Cao Huy Thuần: “Con nguyện giữ giới không nói dối”

Ảnh minh họa của Quảng Đạo/Báo Giác Ngộ
Ảnh minh họa của Quảng Đạo/Báo Giác Ngộ
0:00 / 0:00
0:00

LTS.Tưởng nhớ Giáo sư Cao Huy Thuần, Pháp danh Tâm Bồ, một trí thức, Phật tử thuần thành, vừa xả bỏ huyễn thân vào ngày 7-7-2024, tại Pháp, trong tiếng niệm Phật của chư Tăng và thân quyến. Chân thành cảm ơn Thượng tọa Thích Không Nhiên (ấn phẩm Liễu Quán) đã chuyển bài viết mới này của Giáo sư cho người trẻ, chia sẻ cùng bạn đọc Giác Ngộ trong niềm quý mến đối với một trí thức lớn của đất nước.

***

Bạn trẻ thân mến, tôi hân hạnh được bạn giãi bày những thắc mắc về giới thứ tư trong Ngũ giới của Phật giáo trước khi quy y: “Con nguyện giữ giới không nói dối”.

Bạn nói: Chung quanh chúng ta, nói dối tràn lan. Và chính chúng ta cũng không phải lúc nào cũng nói thật. Vậy thì thế nào là nói thật, thế nào là nói dối? Cả một chùm câu hỏi khác nối tiếp theo, câu nào cũng khó trả lời, bởi vì nói dối là một vấn đề vô cùng tế nhị, đề tài của bao nhiêu tranh luận trong triết lý từ thuở bình minh của triết lý Hy Lạp. Tôi không có tham vọng nói chuyện triết lý ở đây, chỉ có chút kinh nghiệm sống mang ra san sẻ với bạn, mong giúp bạn tự mình tìm ra cách ứng xử thích hợp trước vô vàn hoàn cảnh cụ thể xảy ra, trong những trường hợp gay cấn cũng như trong đời sống thường ngày.

Nói dối là gì? Khi quy y, bạn được cắt nghĩa: nói dối là không chân thật để mưu cầu lợi ích cho mình. Bạn được cắt nghĩa thêm chi tiết: nói dối là nói không thật, nói thêu dệt, nói hai lưỡi, nói ác khẩu, lòng nghĩ một đường miệng nói một nẻo. Tất cả đều dễ hiểu. Nhưng ví thử có người hỏi bạn thế này, bạn trả lời làm sao: Chân thật là gì? Có phải bất cứ lúc nào ta cũng phải nói y chang như lòng ta nghĩ, hay phải nói khác, hay phải tránh, hay phải im? Có phải ta phải nói thật với tất cả mọi người, hay phải lựa người mà nói, hay chỉ nói thật với những người thân? Câu trả lời không dễ, bởi vì không có một nguyên tắc chung mà chỉ có những trường hợp riêng, mỗi trường hợp mỗi khác.

Tôi thử phân tích. Thế nào là thật? Như đã nói ở trên, nói thật là khi ý nghĩ được nói ra trùng hợp với sự thực. Thế nhưng sự thật mà tôi nghĩ chắc gì đúng với sự thật khách quan? Tôi nói con voi là cái quạt, thế là thật hay dối? Là thật, là nói thật, nếu tôi nghĩ như vậy. Nói dối là biết sự thật mình nghĩ nhưng nói sai với sự thật đó với ý đồ làm cho người khác lầm lẫn. Người nói dối có hai ý nghĩ: một ý nghĩ anh ta biết là thật nhưng giữ riêng cho mình, một ý nghĩ mà anh ta biết là sai nhưng nói ra để lừa người khác. Ở đây, vấn đề không phải là sự thật có thật hay không, mà là ý đồ ở trong đầu. Nói dối, vì vậy, là giả dối, là gian xảo, là bất lương. Con trẻ phải được giáo dục như thế từ khi bước chân vào nhà trường. Có lẽ nên bắt đầu nói với con bằng hình ảnh cụ thể trước khi đi vào khái niệm trừu tượng. Nói với con rằng: nói dối là không đẹp, trước khi nói với nó: nói dối là không đạo đức.

