Chào Thăng Long một nghìn năm

Kỷ niệm Thăng Long 1.000 năm cũng là kỷ niệm nền độc lập tự chủ kéo dài một thiên niên kỷ của dân tộc Việt. Một nền độc lập được giữ vững bằng máu xương, trí tuệ, ý chí tự cường và lòng yêu nước.

ó thể nói, tại Thăng Long - Đông Đô - Bắc Thành - Hà Nội, lịch sử không chỉ được khắc ghi ở các đền đài, chùa miếu, di tích mà mỗi viên gạch, mỗi gốc cây, bụi cỏ, mỗi con đường, góc phố… đều có giữ một phần máu thịt của cha ông đã để lại trong những trận chiến giành độc lập diễn ra liên miên từ thế kỷ này sang thế kỷ khác trong suốt một nghìn năm.

Nếu mỗi viên gạch, mỗi con đường, mỗi góc phố Hà Nội còn nhớ lại, thì người Hà Nội và cả dân tộc Việt không thể nào quên những trang sử hào hùng vẻ vang đó. Thế kỷ XX, chỉ mới ba mươi năm trước đây, Hà Nội đã tiễn những thanh niên ưu tú lên đường bảo vệ biên giới phía Bắc. Bảy năm trước đó, B52 rơi trên khu phố Khâm Thiên, Hà Nội đã đứng vững trong cuộc chiến bảo vệ bầu trời của mình.

Hồ Gươm, trái tim của thủ đô
Hồ Gươm, trái tim của thủ đô

Mùa đông năm 1946, Hà Nội đã cùng những chàng thư sinh mặt trắng của đội tự vệ thành tấn công giặc Pháp trong cuộc chiến không cân sức để bảo vệ cho lực lượng kháng chiến chủ lực rời Hà Nội. Họ ra đi nhưng hứa sẽ quay về khi Hà Nội còn đó. Mối tình Hà Nội sắt son đã được người lính - nhà thơ Quang Dũng gửi gắm trong những câu thơ lãng mạn mà hùng tráng trong bản hùng ca Tây tiến: “Tây tiến đoàn quân không mọc tóc, Quân xanh màu lá dữ oai hùm, Mắt trừng gửi mộng qua biên giới, Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm”.

Thế kỷ XIX, hai lần Hà Nội đã khóc Hoàng Diệu (1882) và Nguyễn Tri Phương (1873), những chiến binh thà chết theo thành chứ không hàng giặc Pháp. Thế kỷ XVIII, vận nước suy vi, Thăng Long bị những kẻ bán nước cầu vinh dẫn đường cho ngoại bang xâm lược. Nhưng hào kiệt Việt Nam vẫn còn đó. Chỉ trong một ngày đầu xuân năm Kỷ Dậu 1789, Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ hành quân thần tốc ra Thăng Long, áo ngự bào đen kịt thuốc súng, đánh tan đại binh Thanh triều do Tôn Sĩ Nghị cầm đầu, đưa Thăng Long về với tổ quốc.

Chùa Một Cột, ngôi chùa gần 1.000 năm tuổi giữa lòng Hà Nội
Chùa Một Cột, ngôi chùa gần 1.000 năm tuổi giữa lòng Hà Nội

Vào giữa thế kỷ XV, sau 20 năm nằm trong tay giặc Minh, Đông Đô lại trở về nước Việt với chiến công hiển hách của Bình Định Vương Lê Lợi, được diễn tả hào hùng trong áng thần văn Bình Ngô Đại cáo của Nguyễn Trãi: “Lưỡi dao ta đang sắc, ngọn giáo giặc phải lùi. Lại thêm quân bốn mặt vây thành, hẹn đến rằm tháng mười diệt giặc. Sĩ tốt ra oai tì hổ, thần thứ đủ mặt trảo nha. Gươm mài đá, đá núi cũng mòn, voi uống nước, nước sông phải cạn. Đánh một trận sạch không kình ngạc, đánh hai trận tan tác chim muông. Cơn gió to trút sạch lá khô, tổ kiến hổng sụt toang đê cũ. Thôi Tụ phải quỳ mà xin lỗi, Hoàng Phúc tự trói để ra hàng…”.

