tử ở Việt Nam.

Giáo hội cần xem xét trách nhiệm của các ban ngành trực thuộc

Qua đó có thể thấy, việc Giáo hội cần gấp rút có những công văn chính thức chỉ đạo đến các BTS tỉnh thành, quận huyện, về phương hướng giải quyết vấn đề liên quan đến văn hóa Phật giáo, cũng như tỏ rõ quan điểm trước các sự việc của tôn giáo mình, là việc làm cần ưu tiên hàng đầu. Bởi, văn hóa là yếu tố nền tảng, quyết định sự phát triển ổn định của bất cứ lĩnh vực nào, đặc biệt là trong bối cảnh khủng hoảng văn hóa chung hiện nay, mà văn hóa tôn giáo cũng là một phần trong đó.

Như TT.Thích Giác Trí nhận định, Phật giáo cần có các biện pháp tuyên truyền thiết thực đến cộng đồng về văn hóa tôn giáo mình, thông qua mỗi một cơ sở tự viện, để từ đó có sự hướng dẫn đúng đắn cho trước hết là Phật tử, sau lan rộng đến các cộng đồng khác. Đặc biệt “đối với các trường hợp cố tình dùng tranh tượng Phật nhằm mục đích ác ý… thì cần sự chỉ đạo từ phía Giáo hội và sự can thiệp từ chính quyền địa phương”.

H3.jpg


Quán cà-phê sử dụng phù điêu có hình Phật trang trí phản cảm tại Q.Bình Thạnh

Cũng vậy, đề cao vai trò của Giáo hội trong vấn đề này, ĐĐ.Thích Thiện Mẫn nhấn mạnh: “Nếu chính Phật giáo chúng ta không lên tiếng, không có những văn bản, đề xuất đến Nhà nước thì sẽ còn nhiều tình trạng này diễn ra và trở thành chuyện bình thường. Vậy, sự tôn trọng tôn giáo nằm ở đâu? Bên cạnh đó, khi có các văn bản chính thức từ các cấp Giáo hội, BTS sẽ có phương hướng thực hiện triệt để hơn, về phía chính quyền cũng sẽ có những hành động hỗ trợ thiết thực và mạnh mẽ hơn, không chỉ trên địa bàn quận huyện, mà lan rộng cả nước”.

Có thể thấy, Giáo hội có các ban ngành với đầy đủ các chức năng phù hợp, như Ban Văn hóa, Ban Hoằng pháp, Ban Hướng dẫn Phật tử v.v… Như vậy, truy vấn về vai trò và trách nhiệm để giải quyết các thực trạng liên quan đến văn hóa Phật giáo đang còn tồn đọng hiện nay, đơn cử như việc lạm dụng tranh tượng Phật giáo trong trang trí mà Giác Ngộ đã phản ảnh, là khó tránh khỏi.

Việc sử dụng tranh tượng Phật trong trang trí không chỉ diễn ra tại các nhà hàng, quán ăn, quán cà-phê, mà ở các nơi chuyên làm đẹp như spa, thẩm mỹ viện v.v… cũng dễ bắt gặp. Xét về mặt đức tin, có thể người thiết kế hoặc chủ nhân của các cơ sở này xem đây là một hình ảnh thánh thiện, tuy nhiên, do thiếu hiểu biết, thiếu sự hướng dẫn, nên dẫn đến việc họ đã đặt để không đúng chỗ, lạm dụng, đưa đến sự phản cảm.

Chúng ta có thể lấy Thái Lan làm một ví dụ điển hình cho việc hướng dẫn Phật tử và người dân có một nhận thức rằng, không nên sử dụng đầu tượng Phật trong trang trí dưới bất cứ hình thức nào. Họ phát đi những thông điệp “Đức Phật là để kính lễ, không phải là hình ảnh dùng trong thiết kế, trang trí”, và phổ biến bằng những bảng lớn đặt nơi công cộng, để nhắc nhở người dân.

H4 (1).jpg
Nhiều người phản đối việc lạm dụng hình ảnh Đức Phật dùng làm trang trí vật dụng hàng ngày

Tại một số quốc gia có Phật giáo là tôn giáo truyền thống, được số đông người dân tín ngưỡng, có cả những luật lệ xử phạt, thậm chí cấm nhập cảnh đối với khách du lịch có hình xăm Đức Phật trên cơ thể.

Điều này cho thấy, rất nhiều quốc gia đã có một sự hướng dẫn và định hướng chung cho toàn dân và cả khách du lịch về văn hóa Phật giáo nói riêng, góp phần củng cố văn hóa đất nước nói chung. Vậy, với một nền tảng vững chắc, một hệ thống Tăng đoàn đầy đủ các ban ngành, nội quy như hiện nay, Giáo hội cần khẩn trương và quyết liệt đề ra những biện pháp hướng dẫn chung không chỉ dành cho Phật tử mà cho cả cộng đồng, về một ý thức văn hóa Phật giáo, phù hợp với văn hóa truyền thống của nước ta, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam là quốc gia được đăng cai tổ chức Đại lễ Vesak 2019 lần này.

Giao Hảo - Quảng Hậu

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Vô thường

Lá vàng ắt phải rụng rơi...

GNO - Sớm nay, tôi ghé chùa lễ Đức Quán Âm. Tôi thấy ba vị Tăng cử hành một nghi thức trước đài Quán Âm. Một cỗ quan tài nhỏ, thật gọn, có lẽ bằng ván ép được bốn người khiêng nhẹ nhàng, cúi đầu lễ tôn tượng rồi di chuyển ra khỏi cổng chùa. Ra là một vị cao tuổi ở nhà dưỡng lão của chùa vừa qua đời tối qua.

Thông tin hàng ngày