Nói dối là không đẹp. Con hãy để ý mà xem: người nói thật lưng thẳng, đầu cao, mặt tươi, mắt sáng, lời nói thông suốt. Người nói dối trốn tránh trong cái nhìn, lắp bắp trong lời nói, môi run, da mặt đổi màu. Tất nhiên có người nói dối đóng kịch rất giỏi, nhưng hãy nhìn đứa bé lần đầu tiên nói dối, nhìn mặt nó, nhìn mắt nó, nhìn dáng điệu của nó: con ơi, không đẹp tí nào. Khi lớn lên, nếu em bé ấy đóng kịch giỏi, nó sẽ nói dối với lưng thẳng, đầu cao, mắt sáng... Nghĩa là gì? Nghĩa là tự trong lòng nó, nó biết như thế là đẹp. Bên ngoài nó càng làm đẹp, bên trong nó càng thấy tương phản với cái xấu của nó. Một nhà văn nói: “Không ai có thể vừa chân thật vừa làm ra vẻ chân thật”. Tôi muốn nói ngược lại: Không ai có thể vừa làm ra vẻ chân thật vừa thật. Trong nghệ thuật nói dối, điều khó nhất không phải là thuyết phục người khác tin ở sự chân thật của mình, mà là thuyết phục chính mình.

Nói dối là không đạo đức. Tại sao? Tại vì điều gì mình không muốn người khác làm cho mình thì mình cũng đừng làm cho người khác. Mình không muốn người khác nói dối với mình thì mình cũng đừng nói dối với người khác: ấy là cái luật đạo đức buộc người này phải tôn trọng người kia. Hơn thế nữa, có ai muốn tất cả mọi người nói dối với nhau không? Vậy thì nếu mình không muốn tất cả mọi người nói dối với mình thì mình cũng đừng nói dối với tất cả mọi người.

Cứ thử tưởng tượng một xã hội trong đó mọi người đều nói dối với nhau: chẳng ai còn tin ai, chẳng ai còn tin bất cứ điều gì, xã hội ấy có thể tồn tại được chăng? Và nếu xã hội ấy bị tiêu diệt, mình tìm đâu ra được cái hòm để chôn, vì ai biết mình đi mua hòm là nói thiệt hay nói dối? Cứ thử tưởng tượng tiếp theo: nếu vợ chồng con cái trong một gia đình không ai tin ai ở bất cứ điều gì nữa, thì anh nói gà em nói vịt, toàn vịt và gà ở chung một chuồng được chăng? Không còn xã hội, không còn gia đình. Không còn cả con người.

Là không đẹp, là không đạo đức, nói dối là bất thiện, mấy ai cãi lại? Thế nhưng, có thực tế chăng khi quả quyết rằng ta phải nói thật trong bất cứ trường hợp nào và bất cứ với ai? Trên phương diện luận lý, nếu ta trả lời “không” thì phải chăng nguyên tắc giết nguyên tắc vì không thể áp dụng được? Nếu nói thật mà có thể đưa đến một kết quả tai hại thì có nên nói thật? Khi một người cách mạng trốn trong nhà tôi để tránh lính Tây lùng bắt và lính Tây hỏi tôi có ai trốn trong nhà không, tôi nói thật được sao?

Trong đời sống thường ngày, vô vàn những trường hợp kém gay cấn nhưng rất cụ thể đặt ra. Bạn tôi sắp ra sân khấu biểu diễn mà tôi thấy cách hát của bạn vừa dượt không làm vừa lòng tôi, tôi nói thật với bạn khi bạn hỏi ý kiến? Nói dối, tôi sẽ phạm nguyên tắc đạo đức, nhưng nói thật biết đâu bạn sẽ lúng túng và biểu diễn lại còn dở hơn? Hay là lặng yên, nhưng như vậy cũng không thành thật với lòng mà bạn cũng đâm ra nghi ngờ và không tin tôi nữa? Hoặc là ví thử thế này: ví thử có người quen hỏi tôi “chàng Xoài đã kiếm được bạn gái chưa sau khi ly dị vợ?” và ví thử tôi biết nhưng trả lời lấp liếm để tránh nói dối “chàng ấy dạo này hay đi Vũng Tàu tắm biển”, thì tôi nói dối hay nói thật?

Hay cả hai vừa thật vừa dối vì quả thật chàng ấy bây giờ thường đi Vũng Tàu? Rồi ví thử vợ cũ của chàng nhân đó kiện chàng về tội không cấp dưỡng vợ con vì tiền bạc trôi theo nước biển cả rồi, và lôi tôi ra làm nhân chứng, tôi nói thế nào đây trước tòa để tránh nói thật mà không nói dối? Nói khéo quá, nửa thật nửa giả, thì là không thật, đạo đức ở đâu? Nói dối thế nào để không ai bắt bẻ được thì rơi vào ngụy biện, mà ngụy biện thì, nhân danh đạo đức, từ thuở xa xưa Platon và Aristote đã kết án. Ngụy biện là nghệ thuật tột đỉnh của nói dối. Khi các người ngụy biện nói “tôi nói dối”, ấy là nói dối hay nói thật? Nói dối sao được vì quả thật là tôi nói dối. Nói thật sao được vì tôi thú nhận là tôi nói dối mà! Đứng về mặt đạo đức, ngụy biện làm hỏng con người vì lập lờ trắng đen giữa tốt với xấu. Vì vậy mà ông Kant kết án nói dối ở mức tuyệt đối: trong bất kỳ trường hợp nào và bất cứ với ai cũng phải nói thật.