Thế kỷ XIII, Thăng Long chứng kiến cuộc trường chinh của dân tộc Việt ba lần đại phá quân Nguyên, cường quốc quân sự vô địch thế giới vào thời đó. Các nhà viết sử nhận định rằng: “Đó là nhờ vua thông minh quả quyết, tướng tài giỏi mưu lược, người trong nước trên dưới đồng lòng, nên dù thế giặc có mạnh, ta cũng không sợ, mà không sợ thì sẽ thắng”. Khi phải “bỏ ngỏ” Thăng Long vào tay giặc, chạy ra vùng Hải Đông để duy trì lực lượng, vua Trần Nhân Tông vẫn viết vào đuôi thuyền hai câu thơ hào khí ngất trời, thể hiện niềm tin sắt đá vào chiến thắng cuối cùng trong cuộc chiến giành độc lập:

Cối Kê chuyện cũ người nên nhớ,
Hoan Diễn còn kia mười vạn binh.

Thế kỷ XI, 65 năm sau ngày Lý Thái Tổ lập đô tại Thăng Long, Lý Thường Kiệt đã mạnh dạn lấy công làm thủ, tấn công châu Ung, châu Liêm để triệt phá hậu cần của quân Tống và sau đó dựng phòng tuyến bảo vệ Thăng Long tại sông Như Nguyệt. Để khích lệ tinh thần quyết chiến của quân sĩ, ông đã viết một bài thơ tứ tuyệt bất hủ - lời tuyên bố chủ quyền đầu tiên của dân tộc Việt - tuy ngắn gọn, nhưng đanh thép, rõ ràng:

Nam quốc sơn hà, nam đế cư
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư

Tạm dịch:

Sông núi nước Nam, vua Nam ở
Rành rành phân biệt tại sách trời
Giặc nào trái nghịch đến xâm phạm
Cũng phải thua rồi bỏ chạy thôi

Từ ngày tuyên bố chủ quyền ấy đến nay gần một nghìn năm. Điều đáng lưu ý là, kể từ khi vua Lý Thái Tổ dời đô về Thăng Long, mặc dù đất nước ta vẫn liên tục trải qua nhiều cuộc xâm lược từ bên ngoài, nhưng cuối cùng các cuộc xâm lược đều bị ta đánh bại, sơn hà xã tắc vẫn toàn vẹn, nền độc lập vẫn được giữ vững. Phải chăng, Thăng Long - Hà Nội chính là vùng đất địa linh nhân kiệt, kết phát đế vương của nước Nam? Hãy nhìn lại lịch sử của nó hơn một nghìn năm trước.

Cổng đền Trấn Vũ, một trong bốn ngôi đền thiêng của thành Thăng Long xưa
Cổng đền Trấn Vũ, một trong bốn ngôi đền thiêng của thành Thăng Long xưa

Sử chép tướng nhà Đường là Cao Biền, Tiết độ sứ Tĩnh Hải (Giao Châu), vào khoảng năm 870 đã đắp lại thành Đại La bên bờ sông Tô Lịch, bốn mặt dài hơn 1.982 trượng lẻ năm thước, cao hai trượng lẻ 6 thước, trong thành cho dân làm nhà đến hơn bốn vạn nóc gia. Tục truyền rằng Cao Biền cỡi diều giấy quan sát, thấy đất Giao Châu long mạch hùng mạnh, đất phát đế vương, bèn có ý định triệt long mạch để đất này mãi mãi không ngóc đầu lên được, tuy nhiên bao nhiêu lần ra tay đều không thành vì khí thiêng sông núi nước Nam quá mạnh.