Nhưng nguyên tắc ấy lại vấp phải những phản biện vừa nói. Tuân thủ nguyên tắc thì phải vặn vẹo lời nói. Một chuyện thật như thế này có ghi trong sách vở. Một người bị lính lùng bắt và hỏi trong khi chính người ấy bơi thuyền trên sông để tẩu thoát: “Này anh kia, có thấy thằng giặc ấy ở đâu không?” Người ấy trả lời một câu tuyệt cú: “Ở gần đâu đây thôi”. Láo hay thật? Một chút thành thật là không thật, nhưng quá nhiều thành thật thì tuyệt đối là tai họa. Tôi tự hỏi không biết ông Kant sẽ nói thế nào nếu chính ông là người đang bơi thuyền lẩn trốn.

Vì vậy, một câu hỏi đặt ra: phải chăng thành thật khác với ngay thẳng? Khác với “thẳng như ruột ngựa” trong ngôn ngữ dân gian? Đôi khi vì thương người mà ta không thể nói thẳng lỗi lầm của họ - trừ khi nghĩ rằng họ có thể sửa đổi. Ông thầy thuốc có nói thẳng với người bệnh rằng ba tháng nữa anh sẽ chết? Những chuyện có tính cách riêng tư, thầm kín, ai huỵch toẹt nói ra, dù giữa vợ chồng? Thương yêu nhau mấy đi nữa, hai người không phải giống nhau như hai giọt nước, khoảng cách giữa người này và người kia bao giờ cũng có và cũng cần để tôn trọng nhau, vậy thì, trong khoảng cách ấy, dù rất nhỏ, có những chuyện không nên nói ra và không cần nói ra, nói ra chẳng có lợi gì mà chỉ hại cho hạnh phúc. Ruột ngựa quý hơn hay hạnh phúc quý hơn?

Nghĩa là: giữa chân thật và ngay thẳng, dù khó phân biệt, cũng nên phân biệt. Trong sự chân thật, bao giờ cũng có suy xét; trong sự ngay thẳng có thể thiếu yếu tố ấy. Lòng nghĩ thế nào, miệng nói thế ấy: đó là chân thật. Nhưng giữa lòng và miệng có một khoảng thời gian, dù rất ngắn, dành cho suy nghĩ. Cái gì đáng nói và nói thế nào cho có lợi thì nói. Lợi cho ai? Cho chính người khác, không phải cho mình. Chân thật đáng quý ở chỗ đó: ở chỗ có suy xét, nhưng không có tính toán vị kỷ. Ngay thẳng là lòng nghĩ miệng nói, bất cần lợi hại. Cũng là chân thật, chân thật như vàng ròng, nghĩa là chân thật đáng quý của trẻ con.

Giữa chân thật và ngay thẳng, dù khó phân biệt, cũng nên phân biệt. Trong sự chân thật, bao giờ cũng có suy xét; trong sự ngay thẳng có thể thiếu yếu tố ấy. Lòng nghĩ thế nào, miệng nói thế ấy: đó là chân thật. Nhưng giữa lòng và miệng có một khoảng thời gian, dù rất ngắn, dành cho suy nghĩ. Cái gì đáng nói và nói thế nào cho có lợi thì nói.

Đọc truyện của Anderson, ai cũng bật cười với câu nói của chú bé thốt ra hồn nhiên: “Ông vua trần truồng!”. Ông hoàng đế nghe lời xua nịnh, tưởng rằng mình bận áo quần với thứ tơ lụa trong suốt ấy thì mọi người chỉ thấy bộ y phục óng ả mà thôi, và ông lại còn hãnh diện như thế khi quần thần tung hô bộ y phục diễm lệ, cho đến khi đứa bé cứ ruột ngựa phát ngôn. Lời nói trong trắng của đứa bé là đáng quý, nhưng ví thử bé ấy thấy cha giấu cách mạng trong nhà, mà cứ phát ngôn kiểu ấy với lính, thì sao?