Câu chuyện phong thủy này tuy có vẻ hoang đường, nhưng nói lên một điều quan trọng: Người dân Việt, qua hàng thế kỷ bị đô hộ, vẫn vững tin rằng mình là dân một nước độc lập, có chủ quyền. Tuy trải qua ba lần Bắc thuộc kéo dài cả ngàn năm, ý chí độc lập tự cường sắt đá của dân ta không hề thay đổi. Người dân Việt tin rằng mình thuộc dòng dõi Rồng Tiên, vua của mình xứng đáng là bậc đế vương thiên tử, làm chủ lãnh thổ phương Nam của mình, không hề kém cạnh các vương triều phương Bắc.

Ngày xưa, trong dân gian đã truyền tụng một bài diễn ca nói về khu đất kết đế vương này như sau:

“Giao Châu hữu chi địa, thăng long thành tối hùng,
Tam Hồng dẫn hậu mạch, song ngư trĩ tiền phương,
Tãn Lĩnh trấn Kiền vị, Đảo Sơn đương Cấn cung,
Thiên phong hồi Bạch Hổ, Vạn thủy nhiễu Thanh Long
Ngoại thế cực trường viễn, Nội thế tối sung dong
Tô giang chiếu hậu hữu, Nùng sơn cư chính cung
Chúng sơn giai củng hướng, Vạn thủy tận triều tông,
Vị cư cửu trùng nội, Ức niên bảo tộ long”.

Tạm dịch:

“Giao Châu có một ngôi đất như thế, khí thăng từ long mạch hùng mạnh nhất

Ba sông lớn dẫn mạch phía sau (sông Thao, sông Lô, sông Đà), Hai con cá dẫn đường phía trước (có thể là hai doi đất nổi trên sông Hồng)

Núi Tản Viên, tức Ba Vì, trấn tại phương Càn (Tây Bắc) Núi Tam Đảo giữ phương Cấn (Đông Bắc)

Nghìn ngọn núi quay về thành thế Bạch Hổ, Muôn dòng nước (từ ba con sông Thao, Lô, Gầm hội nhau ở Bạch Hạc rồi chảy về) uốn quanh tạo thế Thanh Long

Thế bên ngoài cực rộng dài, Thế bên trong rất mạnh, đầy

Sông Tô Lịch giữ ở phía sau, bên phải, Núi Nùng đóng ở chính cung

Mọi núi non đều quy phục, Các dòng nước về chầu

Là nơi ở của đế vương, Bền vững tới chục vạn năm”.

Các triều đại Đinh và Tiền Lê khi giành lấy nền độc lập non trẻ sau gần nghìn năm bị đô hộ, chiến lược sinh tồn thiên về phòng thủ, nên đã đóng đô ở thung lũng Hoa Lư với thế núi ba mặt Đông Tây Nam vây bọc như thành cao, sông suối ngoằn ngoèo như hào sâu, thế đất hiểm trở. Theo phong thủy, thế đất ấy hãm nhiều hơn phát, thế đất “cường”, khí tiêu tán bên trên, ngưng tụ bên dưới, thiên huyệt kết ở chỗ trũng, nên được nghiệp nhưng phúc trạch không dài.

Do đó, vua Lý Thái Tổ, người khai sáng triều Lý kéo dài trên 200 năm, khi vừa lên ngôi vào năm 1010, đã quyết định dời đô. Vua tự tay viết chiếu dời đô từ Hoa Lư ra Đại La, trong đó nêu rõ mục đích dời đô là vì “mưu chọn chỗ ở chính giữa là kế cho con cháu ức muôn đời, trên kính mệnh trời, dưới theo lòng dân”, để cho “ngôi truyền dài lâu, phong tục giàu thịnh”.

Việc chọn thành Đại La có lý do của nó: “Nhà Đinh nhà Lê lại theo lòng riêng, lơ là mệnh trời..., yên nơi quê quán, đến nỗi thế đại không dài, vận số ngắn ngủi, trăm họ hao tổn, muôn vật không nên”. Trong khi đó “kinh đô cũ của Cao Vương (Cao Biền) ở thành Đại La, ở giữa khu vực trời đất, có thế rồng cuộn hổ ngồi, ở giữa Nam Bắc Đông Tây, tiện hình thế núi sông sau trước, đất rộng mà bằng phẳng, chỗ cao mà sáng sủa, dân cư không khổ về ngập lụt, muôn vật rất thịnh mà phồn vinh, xem khắp nước Việt, chỗ ấy là hơn cả. Thật là chỗ hội họp của bốn phương, là nơi thượng đô của kinh sư muôn đời. Trẫm muốn nhân địa lợi ấy mà đóng đô, các khanh nghĩ thế nào?”.

Quần thần đều nói: “Bệ hạ vì thiên hạ mà lập kế dài lâu, để trên cho cơ nghiệp to lớn được thịnh vượng, dưới cho nhân dân được giàu của, nhiều người, việc lợi như thế, ai dám không theo”.

Đường phố Hà Nội mùa thu
Đường phố Hà Nội mùa thu

Mùa thu, tháng 7 năm 1010, vua dời đô từ thành Hoa Lư sang kinh đô lớn là Đại La của kinh phủ. Khi thuyền đỗ ở dưới thành, có rồng vàng hiện ra ở thuyền ngự, vì thế vua đổi tên gọi Đại La thành Thăng Long. Về cái tên Thăng Long, ngoài sự tích rồng vàng hiện ra, còn có sự giải thích theo phong thủy. Thăng Long tức là khí mạnh mẽ thăng lên từ long mạch.

Đóng đô ở Thăng Long, triều Lý thống nhất cả lãnh thổ Đại Việt, triệt bỏ ý đồ cát cứ địa phương như đã từng xảy ra trong thời thập nhị sứ quân. Khi giang sơn đã quy về một mối, thì việc phát triển cường thịnh, mở mang bờ cõi là kế sách khả thi lâu dài. Có thể nói, sự nghiệp Nam tiến của dân Việt bắt đầu từ đây, đúng như cảm nhận của Huỳnh Văn Nghệ:

“Từ thuở mang gươm đi mở cõi,
Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long”

Chiều phủ Tây Hồ
Chiều phủ Tây Hồ

Năm nay, chúng ta kỷ niệm năm thứ một nghìn thành Thăng Long trở thành thủ đô của dân tộc Việt. Đất nước Việt Nam giờ đây đang giành được thanh bình, thống nhất, độc lập, là một quốc gia có chủ quyền và có chỗ đứng xứng đáng trong cộng đồng quốc tế. Dân tộc Việt đang hăng hái phát triển kinh tế, giáo dục với mong muốn trở nên cường thịnh, có một nền dân trí cao, một nền văn hóa tốt đẹp, một nếp sống đạo đức, để có thể ngẩng cao đầu với các dân tộc khác trên thế giới, không chỉ vì chúng ta trở nên giàu có mà còn vì chúng ta văn minh hơn, đoàn kết hơn, có lòng tự hào dân tộc hơn và mong muốn hòa bình hơn.

Nhưng hòa bình và chủ quyền quốc gia là những phẩm giá không thể có được bằng sự sợ hãi và yếu hèn. Có một điều cần ghi nhớ: giang sơn gấm vóc nước Nam ngày hôm nay là do tiền nhân đã đổ biết bao xương máu mới giữ được, cho nên một tấc đất, một tấc trời, một tấc biển của nước Nam, chúng ta phải bảo vệ cho bằng được.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Hòa thượng, A-xà-lê và đệ tử

Hòa thượng, A-xà-lê và đệ tử

GNO - Thầy và trò hay sư phụ và đệ tử là những người có nhân duyên quyến thuộc đạo pháp nhiều đời. Mỗi người đều có trách nhiệm và bổn phận khác nhau. Chu toàn phận sự của mình thì Phật pháp mới xương minh, tứ chúng thập phương an ổn.

Thông tin hàng ngày