Từ đó, lại nẩy ra phản biện của phản biện: như vậy, phải chăng chân thật hàm chứa một giấu diếm gì đó, bởi vì sự thật không còn là sự thật thuần túy? Hay nói như một nhà văn, “một nửa mẩu bánh mì là bánh mì, nhưng một nửa sự thật không phải là sự thật”? Hơn thế nữa, nếu phải suy nghĩ rồi mới nói thì bất cứ lời nói nào lại chẳng phản trắc? Đâu có lời nói nào diễn tả nguyên vẹn điều mình nghĩ trong tâm? Nếu không, thì tại sao ai cũng than “lời nói là bất lực”? Là “ý tại ngôn ngoại”? Sao các vị thiền sư danh tiếng hà tiện lời nói, vì đạo chỉ có thể “tâm truyền tâm”? Bao nhiêu triết gia nghi ngờ sự thành thật của lời nói, cho rằng đó là một sự giấu diếm rất tế nhị để lấy được tin cậy nơi người khác. Văn hoa hơn, và bi quan hơn, có người còn nói: “Chỉ có giọt nước mắt ứa ra trong giấc mơ mới là giọt nước mắt thành thật”.

Tôi thú thật: lúc trẻ tôi rất mê một truyện của Sartre, chỉ vì tôi không tìm được lối ra cho chính tôi trong cái mê lộ giữa dối và thật, giữa phản biện qua và phản biện lại, giữa nguyên tắc và thực tế, giữa miệng và lòng. Nghi ngờ đưa tôi thẳng tắp đến cái quyến rũ của truyện Le Mur (Bức tường) trong đó, ngoài cái chết chờ đợi ba người tử tù cách mạng trong nội chiến Tây Ban Nha, còn có tiếng cười phi lý của một người tưởng chết mà sống, tưởng dối mà thật. Pablo Ibbeita, người tử tù ấy, biết bạn mình, Ramon Gris, trốn trong nhà một người quen, nhưng trước đó khai không biết, dù nếu khai thật, anh sẽ được tha. Biết trước sau gì cũng chết, anh làm một trò đùa, khai rằng Gris đang trốn trong nghĩa địa. Sáng sớm hôm sau, khi tử tù bị dẫn đi hành quyết, bỗng dưng anh được tha: quả nhiên lính đã bắt được Gris trong nghĩa địa. Dối mà thành ra thật: Gris đã trốn trong nhà nhưng thay đổi ý kiến, ra trốn ngoài nghĩa địa. Phi lý đến tột cùng, Ibbeita chỉ còn biết cười lên một tiếng. Một tiếng cười vô nghĩa, bi đát.

Tôi thoát ra được triết thuyết phi lý thời thượng của tuổi trẻ khi tôi nhận ra rằng không có gì làm tôi bất an bằng sự nghi ngờ, nghi ngờ ở trong lòng, nghi ngờ đến cả tính đạo đức của mình. Tôi cũng thoát ra được những tranh luận tế nhị về nói dối vì tôi đã đi đến kết luận và vì kết luận ấy vô cùng đơn giản: trước hết tôi phải sống thành thật với tôi. Phải thật với mình thì mới không dối với người. Tôi không nói chuyện đạo đức đâu xa. Kinh nghiệm sống của tôi làm tôi tin chắc rằng mình có Phật tính và ai cũng có Phật tính, cứ lấy Phật tính của mình ra thì thấy đâu là giả dối đâu là chân thật, ngoài ra không có tiêu chuẩn nào khác. Không ai ngoài tôi biết rằng tôi thật hay dối, không ai ngoài cái tâm trong sáng của tôi biết tâm tôi và miệng tôi có diễn tả cùng một ý hay không. Không ai ngoài Phật tính của tôi làm tôi tự bằng lòng hay tự khinh bỉ. Chỉ cái tâm trong sáng ấy biết khi nào ông Kant nói đúng khi nào ông phải nhường bước cho ngoại lệ. Tôi nguyện giữ giới không nói dối là nguyện giữ giới với cái tâm trong sáng ấy.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Đại đức Thích Đồng Thuận trao bảng ủng hộ xây dựng căn nhà mới

Chùa Minh Giác (TP.Thủ Đức) tài trợ xây dựng nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo tại tỉnh Bình Định

GNO - Ngày 19-9, chùa Bình Quang, xã Phước Sơn, H.Tuy Phước (Bình Định) được sự trợ duyên của Hòa thượng Thích Giác Trí, viện chủ chùa Minh Giác (TP.Thủ Đức, TP.HCM) phối hợp với UBMTTQVN xã Phước Sơn tặng căn nhà Đại đoàn kết cho gia đình bà Cao Thị Nho, thuộc diện hộ nghèo trên địa bàn xã.

Thông tin hàng ngày